Giáo hoàng gặp các linh mục Roma – Các bài giảng không phải để trình diễn

510

Hai giờ dành để nói về ‘nghệ thuật cử hành’ [ars celebrandi] và việc giảng dạy. Đức Phanxicô kêu gọi các linh mục đồng hành với dân với nhận thức kính sợ khi gặp gỡ Chúa. Nhiều câu hỏi tự phát được đặt ra và được giáo hoàng trả lời về nhiều vấn đề như linh mục kết hôn, sự bất định tâm thần trong chủng viện, và các tín hữu nhập cư.

Vatican Insider – Iacopo Scaramuzzi

Cử hành thánh lễ là ‘đi vào mầu nhiệm và để người khác cũng đi vào mầu nhiệm nữa,’ đây là những lời của Đức Phanxicô trong buổi hội truyền thống thường niên giữa giáo hoàng với các linh mục Roma đầu mùa chay. Đây là buổi hội dành riêng, và giáo hoàng dành buổi này để nói về ars celebrandi, nhất là về bài giảng lễ.  Bài giảng lễ là thời khắc trọng tâm trong thánh lễ được cử hành, và không được biến bài giảng thành ‘ngụy biện’ hay trình diễn. Bài giảng phải dựa trên cuộc sống, cầu nguyện và khả năng mục vụ, để đi vào sự thông hiệp với ‘dân Chúa’ đến mức cùng chung tiếng khóc với dân. Sau khi rời sảnh tiếp kiến, một số linh mục đã cho biết các diễn biến trong buổi hội. Trong hai giờ tiếp kiến với giáo hoàng, các linh mục được có một khoảng thời gian thoải mái để đặt các câu hỏi, một số câu hỏi được chuẩn bị sẵn và số khác thì bộc phát. Đức Phanxicô đã trả lời thẳng thắn như lâu nay vẫn vậy, và ngài đi sâu vào các vấn đề như việc một số linh mục đã từ bỏ chức thánh và kết hôn, về vấn đề các giáo dân nhập cư và về nguy cơ các chủng sinh bị bất ổn tâm thần, một mối nguy phải tránh.

Sau bài chào hỏi ban đầu của tổng đại diện Roma, cha  Agostino Vallini, Đức Phanxicô ‘bắt đầu buổi hội, bằng cách nhắc đến một bài diễn văn ngài nói với Thánh bộ Phụng vụ Thánh và Kỷ luật Bí tích vào ngày 01 tháng 3 năm 2005, về chủ đề nghệ thuật cử hành [ars celebrandi]. Bài diễn văn này được phát cho các linh mục hiện diện. Giáo hoàng nhìn lại thời đó, khi bài diễn văn của ngài bị hồng y người Đức Joachim Meisner chỉ trích, ‘và thậm chí hồng y Ratzinger còn nói với tôi rằng, bài của tôi thiếu mất một yếu tố quan trọng của ars celebrandi, đó là cảm nhận mình đứng trước Chúa, và ngài đã đúng, tôi đã không nói về việc này.’

Ngay trong lời mở đầu, giáo hoàng kết hợp hai chủ đề, là các bài giảng [Các bài giảng là một đòi hỏi đối với mọi linh mục] và ars celebrandi, nghệ thuật cử hành, vốn nhắm đến ‘phục hồi vẻ đẹp lôi cuốn’ và ‘sự kính sợ người ta cảm nhận được khi gặp gỡ Chúa.’ ‘Một cảm giác lôi cuốn dẫn dắt bạn đến chiêm ngắm.’ Như thế, ‘cử hành là đi vào mầu nhiệm và đưa người khác vào mầu nhiệm nữa, đơn giản là thế thôi.’ Rồi giáo hoàng so sánh việc cầu nguyện và cử hành thánh lễ: ‘Khi chúng ta gặp Chúa trong lời cầu nguyện, chúng ta cảm nhận được sự kính sợ này. Khi cầu nguyện, theo kiểu thủ tục hay hình thức, chúng ta không cảm nhận được cảm giác này.’ Cũng như vậy, nghệ thuật cử hành bao gồm việc ‘cầu nguyện trước Chúa với cộng đoàn, nhưng phải là cầu nguyện như bạn thường làm vậy.’ Ngược lại, ‘khi linh mục cử hành thánh lễ, theo kiểu phức tạp và giả tạo, lạm dụng các cử chỉ, thì linh mục đó khó mà cho giáo dân cảm nhận được sự kính sợ Chúa.’ Vậy nếu, tôi quá cứng ngắc, tôi không để người khác được đi vào mầu nhiệm, và ‘nếu tôi là một người trình diễn, như thể mình là diễn viên chính của buổi lễ, thì tôi chẳng để người khác đi vào mầu nhiệm được.’ Đức Phanxicô cũng nhắc đến 2 ví dụ trái ngược nhau: câu chuyện về cha của một linh mục đang hạnh phúc bởi ông và bạn mình đã tìm được một nhà thờ nơi ‘cử hành thánh lễ mà không có bài giảng’ và chuyện về một người cháu của giáo hoàng phàn nàn bởi thay vì được nghe giảng, cô phải ngồi nghe Tổng luận Thần học của thánh Tôma suốt 40 phút.

Một linh mục nâng được lòng giáo dân, khi bản thân người đó sống liên hệ với Chúa qua cầu nguyện và chiêm niệm. Như thế, nghệ thuật cử hành không phải là nghệ thuật trình diễn, nhưng là cho giáo dân thấy những gì mà linh mục đó đã cảm nghiệm được. Để minh họa rằng bài giảng có một giá trị phụng vụ thực chất, nhưng cũng dựa vào những gì từ người linh mục, giáo hoàng giải thích rằng bài giảng không chỉ là ex opere operatur [khi ẩn sủng được truyền ban như hệ quả tất yếu của hành động được thực hiện], mà cũng không phải chỉ là ex oper operantis [khi tình trạng tâm thức của người cử hành thánh lễ quyết định việc ban truyền ân sủng], nhưng là cả hai. Đức Phanxicô nhắc đến ví dụ về các linh mục, bắt đầu chuẩn bị bài giảng lễ chúa nhật ngay từ ngày thứ hai, để bài giảng lớn lên ‘trưởng thành’ trong chính người linh mục. Và giáo hoàng cũng gợi ý 2 quyển sách về giảng dạy, một của Domenico Grasso và một của Ugo Rahner. Giáo hoàng nhắc qua về văn kiện ‘hướng dẫn giảng lễ’ vừa mới được phát hành, nhắc lại nhu cầu cần được đào tạo mục vụ phụng vụ, cho cả dân Chúa và các linh mục cũng như chủng sinh. Và ngài cũng nhắc về huấn quyền của giáo hoàng trong các bài giảng trong thánh lễ

Sau bài diễn văn mở đầu của giáo hoàng, buổi hội tiếp tục với một số câu hỏi được các linh mục soạn sẵn đặt ra và giáo hoàng trả lời. Sau 5 hay 6 câu hỏi, giáo hoàng thúc giục các linh mục hãy hỏi tự phát, và có khoảng 7 hay 8 người đã đứng lên hỏi giáo hoàng. Các câu hỏi này về nhiều vấn đề. Lời kêu gọi các Kitô hữu hãy ‘khóc’ để tránh thói ‘giả hình’ cũng được nhắc lại. Giáo hoàng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc này với các linh mục, họ phải ‘khóc cho dân Chúa,’ trong thông hiệp với cộng đoàn được giao phó cho mình. Chủ đề đào tạo linh mục cũng được nhắc đến. Cùng tinh thần với những lời đã nói trong buổi tiếp kiến với chủng viện Leonino di Anagni, giáo hoàng nhấn mạnh rằng, do bởi khan hiếm ơn gọi, các giám mục cần phải cẩn thận, không được cho vào chủng viện những người muốn gia nhập để che đậy sự ‘bất ổn’ tâm thần của mình. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng, một bài giảng tốt có thể khiến cho những tín hữu xao nhãng nhất, hay những người chỉ thỉnh thoảng mới đến nhà thờ hoặc đi lễ chỉ vì có đám tang hay đám cưới, cảm thấy được Lời Chúa lôi cuốn chứ không phải cứ đứng yên ngoài nhà thờ mà hút thuốc. Một linh mục hỏi giáo hoàng tại sao ngài từng mô tả bài giảng lễ là một ‘hành  công chính’, thì Đức Phanxicô trả lời, trích lại lời thánh Phaolô. Ngài giải thích rằng, bài giảng công chính hóa chúng ta, hay đúng hơn là làm cho chúng ta nên xứng đáng, công chính, bởi đây là thời khắc ơn Chúa đi vào chúng ta, Lời Chúa đi vào chúng ta. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng, trong cử hành thánh lễ, chính Chúa Giêsu cử hành trong chúng ta, chính Chúa Giêsu là ‘bàn thờ của dân Chúa.’

Cha Giovanni Cereti, linh mục và thần học gia, hỏi một câu về các linh mục được giải chức thánh và đi lấy vợ, rồi lại xin phục hồi chức thánh. Giáo hoàng nói rằng, không có giải pháp dễ dàng nào cho vấn đề này, và thêm rằng Thánh bộ Giáo sỹ nhận thức được việc này và đây là một vấn đề quan trọng đối với Giáo hội. Một linh mục khác nói rằng bây giờ, những người đến dự thánh lễ, thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau và nền tảng giáo dục khác nhau, cả người Trung Quốc, người dân từ Bắc Phi, những người trở lại từ Hồi giáo. Và cha hỏi giáo hoàng rằng linh mục nên có thái độ gì trước chuyện này.  Giáo hoàng nói rằng, không có những giải pháp có sẵn, nhưng ngài tin rằng một linh mục phải ‘đi vào lịch sử,’ chìm mình trong lịch sử và tìm kiếm các giải pháp trong Chúa Thánh Thần.

Giáo hoàng Phanxicô gặp các chủng sinh tại các Đại học Giáo hoàng ở Vatican
Giáo hoàng Phanxicô gặp các chủng sinh tại các Đại học Giáo hoàng ở Vatican

J.B. Thái Hòa chuyển dịch