‘Thật đẹp nếu tất cả biết ái mộ sự chăm lo cho nhau, nâng đỡ và giúp đỡ nhau. Trao đi bản thân sẽ thiết lập một mối liên hệ người với người, chúng ta không trao ‘những vật’ nhưng là trao ‘chính bản thân mình.’ Trao đi bản thân nghĩa là để cho toàn bộ sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa hành động. Đây chính là ý nghĩa của phúc âm hóa, đây là cách mạng mới cho đức tin của chúng ta, một đức tin luôn luôn cách mạng.’
Vatican Insider – Andrea Tornielli – 07/7/15
Từ Quito
Ngày 07-7, Đức Phanxicô đã cử hành thánh lễ cho công cuộc phúc âm hóa, tại công viên Hai Thiên niên kỷ ở Quito, cũng là địa điểm cũ của sân bay đã chào đón Đức Gioan Phaolô II hồi 1985. Đám đông dân chúng đã đến chung lòng với Giáo hoàng đầu tiên đến từ châu Mỹ La tinh. Người dân đã đến sẵn từ tối hôm trước, đem theo ghế nhựa, chăn chống thấm, để bảo vệ mình khỏi cái lạnh và ẩm ướt. Thánh lễ có kèm các bài hát truyền thống của Ecuador, và bài đọc một được đọc bằng tiếng tiếng bản xứ Quechua. Tổng thống Correa và gia đình ngồi dự ở hàng ghế đầu.
Khi giải thích ý nghĩa của phúc âm hóa, Đức Phanxicô mở lời nói về ‘cách mạng’ Kitô.
Những lời thúc giục của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc ly mong muốn sự hiệp nhất Kitô như dấu chỉ cho thế giới tin theo, đã trở nên một ‘tiếng kêu’. Đây là tiếng kêu trỗi lên từ ý thức về thiếu tự do, về nạn bóc lột và mất nhân phẩm, về việc ‘trở thành nạn nhân cho các ý muốn bốc đồng của cường quyền,’ và là tiếng kêu của người dân châu Mỹ từng một thời nô lệ và đã dành tự do.
Tôi muốn được thấy hai tiếng kêu này hợp chung với nhau, dưới thách thức tuyệt đẹp của phúc âm hóa. Chúng ta phúc âm hóa không phải với những mỹ từ đao to búa lớn, hay bằng những khái niệm phức tạp, nhưng là bằng ‘niềm vui của Tin mừng.’ Chúa Giêsu đã xin cho dân Ngài được ‘nên một … để cho thế giới tin theo.’ Lúc đó, Chúa Giêsu đang cảm nghiệm trong mình những sự tồi tệ nhất của thế gian, một thế gian mà Ngài đã yêu thương hết mực. Ngài biết hết những mưu đồ, những sai trái và phản bội của thế gian, nhưng Ngài vẫn không ngoảnh mặt bỏ đi, Ngài không phàn nàn gì.
Chúng ta ngày hôm nay, cũng hằng ngày đối diện với một thế giới bị xâu xé bởi chiến tranh và bạo lực. Thật dễ dãi và hấp tấp khi nghĩ rằng sự chia rẽ và hận thù chỉ là do xung đột giữa các quốc gia và các nhóm trong xã hội.
Thực tế thì ‘dòng giống tội len lỏi vào tâm hồn con người, gây nên quá nhiều đau khổ trong xã hội và toàn tạo vật. Nhưng chính bởi thế giới đau khổ này mà Chúa Giêsu sai chúng ta ra đi. Chúng ta không được đáp lời theo kiểu thờ ơ, hay phàn than rằng chúng ta không có các nguồn lực để làm việc này, hay rằng các vấn đề đó quá lớn. Thay vào đó, chúng ta phải đáp lại bằng cách nhận lấy tiếng kêu của Chúa Giêsu và đón nhận ân sủng cũng như thách thức làm người xây dựng sự hiệp nhất.
Tiếng kêu đòi tự do đó đã vươn lên từ cách đây 200 năm đòi độc lập cho người dân châu Mỹ La tinh. Chúng ta không thiếu tin tưởng hay sức mạnh … nhưng lịch sử đã cho biết rằng: chỉ tiến tới được khi biết gạt đi các khác biệt cá nhân. Đây chính là điểm gặp gỡ của phúc âm hóa và tự do, của công bố Tin mừng và xây dựng một xã hội công bằng hơn. Bởi phúc âm hóa có thể là một con đường hợp nhất các hi vọng, bận tâm, lý tưởng và ngay cả các quan điểm không tưởng. Khao khát hiệp nhất bao gồm niềm vui hân hoan và an ủi của phúc âm hóa, sự xác quyết rằng chúng ta có một kho báu vô tận để chia sẻ, một kho báu càng tăng thêm khi được chia sẻ, và trở nên vô cùng nhạy cảm với nhu cầu của tha nhân.
Do đó, cần phải làm việc vì sự dung nạp ở mọi mức độ, tránh đi mọi loại ích kỷ, hãy xây dựng giao tiếp và đối thoại, thúc đẩy sự hợp tác. Tin tưởng nhau là một nghệ thuật, và hòa bình là một nghệ thuật. Sự hiệp nhất của chúng ta khó có thể chiếu tỏa mạnh mẽ nếu như sự trần tục tâm linh khiến cho chúng ta nuôi hận thù vì theo đuổi phù phiếm những quyền lực, danh vọng, khoái lạc hay bảo đảm kinh tế. Và điều này gây hại cho người nghèo, những người không tự bảo vệ được, và những người không chịu đánh mất phẩm giá cho dù ngày ngày bị ngược đãi.
Phúc âm hóa không hệ tại ở việc chiêu mộ. Chiêu mộ là một méo mó của phúc âm hóa. Nhưng phúc âm hóa là sự lôi cuốn bằng chứng tá của chúng ta, khiêm nhượng xích lại gần những người đang cảm thấy xa rời Chúa và Giáo hội, những người đang sợ hãi hay lãnh đạm, và nói với họ rằng, ‘Chúa, với lòng trân trọng và yêu thương vô cùng, cũng đang gọi bạn dự phần trong dân Ngài.’
Đời sống thiêng liêng của một người phúc âm hóa được sinh ra từ chân lý thâm sâu này, vốn không được đánh đồng với một số thực hành tôn giáo kiểu tiện nghi, bởi Chúa Giêsu thánh hiến chúng ta để chúng ta có thể gặp gỡ Ngài cách riêng. Và cuộc gặp gỡ này dẫn chúng ta đến gặp gỡ người khác, dự phần vào thế giới chúng ta, và phát triển nhiệt tâm phúc âm hóa.
Sự hiệp nhất mà Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta không phải là sự đồng hóa, nhưng là sự hòa hợp đa diện và mời gọi. Sự lành mạnh trong các khác biệt của chúng ta, sự đa dạng của chúng ta trở nên hợp nhất bất kỳ lúc nào chúng ta tưởng niệm ngày Thứ sáu Tuần Thánh, và điều này cho chúng ta biết đề phòng tất cả mọi mưu đồ chuyên chế, hệ tư tưởng hay bè phái.
Đường hướng của Chúa Giêsu rất cụ thể chứ không trừu tượng lý thuyết. ‘Hãy đi và làm như thế,’ sau khi kể dụ ngôn người Samari nhân hậu, chính Chúa đã nói vậy với người hỏi xem ai là người lân cận với mình. Và sự hiệp nhất này cũng không phải là một thứ chúng ta tạo nên theo ý mình, đưa các điều kiện này nọ, chọn xem ai ở trong và ai không. Chúa Giêsu cầu nguyện cho chúng ta tất cả đều được dự phần trong gia đình lớn với Thiên Chúa là Cha và tất cả chúng ta là anh chị em với nhau. Điều này không phải là ai ai cũng cùng chung thị hiếu, chung bận tâm, hay thiên tư tài năng. Chúng ta là anh chị em bởi Thiên Chúa tạo ra chúng ta bởi tình yêu, và tiền định cho chúng ta làm con trai con gái Ngài.
Do đó, tiếng kêu đòi hiệp nhất, từng li từng tí, đều đầy khẩn thiết và thúc giục hệt như tiếng kêu đòi độc lập vậy. Cả hai đều đầy lửa nhiệt tình rung động. Nguyện xin mỗi người các bạn là chứng tá cho sự thông hiệp huynh đệ chiếu tỏa trên thế giới chúng ta.’
Đức Phanxicô kết bài giảng rằng,
‘Phúc âm hóa nghĩa là trao đi bản thân mình và chăm lo cho người khác. Trong bất kỳ hành động trao đi nào, là chúng ta đang trao đi chính bản thân mình, để tất cả sức mạnh của tình yêu Thần Khí Thiên Chúa bắt rễ ăn sâu trong đời chúng ta.
Khi trao đi bản thân, chúng ta khám phá ra căn tính đích thực của mình là con cái Thiên Chúa trong hình ảnh của CHA, và giống Chúa Cha, Đấng ban sự sống. Khi trao đi bản thân, chúng ta khám phá rằng chúng ta là anh chị em với Chúa Giêsu, Đấng mà chúng ta đang làm chứng.
Đây chính là ý nghĩa của phúc âm hóa, đây chính là cuộc cách mạng mới, bởi đức tin của chúng ta luôn luôn cách mạng, và đây là tiếng kêu thâm sâu nhất và liên tục nhất trong chúng ta.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch