Những câu chuyện đau đớn lòng của các nạn nhân của ISIS

364

CNA | Matt Hadro | 29-04-2016

(Lưu ý của Biên tập viên: Bài báo này có những mô tả chính xác về bạo lực. Khuyến cáo cân nhắc trước khi đọc.)

Những câu chuyện đau đớn lòng của các nạn nhân của ISIS

Những câu chuyện thật, và quá tàn bạo.

Một cặp vợ chồng có con cái bị phiến quân ISIS bắt. Một ngày nọ, khi mở cửa, họ thấy một túi nilon trên thềm nhà. Trong túi là những mảnh thi thể của những cô con gái của họ, kèm theo một video ghi lại cảnh các cô bị cưỡng hiếp và tra tấn.

Một phụ nữ Kitô giáo khác ở Mosul, nghe tiếng gọi và mở cửa, thì thấy những lính ISIS ngoại quốc đến yêu cầu cô nạp thuế hoặc phải bỏ nhà mà đi ngay lập tức. Cô xin họ một lát, vì con gái cô đang tắm, nhưng những phiến quân này không cho cô thời gian. Họ châm lửa đốt nhà, khiến con gái cô thiệt mạng. Cô bé chết trong tay mẹ, nhưng những lời cuối cùng của bé là ‘Tha thứ cho họ.’

Đây là những câu chuyện được kể trong một hội nghị về bách hại Kitô hữu diễn ra ở New York hôm thứ năm tuần trước.

Jacqueline Isaac, một nhà bảo vệ nhân quyền và là phó chủ tịch của nhóm Con đường Thành công. Mẹ của cô, chủ tịch của nhóm, đã làm chứng trước Quốc hội Anh hồi tuần trước sau khi bà trở về từ Homs, Syria. Cô Jacqueline kể lại nhiều câu chuyện, chỉ ra những hành động man rợ và tàn ác, cùng những câu chuyện anh hùng và tha thứ.

‘Nhìn xem, giữa tăm tối có ánh sáng, và chúng ta ở đây ngày hôm nay là nhờ ánh sáng này, bởi ở đâu có ánh sáng ở đó có hi vọng.’

Jacqueline là một trong những diễn giả tại hội nghị quốc tế #WeAreN2016 về tự do tôn giáo, diễn ra từ ngày 28-30 tháng tư, tại New York. Đây là hội nghị thường niên lần thứ hai để gây nhận thứ về cảnh ngộ của các Kitô hữu và những nhóm tôn giáo thiểu số khác đang bị bách hại, nhất là ở Trung Đông. Chữ ‘N’ là đại diện cho chữ ‘nun’ (ن) mà ISIS thường sơn lên nhà của các Kitô hữu ở Mosul, Irắc để xác định họ là những ‘người Nazareth.’

Hôm thứ năm, hội nghị diễn ra tại tổng hành dinh của Liên hiệp quốc. Hội nghị có những lời chứng về nạn bách hại Kitô hữu của những nạn nhân do tay ISIS, những người thiểu số ở Syria và các lãnh đạo tôn giáo cũng như dân sự khác.

Các diễn giả đã chia sẻ những mô tả kinh khủng về sự tàn ác của ISIS.

Cố cầm nước mắt, Samia Sleman 15 tuổi, kể về sáu tháng cô bị ISIS cầm tù. Nói qua người thông ngôn, cô bé người Yazidi này cho biết gia đình cô bị bắt vào tháng tám 2014. Cha cô, chú, và ông vẫn còn đang bị ISIS giam cầm.

Những kẻ này chia đàn ông và phụ nữ ra riêng, và chiếm làm sở hữu của mình. Hàng ngàn phụ nữ bị cưỡng hiếp, có em mới bảy tuổi, và chúng buộc họ phải cải sang Hồi giáo. Một số phụ nữ lớn tuổi mà chúng thấy không thể làm nô lệ tình dục thì bị chúng giết đi.

Sleman hỏi, ‘Tại sao những trẻ em những con người vô tội này phải chịu quá nhiều đau khổ thế này. Tại sao chúng ta không thấy có phản ứng gì? Dù cho đã một năm rưỡi trôi qua, chúng ta chứng kiến những chuyện kinh khủng xảy ra cho những nhóm thiểu số, đặc biệt là người Yazidi và Kitô hữu vùng này, mà chúng ta không thấy cộng đồng quốc tế có hành động cụ thể nào để chống lại ISIS.’

Mới đây, Liên hiệp Âu châu Lưỡng viện Hoa Kỳ và Nghị viện Anh đã thừa nhận có nạn diệt chủng ở Trung Đông, điều này đem lại hi vọng cho các nạn nhân. Nhưng cần phải hành động hơn nữa.

Khi làm chứng trước Nghị viện Anh, bà Isaac dắt theo một cô gái 16 tuổi, đã phải chứng kiến những việc tàn ác man rợ. Cô gái đã phải chứng kiến cha mình bị giết ngay trước mắt, và còn chứng kiến một bé gái 9 tuổi bị cưỡng hiếp đến chết.

Bà Issac cho biết, ‘Dù cho lập luận pháp chế là điều rất quan trọng đối với quyết định của Nghị viện, nhưng chính những câu chuyện đau đớn lòng này đã khiến Nghị viện quyết định tuyên bố nạn diệt chủng.’

Và khi Nghị viện Anh ra quyết định tuyên bố nạn diệt chủng đang diễn ra ở Irắc và Syria, cô gái trên bật khóc kêu lên, ‘lạy Chúa, lạy Chúa, tạ ơn Chúa, Chúa đã nghe tiếng chúng con kêu.’

Rồi bà Isaac còn kể lại chuyện một bà mẹ ở Syria có đứa con bị giết. Trước quyết định trên, bà này thốt lên, ‘Máu vô tội của con tôi đã không bị làm ngơ.’

Bà Issac nói rằng, ‘Bước đầu tiên, chiến thắng đầu tiên, chính là tiến trình chữa lành này, khi những người sống sót biết rằng có những người khác đang giúp đỡ họ.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch