Giáo hoàng Phanxicô đã phát hành thư ngỏ cho Năm Đời sống Thánh hiến, sẽ bắt đầu khắp Giáo hội Hoàn vũ từ Chúa nhật I mùa vọng, 30 tháng 11. Và năm này sẽ kết thúc vào Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh, ngày 02 tháng 2 năm 2016.
Trong thông điệp này, giáo hoàng nhấn mạnh các mục tiêu của Năm Đời sống Thánh hiến, cụ thể là nhìn về quá khứ với lòng biết ơn, sống hiện tại với nhiệt tâm, và nắm lấy tương lai với hi vọng,
Giáo hoàng cũng bày tỏ các kỳ vọng cho một năm này là muốn những người sống thánh hiến sẽ là chứng tá cho thông hiệp, vui mừng và Tin mừng, đồng thời đi mãi đến những vùng ngoại biên để công bố Tin Mừng.
‘Tôi dựa vào các bạn ‘để thức tỉnh thế giới’, bởi dấu chỉ đặc biệt của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ. Đây là ưu tiên cần kíp hàng đầu ngay lúc này.’
Ngài cũng thúc giục các dòng tu hãy bảo đảm chống lại thói nói hành nói xấu, ghen tương và nhỏ nhen trong đời sống dòng, hãy sống ‘hiệp lực’ với các ơn gọi khác trong Giáo hội, và ‘từ ranh giới các cơ chế riêng của mình, hãy tiến bước dũng cảm hơn và chung tay làm việc.’
Giáo hoàng nói rằng ngài cũng kỳ vọng những người thánh hiến hãy nhìn lại sự hiện diện của mình trong đời sống Giáo hội và đáp lời với ‘các đòi hỏi mới luôn có cho chúng ta, và đáp lời với tiếng kêu của người nghèo.’
Đây là bản dịch trọn vẹn thông điệp cho Năm Đời sống Thánh hiến:
Thân gửi các anh chị em trong Đời sống Thánh hiến,
Tôi viết cho anh chị em với tư cách Kế vị thánh Phêrô, người mà Chúa đã giao phó trách nhiệm củng cố anh chị em mình trong đức tin (Lc 22,32). Nhưng tôi cũng viết cho anh chị em như một người anh, cũng được thánh hiến cho Thiên Chúa, như anh chị em vậy.
Chúng ta hãy cùng nhau tạ ơn Chúa Cha, Đấng đã gọi chúng ta theo Chúa Giêsu bằng việc giữ trọn Tin mừng và phục vụ Giáo hội, và đã đổ đầy lòng chúng ta với Thánh Thần, nguồn mạch hân hoan và chứng tá của chúng ta cho tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa trước mặt thế gian.
Đáp lại các thỉnh nguyện từ nhiều người trong anh chị em và từ Thánh Bộ các Dòng tu Đời sống Tận hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ, tôi quyết định công bố Năm Đời sống Tận hiến nhân dịp kỷ niệm 50 năm Hiến chế Tín lý về Giáo hội – Lumen Gentium, dành chương thứ sáu để nói về đời tu, và sắc lệnh Đức ái Trọn lành [Perfectae Caritatis] về việc canh tân đời sống tu trì. Năm Đời sống Thánh hiến sẽ bắt đầu ngày 30 tháng 11 năm 2014, chúa nhật I mùa Vọng, và kết thúc vào Lễ Chúa Giêsu vào Đền thánh, ngày 02 tháng 2 năm 2016.
Sau khi tham vấn với Thánh Bộ các Dòng tu Đời sống Tận hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ, tôi đã chọn các mục tiêu cho năm nay giống như những gì mà thánh Gioan Phaolô II đã đề xuất cho toàn thể Giáo hội vào năm khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba, và lặp lại, với ý nghĩa nhất định, những gì ngài đã viết trong Tông huấn Hậu Công đồng Đời sống Thánh hiến [Vita Consecrata]: ‘Bạn không chỉ có một lịch sử huy hoàng để tưởng nhớ và dựa vào, nhưng còn một lịch sử hào hùng đang cần đạt đến! Hãy nhìn về tương lai, nơi Thánh Thần gởi bạn đến để làm những việc còn lớn lao hơn nữa.’ (Số 110)
I. CÁC MỤC TIÊU CỦA NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
1. Mục tiêu đầu tiên là nhìn về quá khứ với lòng biết ơn. Tất cả mọi dòng tu của chúng ta đều kế thừa một lịch sử đầy đặc sủng. Nơi nguồn cội của các dòng, chúng ta thấy bàn tay Thiên Chúa, trong Thánh Thần, đã kêu gọi những cá nhân nhất định tiến bước theo Chúa Kitô một cách mật thiết hơn, chuyển dịch Tin mừng thành một lối sống cụ thể, đọc thấy các dấu chỉ của thời đại với đôi mắt đức tin và đáp trả cách sáng tạo các nhu cầu của Giáo hội. Cảm nghiệm ban đầu này chín mùi và phát triển, có thêm nhiều thành viên mới thuộc các bối cảnh văn hóa và địa lý mới, và mở ra nhiều cách thức mới để thực hành đặc sủng, nhiều khởi xướng và thể hiện mới cho đức ái tông đồ. Như hạt giống nay đã thành cây, mỗi hội dòng lớn lên và vươn dài các nhánh của mình.
Trong năm này, thật phù hợp để mỗi gia đình đặc sủng suy tư về nguồn cội và lịch sử của mình, để tạ ơn Thiên Chúa đã cho Giáo hội vô vàn ơn lành làm đẹp thêm và trang bị Giáo hội cho mọi việc tốt lành. (Lumen Gentium, 12)
Thuật lại lịch sử là điều tiên quyết để gìn giữ đặc tính của mình, để tăng cường sự hiệp nhất như một gia đình và nhận thức chung về sự hệ tại trong dòng. Đây không chỉ là việc khảo cổ học hay nuôi dưỡng một tâm thức hoài niệm đơn thuần, nhưng là lời kêu gọi theo chân các thế hệ đi trước để nắm bắt các tư tưởng cao đẹp, viễn tượng và các giá trị truyền cảm hứng cho dòng, khởi đầu với đấng sáng lập và cộng đoàn đầu tiên. Như thế, chúng ta đi đến nhìn ra cách đặc sủng của dòng đã tồn tại qua nhiều năm, sự sáng tạo bùng lên từ dòng, các khó khăn gặp phải và các đường lối cụ thể để thắng vượt khó khăn này. Chúng ta cũng sẽ gặp những trường hợp mâu thuẫn, hệ quả của sự yếu đuối của con người, và có những lúc còn là sự lãng quên một vài khía cạnh thiết yếu của đặc sủng. Nhưng tất cả mọi sự chứng minh cho thấy đây là những gì cho chúng ta học hỏi rút kinh nghiệm, và xét toàn thể, là những hành động kêu gọi hoán cải. Thuật lại câu chuyện của mình là tôn vinh Chúa và tạ ơn Ngài vì tất cả ơn lành Ngài ban.
Đặc biệt, chúng ta tạ ơn Chúa vì 50 năm đã qua sau Công đồng Vatican II. Công đồng thể hiện ‘luồng hơi’ của Thần Khí trên toàn thể Giáo hội. Hệ quả là, đời sống thánh hiến đón nhận một hành trình canh tân sinh hoa trái, và với mọi điểm sáng tối của mình, hành trình này là một thời gian ân sủng ghi đậm sự hiện diện của Thần Khí.
Mong sao Năm Đời sống Thánh hiến cũng là một dịp để, với sự tin cậy hết mình vào Thiên Chúa, Đấng là Tình yêu (1Ga 4, 8), chúng ta khiêm nhượng thú nhận những yếu đuối của mình, và qua đó cảm nghiệm tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Mong sao Năm này cũng là dịp để làm chứng mãnh liệt và hân hoan trước thế giới về sự thánh thiện và sinh khí trong nhiều người được kêu gọi đi theo Chúa Giêsu trong đời sống thánh hiến.
2. Năm này cũng kêu gọi chúng ta sống hiện tại với nhiệt tâm. Tưởng nhớ tri ân quá khứ, trong tinh thần lắng nghe chú ý đến những gì Thần Khí đang mách bảo Giáo hội ngày nay, dẫn dắt chúng ta đến với việc thi hành trọn vẹn hơn nữa các chiều kích căn bản trong đời sống thánh hiến của mình.
Từ lúc mở đầu đời sống đan viện thời cổ, cho đến các ‘cộng đoàn mới’ thời chúng ta, tất cả mọi dạng đời sống thánh hiến đều được nảy sinh từ lời kêu gọi của Thần Khí muốn chúng ta theo Chúa Giêsu như những thầy dạy Tin mừng (Perfectae Caritatis, 2). Với các đấng sáng lập, Tin mừng là luật tuyệt đối, tất cả mọi luật khác đơn thuần chỉ là một biểu lộ của Tin mừng và là công cụ để sống Tin mừng cho trọn. Với các vị này, lý tưởng chính là Chúa Kitô, họ tìm cách hiệp nhất nội tâm với Ngài, và do đó có thể chung lời với thánh Phaolô mà rằng: ‘Với tôi, sống là Chúa Kitô’ (Phi 1, 21). Các lời khấn là một biểu lộ cụ thể cho tình yêu nhiệt tâm này.
Câu hỏi mà chúng ta phải đặt ra cho mình trong Năm này là liệu có phải và làm thế nào để chúng ta cũng mở lòng đón nhận thách thức của Tin mừng, liệu Tin mừng có thực sự là ‘sổ tay hướng dẫn’ cho đời sống hằng ngày và cho các quyết định chúng ta phải thực hiện hay không. Tin mừng đòi hỏi nhiều, phải sống Tin mừng một cách triệt để và chân thành. Đọc Tin mừng thôi thì không đủ (dù việc đọc và nghiên cứu Kinh thánh là điều thiết yếu), và suy niệm Tin mừng (một việc chúng ta vui vẻ làm mỗi ngày) thôi cũng không đủ. Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hành Tin mừng, đem lời Ngài vào cuộc sống.
Một lần nữa, chúng ta phải tự hỏi mình: Liệu Chúa Giêsu thực sự là tình yêu đầu tiên và duy nhất của chúng ta, như những gì chúng ta thề hứa trong lời khấn dòng hay không? Chỉ khi thực nhận Ngài như thế, chúng ta mới đủ sức yêu thương, với sự thật và tình thương, tất cả mọi người trong đời chúng ta. Chúng ta sẽ học được từ Chúa Giêsu ý nghĩa và thực hành của tình yêu. Chúng ta sẽ có thể yêu thương bởi mang trong lòng trái tim của Ngài.
Các đấng sáng lập của chúng ta đã đồng chia sẻ lòng thương của Chúa Giêsu khi Ngài thấy đám đông bơ vơ như đàn chiên không người chăm sóc. Như Chúa Giêsu, Đấng với lòng thương, đã nói những lời đầy ân sủng, chữa lành người bệnh, ban bánh cho cho người đói, và hi sinh trao ban cả mạng sống mình, thì các đấng sáng lập của chúng ta cũng tìm thấy nhiều cách thức khác để phục vụ tất cả những người mà Thánh Thần đã gởi đến cho họ. Họ đã làm thế bằng các lời chuyển cầu, bằng việc giảng dạy Tin mừng, bằng các việc dạy giáo lý, giáo dục, phục vụ người nghèo và người yếu đuối … Sự sáng tạo của đức mến là vô tận, có thể tìm thấy vô số cách thức mới để đem sự mới mẻ của Tin mừng đến mọi nền văn hóa và mọi ngóc ngách xã hội.
Năm Đời sống Thánh hiến thách thức chúng ta xem lại lòng trung thành với sứ mạng đã được trao phó cho chúng ta. Liệu các mục vụ, công việc và sự hiện diện của chúng ta có hòa hợp với những gì Thần Khí đã khơi lên trong các đấng sáng lập của chúng ta hay không? Liệu các mục vụ và việc làm đó, có phù hợp với xã hội và Giáo hội thời nay hay không? Liệu chúng ta có cùng nhiệt tâm cho dân mình, liệu chúng ta có gần gũi với dân đến độ chia sẻ niềm vui nỗi buồn với họ, để từ đó thực sự hiểu được nhu cầu của họ và giúp họ đáp trả những nhu cầu đó hay không? Thánh Gioan Phaolô II từng nói rằng, ‘Lòng quãng đại và tự hiến đã từng hướng dẫn các đấng sáng lập của các bạn, bây giờ cũng phải thổi bừng các bạn, là con cái thiêng liêng của các ngài, để giữ các đặc sủng, vốn nhờ chính quyền năng của Thần Khí đã thức tỉnh các ngài, được sống động, luôn phong phú và phù hợp nhưng không đánh mất bất kỳ đặc tính độc nhất vô nhị nào trong đó. Mọi chuyện hệ tại nơi các bạn, để đưa những đặc sủng này phục vụ Giáo hội và hành động cho Vương Quốc của Chúa Kitô đang đến trong viên mãn.’ [1]
Nhớ lại các nguồn cội của chúng ta còn soi sáng một khía cạnh khác trong đời sống thánh hiến. Các đấng sáng lập của chúng ta đã được lôi cuốn bởi sự hiệp nhất của các Tông đồ với Chúa Kitô, và tình huynh đệ đặc nét của cộng đoàn tiên khởi ở Jerusalem Khi thiết lập cộng đoàn của mình, mỗi một đấng sáng lập đã tìm cách lặp lại những hình mẫu sống tin mừng này, để được nên một lòng một trí, và hân hoan trong sự hiện diện của Thiên Chúa (Perfectae Caritatis, 15)
Sống hiện tại với nhiệt tâm nghĩa là trở nên ‘các chuyên gia thông hiệp,’ chứng tá và kiến trúc sư cho ‘kế hoạch hiệp nhất’ là chóp đỉnh của lịch sử nhân loại theo dự định của Thiên Chúa.’ [2] Trong một xã hội phân cực, nơi các nền văn hóa thấy thật khó để sống cạnh nhau, nơi người vô lực bị đàn áp, nơi sự bất bình đẳng nhan nhản, chúng ta được kêu gọi đem lại một hình mẫu cụ thể của sự thông hiệp, bằng việc nhận thức phẩm giá của mỗi người và chia sẻ các ơn ích riêng của mình, làm sao để có thể sống với nhau như anh chị em.
Vậy nên, hãy là những con người của thông hiệp! Hãy có dũng cảm để đứng lên giữa những xung đột và căng thẳng, như một dấu chỉ khả tín cho sự hiện diện của Thần Khí đang thổi bừng tâm hồn con người ngọn lửa nhiệt tâm muốn tất cả nên một (Ga 17, 21). Sống thần nghiệm của sự gặp gỡ, kéo theo ‘khả năng nghe thấy, và lắng nghe người khác, khả năng cùng nhau tìm kiếm các đường lối và khí cụ.’ [3] Hãy sống theo ánh sáng của liên kết yêu thương giữa Ba Ngôi Chí thánh (1Ga 4, 8), hình mẫu của mọi liên hệ giữa người với người.
3. Nắm lấy tương lai với hi vọng, phải là mục tiêu thứ ba của Năm này. Chúng ta đều biết các khó khăn mà nhiều dạng đời sống thánh hiến đang phải trải qua: sự sụt giảm ơn gọi, và lão hóa thành viên, đặc biệt ở thế giới phương Tây; các vấn đề kinh tế nổi lên từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu; các vấn đề quốc tế hóa và toàn cầu hóa; các đe dọa từ chủ nghĩa tương đối và tâm thức cô lập cũng như sự vô lý trong xã hội … Nhưng chính giữa những bất định mà chúng ta cùng chia sẻ với những người đương thời này, chúng ta được kêu gọi thực hành đức cậy, là hoa trái từ đức tin vào Thiên Chúa của lịch sử, Đấng luôn bảo chúng ta rằng: ‘Đừng sợ … bởi Ta ở cùng con’ (Gr 1, 8).
Hi vọng này không dựa trên các thống kê hay thành tựu, nhưng là dựa vào Đấng mà chúng ta tín thác (2Tm 1, 2), Đấng, mà với Ngài, ‘không gì là không thể.’ Đây là hi vọng không nản lòng, hi vọng cho đời sống thánh hiến viết tiếp lịch sử hào hùng của mình lên tương lai. Chúng ta phải luôn nhìn về tương lai, ý thức rằng Thần Khí thúc đẩy chúng ta, để Ngài có thể cùng chúng ta thực hiện những kỳ công.
Vậy nên đừng chìu theo cám dỗ nhìn nhận mọi việc theo con số và hiệu lực, và tệ hơn nữa là chỉ tin vào sức mình. Khi xem xét đời sống mình và thời khắc hiện tại, hãy cảnh giác đề phòng. Cùng với Đức Benedicto XVI, tôi thúc giục các bạn đừng ‘gia nhập bè lũ các ngôn sứ diệt vong, những người rêu rao sự diệt vong hay vô nghĩa của đời sống thánh hiến trong Giáo hội ngày nay, nhưng hãy vận lấy Chúa Giêsu Kitô và mang lấy khiên giáp ánh sáng – như lời thánh Phaolô (Rm 13, 11-14) – giữ mình tỉnh thức và cảnh giác.’ [4] Chúng ta hãy luôn luôn tái khởi hành, với lòng tín thác vào Thiên Chúa.
Tôi đặc biệt muốn nói một lời với các tu sỹ trẻ. Các bạn là hiện tại, bởi các bạn đã dự phần sống động vào đời sống Dòng của mình, đem lại mọi tươi mới và quảng đại của lời thưa ‘vâng.’ Và các bạn cũng là tương lai, bởi các bạn sẽ sớm được mời gọi giữ lấy các vai trò lãnh đạo trong đời sống, đào tạo, phục vụ và sứ mạng của Dòng mình. Năm này phải thấy được các bạn tích cực đối thoại với các thế hệ đi trước. Trong sự thông hiệp huynh đệ, các bạn sẽ được thêm phong phú nhờ kinh nghiệm và khôn ngoan của những người đi trước, đồng thời các bạn cũng thêm cảm hứng cho họ, bằng sinh lực và nhiệt tình của mình, để tái hồi lý tưởng ban đầu của họ. Như thế toàn thể cộng đoàn có thể chung tay tìm kiếm các cách thức mới để sống Tin mừng và đáp lời hiệu quả hơn với nhu cầu làm chứng và tuyên xưng.
Tôi cũng thật hạnh phúc khi biết trong Năm này, các bạn sẽ có dịp để gặp gỡ các thành viên trẻ tuổi của các Dòng khác. Mong sao các cuộc gặp này sẽ là một công cụ thường xuyên để thúc đẩy thông hiệp, hỗ trợ lẫn nhau và hiệp nhất.
II. CÁC KỲ VỌNG CHO NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
Tôi kỳ vọng cụ thể điều gì cho Năm ân sủng của đời sống thánh hiến này,
1. Những câu nói xưa sẽ luôn luôn đúng: ‘Nơi nào có người đi tu, nơi đó có niềm vui.’ Chúng ta được kêu gọi nhận thức và thể hiện rằng Thiên Chúa có thể đổ tràn đầy hạnh phúc cho tâm hồn chúng ta đến độ chúng ta không cần tìm hạnh phúc ở đâu khác nữa nữa, rằng tình huynh đệ chân thật trong cộng đoàn sẽ càng cho chúng ta vui mừng hơn nữa, và rằng sự xả thân trọn vẹn trong việc phục vụ Giáo hội, gia đình và người trẻ, người già và người nghèo, sẽ đem lại cho chúng ta một sự thành toàn riêng lâu dài.
Không một ai trong chúng ta nên sống khó chịu, bất bình và bất mãn, bởi ‘một môn đệ u ám là một môn đệ của sầu thảm.’ Như mọi người khác, chúng ta cũng có các vấn đề, các đêm tối của tâm hồn, các thất vọng và yếu đuối, cảm nhận được mình đang chậm dần khi già đi. Nhưng trong mọi sự đó, chúng ta phải có khả năng khám phá ‘niềm vui trọn hảo.’ Bởi chính ở đây, chúng ta học biết nhận ra dung nhan Chúa Kitô, Đấng đã trở nên giống chúng ta trong mọi sự, và được vui mừng khi biết rằng chúng ta đang nên giống Ngài, Đấng vì yêu thương chúng ta đã không khước từ đau khổ thập giá.
Trong một xã hội đề cao sự tôn sùng hiệu quả, sung sức và thành công, một xã hội loại trừ người nghèo và loại bỏ ‘kẻ thất bại’, chúng ta có thể dùng đời sống của mình mà làm chứng cho những lời Kinh thánh: ‘Khi tôi yếu, là lúc tôi mạnh’ (2Cr 12, 10).
Chúng ta có thể áp dụng cho đời sống thánh hiến, những lời của Đức Benedicto XVI mà tôi đã trích trong Tông huấn Niềm vui của Tin mừng [Evangelii Gaudium]: ‘Giáo hội không lớn mạnh bằng việc chiêu mộ, nhưng bằng sức lôi cuốn’ (Số 14). Đời sống Thánh hiến sẽ không phát triển lớn mạnh nhờ một chương trình ơn gọi khôn khéo, nhưng là nhờ những người trẻ thấy chúng ta có sức hút, bởi họ thấy chúng ta là những người hạnh phúc! Gần giống như thế, các tác động tông đồ của đời sống thánh hiến không dựa vào hiệu quả của các phương pháp. Nhưng là dựa vào sự hùng hồn trong đời sống chúng ta, những đời sống chiếu tỏa niềm vui và vẻ đẹp của việc sống Tin mừng và theo Chúa Kitô cho trọn.
Như tôi đã nói với các thành viên của các phong trào giáo hội trong đêm vọng Lễ Hiện Xuống năm ngoái: ‘Xét tận căn bản, sức mạnh của Giáo hội là việc sống Tin mừng và làm chứng cho đức tin của chúng ta. Giáo hội là muối cho địa cầu, là ánh sáng cho thế giới. Giáo hội được kêu gọi làm men muối cho Nước Thiên Chúa ở trong xã hội này, và Giáo hội làm việc này trước và trên hết bằng chứng tá, một chứng tá của tình yêu thương huynh đệ, đoàn kết và chia sẻ với người khác.’ (18 tháng 5 năm 2013).
2. Tôi dựa vào các bạn ‘để thức tỉnh thế giới’, bởi dấu chỉ đặc biệt của đời sống thánh hiến là tính ngôn sứ. Như tôi đã nói với các Bề trên Tổng quyền rằng: ‘Đời sống phúc âm hóa triệt để không phải chỉ dành cho các tu sỹ, nhưng là đòi hỏi với tất cả mọi người. Nhưng các tu sỹ theo Chúa cách đặc biệt, mang tính ngôn sứ.’ Đây là ưu tiên cần kíp hàng đầu ngay lúc này: ‘là những ngôn sứ làm chứng về cách Chúa Giêsu đã sống trên mặt đất này … một tu sỹ không bao giờ được bỏ rơi tính ngôn sứ’ (29 tháng 11 2013).
Các ngôn sứ nhận từ Thiên Chúa năng lực xem xét thời đại mình đang sống, và diễn giải các sự kiện: họ như những lính gác canh phòng ban đêm và nhận thấy bình minh đang đến (Is 21, 11-12). Các ngôn sứ nhận biết Chúa và biết anh chị em mình. Họ có thể nhận thức và lên án sự dữ của tội lỗi và bất công. Bởi họ tự do, họ không chịu ơn ai ngoài Thiên Chúa, và không có lợi ích nào ngoài Thiên Chúa. Các ngôn sứ có khuynh hướng đứng về phía người nghèo và người vô lực, bởi họ biết rằng chính Chúa cũng làm thế.
Vậy nên tôi trông mong rằng, thay vì sống ảo tưởng không tưởng, các bạn sẽ tìm ra những cách thức mới để tạo dựng ‘những không gian thay thế’, nơi cách tiếp cận tự hiến, huynh đệ, bao quát các khác biệt, và yêu thương lẫn nhau, của Tin mừng có thể nảy nở. Các tu viện, cộng đoàn, trung tâm linh đạo, trường học, bệnh viện, mái ấm tình thương, tất cả những nơi này là nơi đức ái và sáng tạo từ đặc sủng của các bạn, nảy sinh và tiếp diễn không ngừng. Những sự này phải ngày càng nên men muối cho một dòng tu được hứng khởi bởi Tin mừng, một ‘thành phố trên đồi’, làm chứng cho sự thật và quyền năng trong những lời của Chúa Giêsu.
Có những lúc, như Elijah và Jonah, các bạn thấy cám dỗ muốn chạy trốn, vứt bỏ bổn phận ngôn sứ bởi nó quá nhiều đòi hỏi, nhọc công hay có vẻ vô ích. Nhưng các ngôn sứ biết họ không bao giờ cô độc. Như đã làm cho Jeremiah, Thiên Chúa cũng sẽ nâng đỡ chúng ta: ”Đừng sợ chúng … bởi Ta ở cùng con để giải thoát con’ (Jer 1, 8)
3. Các nam nữ tu sỹ, như tất cả mọi người sống thánh hiến khác được kêu gọi trở thành ‘các chuyên gia thông hiệp’. Vậy nên tôi hi vọng rằng ‘linh đạo thông hiệp’ đã được thánh Gioan Phaolô II nhấn mạnh, sẽ trở nên thực hành và các bạn sẽ xung phong đáp lời với ‘thách thức lớn đang đối mặt với chúng ta’ trong thiên niên kỷ mới này, là: ‘làm cho Giáo hội thành nhà và trường học của thông hiệp.’ [5] Tôi chắc rằng trong Năm này, các bạn sẽ nỗ lực hết sức để làm cho lý tưởng thân ái mà các đấng sáng lập của các bạn đã theo đuổi, được lan khắp mọi nơi, như những vòng tròn đồng tâm.
Trên và trước hết, phải sống thông hiệp trong cộng đoàn của từng hội dòng. Vì mục tiêu này, tôi muốn các bạn hãy nghĩ đến những lời tôi thường nói về thói chỉ trích, nói xấu, ghen tỵ, đố kỵ, thù địch, nhưng lối hành xử không được có trong nhà chúng ta. Con đường đức ái mở ra trước mắt chúng ta thật vô tận, bởi nó đòi hỏi việc chấp nhận và quan tâm lẫn nhau, thực hành chia sẻ với nhau các của cải vật chất lẫn thiêng liêng, sửa đổi nhau trong tình huynh đệ, và tôn trọng những người yếu … đây chính là ‘bí nhiệm của việc chung sống’ làm cho đời sống chúng ta trở nên một ‘hành trình thiêng liêng’. [6] Chúng ta cần phải tự hỏi mình xem thử chúng ta liên hệ như thế nào với những người khác biệt về văn hóa, khi cộng đoàn chúng ta mở rộng đến tầm quốc tế. Làm sao để chúng ta có thể cho mỗi thành viên được tự do nói lên những gì mình suy nghĩ, được đón nhận với ơn riêng của mình, và được đồng trách nhiệm một cách trọn vẹn?
Tôi cũng hi vọng một sự thông hiệp ngày một hơn giữa thành viên của các Hội dòng khác nhau. Mong sao Năm nay là một dịp cho chúng ta dũng cảm hơn mà bước ra khỏi ranh giới của Dòng mình và chung tay làm việc, ở địa phương và cả toàn cầu, về các dự án đào tạo, phúc âm hóa và hành động xã hội? Điều này sẽ cho chúng ta một chứng tá ngôn sứ hiệu quả hơn nữa. Hiệp nhất và gặp gỡ giữa các đặc sủng và ơn gọi khác nhau có thể mở ra một con đường hi vọng. Không một ai xây dựng tương lai một mình, bằng nỗ lực của riêng mình mà thôi, nhưng phải thấy mình là một phần của một cộng đoàn đích thực không ngừng mở rộng gặp gỡ, đối thoại, chú tâm lắng nghe và nâng đỡ lẫn nhau. Một cộng đoàn như thế sẽ cho chúng ta miễn nhiễm với căn bệnh quy kỷ.
Những người được thánh hiến cũng được mời gọi hiệp lực thực sự với mọi ơn gọi khác trong Giáo hội, mở đầu với các linh mục và giáo dân, để ‘lan truyền linh đạo thông hiệp, trước hết là trong đời sống nội bộ dòng, rồi đến cộng đoàn giáo hội, và thậm chí là vươn xa hơn nữa.’ [7]
4. Tôi cũng kỳ vọng nơi các bạn những gì tôi mong muốn có nơi mọi thành viên Giáo hội, là hãy ra khỏi bản thân và hướng đến các vùng ngoại biên hiện sinh. ‘Hãy đi đến tận cùng thế giới,’ đây là những lời cuối cùng mà Chúa Giêsu nói với các môn đệ, và Ngài vẫn tiếp tục nói với chúng ta như vậy (Mc 16, 15). Cả thế giới đang chờ chúng ta: những người đã mất hết hi vọng, các gia đình đang gặp khó khăn, các trẻ em bị bỏ rơi, những người trẻ không có tương lai, người già và người bệnh bị bỏ mặc, những người giàu có của cải thế gian nhưng lại nghèo đói trong tâm hồn, những người đang tìm mục đích sống, đói khát đường thiêng liêng …
Đừng khóa kín trong bản thân, đừng để bị bóp nghẹt bởi những cãi vã nhỏ nhen, đừng để bị giam hãm trong các vấn đề riêng của mình. Các vấn đề này sẽ được giải quyết nếu bạn đi ra và giúp người khác giải quyết các vấn đề của họ, và công bố Tin mừng. Bạn sẽ tìm thấy sự sống khi trao ban sự sống, tìm thấy hi vọng khi trao ban hi vọng, và tìm được tình yêu bằng trao ban tình yêu.
Tôi cũng muốn các bạn làm việc thiết thực bằng cách chào đón các nạn dân, gần lại với người nghèo, và luôn tìm những cách sáng tạo để dạy giáo lý, công bố Tin mừng và dạy người khác cầu nguyện. Từ đó, tôi hi vọng rằng các cơ cấu có thể được sắp xếp hợp lý hóa, các nhà dòng lớn tái định hướng làm việc sao cho đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi hiện thời của công cuộc phúc âm hóa và nhân đạo, cũng như điều chỉnh việc tông đồ hướng đến những nhu cầu mới.
5. Tôi kỳ vọng mỗi một dạng đời sống thánh hiến sẽ tự đặt chất vấn rằng Thiên Chúa và mọi người ngày nay đang muốn gì ở họ.
Các đan viện và các nhóm chủ yếu sống đời chiêm niệm có thể gặp gỡ hoặc trao đổi kinh nghiệm về đời sống cầu nguyện, về các cách thức đào sâu sự thông hiệp với toàn thể Giáo hội, về việc nâng đỡ các Kitô hữu bị bách hại, và chào đón cũng như giúp đỡ những người đang tìm kiếm một đời sống thiêng liêng sâu sắc hơn hay đang cần đến các hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần.
Các Hội dòng tận hiến cho việc bác ái, rao giảng và thăng tiến văn hóa, giảng dạy Tin mừng hay thực hiện các thừa tác mục vụ đặc thù cũng vậy. Cũng như thế với các Hội dòng Ba, với các thành viên ở mọi tầng lớp xã hội. Sự sáng tạo của Thần Khí đã cho nảy sinh nhiều đường lối sống và hoạt động quá sức đa dạng, nên không dễ gì phân loại hay gò bó vào các kiểu mẫu có sẵn. Vậy nên tôi không thể chỉ ra đủ từng dạng đặc sủng. Nhưng, trong Năm này, không một ai có thể thấy mình không cần phải nghiêm túc xem xét sự hiện diện của mình trong đời sống Giáo hội, và đáp lời với những đòi hỏi mới không ngừng đặt ra trước mắt chúng ta, và với tiếng kêu của người nghèo.
Chỉ khi nhận thức được các nhu cầu của thế giới, và vâng thuận theo lực đẩy của Thần Khí, thì Năm Đời sống Thánh hiến này mới trở nên một kairos đích thực, một thời gian tràn đầy ân sủng Chúa, một thời gian biến đổi.
III. CÁC PHẠM VI NHẬN THỨC CỦA NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
1. Trong thư này, tôi mong muốn, không chỉ nói với những người sống đời thánh hiến, nhưng còn với các giáo dân, những người chia sẻ cùng lý tưởng, tinh thần và sứ mạng. Một vài Hội dòng Ba có truyền thống rất lâu đời, một số khác thì mới mẻ hơn. Thật sự là, quanh mọi gia đình dòng tu, mọi Hiệp hội Đời sống Tông đồ và mọi Hội dòng Ba, là một gia đình lớn hơn nữa, một ‘gia đình đặc sủng,’ bao gồm các Hội dòng có cùng chung đặc sủng, và đặc biệt là các giáo dân thấy mình được kêu gọi, đặc biệt là những giáo dân cùng chia sẻ một thực hành đặc sủng chung.
Các giáo dân thân mến, tôi thúc giục các bạn, hãy sống Năm Đời sống Thánh hiến này như một ân sủng có thể cho bạn nhận thức rõ hơn về ơn mình đã được nhận. Hãy mừng ơn này với toàn thể ‘gia đình’, để bạn có thể lớn lên và cùng nhau đáp lời với những thúc giục của Thần Khí trong xã hội ngày nay. Nhân những dịp có các nam nữ tu sỹ từ các Hội dòng khác nhau quy tụ, hãy sắp xếp để cùng hiện diện nhằm thể hiện cho mọi người thấy một ơn của Chúa. Như thế, bạn sẽ dần biết được cảm nghiệm của các gia đình đặc sủng khác và các nhóm giáo dân khác, từ đó có cơ hội để phong phú hóa và nâng đỡ lẫn nhau.
2. Năm Đời sống Thánh hiến không chỉ hướng về những người sống đời thánh hiến, nhưng là về toàn thể Giáo hội. Do đó, tôi thỉnh cầu toàn bộ Kitô hữu hãy ngày càng nhận thức rõ ơn ích trong nhiều nam nữ tu sỹ, dòng dõi của các thánh đã viết lên lịch sử Kitô giáo. Giáo hội sẽ như thế nào nếu không có thánh Benedicto và thánh Basil, không có thánh Augustino và thánh Bernard, không có thánh Phanxicô và thánh Đôminicô, thánh Inhaxiô thành Loyola và thánh Teresa thành Avila, thánh Angelica Merici và thánh Vincent de Paul. Danh sách này còn dài dài nữa, với thánh Gioan Bosco và chân phước Teresa thành Calcutta. Chân phước Phaolô VI đã chỉ ra rằng: ‘Không có dấu chỉ thiết thực này, sẽ có nguy cơ đức ái sinh khí của toàn thể Giáo hội sẽ bị nguội lạnh, nghịch lý cứu rỗi của Tin mừng sẽ cùn mòn, và ‘muối’ đức tin sẽ mất đi mùi vị trong một thế giới đang thế tục hóa’ (Evangelica Testificatio, 3).
Vậy nên, tôi mời gọi mọi cộng đoàn Kitô hữu hãy cảm nghiệm Năm này, trên hết như một thời khắc tạ ơn Thiên Chúa và tưởng nhớ tri ân mọi ơn ích chúng ta không ngừng nhận lãnh, nhờ sự thánh thiện của các đấng sáng lập, và tự sự trung thành của rất nhiều nam nữ tu sỹ với đặc sủng của mình. Tôi thỉnh cầu tất cả anh chị em, hãy gần lại với những người này, chung niềm hân hoan với họ, chia sẽ các khó khăn và giúp đỡ họ hết sức có thể, trong mục vụ và công việc của họ, cũng là công việc của toàn thể Giáo hội. Hãy để họ cảm được tình yêu mến và nồng hậu mà toàn thể Kitô hữu dành cho họ.
3. Trong thư này, tôi không chút ngập ngừng khi muốn nói một lời với những người sống đời thánh hiến và với thành viên các cộng đoàn và huynh đệ hội, thuộc các Giáo hội với truyền thống ngoài Công giáo. Đời sống tu viện là một phần di sản của Giáo hội nguyên vẹn, và vẫn vô cùng sống động trong các Giáo hội Chính thống và Giáo hội Công giáo. Truyền thống tu viện, và các cảm nghiệm khác về sau từ thời Giáo hội ở phương Tây vẫn còn hiệp nhất, đã khơi gọi các khởi xướng tương tự trong các Cộng đoàn Giáo hội thuộc truyền thống cải cách. Những điều này đã không ngừng khai sinh các biểu lộ xa hơn của cộng đoàn và việc phục vụ huynh đệ thân ái.
Thánh Bộ các Dòng tu Đời sống Tận hiến và các Hiệp hội Đời sống Tông đồ đã dự định một số khởi xướng để thuận tiện hóa việc gặp gỡ giữa thành viên của các biểu hiện khác nhau trong đời sống thánh hiến và huynh đệ ở nhiều Giáo hội khác nhau. Tôi hết sức khuyến khích các cuộc gặp như thế, những khí cụ tăng cường thông hiểu, tôn trọng và hợp tác với nhau, để cho tinh thần đại kết của đời sống thánh hiến có thể giúp sức vào hành trình lớn hơn hướng đến sự hiệp nhất của toàn thể mọi Giáo hội.
