“Tuổi trẻ vĩnh cửu” của nhà văn Saint-Exupéry

517

“Tuổi trẻ vĩnh cửu” của nhà văn Saint-Exupéry

Tuổi trẻ vĩnh cửu” của nhà văn Saint-Exupéry trên báo Osservatore Romano 120 năm năm sau ngày sinh của nhà văn phi công.

fr.zenit.org, Hélène Ginabat, 2020-07-01

Các tác giả lớn của văn học luôn trẻ, vì tác phẩm của họ xuyên thời gian và có một cái gì đó hiện tại để nói với thế hệ ngày nay”: nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry (29-6-2000), nhà báo Enzo Romeo của nhật báo Ý Vatican L’Osservatore Romano vinh danh nhà văn trong bài báo có tựa đề “Tuổi trẻ vĩnh cửu của Antoine”.

Nhà báo Enzo Romeo phân tích: “Người du hành đầy đam mê và đầy ngọn lửa nội tâm có thể hướng dẫn chúng ta trên con đường hoa thơm cỏ lạ để khám phá trái tim con người. Nhà thám hiểm của sự tuyệt đối đi tìm một cái gì lấp trọn cho ý nghĩa sự tồn tại của mình. Và từ đó ông chú giải các lo lắng của con người thời hiện đại, về tình trạng lang thang tâm linh, về cái đẹp khó nắm bắt mà ông đã chứng nghiệm qua một nỗi nhớ sâu sắc”.

Sau đây là bản dịch bài viết trên báo L’Osservatore Romano ngày 28 tháng 6-2020.

Tuổi trẻ vĩnh cửu của Antoine

Các tác giả lớn của văn học luôn trẻ, vì tác phẩm của họ xuyên thời gian và có một cái gì đó hiện tại để nói với thế hệ ngày nay. Đó là trường hợp của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry: 120 năm sau ngày sinh của văn hào, chúng tôi nhận ra người du hành hơi “tàng tàng” và táo bạo nhưng đầy đam mê và ngọn lửa nội tâm, có thể hướng dẫn chúng ta trên con đường hoa thơm cỏ lạ để khám phá trái tim con người.

Saint-Exupéry sinh ra ở thành phố Lyon nước Pháp ngày 29 tháng 6 năm 1900 trong một gia đình quý tộc. Đó là dòng dõi quý tộc nhỏ của tỉnh bang, quân chủ và công giáo, dòng dõi bây giờ đang suy tàn vào đầu thế kỷ này. Năm lên 4, thân phụ của ông bất thình lình chết vì đột quỵ, nhưng tuổi thơ của ông êm đềm, đặc biệt nhờ bà Marie mẹ của ông, một phụ nữ có đạo sốt sắng, đầy lòng bác ái và rất nhạy cảm về nghệ thuật. Sự kỳ diệu của thời thơ ấu chắc chắn là một trong các yếu tố cảm hứng chính trong văn học và tư tưởng của Saint-Exupéry. Trong quyển Phi công thời chiến (1942), ông viết, tuổi thơ là “lãnh vực vĩ đại nơi mọi người từ đó đi ra”.

Ông học Trường đạo của các sư huynh, trường Dòng Tên và trường các Linh mục dòng Đức Mẹ nhưng với người mê thích chuyến bay, các “giáo điều” tôn giáo là những chuyện không hữu ích, ngăn không cho tinh thần bay lơ lửng trong không trung. Ông là phi công trên tuyến Paris-Dakar và có khi là quản lý nhà ga ở ở biên giới Sahara, một địa điểm xa xôi trên bờ biển Đại Tây Dương. Ở Argentina, ông đã thiết lập các trạm nối kết hàng không đầu tiên với Patagonia; chính nơi đây ông gặp vợ, bà Consuelo Suncin, bà đã thúc đẩy ông bắt tay vào việc viết lách. Bà sẽ là bông hồng “duy nhất trên thế giới” chăm sóc ông dù cho có bao nhiêu là phản bội và mâu thuẫn. Thành công của Chuyến thư miền Nam năm 1929 đã làm cho ông chính thức là nhà văn, một tước vị đi đôi với đời phi công của ông. Ông đã thực hiện rất nhiều cuộc phiêu lưu thám hiểm, và những cuộc phiêu lưu này thường đầy kịch tính đã làm cho tác phẩm của ông mang tính biểu tượng và nhiều chất liệu súc tích. Ngoài hai tác phẩm trên, các tác phẩm khác của ông là Chuyến bay đêm (1930), Cõi người ta (1939) và Hoàng tử bé (1943). Thành trì (1948), câu chuyện hoài cảm trong đó độc giả có thể tìm thấy nhiều ẩn dụ về con người và về Thiên Chúa, đây là tác phẩm được xuất bản sau khi ông qua đời (1944).

Các cuộc không tập cho thấy ý chí của ông muốn vươn lên trên mọi thứ, nhìn mọi thứ từ trên cao và có một cái nhìn thanh tẩy về cuộc sống. Trái Đất tìm lại nét đẹp hài hòa và cuối cùng là hòa giải với trời: “Núi, sét, cát là các vị thần quen thuộc của tôi” (Thư cho Nelly de Vogüé, 1937). Các chuyến bay đêm là các chuyến bay dài nhất giúp gột rửa tâm hồn; các chi tiết trên bề mặt trái đất biến mất và chỉ ánh sáng ngôi sao là còn thấy được; tất cả các lo âu được cho là thiết yếu bị phai mờ dần.

Nơi Saint-Exupéry, sự cô đơn súc tích của trời cao gặp sự cô đơn cũng súc tích của sa mạc. Năm 1927 khi được bổ dụng ở trạm dừng chân nhỏ ở sa mạc Sahara, ông đã có thể làm được “buổi chữa trị thinh lặng” (Thư gởi Henry de Ségogne), ở một nơi mà tất cả đều mang một ý nghĩa khác, nơi con người gần như trở thành tinh thần không còn xương thịt. Một kinh nghiệm được ghi lại trong truyện ngụ ngôn Hoàng tử bé. Đối thoại giữa chú bé nhỏ và người phi công bên cạnh các đụn cát, khi họ tìm một cái gì để giải khát: “Dù đó là ngôi nhà, ngôi sao hay sa mạc, cái gì làm nên nét đẹp của chúng là vô hình”. Câu này nhắc đến một câu khác rất nổi tiếng: “Điều cốt yếu mắt phàm không thấy được”: lời mời đi tìm nguồn nước tuôn ra, ẩn giấu một nơi nào đó trong sa mạc riêng của chúng ta. Sa mạc cũng là nơi mà tác giả viết trong nhiều giờ, ngồi trong tịnh cốc nhỏ như đan tu ở trong đan viện kín. Ông thích các bài hát gregoria và muốn một ngày nào đó lui về đan viện Biển Đức ở Solesmes vùng Loire để ở. Một cách vô thức, ông thấy chỉ ở đó mới có một cái gì quan trọng, không diễn tả được, có thể mang sung mãn đến cho đời mình.

Khi Thế chiến Thứ hai bùng nổ, Saint-Exupéry là phi công trinh sát: ông không muốn giết, nhưng ông thấy mình có nhiệm vụ bảo vệ quê hương bị chủ nghĩa phát-xít đe dọa. Nước Pháp bị đóng chiếm làm ông tự nguyện lưu vong ở New York, tại đây ông viết quyển Hoàng tử bé, trước khi lên đường ra mặt trận Bắc Phi. Dù bị giới hạn tuổi, ông được vào đội trinh sát cũ của mình. Ông hiểu tính mạng của mình vì thế sẽ bị nguy hiểm, đặc biệt vì tình trạng thể chất của ông, sức khỏe của ông đã yếu vì các tai nạn trong khi hành nghề. Người bạn chỉ huy tìm mọi cách thuyết phục ông đừng bay nhưng không được; Saint-Exupéry giải thích, ông không thể ở nhà trong chăn êm nệm ấm khi độc giả của ông ở Pháp có thể có nguy cơ bị trục xuất. Ông đã từng thấy cái chết cận kề nên không còn sợ phải đối diện với nó. Ông nói: “Chết không là gì khi mình biết mình chết cho ai”. “Chúng ta chết cho một dân tộc, cho tình yêu, cho con người”. Máy bay của ông đã bị bắn hạ ngoài khơi vùng biển Marseille ngày 31 tháng 7 năm 1944 và thi thể của ông không bao giờ được tìm thấy.

Trong những năm cuối đời, chiến tranh, tầm nhìn của một nhân loại bị mù quáng bởi hận thù huynh đệ tương tàn đã làm cho ông phải suy nghĩ lại các giá trị – con người và tôn giáo – đã nuôi dưỡng ông khi tuổi nhỏ và tuổi trẻ. Các giá trị này bị để một bên nhưng không bao giờ bị quên, và trong hoàn cảnh này, ông thấy nó hữu ích để cứu một nhân loại bị sự man rợ đe dọa. Ông tự hỏi, thực chất vì cái gì mà các bạn đồng ngũ của ông đã hy sinh mạng sống của họ khi ra trận, nếu không phải vì một hương vị nào đó cho lễ Giáng Sinh? “Đối với ông, dường như việc cứu hương vị này cho thế giới biện minh cho sự hy sinh mạng sống của họ. Nếu chúng ta là lễ Giáng Sinh của thế giới thì thế giới được cứu qua chúng ta (Phi công thời chiến, chương 23). Và khi ông muốn diễn tả khái niệm trách nhiệm, ông nhắc lại việc Chúa Giêsu hy sinh, dù vô tội Ngài đã hy sinh cho tất cả chúng ta: “Lần đầu tiên tôi hiểu một trong các bí ẩn của tôn giáo, đó là văn minh xuất phát từ đó mà tôi cho đó là văn minh của tôi: ‘Gánh tội của con người…’. Và mỗi người gánh tất cả tội của tất cả mọi người” (Phi công thời chiến, chương 23).

Saint-Exupéry là nhà thám hiểm của sự tuyệt đối, đi tìm một cái gì đó lấp trọn ý nghĩa cho sự tồn tại của mình. Nếu “một cái gì đó” được tác giả Hoàng tử bé đi tìm là Chúa, và đặc biệt là nơi Chúa của người tín hữu kitô, thì điều này mãi mãi sẽ là một bí ẩn”. Và từ đó ông chú giải các lo lắng của con người thời hiện đại, về tình trạng lang thang tâm linh, về cái đẹp khó nắm bắt mà ông đã chứng nghiệm qua một nỗi nhớ sâu sắc”.

Trong chờ đợi của ngày chưa được trả lời

Lạy Chúa, con mò mẫm tìm kiếm sức mạnh thần thánh của Ngài.

Con đến với Chúa theo cách của cái cây phát triển theo sức mạnh hạt giống của nó.

Người mù không biết gì về lửa.

Nhưng trong lửa có sức mạnh được cảm nhận qua lòng bàn tay.

Và họ tiến đi trong chông gai vì mọi biến đổi đều đau đớn.

Lạy Chúa,

Con đến với Chúa trên triền dốc sẽ phải trở thành, nhờ ơn Chúa.

Con không hy vọng được tỉnh ngộ bởi sự hiện ra thống thiết của các tổng lãnh thiên thần,

vì các tổng lãnh không nói gì cho con về chuyện đáng bỏ công làm.

Con xin một dấu chỉ trong sa mạc của buông bỏ.

Con vừa đi vừa cầu nguyện, những lời cầu nguyện không được nhận lời

và dù vậy con vẫn ngợi khen Chúa, lạy Chúa, về việc Chúa không trả lời cho con,

vì, nếu con tìm thấy những gì con đi tìm, lạy Chúa, thì cuối cùng con đã hoàn tựu.

Lạy Chúa,

Con biết khôn ngoan không có nghĩa là cho một câu trả lời

và yêu có nghĩa là không còn đặt bất cứ một câu hỏi nào.

Im lặng là bến cảng của con thuyền

Và thinh lặng của Chúa là bến cảng của tất cả mọi con thuyền.

Cầu nguyện là màu mỡ trong chừng mực mà Chúa không trả lời.

Chúa không làm cho người tập yêu không có tình yêu.

Đó là đá lửa và các gai nhọn nuôi dưỡng tình yêu.

Lạy Chúa,

Khi ngày nào đó Chúa xếp Tạo dựng của Chúa trong kho lẫm,

Xin Chúa mở rộng cửa và để chúng con vào nơi mà chúng con sẽ không còn nhận câu trả lời, vì sẽ không còn câu trả lời nào để cho,

nhưng chỉ có mối phúc, câu trả lời duy nhất cho mỗi câu hỏi và khuôn mặt dịu xuống. (Antoine de Saint-Exupéry, Thành trì)

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Hy vọng và Điều kỳ diệu: Tìm Chúa trong thinh lặng và nhìn Chúa bằng trái tim