la-croix.com, Sébastien Maillard, 15-2-2015
Sắp đến ngày kỷ niệm hai năm triều giáo hoàng của mình, trong thánh lễ chúa nhật 15-2 cùng dâng với các tân hồng y, ngài nhắc lại ước muốn có một Giáo hội “dám đi tìm những người ở xa”, dám cược với “chữ tín” của mình. Tái khẳng định sứ vụ của Giáo hội mà ngài phó cho các tân hồng y vừa được phong hôm qua, những người ngài đòi hỏi trước hết họ phải thực thi đức ái. Tác động này là thành quả sau bốn ngày họp công nghị, qua đó cho thấy có một thỏa thuận để theo đuổi việc cải tổ Giáo triều.
“Dựa trên Tin Mừng để lo cho những người ở bên lề là khám phá, là biểu lộ uy tín của chúng ta!” Bằng những chữ này, giáo hoàng đã kết thúc một trong các bài giảng mạnh nhất của ngài. Một bài giảng dài, được đọc trong sức mạnh của giọng đọc. Với các chỉ dẫn của bài tham luận ngài đọc trước mật nghị và với sức mạnh của một lòng xác quyết ăn rễ sâu trước khi làm giáo hoàng: xác quyết một Giáo hội dám “cho những người gõ cửa nhà mình được hội nhập”, dám liều mình “đi tìm những người ở xa”. Đức giáo hoàng đã long trọng diễn tả trước 150 hồng y ở Đền thờ Thánh Phêrô. Ngài nói trong bối cảnh sắp kỷ niệm hai năm triều giáo hoàng của mình và giữa hai kỳ họp Thượng Hội Đồng mà khó khăn chính xác là mở cửa ra cho những người ở xa Giáo hội hay những người cảm thấy mình không được đón nhận.
Chính do đánh giá đúng sự khó khăn của vấn đề này, khó khăn đụng đến Giáo hội của mình vượt ra ngoài các hoàn cảnh gia đình hiện nay mà bài giảng hôm qua đã được giảng. Đức Phanxicô phải cầu bàu đến Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, Thánh Phanxicô, những thánh bảo trợ triều giáo hoàng của mình để biện minh cho thái độ “thương xót” và “hội nhập” để chống “loại trừ”, ba chữ chính mà chung quanh nó, ngài nối khớp bài giảng của mình, dựa trên bài Phúc Âm Chúa Giêsu chữa lành người phung cùi của ngày chúa nhật hôm đó. “Chúng ta luôn luôn nhớ lại hình ảnh Thánh Phanxicô đã không biết sợ khi ôm người phung cùi và đón nhận những người đau khổ vì họ đã chịu đựng tất cả mọi dạng loại trừ”, ngài dẫn ra cho biết. “Dù Thánh Phêrô bị chỉ trích nặng nề, ngài vẫn bước vào nhà ông đội trưởng Corneille, một lương dân”, Đức Phanxicô nhấn mạnh câu chuyện này như tiếng vang cho những lời chỉ trích mà mình là mục đích vừa cả trong Giáo hội lẫn ở ngoài công chúng. Thánh Phaolô cũng “gặp sự kháng cự và sỉ nhục nặng nề”. Ngài phân tích, “có hai lôgic trong cách suy nghĩ về đức tin, sợ mất những người mình đã cứu và muốn cứu những người mình đã bị mất”. Bài giảng mời gọi xua tan đi nỗi sợ này. “Khi chữa lành người phung cùi, Đức Giêsu không gây bất cứ một tổn thương nào, ngược lại, Ngài giải phóng họ khỏi nỗi sợ”, chữ được lặp đi lăp lại không ngừng, giống như những chữ thành kiến và khép kín mình. “Chúa Giêsu cải cách và lay mạnh não trạng khép kín trong nỗi sợ và tự giới hạn mình vào trong các thành kiến”, Đức Phanxicô trưng dẫn như một sự tái khẳng định lại cho các sáng kiến táo bạo của mình.
Cùng một lúc, Jorge Bergoglio như muốn trấn an: không phải “đánh giá thấp các nguy cơ hay đem sói vào đàn chiên”. Nhưng cũng không có chuyện “thụ động nhìn sự đau khổ của thế gian”, nhường bước cho những “thói quen thối thác gọi lại để nghiên cứu hoàn cảnh”. Một thái độ mà Đức Phanxicô mong chờ ở các tân hồng y vừa được ngài phong hôm qua với sự hiện diện của Đức Bênêđictô XVI như năm ngoái. Từ thư của Thánh Phaolô gởi tín hữu Côrintô, bức thư nổi tiếng về đức ái, Đức Phanxicô nhắc lại các mong chờ của một hồng y. đặc biệt là khi thực thi đức ái thì không ghen tương, kiêu ngạo, hận thù: “Điều này không chấp nhận được nơi những con người của Giáo hội.” Những nội dung này khớp với các nội dung của bài giảng mà Đức Phanxicô, tu sĩ Dòng Tên giảng mỗi sáng ở Nhà nguyện Thánh Mácta. “Nếu người ta có thể xin lỗi về một lúc nào đó đã để cơn giận bùng lên và sau đó thì được kềm xuống ngay, thì bằng cách nào cũng không được có hận thù”, ngài cho biết như vậy. Người phong hồng y đầu tiên cho đảo Cap-Vert và Tonga cũng là người mời gọi “yêu người lớn nhưng đừng coi thường người nhỏ; yêu thương những chuyện nhỏ ở những chân trời lớn”. Trong bài giảng hôm nay cũng như bài giảng hôm qua, Đức Phanxicô cho thấy ngài ở thế công. Một ý chí đi đến đàng trước, trong khi năm ngoái, khi kết thúc buổi họp khó khăn trong khuôn khổ Thượng Hội Đồng về gia đình, ngài như ở trong thế thủ, thậm chí còn xin các hồng y giữ tinh thần hiệp nhất. Thật ra, điều này đã thấy rõ trong tuần vừa qua khi họp công nghị về cải cách Giáo triều. “Tôi tìm được sự hỗ trợ đích thực trên một chủ đề khó khăn”, hồng y Sean O’Malley trả lời cho báo La Croix, ngài đã trình bày cho tân ban điều hành về việc chống nạn ấu dâm: “Gồm cả trách nhiệm của các giám mục.” Dựa vào sự thỏa thuận trên việc cải tổ này, Đức giáo hoàng đã tái khẳng định nhãn quan của mình về Giáo hội, biết rằng sự thành công của Thượng Hội Đồng về gia đình tháng mười sắp tới chưa phải là một chuyện chắc chắn sẽ được. Như một hồng y của Giáo triều đã dự đoán: “Những tháng trước mặt sẽ là những tháng khó khăn.”
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch