Tình cờ là chữ Thượng Đế phát minh khi
Người không muốn điều này được biết ra.
Einstein
Xơ Marguerite- Để minh họa cho ví dụ rằng các cơ hội xảy đến cho mình là độc nhất, tôi kể cho ông nghe một câu chuyện nhỏ. Giữa các người già ở bệnh viện Nantes có một cô gái nghèo nàn nhỏ bé. Người ta không biết ngày sinh nên khó đoán tuổi em. Em không ăn bằng tay mà liếm bằng lưỡi. Em mặc một chiếc áo màu xám cũ kỹ. Tôi còn nhớ trong đầu, em tên là Blanche. Cùng với Anne-Marie, chúng tôi thay phiên nhau đến giường em để săn sóc: vệ sinh, ăn uống. Chúng tôi thử làm cho em nói, em cười nhưng thật là khó khăn. Chúng tôi gọi em là «con gái chúng ta».
Tôi dạy cho em cầm nĩa để ăn, dùng ly để uống. Tôi để ý là phải nhìn đến em luôn, nếu mình không nhìn em, em sẽ co cụm lại và bắt đầu ăn theo kiểu liếm dĩa. Tôi cho em kẹo sôcôla nhà binh, một loại sôcôla không ngon. Lúc nào tôi cũng có một mẫu sôcôla trong tạp dề. Khi nào em ăn bằng nĩa, tôi thưởng cho em một miếng sôcôla. Lúc đó tôi bực mình nhăn mặt nhưng lại có vẽ như đang cười bâng quơ. Rồi tôi không gặp em vì bệnh viện được chuyển đến Mans. Một ngày nọ, chúng tôi lại gặp nhau trên đường đời. Nhân một chuyến đi Mans, tôi đến thăm Blanche, «con gái tôi».
Jacques, ông không tưởng tượng được đâu, rất đau lòng. Từ xa tôi thấy em ngồi trên giường, em nhận ra tôi ngay lập tức, và đưa cánh tay yếu ớt của em chỉ vào túi áo măngtô của tôi.
Hôm đó tôi không đem theo sôcôla.
Tôi không có gì để cho em. Jacques ạ, đến hôm nay tôi vẫn còn giận tôi… Mặt em trở nên hoang dại; em lạc hồn, khép kín. Tám ngày sau tôi trở lại với hộp sôcôla nhưng đã quá trễ. Em không còn nhận ra tôi. Em thu mình vào thinh lặng cho đến khi em chết.
Từ đó tôi rút ra một bài học thiết yếu cho cuộc đời. Lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ người nghèo. Một việc tốt không làm ngay lập tức thì coi như vĩnh viễn mất nó, vì thế, đối với trẻ con, như tôi nói hồi nảy với ông, mình không bao giờ hẹn đến ngày mai việc mình có thể làm hôm nay.
Jacques Séguéla- Văn sĩ Stendhal đã viết: «Tất cả đều giữ trong đầu con người». Vì lý do đó hoặc nhờ Bạch mà xơ luôn luôn quan tâm đến chuyện khẩn cấp của nhân loại?
X.M.- Con người là tất cả. Khẩn cấp hay không, đó không phải là vấn đề. Ít, nhiều tôi luôn luôn giúp người bệnh, nó mang lại may mắn cho tôi, ông sẽ thấy điều này nếu có dịp chúng ta nói lại chuyện này.
J.S.- Làm sao bà nghĩ có thể giúp được?
X.M.- Hồi đó tôi là người bách nghệ. Năm 1944, vài tuần sau ngày quân đội Đồng Minh đổ bộ, tôi đậu tú tài triết và văn chương, người ta gọi đó là “tú tài chiến tranh”. Đúng là tôi thích làm nghệ sĩ nhưng mẹ tôi không bằng lòng, bà không muốn nghe đến mấy chữ “trợ cấp xã hội”. Bà ghi tên cho tôi học năm đầu tiên phân khoa Anh văn ở Paris. Tôi cũng đến Roubaix nơi cha và anh cả đang xây dựng lại nhà máy.
J.S.- Nhà máy “sợi”?