4. Chúng ta cũng không thể quên rằng hiện tượng của đời sống tu viện và các biểu hiện khác của cộng đoàn huynh đệ tu trì, cũng có trong mọi tôn giáo lớn. Có nhiều ví dụ về các đối thoại liên tu viện lâu đời, giữa Giáo hội Công giáo và một số truyền thống tôn giáo lớn nhất định. Tôi tin tưởng rằng Năm Đời sống Thánh hiến này sẽ là một dịp để xem lại tiến trình này, để làm cho những người sống thánh hiến nhận thức về đối thoại này, và cân nhắc các bước tiến xa hơn nữa để thông hiểu nhau và hợp tác hơn nữa trong nhiều lĩnh vực chung phục vụ đời sống nhân loại.
Đồng hành với nhau, luôn đem lại sự phong phú hóa, và có thể mở ra những lối đi mới cho quan hệ giữa con người và giữa các nền văn hóa, một việc dường như quá khó thời nay.
5. Cuối cùng, tôi muốn nhắn nhủ đặc biệt đến các anh em giám mục. Mong sao Năm này sẽ là dịp để, sẵn sàng và hân hoan, xem các Hội dòng đời sống thánh hiến là một nguồn vốn thiêng liêng để đóng góp cho lợi ích của toàn thân thể Chúa Kitô (Lumen Gentium, 43), chứ không chỉ là cho riêng các dòng mà thôi. ‘Đời sống Thánh hiến là một ơn cho Giáo hội, sinh ra và lớn lên trong Giáo hội, cũng như quy hướng hoàn toàn về Giáo hội.’ [8] Vì lẽ này, là một ơn chính xác dành cho Giáo hội, đời sống thánh hiến không phải là một thực thể biệt lập hay giới hạn, nhưng là một phần sâu sắc trong Giáo hội. Đời sống thánh hiến ở trong lòng Giáo hội, một yếu tố quyết định trong sứ mạng của Giáo hội, cũng như biểu lộ bản chất thâm sâu nhất của ơn gọi Kitô hữu, và khao kháo của Giáo hội như Tân nương mong được hợp nhất với Tân lang độc nhất của mình. Do đó, ‘đời sống thánh hiến … hoàn toàn thuộc về đời sống và sự thánh thiện’ của Giáo hội (Lumen Gentium, 44).
Dưới cái nhìn như thế, tôi thỉnh cầu các cha, những Mục tử của Giáo hội địa phương, hãy có bận tâm đặc biệt nhắm thăng tiến các đặc sủng khác nhau, dù là mới có hay lâu đời, trong cộng đoàn mình. Tôi muốn các cha làm việc này bằng sự nâng đỡ và khích lệ, hỗ trợ về mặt nhận thức, và sự gần gũi ân cần yêu thương với tình thế đau khổ và yếu đuối mà những người sống đời thánh hiến có thể gặp phải. Trên hết, hãy làm điều này bằng cách chỉ dạy Dân Chúa với giá trị đời sống thánh hiến, để vẻ đẹp và sự thánh thiện của đời sống này chiếu tỏa mạnh mẽ trong Giáo hội.
Tôi ký thác Năm Đời sống Thánh hiến vào tay Đức Mẹ, Đức Trinh nữ lắng nghe và suy ngẫm, môn đệ đầu tiên của Con yêu dấu của mình. Hãy hướng về Mẹ, con yêu dấu vô cùng của Chúa Cha, được phú ban mọi ơn ích, là hình mẫu trỗi vượt cho tất cả những ai theo Chúa Kitô trong tình yêu mến Thiên Chúa và phục vụ người thân cận.
Cuối cùng, tôi chung lòng với các bạn tri ân các ơn ích và soi sáng mà Thiên Chúa sẽ rộng lượng đổ đầy trên chúng ta, và tôi sẽ đồng hành với các bạn cùng Phép lành Tông đồ của mình.
Vatican, 21 tháng 11 năm 2014, Lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thánh.
[1] Tông thư gởi các Hội dòng ở châu Mỹ La tinh nhân dịp 500 năm phúc âm hóa Tân thế giới, Los caminos del Evangelio (29 tháng 6 năm 1990), 26.
[2] CÁC CỘNG ĐOÀN TU TRÌ THIÊNG LIÊNG VÀ CÁC HỘI DÒNG BA, Thăng tiến tu trì và nhân bản (12 tháng 8 năm 1980), 24: L’Osservatore Romano, đăng ngày 12 tháng 11 năm 1980, pp. i-viii.
[3] Bài nói chuyện với các hiệu trưởng và sinh viên của các Học viện và Trụ sở Giáo hoàng ở Roma (02 tháng 5 năm 2014).
[4] GIÁO HOÀNG BENEDICTO XVI, Bài giảng lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền thánh (02 tháng 2 năm 2013).
[5] Tông thư Khởi đầu Ngàn năm mới [Novo Millennio Ineunte] (6 tháng 1 năm 2001), 43.
[6] Tông huấn Niềm vui của Tin mừng [Evangelii Gaudium] (24 tháng 11 năm 2013), 87
[7] GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Hậu Công đồng Đời sống Thánh hiến [Vita Consecrata] (25 tháng 3 năm 1996), 51.
[8] GIÁM MỤC J.M. BERGOLIO, Nói trong Hội nghị về Đời sống Thánh hiến và Sứ mạng của Đời sống Thánh hiến trong Giáo hội và trong Thế giới, Tổng Công hội XVI, 13 tháng 10 năm 1994.