Việt Nam – Tòa Thánh, chờ đợi chuyến thăm của giáo hoàng, những bước đi ngoại giao trước

255

Việt Nam – Tòa Thánh, chờ đợi chuyến thăm của giáo hoàng, những bước đi ngoại giao trước

Chuyến đi của tổng giám mục Paul Gallagher là dấu hiệu của một đối thoại đang diễn ra có thể nhanh chóng dẫn đến quan hệ ngoại giao chặt chẽ hơn.

Tổng giám mục Gallagher trong thánh lễ cuối cùng tại Việt Nam trước khi về Rôma | X @Terzaloggia

acistampa.com, Andrea Gagliarducci, 2024-04-17 (ACI Press).

Ba thánh lễ tại thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Hà Nội là những điểm nổi bật của chuyến đi Việt Nam của tổng giám mục Paul Richard Gallagher, bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia của Vatican. Đây là lần đầu tiên một giám chức cao cấp của Vatican đến Việt Nam và đó cũng là dấu hiệu cho thấy đang có những tiến triển để có quan hệ ngoại giao đầy đủ, dù các vấn đề vẫn còn tồn tại.

Quan hệ ngoại giao là một bước quan trọng và cần thiết. Ít nhất, điều này là cần thiết khi Đức Phanxicô có thể kéo dài chuyến tông du châu Á thêm vài ngày để trở thành giáo hoàng đầu tiên đến thăm Việt Nam. Đúng là mọi thứ đều có thể được giải quyết dù không có quan hệ ngoại giao đầy đủ và chỉ với đại diện thường trú của Tòa thánh. Tuy nhiên, điều này sẽ tạo ra một tiền lệ khó giải quyết, đặc biệt khi xét đến những lời mời của Trung Quốc, vốn sẵn sàng chấp nhận chuyến thăm của giáo hoàng, nhưng lại có vẻ miễn cưỡng trước ý tưởng bắt đầu các thủ tục quan hệ ngoại giao, hoặc ít nhất là một đại diện của Tòa Thánh thường trú tại Bắc Kinh, như hồng y Pietro Parolin đã nhiều lần yêu cầu.

Tuy nhiên, một khi trở ngại về tự do tôn giáo được khắc phục, ít nhất là về hình thức – vì vấn đề này luôn phức tạp ở các nước xã hội chủ nghĩa – thì các cuộc đối thoại song phương vẫn tiếp tục, Giáo hội tại Việt Nam hy vọng việc tăng cường các chuyến thăm của Vatican cuối cùng có thể phá bỏ bức tường vô hình giữa chủ nghĩa xã hội và đức tin, được xây dựng từ năm 1975, năm mà quan hệ ngoại giao chính thức giữa hai bên bị cắt đứt. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu chào mừng trước thánh lễ, tổng giám mục Vũ Văn Thiện cho biết ngài tin tưởng chuyến đi này sẽ có tác động tích cực đến đời sống đức tin của cộng đồng công giáo địa phương và sẽ mở ra một chương mới trong mối quan hệ giữa hai nước.

Việt Nam là một giáo hội nhỏ nhưng có ý nghĩa, với 7 triệu tín hữu tham gia tích cực vào đời sống xã hội, một tổ chức Caritas rất tích cực được mở cửa lại vào năm 2008 và gương sáng của các thánh tử đạo, của hồng y Nguyễn Văn Thuận. Tại nhà thờ chính tòa Thánh Giuse tại Hà Nội, tổng giám mục Gallagher mô tả Giáo hội Việt Nam là Giáo hội của “những viên đá sống”, ngài rất ấn tượng trước chứng từ của các tín hữu.

Chứng từ cảm động sâu xa của tổng giám mục Gallagher: Giáo hội Việt Nam là “hòn đá sống”

Giáo dân cùng các giám mục, linh mục, tu sĩ dự thánh lễ đồng tế của tổng giám mục Gallagher, tổng giám mục Marek Zalewski, đại diện thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam từ tháng 12, cùng với hồng y Nguyễn Văn Nhơn, nguyên tổng giám mục Hà Nội.

Tổng giám mục Gallagher đến Việt Nam ngày 9 tháng 4 và đã có các cuộc gặp với thủ tướng Phạm Minh Chính, bộ trưởng bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Sau đó ngài đã gặp Hội đồng Giám mục để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.

Tổng giám mục Gallagher cho biết, nhờ sự hiện diện của đại diện thường trú của Tòa Thánh tại Hà Nội, Giáo hội công giáo sẽ có thể đóng góp nhiều hơn nữa, ngài hy vọng vào việc tăng cường đối thoại đã có cho đến nay, trong khi chờ đợi ấn định ngày diễn ra cuộc gặp chung giữa Việt Nam và Tòa thánh tiếp theo.

Chuyến đi của tổng giám mục Gallagher không chỉ mang tính ngoại giao. Tổng giám mục Gallagher đã đến thăm Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia, bệnh viện đã có chương trình hợp tác với Bệnh viện Bambino Gesù ở Rôma từ năm 2005, và thăm giáo phận Huế, thăm đền thờ Đức Mẹ La Vang.

Tổng giám mục đến để khuyến khích một dân tộc đã trải qua thời điểm tích cực, nhưng vẫn còn giải quyết một số vấn đề. Nhìn chung, Việt Nam vẫn là nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo trên nền tảng tư tưởng của học thuyết Mác – Lênin. Và như vậy, người công giáo vẫn là “công dân hạng hai”, không được tham gia vào một số lãnh vực như an ninh, hàng không, cảnh sát, họ có thể vào  quân đội, nhưng không bao giờ được thăng cấp tướng.

Các tổ chức tôn giáo và giáo xứ không được xem là pháp nhân, không được mở tài khoản ngân hàng cũng như nhận và chuyển tiền, điều này làm cho Giáo hội công giáo vẫn còn hạn chế trong các công việc từ thiện và xã hội, trong đó có giáo dục và y tế.

Thực tế, Điều 55 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo chỉ quy định trong một câu rằng, các tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo “theo quy định của pháp luật”, nhưng chưa có một chỉ dẫn nào về vấn đề này.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch