Họ quyết định là tín hữu kitô: “Tôi giận cha mẹ vì đã không cho tôi học đạo” (1)

108

Họ quyết định là tín hữu kitô: “Tôi giận cha mẹ vì đã không cho tôi học đạo”

Phần 1

Những lời chứng

Vào cuối tuần lễ Phục sinh, hơn 7.000 người lớn sẽ được rửa tội ở Pháp. Trong những năm gần đây, dù Giáo hội Pháp đang gặp khủng hoảng, số lượng này ngày càng tăng. Năm người trong số họ đã tâm sự với báo La Croix về hành trình hoán cải đầy sắc thái của họ. Những người Chúa đến gặp này, họ là ai?

La-croix.com, Marguerite de Lasa và Marine Lamoureux, 2024-03-27

Cả hai cha con không ai biết văn hóa hay tập tục của đạo là gì. Người cha từ một gia đình vô thần, kitô giáo chưa bao giờ có trong thế giới của anh. Ngoại trừ anh luôn cảm thấy “có một ai đó hiện diện” gần mình. Là con một, được người cha nuôi, khi còn nhỏ anh thường ở một mình lâu giờ trong căn hộ của hai cha con ở Meudon (Hauts-de-Seine). Anh nhớ sự hiện diện này. Và anh yêu mến nhà thờ. Những tảng đá khổng lồ, sự thinh lặng êm đềm của nhà thờ, ấn tượng về một nơi “có người ở”. “Chúng quen thuộc với tôi, giống như những ngôi nhà cổ. Tôi cảm thấy dễ chịu khi ở đó.” Năm 18 tuổi, ba tuần trước lễ Giáng sinh, cha anh đột ngột qua đời vì bệnh ung thư. Anh không thể mừng Giáng sinh năm đó, ngày 24 tháng 12 anh đến nương náu ở nhà thờ Chúa Thánh Thần ở Meudon (Hauts-de-Seine). Anh dự thánh lễ, nghe thánh ca như được thoa dầu chữa bệnh. Sau đó, anh nghe giảng một vài ngày chúa nhật. Liên hệ của anh với kitô giáo chấm dứt ở đó.

Nhiều năm sau, Théo, người con cả trong ba con trai của anh bắt đầu đặt câu hỏi về “Giêsu”. Lúc đó Théo mới 6 tuổi. Anh cười lớn “nó đặt hàng ngàn câu hỏi!”. Anh là kỹ thuật viên video 42 tuổi, có bộ râu ngắn, mặc chiếc áo có mũ trùm đầu. Hồi đó gia đình anh sống ở Saint-Rémy-lès-Chevreuse, nơi có một cộng đồng kitô giáo lớn. “Ba ơi, Giêsu là ai?”, “Có thật ông ấy là Con Thiên Chúa không?”

Mọi việc đã bắt đầu như thế nào

Câu chuyện diễn ra trên bờ sông Loire, vào một ngày tháng 8 năm 2021. Trong một chuyến đi xe đạp, người cha Valentin Guilmard và con trai Théo 10 tuổi dừng chân ở ngôi nhà thờ nhỏ Đức Bà La Salette, ở Loire-Authion (Maine-et-Loire). Đó là lúc hai cha con đi chơi chung với nhau giữa mùa hè, hai cha con mua tấm bia, vài cây nến, và đột nhiên người cha nói với con: “Théo à, nếu cả hai cha con mình rửa tội năm nay thì sao?” Cậu con trai phấn khích cười rạng rỡ. Théo chắc chưa hiểu chuyện này sẽ đòi hỏi gì – người cha cũng vậy. Rồi hai cha con lên đường say sưa với ý tưởng của mình.

Những bước đầu tiên

Sylvie (tên đã được thay đổi), ngoài năm mươi, bác sĩ ở một thành phố nhỏ miền Tây không lớn lên trong gia đình công giáo, chắc chắn bà đã hỏi người cha những câu hỏi này khi bà còn nhỏ. “Tôi nghĩ tôi luôn là người thần nghiệm. Khi tôi 4 tuổi, tôi xin cha tôi đưa tôi đi lễ.” Cũng như anh Valentin, bà không xuất thân từ gia đình công giáo, nhưng trong một gia đình nhà giáo, cánh tả, thế tục, thậm chí còn chống giáo hội.” Bà tiếp chúng tôi trong văn phòng của bà ở trung tâm thành phố. Khuôn mặt xanh xao, mang chiếc khăn choàng len và giọng nói rất nhỏ.

Nhưng khi bà kể chuyện, giọng nói của bà to, bà nhớ một buổi sáng nọ bà đột nhiên thức dậy với một hình ảnh rất sống động trong đầu. Lúc đó bà vừa mơ thấy ngón tay của Chúa chạm vào bà. Và không phải chạm bất cứ đâu, Ngài chạm vào phần thân trên của bà, chính xác nơi khi còn nhỏ bà có khối u mạch máu, nơi bà bị đau nặng nhất, bà nói: “Thời đó các bác sĩ không gây mê trẻ sơ sinh. Khi họ cố gắng làm giảm vết sưng gần tim, đó là những lần tra tấn vô cùng đau đớn.” Trong giấc mơ, bà thấy Chúa chạm vào vết thương này: “Các bà biết không, tôi đã phân tích rất nhiều giấc mơ khi tôi làm phân tâm học hồi bốn mấy tuổi. Nhưng đây là một chuyện khác. Và giấc mơ này trở nên rõ ràng với tôi: Chúa thực sự tồn tại.” Đó là hai năm trước, một “mặc khải ập đến tôi”.

Cùng lúc các phản ứng cá nhân từ kinh nghiệm phân tâm học choán hết tâm trí bà. Bà nói: “Lúc đầu, tôi tự nhủ: ‘Tôi khùng rồi, ôi chao, tôi có đủ mọi triệu chứng!’ Nhưng nó vẫn tiếp tục.” Và dần dần nó thành hiển nhiên, bà thấy rõ mỗi khi đi lễ gần nhà hoặc nghe lời cầu nguyện buổi sáng trên đài phát thanh Pháp. Mọi thứ vang vọng, “Ngôi Lời nhập thể”, “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”… Tôi giận bố mẹ vì đã không cho tôi học đạo. Tôi đã ngoài 50 rồi, vậy mà bây giờ tôi phải học lại mọi chuyện từ đầu.”

Hồi giáo hay kitô giáo?

Ở vùng Val-d’Oise bình dân nơi Pauline lớn lên, tôn giáo bao quanh tất cả, nhưng cô không theo tôn giáo nào. Ở trường trung học, tất cả các bạn của cô đều theo đạo hồi, ngoại trừ cô. Chuyện này không bao giờ là vấn đề, cũng không bao giờ là chủ đề để các cô gái tuổi teen này quan tâm, những ngày cuối tuần, họ dành thì giờ để đến nhà người này người kia, hoặc viết tin nhắn cho nhau mỗi ngày. Lúc đó tôn giáo chỉ là nền để trang trí, đôi khi là chiếc đồng hồ nhắc giờ cầu nguyện buổi tối, hoặc vội vã về ăn bữa iftar với gia đình trong tháng Ramadan.

Cùng lắm, tôn giáo chỉ là chuyện gây chút thất vọng cho cô thiếu nữ vui vẻ sôi nổi, có những lọn tóc dài màu nâu này, khi các cô bạn đăng hình lên Snapchat tại nhà thờ hồi giáo mà không có cô. Và rồi, có điều gì đó thật ấn tượng khi thấy tất cả các bạn mình đều cùng nhịn ăn trong tháng Ramadan: “Thật khùng khi thấy các bạn nhịn ăn trong tháng Ramadan ở tuổi này! Tín hữu kitô chúng tôi chẳng bao giờ nói về Mùa Chay…”

Pauline, 15 tháng 3 tại Rennes nơi cô học và lớn lên trong khu dân cư lao động ở Val-d’Oise. / Matthieu Chanel – La Croix L’Hebdo

Sau đó, gần như vô thức, Pauline xác nhận cô là tín hữu kitô. Đó là những gì còn lại của tuổi thơ ấu. Trong kỳ nghỉ với gia đình bên nội ở Martinique, cô thường đi lễ với bà nội, bà đi mỗi ngày. Pauline không hiểu gì về thánh lễ, điều quan trọng với Pauline là được đi với bà, cô muốn ở bên cạnh bà. Cả cha lẫn mẹ cô đều không theo đạo. Chuyện là như thế.

Khi còn là học sinh trung học ở Montbéliard vùng Doubs, Adrien (tên đã thay đổi) cũng muốn tìm hiểu. Nhưng vì những lý do khác. Anh có cảm giác “có điều gì đó không ổn” trong cách thế giới này hoạt động. Như thể có điều gì đó sai, không thích hợp, không vừa ý trong xã hội này, hay ở trong con người. Anh tìm dấu vết của vẻ đẹp khắp nơi. Những suy ngẫm của nhà khoa học máy tính 26 tuổi thanh lịch này, trong chiếc áo kín cổ với áo khoác ngoài, diễn tả bằng lời lẽ của mộng mơ, giống như một tác giả hoài niệm của những thế kỷ trước. Anh trích dẫn “sự hèn hạ của các chính trị gia”, chiến tranh và áp bức. “Có điều gì đó làm tôi khó chịu…” Anh nói thêm một từ: “Có lẽ là chủ nghĩa tương đối.”

Vì thế Adrien bắt đầu đọc rất nhiều. Ở nhà có ít sách, căn nhà khiêm tốn, bố mẹ là công nhân xe hơi nhưng từ cuối cấp ba, anh đã ngấu nghiến đọc thơ, đầu tiên là tác giả Victor Hugo, sau đó là Heredia, rồi đến các tư tưởng gia Rousseau, Kierkegaard, Marx, Proudhon, Bakunin… Đặc biệt thơ làm anh cảm động, vì anh tìm thấy vẻ đẹp trong đó, cái “đã có sẵn trong con người”. Nhưng anh tự hỏi: “Vì sao có những điều tốt đẹp này mà cuối cùng chúng ta lại phạm tất cả những điều khủng khiếp này?”

“Tôi không biết phải trả lời cho con trai tôi như thế nào, chủ đề này nằm ngoài khả năng của tôi, tôi lơ ngơ giữa Cựu Ước, Adong-Evà, Giêsu… Để trả lời cho con, tôi khám phá các bài đọc cho chính tôi.” Valentin

Cha mẹ của anh không giữ đạo, một bên theo văn hóa hồi giáo, một bên là công giáo, đã không truyền lại tôn giáo cho anh. Tuy nhiên, ở những bài thơ anh sáng tác, thỉnh thoảng lại cho thấy một dấu vết. Anh viết: “Tại sao Ngài lại tạo ra Con người phù du như vậy?”

Quyết định chọn

Valentin thấy mình hoàn toàn bất lực trước Théo, đứa con 6 tuổi của anh, Théo không bao giờ ngừng hỏi về Chúa Giêsu. “Tôi không biết phải trả lời cho con trai tôi như thế nào, chủ đề này nằm ngoài khả năng của tôi, tôi lơ ngơ giữa Cựu Ước, Adong-Evà, Giêsu… Để trả lời cho con, tôi khám phá các bài đọc cho chính tôi…” Cuối cùng người cha đào xới các Phúc Âm, đọc chúng, thấy âm vang đồng vọng với những bài giảng thời thiếu niên đã nghe, nhưng trên hết là cả một kho tàng không thể nghi ngờ, anh đã “phải lòng” nó. “Để trả lời cho con, tôi đã tìm ra những lời kinh cho chính mình.” Bây giờ anh vẫn còn xúc động vì chuyện này. Một số dụ ngôn đánh động anh, như nhắn nhủ anh – “viên đá đầu tiên”, “người thiếu lòng  tin”, “biến nước thành rượu”… Anh đọc các chuyện này cho con nghe, hai cha con bàn cãi về những dụ ngôn này. “Những trao đổi này rất đơn giản, bình thản, không rắc rối. Không đi xa thêm.” Rồi đến ngày hè năm đó và ngôi nhà thờ nhỏ gần sông Loire. Rồi ý tưởng rửa tội này.

Với Pauline, nữ sinh trung học của thành phố Val-d’Oise, tình huống tù túng đóng một vai trò quan trọng. Khi cô chạy đua nước rút để thi vào các trường kinh doanh thì đột ngột bị dừng. Cô gái trẻ bỗng nhiên thấy mình nhàn rỗi, mất hứng thú với các kỳ thi, vì ngày thi liên tục bị hoãn lại. Những câu hỏi bắt đầu được đặt ra. Cô rảnh rỗi. Trước máy tính, cô lạc vào Internet.

Một trong các cô bạn hồi giáo gởi cho cô ảnh chụp một đoạn trong kinh Koran: “Pauline ơi, bạn có biết có một câu trong kinh Koran nói về Kinh thánh không?” Điều này làm cho cô tò mò. Cô muốn biết, trong sâu thẳm, mình tin vào điều gì. Cô tự hỏi: “Khi hướng về Thượng Đế, Pauline, bạn cầu nguyện với Chúa của Kinh thánh hay của kinh Koran?” Cô cần phải biết rõ. “Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ Chúa đã gọi tôi vào lúc đó.” 

Trên mạng xã hội

Sau đó, Pauline đi tìm con đường mà theo cô, dường như đưa cô ấy đến bất cứ nơi nào Chúa muốn. Lúc đó, cô cảm thấy sẵn sàng theo đạo hồi, miễn là cô thấy được thuyết phục. “Nếu mình theo đạo hồi như các bạn thì tình bạn của tụi mình sẽ đẹp hơn.” Thế là cô bắt đầu tìm ‘kho báu’ trên mạng xã hội. Vào YouTube, cô viết “sự khác biệt giữa kitô giáo và hồi giáo là gì”, sau đó cô xem video “Chúa Giêsu đã sống như thế nào”, sau đó là “Chứng từ của những tín hữu kitô về đạo hồi” và cứ thế cô xem các video tự động đề xuất. Instagram đưa cô đến với Janvier Hongla, một tín hữu kitô ở khu dân cư lao động đang tranh luận với những người theo đạo hồi. Theo dõi qua màn hình, Pauline thấy anh có sức thuyết phục và ngưỡng mộ cách trả lời của anh.

Trên Twitter, cuộc tìm kiếm này có một bước ngoặt mang tính chiến đấu. Chứng kiến một kitô hữu bị một người hồi giáo thách thức và gọi là “lầm lạc”, Pauline mở một tài khoản Twitter ẩn danh và lao vào trận chiến để bảo vệ “người anh em kitô” của mình. “Tại sao mình lại để bản thân bị giẫm đạp?” Dùng các câu Kinh thánh, cô mạnh mẽ bảo vệ người đồng tôn giáo rất mới của mình và muốn chứng minh sự thật về kitô giáo. Bốn năm sau, cô trợn mắt: “Tôi bắt đầu tranh luận dù tôi chẳng biết gì về kitô giáo…”

Suy nghĩ chắc chắn hồi giáo không phải là tôn giáo của mình, cuối cùng một câu trong thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Galata đến với cô: “Nhưng nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo cho anh em Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi.” Choáng váng, cô thấy rõ ràng đây là việc mặc khải kinh Koran cho Mohammed. Tim cô lỡ một nhịp. “Làm sao có thể có người hồi giáo sau khi Thánh Phaolô viết câu này?” Cô gục đầu vào tay. “Dù sao thì chuyện đã rõ ràng rồi!”

Trong nghiên cứu của mình, Pauline cũng chăm chú đọc Kinh Thánh, đánh dấu và chú thích Kinh Thánh. Cô cảm động trước kitô giáo, một đạo “nói về mối quan hệ thực sự với Chúa”. Những điều kỳ diệu trước thông điệp tình yêu của Chúa Giêsu – khi nói đến điều đó, giọng cô nhanh hẳn lên và phấn chấn. Rồi cô bắt đầu cầu nguyện. Chẳng bao lâu sự khám phá của tâm trí trở thành thực thể rõ ràng, cô cảm thấy trái tim mình trở nên ấm áp và nhẹ nhàng. “Tôi cảm thấy tốt, thực sự tốt.”

Pauline tô đậm quyển Thánh Kinh của cô, cô thực sự sống đức tin của mình. Mathieu Chanel – La Croix L’Hebdo

Gần Montbéliard, Adrien cũng nghiêm túc tìm kiếm trong các sách của anh. Anh là người lý tưởng, không khoan nhượng. Kitô giáo thu hút anh, nhưng, do còn bán tín bán nghi về tôn giáo thống trị này, anh bắt đầu “kiểm tra” nó. Anh nghiền ngẫm các tác phẩm kitô giáo nguyên thủy, Thánh Augutinô, Thánh Gioan Chrysostom, Thánh Tôma Aquinô. Lần lượt những định kiến của anh bị sụp đổ. Với anh, tất cả hoàn toàn nhất quán. Từ đó trở đi, anh phấn chấn. “Tất cả các học thuyết khác đều có sai sót, đạo tin lành không đứng vững, hồi giáo cũng vậy… Trong kitô giáo, mọi thứ đều gắn kết với nhau, nó… tuyệt vời.” Anh là người đi tìm những điều chắc chắn, những nền tảng vững chắc, anh không thấy có một vết nứt nào trong hệ thống của Giáo hội. Hơn nữa, nó lại triệt để: “Nếu ngày mai tôi thấy có kẽ hở nào, tôi sẽ không là người công giáo nữa.” Adrien có nét gì đó của một anh hùng lãng mạn. Trong Giáo hội, anh yêu các “mầu nhiệm” như Chúa Ba Ngôi mà con người không bao giờ có thể nắm bắt trọn vẹn được.

Maria Tô Diệu Lan dịch

Còn tiếp phần 2

Những người mới được rửa tội: Cái đẹp luôn thu hút chúng ta đến với Thiên Chúa