Tâm trạng cô đơn trong Sách Thánh Do Thái (3/4) 

215

Tâm trạng cô đơn trong Sách Thánh Do Thái (3/4) 

Trích sách Quả tim thao thức, The restless heart, Ronald Rolheiser 

Những nguyên do của cô đơn

Mặc dù nhiều lần nói đến cô đơn, nhưng Sách Thánh Do Thái luôn luôn nói một cách không rõ ràng. Vì thế, khi tìm hiểu các phân tích và lời giải cho vấn đề cô đơn của con người, nên nhìn thông điệp cách tổng thể thì có lợi hơn là trượt dài trong những đoạn văn cụ thể.

Sách thánh Do Thái nhìn nhận điều gì là căn nguyên của tâm trạng cô đơn? Có nhiều dạng cô đơn được nhận diện gắn liền với những nguyên do khác nhau. Về cơ bản, có ba nguyên do, mỗi một dạng tương ứng với một dạng cô đơn đặc thù.

  1. Tội lỗi gây nên tâm trạng cô đơn
  2. Cô đơn do tính cách phù du của mọi chuyện
  3. Cô đơn do bản chất rất tự nhiên của con người

 

Cô đơn do tính cách phù du của mọi chuyện

“Phù hoa nối tiếp phù hoa! Tất thảy là phù hoa!” Với những lời này, sách thánh Do Thái đưa ra một lý do thứ hai cho tâm trạng cô đơn, cụ thể là tất cả những gì chúng ta tiếp xúc trong cuộc sống này cuối cùng sẽ qua đi. Cuối cùng chẳng còn gì tồn tại. Vì vậy, chúng ta triền miên sống trong cô đơn.

Chúng ta thấy cách diễn tả suy nghĩ này xuyên suốt sách thánh Do Thái, nhưng không đâu sâu sắc và thi vị cho bằng các lời của Qoheleth, Giảng viên! Ông bắt đầu tác phẩm tuyệt vời này bằng việc nhấn mạnh, tất cả mọi sự trên đời đều là “phù hoa”. Xét theo nghĩa đen, đơn giản có nghĩa là tất cả đều hư ảo, là cơn gió thoáng qua, hiện diện ở đó nhưng không chắc chắn và cuối cùng là tan biến đi. Tất cả đều tạm thời. Rồi ông mời gọi làm một thử nghiệm. Trong vai vua Salomon (người có tất cả mọi thứ), ông thử nghiệm một cách có phương pháp tất cả các lãnh vực đời sống để nhìn ra liệu ông có thể tìm được điều gì mang lại viên mãn tận cùng, một điều gì đó tận cùng có thể cất đi tâm trạng cô đơn không. Tuy nhiên ông nhận thấy, tất cả những điều mà ông đã xem xét – hoan lạc, phú quý, nghệ thuật, hoàn mỹ, lao công, quyền lực, uy danh, triết học, và khôn ngoan – đều là “phù hoa”, nhất thời và không bền vững. Chẳng có gì còn mãi! Ông đã xem xét tất cả mọi sự có thể tiềm ẩn trong ông để mang lại thỏa mãn, nhưng cuối mỗi thứ, ông lại tuyên bố: “Điều này là phù hoa và cuốn bay theo làn gió.” Ông thấy cuộc đời này chẳng có gì là không qua đi và không nhất thời. Tính cách nhất thời này dẫn đến cô đơn. Qoheleth tóm lại điều này trong phần mở đầu của tác phẩm, “Bài thơ về lao công vất vả:

Phù vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân.

Tất cả chỉ là phù vân.

Lợi lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt trời?

Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường tồn.

Mặt trời mọc rồi lặn; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc lên.

Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc: gió xoay lui xoay tới rồi gió đi; gió trở qua trở lại lòng vòng.

Mọi khúc sông đều xuôi ra biển, nhưng biển cũng chẳng đầy.

Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp tục.

Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn.

Mắt có nhìn bao nhiêu cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.

Điều đã có, rồi ra sẽ có, chuyện đã làm, rồi lại sẽ làm ra:

dưới ánh mặt trời, nào có chi mới lạ?

Nếu có điều gì đáng cho người ta nói: “Coi đây, cái mới đây này!”, thì điều ấy đã có trước chúng ta từ bao thế hệ rồi. Chẳng ai còn nhớ đến người xưa, và đối với những người đến sau thì cũng thế; các thế hệ mai sau sẽ chẳng còn nhớ đến họ.

Cũng như sách thánh Do Thái đã chỉ rõ, cuối cùng chẳng có gì tồn tại. Sự thật này tạo nên nỗi cô đơn trong lòng chúng ta. Chúng ta trải nghiệm loại cô đơn này, ví dụ khi nghe tin cái chết của một thân yêu, khi con cái lớn đi xa nhà; khi chúng ta nhận ra cơ thể mình đã chậm lại, đã mất sinh lực và dẻo dai của tuổi trẻ, hay khi chúng ta để tâm đến bất cứ điều gì đã có mà bây giờ đã mất đi.

J.B. Thái Hòa dịch

Xin đọc thêm: Lời nói đầu sách Quả tim thao thức

Tâm trạng cô đơn trong Sách Thánh Do Thái (1/4)

Tâm trạng cô đơn trong Sách Thánh Do Thái (2/4)