Giáo hoàng Phanxicô nói rằng các thành phần ưu tú trong giáo hội mà lập bè phép và khinh miệt người khác là đang cá nhân hóa đức tin và không đi theo đường lối của Chúa Giêsu. Đây là những lời trong thánh lễ ban sáng ngày thứ năm, 29-01, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta.
Bài giảng của Giáo hoàng suy niệm về việc Kitô hữu cần phải theo Chúa Giêsu trong đường lối Chúa muốn chứ không phải theo nhưng hình mẫu sai lầm như kiểu cá nhân hóa đức tin.
‘Đúng thật là, Chúa Giêsu đã cứu tất cả chúng ta, nhưng không phải theo kiểu chung chung. Ngài cứu tất cả chúng ta, nhưng là từng người một với cả tên cả họ. Và đây là ơn cứu độ riêng của mỗi người chúng ta. Tôi thực sự được cứu, Thiên Chúa nhìn đến tôi, ban sự sống này cho tôi, mở ra cánh cửa này, đời sống mới này cho tôi, và như thế, mỗi người chúng ta có thể nói rằng ‘Cho tôi đó.’ Nhưng có một mối nguy là quên mất Ngài đã cứu chúng ta cách riêng từng người một, nhưng cũng là với tư cách một phần dân tộc hay cộng đoàn của Ngài. Là dân của Chúa. Chúa luôn luôn cứu dân Ngài. Từ lúc gọi Abraham, và hứa làm cho ông trở nên một dân tộc. Và Chúa cứu chúng ta, như một phần trong cộng đoàn của Ngài. Đó là lý do vì sao người viết thư gởi tín hữu Do Thái nói với chúng ta rằng: ‘Chúng ta hãy nghĩ đến nhau.’ Không có ơn cứu độ độc nhất cho riêng mình tôi. Nếu tôi mà hiểu ơn cứu độ là chỉ cho riêng tôi, thì tôi lầm to và đang theo đường sai trái. Việc cá nhân hóa ơn cứu độ là một đường lối sai trái.’
Giáo hoàng Phanxicô giải thích rằng có 3 tiêu chuẩn để không cá nhân hóa ơn cứu độ, là: ‘đức tin vào Chúa Giêsu Đấng thanh tẩy chúng ta,’ đức cậy ‘khơi dậy chúng ta nhìn vào các lời hứa và tiến tới,’ và đức ái, cụ thể là chăm lo cho nhau, động viên tất cả chúng ta hãy làm việc thiện và lao công tốt đẹp.’
‘Và khi tôi ở trong giáo xứ, trong một cộng đoàn, hay là gì đi nữa, thì tôi ở đó, tôi có thể cá nhân hóa ơn cứu độ, và chỉ giữ lại trong một nhóm xã hội nhỏ mà thôi. Nhưng để không cá nhân hóa ơn cứu độ, tôi cần phải tự hỏi xem liệu tôi có nói và truyền đạt đức tin, có nói và thông truyền đức cậy, nói, thực hành và thông ban đức ái hay không. Nếu trong một cộng đoàn cụ thể, không có sự thông hiệp giữa mọi người, và không có ai khuyến khích mọi người thực hành 3 nhân đức này, thì các thành viên trong cộng đoàn đó đã cá nhân hóa đức tin của họ. Mỗi một người trong họ đang tìm ơn cứu độ cá nhân của mình, chứ không phải ơn cứu độ của tất cả mọi người, ơn cứu độ của dân mình. Và Chúa Giêsu cứu tất cả chúng ta, nhưng là như một phần của dân Ngài, của Giáo hội.’
Giáo hoàng chỉ ra rằng, tác giả của thư gởi tín hữu Do Thái đã có một lời khuyên thực tế rất quan trọng: ‘Ðừng trốn tránh những buổi hội chung, như một vài người hay làm.’ Đức Phanxicô nói rằng chuyện này xảy ra khi chúng ta ở trong những buổi hội đó, trong giáo xứ hay cộng đoàn và lại đi xét đoán người khác, khinh miệt người khác. Giáo hoàng Phanxicô nhấn mạnh rằng, đây không phải là đường lối sống mới của Chúa Giêsu.
‘Họ khinh miệt nhau, họ tránh xa khỏi cộng đoàn toàn thể, họ tránh xa khỏi dân Chúa, họ đã cá nhân hóa ơn cứu độ, nghĩ rằng, ơn cứu độ cho tôi và cho nhóm nhỏ của tôi, chứ không phải cho toàn thể dân Chúa. Và đây là sai lầm nghiêm trọng. Đây là cái mà chúng ta có thể thấy và gọi nó là: ‘những thành phần ưu tú riêng biệt trong giáo hội.’ Khi có những nhóm nhỏ này trong cộng đoàn dân Chúa, những người này tin rằng họ là Kitô hữu tốt và cũng đang thực hành đức tin tốt, nhưng thực sự họ là những nhóm nhỏ đang cá nhân hóa ơn cứu độ.’
Nhắc lại rằng, Chúa cứu chúng ta, như một phần của dân Chúa, chứ không phải một phần của một nhóm ưu tú, Giáo hoàng Phanxicô kết bài giảng bằng lời thúc giục chúng ta xem liệu chúng ta có khuynh hướng cá nhân hóa đức tin của mình, thay vì gần gũi dân Chúa và thực hành 3 nhân đức tin cậy mến hay không?
J.B. Thái Hòa chuyển dịch