X.M.- Đúng. Tôi làm việc về máy móc như một người thợ, từ 8 giờ sáng đến 6 giờ chiều, buổi trưa nghỉ một chút.
Mới đầu chưa có hệ thống sưởi trong nhà máy. Vào giờ nghỉ trưa, chúng tôi sưởi ấm bằng cách chơi bóng bàn với anh tôi. Tôi yêu đậm đà giai đoạn này. Tôi rất thán phục tính đơn giản của cha tôi. Tôi còn nhớ cha tôi vừa điện thoại, vừa lấy mẫu giấy viết tay vừa ném cho ông Gabriel, nhân viên duy nhất trở về từ trại tù: “Gabriel cầm lấy! Sửa giùm tôi mấy lỗi chính tả!”
Xơ Marguerite im lặng một lúc. Cái thinh lặng của bà dấy lên ngay lòng nhớ nhung làm căn phòng tràn ngập nổi nhớ nhung này. Tôi như rơi vào cái duyên dáng đầy tính đơn giản của cách nói chuyện người đời xưa.
Gần như tôi xấu hổ với đời sống của tôi và thế giới chung quanh tôi.
J.S.- Ma xơ, xơ tha thiết với đời sống ở xưởng phải không?
X.M.- Đúng… Tôi thương sâu xa nhà máy này, tiếng động cơ máy móc, những bành sợi sẽ thành những cuộn len… Tuy nhiên những gì làm tôi hãnh diện thì lại làm tôi xấu hổ ở trường. Năm lớp 7 hay lớp 8, tôi huênh hoang là giúp cha tôi trong xưởng của chúng tôi…
J.S.- “Của chúng tôi…”
X.M.- Đúng, “của chúng tôi”, cha mẹ đã làm xưởng đó thành của “chúng tôi”. Tôi cảm thấy đó như nhà tôi. Tôi hãnh diện kể cho bạn bè nghe chúng tôi chế tạo con thoi như thế nào. Các bạn cùng lớp trợn tròn mắt và kêu lên: “mấy chuyện đó là công việc của thợ thuyền!”
Chúng nói với cái nhìn và với giọng khinh bỉ: “Tại sao cô này lại làm thợ như vậy?” Tôi không thể nào tả cho ông cảm nhận của tôi lúc đó. Câu nhận xét này làm tôi bị tổn thương sâu xa.
Tôi nhục nhã.
Không phải vì những gì tôi làm, không. Nhưng tôi khám phá đây là cái hố giai cấp và con người lý luận theo giai cấp chứ không theo tình huynh đệ.
J.S.- “Giai cấp”? Đó là chữ của mác-xít xơ ạ!
X.M.- Chúa không có nhãn hiệu. Đối với một vài bạn trưởng giả ở trường, họ cho là lầm lạc khi “hạ cố” làm việc tay chân như thợ thuyền…
J.S.- Chuyện của mấy người thiên tả… Đây cũng là một điểm chúng ta cần hàn gắn. Như vậy là xơ thành một nữ tu “thợ thuyền”? Tại sao xơ lại chọn đi dạy, một công việc xa với công việc làm tay chân?
X.M.- Tôi không chọn con đường giảng dạy. Tôi có một ý định mơ hồ là đi săn sóc người cùi. Một cách làm việc tay chân như y tá. Chúa đã giao cho tôi một hình thức khác và tôi thành cô giáo, đầu tiên vì vâng lời nhưng tôi không hối tiếc, ngược lại là đàng khác.
Tôi luôn luôn được hướng dẫn qua những biến cố trên cuộc đời. Đối với tôi, không có công chính nếu không có những điều kiện đầy đủ hội tụ cho công chính. Và để có những điều kiện làm cho cuộc đời giữa con người con người với nhau được tốt thì cần phải giáo dục con người. Có đầu óc được huấn luyện đúng đắn là điểm khởi đầu cho mọi sự này.
J.S.- Cám ơn triết gia Montaigne! Người ta hay quên là phải nói “có đầu óc được huấn luyện đúng” chứ không phải “nhồi nhét cho đầy đầu”.
X.M.- Đúng vậy. Điều thiết yếu không phải nhồi nhét hiểu biết nhưng là biết cách dùng nó. Không phải ai cũng có tài năng giống nhau. Để vận hành tốt, xã hội cần đến khả năng của từng người. Dù sao, xã hội cũng phải cho mỗi người một chỗ đứng, dù chỗ đứng này có khiêm tốn đi chăng nữa. Nếu không, mình sẽ ở trong một xã tội ưu tuyển với các cơ chế loại trừ của nó. Điều phải làm là phải nâng giá trị những gì người công dân thực hiện được, dù những thực hiện này nhỏ nhoi.
J.S.- Với cách nhìn muốn mọi sự điều tốt, tôi cá xơ là học sinh giỏi nhất lớp, đúng không?
X.M.- Không phải giỏi nhất lớp nhưng là học sinh tốt. Cha mẹ khổ công dạy dỗ chúng tôi. Nhưng không ai nghĩ tôi sẽ trở thành cô giáo. Khi mẹ tôi bỏ tiền vào phong bì để trả tiền học cho tôi, ông ngoại nói với mẹ tôi: “Ném tiền qua cửa sổ. Nó không thông minh, nó sẽ không học cao đâu.”
J.S.- Xơ tin ở Chúa nhưng không ai tin ở xơ. Xơ bực mình không?
X.M.- Có chứ, nhất là với mẹ. Không phải vì tôi không theo suy nghĩ của bà. Tháng 7 năm 1933, tôi được giải học sinh xuất sắc. Cha mơ tôi trở thành luật sư.
J.S.- Lại cha, cha hoài à.
X.M.- Đúng, nhưng chỉ đến khi tôi 40 tuổi, vâng lời mẹ bề trên tôi mới học luật. Tôi chỉ nghĩ đến việc đi phục vụ ở Phi châu nhưng không nghĩ sẽ làm cô giáo ở đó. Tôi ở lại Pháp hơn hai mươi năm trong một trường kỹ thuật. Rồi tôi ghi tên học luật ở Lille, trong đầu vẫn nghĩ mình sẽ đi phục vụ ở tận cùng quả đất. Các cựu thuộc địa của Pháp đã được trả độc lập hơn mười năm, ôn hòa ở Marốc, Tunisi, đau lòng ở Algêri. Mới đầu tôi nghĩ đến đi Việt Nam.
Khi xin vào dòng Nữ Tử Bác Ái, tôi mong muốn đi săn sóc người cùi. Ở trường kỹ thuật, tôi dạy các môn tổng quát: “pháp văn, lịch sử, địa lý”. Nhưng càng lớn tuổi tôi càng sợ khi đến trước mặt Chúa, tôi không trả lời được tiếng Chúa gọi tôi. Bề trên không đặc biệt quan tâm đến ngày đi của tôi. Ngược lại! Theo lời họ yêu cầu, tôi chuẩn bị vào học luật của phân khoa Nhà Nước vì Đại học Công giáo chưa có phân khoa này. Trung thực mà nói, tôi đã chuẩn bị để đi truyền giáo. Cuối cùng, nhà dòng mẹ gọi tôi về, bề trên giám tỉnh đề nghị tôi đi Brazzaville, Cônggô và tôi chấp nhận. Và chính tại Phi châu, tôi được đào tạo…
J.S.- Tất cả đều là một biểu tượng?
X.M.- Đúng. Khi nghĩ lại những chuyện này, có thể có một kỷ niệm đã làm cho tôi quyết định chọn lục địa này nhưng chỉ những năm về sau tôi mới nhận ra.
J.S.- Tôi cũng vậy ma xơ ạ, tôi không bao giờ biết tôi ở đâu lúc tôi đang làm. Tôi không bao giờ tưởng tượng ra được hệ quả hành động của tôi.
X.M.- Sau khi Đồng Minh đổ bộ ở Normandie, vào thời Giải Phóng, tôi nhớ các xe tăng của Mỹ, vào tháng 7 năm 1944 trên con đường đến Mans. Dân chúng được lính Mỹ giải phóng. Các anh chị em tôi muốn đến gần để nhìn “quân giải phóng”. Vì tò mò nhưng cũng vì sôcôla. Và cả kẹo cao su nữa! Chúng tôi biết từ trên xe nhà binh, xe tăng họ sẽ vói tay xuống phát kẹo. Chúng tôi dựng xe đạp bên lề đường và sốt ruột chờ họ đến.
Chính lúc đó một trung đoàn đến. Khi họ đến gần, chúng tôi thấy toàn lính da Đen. Đen tuyền! Trung đoàn dừng lại. Dân chúng đến chào và khen mừng rồi bắt đầu nói chuyện với họ. Quá sửng sốt, họ trợn tròn mắt nói với nhau: “Họ nói chuyện với chúng ta! Họ nói chuyện với chúng ta!”
Về sau tôi mới hiểu vì sao họ ngạc nhiên. Những người Pháp, những người da Trắng đến nói chuyện với họ, đến mừng họ, thật là điều không tin được.
Khi đó, cô em út Marie-Ange của tôi vừa chịu lễ Bao Đồng xong, cô cho một anh lính xâu chuỗi! Anh lính to cao này cảm động nước mắt chảy ròng ròng, đơn giản vì anh nghĩ mình được đối xử bình đẳng. Anh đeo xâu chuỗi vào cổ, ôm chặt Marie-Ange trong tay rồi cầm tay cô vừa đi vừa lặp đi lặp lại: “Cô sẽ đi theo tôi về Mỹ!” Giọt nước mắt tỏ lòng biết ơn của người xém mất mạng sống để mang lại tự do cho chúng tôi đã làm tôi rất xúc động. Ngày hôm sau, cha tôi mời hai người Mỹ Trắng về nhà, chúng tôi ngạc nhiên biết chừng nào!
Émile là người lính già Sénégal, thỉnh thoảng đến nhà tôi tưới vườn để kiếm chút tiền trong khi chờ đợi về xứ. Ông là tù nhân của người Đức và vẫn còn đội cái mũ xanh da trời. Vào cuối năm 44, các trại tù phát-xít và các trại tù khác gần như chẳng còn hoạt động và bị hạn chế vì sự rút lui của người Đức.
Khi vào nhà, hai người Mỹ rất ngạc nhiên vì gia đình tôi tiếp đón nồng hậu Émile, người lính da Đen. Họ đứng dậy. Họ muốn đi. Họ không hiểu vì sao gia đình tôi lại đón tiếp một người Đen. Họ không thể nào hiểu được cách biểu lộ tình bằng hữu này, họ cảm thấy bị xúc phạm. Cha tôi nói Émile ngày mai trở lại. Bữa ăn lạnh lùng từ đầu đến cuối.
J.S.- Có phải vì bất công chủng tộc mà xơ muốn đi Phi châu để giải phóng người da Đen không?
X.M.- Giải phóng, tôi không mang cao vọng này. Jácques, ông biết trước hết, tôi là một người đàn bà hành động. Tôi không phải là một nữ tu chuyên chiêm nghiệm. Lời cầu nguyện của tôi là phục vụ dù tôi bỏ thì giờ ra để nói chuyện với Chúa và nhất là nghe tiếng Chúa trong lời cầu nguyện. Những gì tôi muốn làm hồi đó đơn giản chỉ là để phục vụ người nghèo. Phần còn lại, đối với tôi chỉ là sáo ngữ.
J.S.- Xơ có nói xơ đã gặp các Nữ Tử Bác Ái như thế nào nhưng chưa nói vì sao xơ “đầu quân” vào hàng ngũ đó?
X.M.- Sau khi đậu tú tài, tôi học xem như xong chứng chỉ Anh văn nhưng càng ngày tôi càng thấy tiếng Chúa gọi mạnh hơn. Khoảng 15-16 tuổi, tôi cự lại một chút, có thể vì một vài bạn cùng lớp thấy tôi đi tu được, tôi không thích người khác quyết định giùm cho tôi. Như một hình thức phản ứng, không phải để chống lại những người chung quanh, nhưng tôi muốn mình có ý thức và quyết định một mình để đáp trả lại tiếng gọi. Như thế cho thấy tôi vẫn còn mê đóng kịch! Chúng tôi có một giáo sư linh mục cự phách về pháp văn, la-tinh, triết lý; trước hết ông gởi tôi đến Saint-Georges-de-l’Isle… tôi đã kể chuyện này rồi! Rồi tôi làm đơn đi tu và tôi được gởi tới các xơ Nữ Tử Bác Ái ở quận 11, đường Jean-Pierre Timbaud.
J.S.- Lúc đó xơ bao nhiêu tuổi.
X.M.- Vừa đúng 22. Đó là tháng 10-1948, gần một năm sau khi cha tôi mất. Tôi vào thanh viện ở L’Hay-les-Roses, sau đó ngày 7-4-1948 tôi vào tập sinh ở đường du Bac. Tôi thoải mái hạnh phúc với giáo lý của thánh Vinh-Sơn, một lối sống được dẫn dắt, tôi mặc áo dòng ngày 24-5-1950.
J.S.- Vì sao xơ phải vào tu viện để phục vụ mà không ở ngoài phục vụ với tư cách là một giáo dân?
X.M.- Người ta có thể ở ngoài phục vụ và phục vụ tốt, không cần phải vào dòng tu nhưng con người ta yếu kém khi ở một mình, họ cần ở trong khuôn khổ để hoạt động bác ái được rộng lớn hơn.
J.S.- Xơ lúc nào cũng có đầu óc thực tiễn…
X.M.- Tôi có thể “ở ngoài” nhưng không thể xây trường học vì Marguerite Tiberghien là ai? Không là gì hết… Trong khi người ta thấy cả một dòng tu đàng sau “xơ Marguerite, Nữ Tử Bác Ái”, nó đem lại “sức nặng” cho công việc truyền giáo. Nếu ông là y tá, ông có thể săn sóc người cùi, tốt. Nhưng nếu ông làm trong khuôn khổ Hội Bảo Trợ Người Cùi chẳng hạn thì sứ mạng của ông, lời nói của ông, hành vi của ông được nhân lên gấp bội.
J.S.- Như thế Giáo Hội là công cụ của xơ?
X.M.- Một nâng đỡ. Trung thành và ghi tên vào để phục vụ với những nhà sáng lập tạo nên sức nặng cho hành động của tôi. Thánh Vinh Sơn nói: “Thiên Chúa thiết lập các Nữ Tử Bác Ái là để vinh danh Chúa Giêsu Kitô, bằng cách phục vụ Người qua thể xác và tinh thần nơi những người gặp khó khăn: người bệnh, trẻ em, người bị tù và những ai không dám để lộ ra cảnh khốn cùng của họ.” Cần phải ở trong một cơ cấu nếu muốn nới rộng chân trời hoạt động của mình.
J.S.- Nhưng thánh Vinh Sơn Phaolô là một tình cờ hay một bó buộc?
X.M.- Tôi được lôi cuốn bởi một lòng mộ đạo tích cực. Thánh Vinh Sơn là người đầu tiên kéo các nữ tu ra khỏi nơi giam hãm để đi phục vụ người nghèo.
J.S.- Có phải vì thế mà hồi đó người ta kết án ông đã làm các nữ tu đi “sai đường lạc lối” không?
X.M.- Đúng phóc. Ông là người đi tiên phong trong dự án này. Ông đã rất cẩn thận để khởi đầu mọi sự được làm trong kín đáo bởi vì đó không phải là thói quen thời đó. Trong trường hợp thất bại, các nữ tu trở về sống khép kín trong dòng, đã xảy ra như thế cho các Nữ Tu Dòng Đi Viếng của thánh Phanxicô Salê.
J.S.- Như thế hồi đó thánh Vinh Sơn buộc phải làm từ thiện trong âm thầm?
X.M.- Nhất là các nữ tu không được nói mình là tu sĩ: mình chỉ là tín hữu Kitô tốt thôi. Nhưng từ xưa, các nữ tu đã quan tâm đến việc giảng dạy. Vì tôi có bằng tú tài nên họ nói “nữ tu này có thể đi dạy được”, hồi đó có ít người đậu tú tài. Năm 1950, tôi bắt đầu đi dạy ở một trường tư ở Lille.
Xavier Trần chuyển dịch