Phụ nữ chịu bách hại nặng nề hơn nam giới

211

CNS | Loredana Vuoto | 26-04-2016

Indian women on the streets of Jodhpur

Một khảo sát toàn cầu mới đây cho thấy sự trỗi dậy của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là nguyên nhân hàng đầu của nạn bách hại Kitô hữu trên khắp thế giới, và nhiều nạn nhân là phụ nữ.

Emily Fuentes, giám đốc truyền thông của tổ chức Cánh cửa Mở, cho biết, ‘Đau lòng thay, ngày càng nhiều phụ nữ là mục tiêu của các nhóm khủng bố.

Trên khắp thế giới, có vô số vụ các phụ nữ bị bắt cóc, cưỡng hiếp và bị buộc cải từ Kitô giáo sang Hồi giáo. Nhiều người còn bị đem bán. Sự tàn ác này không chỉ ở Trung Đông, mà còn ở châu Phi và nhiều nơi khác.’

Tổ chức Cánh cửa Mở tập trung vào nạn bách hại bài Kitô giáo ở nhiều quốc gia trên khắp thế giới. Theo Danh sách Quan sát Thế giới năm 2016, thì mức độ bạo lực đối với các Kitô hữu trên toàn cầu đã lên rất cao, với con số thống kê gần như gấp đôi năm ngoái. Báo cáo cũng cho thấy chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan là ‘nhân tố chính trong 35/50 nước bách hại.’

‘Ở nhiều nước, phụ nữ bị ngược đãi bởi họ bị xem là công dân hạng hai chỉ vì giới tính của mình. Khi vừa là nhóm thiểu số về giới tính và cả về đức tin, thì các phụ nữ Kitô hữu phải đối mặt với nguy cơ gấp đôi. Dù cho không có con số chính xác, nhưng chúng tôi biết hàng triệu phụ nữ đang bị ngược đãi bách hại.’

Trong hai năm qua, ISIS đã hành hình 250 cô gái vì không chịu làm nô lệ tình dục cho chúng. Hai năm trước, Boko Haram đã tấn công một trường học ở Chibok, Nigeria, bắt đi 276 thiếu nữ. Hầu hết các cô vẫn còn trong tình trạng mất tích.

Trong danh sách 50, Tổ chức Cánh cửa Mở xếp Bắc Hàn là nước bách hại Kitô hữu nhất, tiếp theo là Somali, Irắc, Eritrea, Afghanistan, và Pakistan. Hầu hết các nước trong danh sách 50 này ở Trung Đông hoặc Phi châu.

Năm ngoái, hơn 7000 Kitô hữu bị giết vì đức tin. Đây là sự gia tăng dữ dội khi năm 2014 là 4344 và năm 2013 là 2123. Báo cáo không bao gồm những Kitô hữu bị giết hại ở Bắc Hàn, Irắc, hay Syria, những nơi không thể tiếp cận.

Năm 2015, có đến 2484 Kitô hữu bị giết vì đức tin ở Nigeria. Tiếp theo là Cộng hòa Trung Phi với 1088 người chết. Syria, Kenya, và Bắc Hàn cũng là nơi tử địa với Kitô hữu, với ít nhất vài trăm người chết ở mỗi nước.

Bà Emily giải thích rằng những nước này sợ các biểu hiện tôn giáo công khai. Điều này đặc biệt tác hại đến phụ nữ.

‘Phụ nữ Kitô giáo thường có khuynh hướng biểu lộ và sốt sắng trong đức tin hơn nam giới. Đau lòng thay, họ phải trả giá vì điều này khi một vài quốc gia xem tôn giáo là mối đe dọa cho chế độ. Phụ nữ xem đức tin và phụng sự Thiên Chúa thì cao hơn chính quyền, và chính quyền nhiều nước không chấp nhận điều này.’

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, phụ nữ Kitô hữu là là nhóm có đạo lớn nhất trên thế giới, chiếm 34% dân số toàn cầu. Ở nhiều nước, các phụ nữ cầu nguyện và tham dự thánh lễ thường xuyên hơn nam giới. Họ cũng xem trọng đạo hơn.

Bà Emily cho biết sự bách hại đối với phụ nữ không chỉ trong mức độ thể lý:

‘Ở các nước Hồi giáo, những phụ nữ Kitô hữu bị tước đoạt tự do một cách có hệ thống, và bị tước những nhu yếu căn bản của con người. Họ không được chăm sóc sức khỏe, không được ăn uống và học hành chính đáng.

Cuộc sống của họ chỉ là sinh tồn và phải đề phòng bằng cách đi cùng một người thân nam giới. Nhiều trường hợp, họ có thể tìm cách khác. Nhưng hầu như không có giải pháp nào, và phụ nữ phải chịu nguy hiểm hằng ngày.’

Bà Emily nói rằng người ta thiếu nhận thức về vấn đề này.

‘Chắc chắn cần có thêm nhận thức và lên tiếng cho những phụ nữ đang bị bách hại trên toàn thế giới. Phải có sự cứu trợ quốc tế và liên hệ với các chính phủ để thấy được cách họ đối xử với phụ nữ Kitô hữu.

Phải nói rằng, bách hại phụ nữ và tín hữu là chuyện không thể chấp nhận.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch