Radio Vatican, Cyprien Viet, 2016-04-15
Cách đây vài ngày khi tin Đức Phanxicô sẽ đi Lesbos, Chương trình giúp người Tị nạn của Dòng Tên (Jesuit Refugee Service, JRS) đã bày tỏ niềm vui của mình khi thấy Đức Giáo hoàng đến vùng chuyển tiếp chủ yếu này, để ngài thấy tình trạng khẩn cấp của người tị nạn và nhu cầu cần được tương trợ của họ, và cũng để thấy sự đáp ứng của các nhân vật chính yếu ở trong cũng như ở ngoài chính quyền đã giúp họ.
Ngược với “thỏa thuận gây tranh cãi” gần đây được ký giữa Liên hiệp Âu châu và Thổ Nhĩ Kỳ, một thỏa thuận vi phạm “quyền quốc tế và nguyên tắc không-đuổi về”, JRS cho rằng chuyến đi của Đức Giáo hoàng “đã đến đúng lúc nguy cập” này.
Linh mục Thomas H. Smolich, giám đốc quốc tế của Chương trình giúp người Tị nạn của Dòng Tên mong chuyến đi của Đức Phanxicô “không những chỉ tượng trưng cho hy vọng, nhưng thật sự là để khuyến khích chính quyền Hy Lạp và các quốc gia Âu Châu khác cụ thể hóa các hy vọng này”.
Chúng tôi đã liên lạc được với linh mục Maurice Joyeux trên đảo, cha là đại diện của Chương trình giúp người Tị nạn của Dòng Tên ở Hy Lạp. Cha cho biết các thay đổi cha chứng kiến trong mấy tháng gần đây, cha mô tả trại tị nạn Đức Phanxicô sẽ đến thăm vào ngày thứ bảy, và nói đến tầm quan trọng của chuyến đi đối với điều kiện sống của người di dân ở đây, cũng như việc thiếu phối hợp giữa các nhân vật chính trong sự cứu giúp nhân đạo ở đây.
Năm 2015 có hơn 820 000 người đã vào Âu Châu qua ngã Hy Lạp, từ đầu năm đến nay đã có hơn 150.000 người di dân và tị nạn đến Hy Lạp, hơn một nửa trực tiếp đến Lesbos. Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cho biết có hơn 22.000 trẻ vị thành niên đi không có người lớn đi kèm đã bị kẹt ở Hy Lạp, các em đứng trước một tương lai bất định và dễ là nạn nhân của bạo lực và của nạn khai thác người.
Chương trình giúp người Tị nạn của Dòng Tên chi nhánh Hy Lạp có mặt ở Lesbos để giúp đỡ trong tình trạng khẩn cấp. Ở Athènes, JRS quản trị một nơi tạm trú cho những người mới đến hay những người tị nạn không nhà, JRS còn quản trị một trung tâm hội nhập. JRS chi nhánh Hy Lạp hợp tác với Cao ủy Tị nạn, với nhóm đại kết “Giáo hội Cùng nhau”, Giáo hội Anh giáo”, “Đội binh Cứu rỗi” và các tổ chức tôn giáo khác như tổ chức của chính thống giáo Apostoli để thăm và cung cấp thực phẩm, áo quần và nhu yếu phẩm cho người tị nạn trong các trại, trong nhà tù, trong trại giam và các nơi khác ở Hy Lạp.
Marta An Nguyễn chuyển dịch