Và nếu giai đoạn hiện nay dành hết để trở về với tâm hồn?

398

Và nếu giai đoạn hiện nay dành hết để trở về với tâm hồn?

lalibre.be, Linh mục Dòng Tên Charles Delhez, 2020-06-24

Ngày nay chúng ta có xu hướng ưu tiên cho tinh thần. Kết quả: Chúng ta sống bên ngoài chính mình. Cấp bách bây giờ là phải tìm lại con đường nội tâm sâu đậm, mật thiết với chính mình, với bản thể nội tâm của mình, ngắn gọn là đi về với tâm hồn.

Bài của Linh mục Dòng Tên Charles Delhez.

Từ lâu chữ “tâm hồn” làm tôi khó chịu. Nó làm cho tôi nghĩ về thuyết nhị nguyên của triết gia Platon, tâm hồn và thể xác tách nhau, và với tôi, nó có vẻ như coi thường thể xác. Triết gia vĩ đại đã chơi chữ: sôma sèma, có nghĩa “thể xác là mồ chôn tâm hồn”. Người Cathar thời trung cổ đã hạ thấp tình trạng trần thế của chúng ta, họ đi xa đến mức từ chối hôn nhân để tránh không kéo dài cuộc phiêu lưu buồn của hàng chuỗi thế hệ. Chúng ta thường hay nghe: “Tôi chỉ có một tâm hồn và phải cứu nó.” Sự cứu rỗi dường như không liên quan đến toàn bộ con người chúng ta.

Cho đến một ngày tháng 4 năm 2018 tôi đọc bài của nhà báo Francis Van de Woestyne phỏng vấn triết gia, nhà hàn lâm người Trung hoa François Cheng trên báo La Libre. Đây là cả một sự khai sáng cho tôi. “Tất cả những gì biện minh cho con người là tâm hồn: chính tâm hồn giúp chúng ta giao tiếp với vũ trụ và có lẽ cũng là với siêu việt.” Và còn: “Tinh thần lý luận, tâm hồn vang lên. Tinh thần chuyển động, tâm hồn xúc động”. Một vài tháng sau, tôi tình cờ đọc quyển sách Từ Tâm hồn, bảy lá thư mà tác giả François Cheng gởi cho một người bạn gái. Tôi chỉ có thể giới thiệu với các bạn  (1).

Như thế chữ này nói lên một cái gì mà từ lâu tôi đi tìm để có thể diễn đạt. Thật sự không có lý luận theo kiểu của triết gia Descartes, còn có một khía cạnh khác được nêu lên, khía cạnh này là khía cạnh hợp lý, nó chiếm toàn bộ con người. Chữ “tâm hồn” có thể giúp để chỉ định nó.

Điều thiết yếu này của con người là không thể định lượng được. Cơ thể có thể cân nặng; chỉ số thông minh có thể đo lường; nhưng tâm hồn, chúng ta chỉ có thể có trực giác của chính mình, và cảm nhận tâm hồn người khác qua cử chỉ, lời nói, ngắn gọn qua sự hiện diện của họ. Nhà hàn lâm François Cheng viết: “Tất cả hành vi anh hùng là kết quả của tâm hồn.” Trong khi cơ thể có ngày sẽ khô héo, trí tuệ thông minh có ngày lu mờ, còn tâm hồn đẹp tràn đầy lòng nhân hậu sẽ tích trữ tất cả tình yêu mà nó có khả năng tích trữ. Dĩ nhiên ba yếu tố này tạo nên con người tôi, nhưng chính tâm hồn đã làm cho tôi thành một người.

Chúng ta hẳn rất mong người Bản địa da đỏ Mỹ không có tâm hồn. Như thế chúng ta không ngại ngùng khi khai thác họ. Chuyện này đã gây tranh cãi mà các thần học gia đã bảo vệ tâm hồn của người dân Bản địa. Trước kỷ nguyên chúng ta, các triết gia theo trường phái Aristote cũng không nghĩ người nô lệ có tâm hồn, hay đúng hơn họ nghĩ người nô lệ là những người khác vì họ có một tâm hồn khác, nên họ đủ tính chất để làm nô lệ.

Trong nhật ký riêng tư của nhà thần nghiệm do thái Etty Hillesum (1914-1943), bà chết ở trại tập trung Auschwitz, bà viết bà “cố gắng giữ một mảnh tâm hồn của mình nguyên vẹn qua các thử thách” (12 tháng 7 năm 1942). Than ôi, ngày nay “đô thị bất khả xâm phạm” (E. Hillesum) thường như sa mạc không có người ở, vì chúng ta sống bên ngoài chính mình. Cấp bách bây giờ là phải tìm lại con đường nội tâm sâu đậm, mật thiết với chính mình, bản thể nội tâm của mình, ngắn gọn là tâm hồn – chỉ là các cách khác nhau để gọi tâm hồn -, để nối kết mật thiết với chính mình, nơi chúng ta sẽ gặp một cái gì lớn hơn chúng ta, cái mà một số người gọi là “tâm hồn của thế giới”.

Ngày nay chúng ta có xu hướng ưu tiên cho tinh thần. Thông minh nhân tạo là chủ đề của tất cả các nghiên cứu ở Thung lũng Silicon. Có phải chúng ta sẽ chỉ là một tập hợp dữ liệu có thể dễ dàng tải trên mạng như các con ruồi lọt bẫy nhện không?

Chợt đến trong đầu tôi bài của nhà thơ Nga Evgueni Evtoschenko (1932-2017) khi ông nhớ lại cuộc đi dạo trên các đường phố Lima. Đó là vào đêm. Trong một đống giấy cũ ông loáng thoáng thấy bóng người. Để thoát khỏi cái lạnh, người phụ nữ này cuốn mình trong các tin tức của các báo ngày hôm qua, hôm nay đã thành rác rưởi. Khi đó nhà thơ Nga của chúng ta trích dẫn các nhân vật đã ở trang đầu các báo, tả các hình ảnh giật gân sang trọng làm quảng cáo đè bẹp người nghèo. Ông kết thúc bằng cách nghiêng mình từ trong tâm hồn trước “bức tượng sự thật này của thế giới”, vì “ở tận đáy lòng người phụ nữ lớn tuổi này ẩn giấu một điều không ai có thể lấy đi được, âm thầm hít thở xứ sở lớn nhất thế giới: tâm hồn con người”.

(1) : Từ Tâm hồn (De l’âme, nxb. Albin Michel 2016).

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Cái đẹp đến từ đâu? Lời giải thích sáng rõ của François Cheng