Tiểu sử của Đức Phanxicô: “Tôi sẽ không bao giờ được gọi là giáo hoàng danh dự”
vaticannews.va, 2024-03-14
Nhật báo Ý Corriere della Sera độc quyền tiết lộ những đoạn trong quyển tiểu sử của Đức Phanxicô “Cuộc đời. Câu chuyện đời tôi trong Lịch sử” (Life. Mon histoire dans l’Histoire), trong đó ngài kể những điểm nổi bật trong đời ngài, từ nguồn gốc người Ý cho đến cuộc bầu chọn, kể cả Thế chiến thứ hai và cuộc đảo chính ở Argentina.
Quyển tiểu sử có tựa Cuộc đời, câu chuyện đời tôi trong Lịch sử được mong chờ từ lâu, sẽ được nhà xuất bản HarperCollins phát hành ở Mỹ và châu Âu. Ngài cùng viết với ông Fabio Marchese Ragona, nhà vatican học của nhóm Mediaset Ý, ông cũng là bạn bạn của ngài. Quyển tiểu sử ghi lại 87 năm cuộc đời của Jorge Mario Bergoglio, đan xen với những sự kiện trọng đại của lịch sử, từ Hiroshima đến đại dịch, đến Công đồng Vatican II. Nhật báo Corriere della Sera là nhật báo đầu tiên trên thế giới tiết lộ những đoạn quan trọng.
Thoát khỏi vụ đắm tàu
Lần đầu tiên Đức Phanxicô kể lại vai trò chính yếu của bà nội Nonna Rosa trong việc giáo dục ngài. “Ông bà tôi nói tiếng Piedmontais, tiếng địa phương, đó là lý do vì sao tiếng Piedmontais là tiếng mẹ đẻ đầu tiên của tôi.” Ông nội Giovanni từng phục vụ trong Thế chiến thứ nhất. Người thân ở lại Portacomaro, vùng Asti đã viết thư kể về Thế chiến thứ hai cho gia đình Bergoglio ở Buenos Aires: đàn ông không ra mặt trận, họ ở nhà làm việc đồng áng, phụ nữ canh chừng đội tuần tra quân sự: “Nếu các bà mặc áo đỏ, các ông sẽ phải đi trốn, nếu họ mặc áo trắng thì không có đội tuần tra và các ông có thể tiếp tục làm việc.”
Tháng 10 năm 1927, bà nội Rosa, ông nội Giovanni, cùng con trai Mario – thân phụ của giáo hoàng – ra cảng Genoa đi Argentina, trên con tàu Principessa Mafalda. Nhưng ông nội không đủ tiền mua vé nên chuyến đi, phải hoãn lại. Tàu Principessa Mafalda bị chìm ngoài khơi biển Brazil và ba trăm người di cư chết đuối. Sau đó tháng 2 năm 1929, gia đình Bergoglio rời Ý cùng với Giulio Cesare. “Hai tuần sau, họ đến Argentina và được đón ở Hotel de Inmigrantes (Khách sạn của người di cư), một trung tâm tiếp nhận người di cư không khác mấy so với các trung tâm bây giờ”.
Hiroshima và Nagasaki
Khi Mỹ dội bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki tháng 8 năm 1945, Jorge Mario Bergoglio mới 8 tuổi. “Những người trong quán bar hoặc trong nhà nguyện Salêdiêng nói rằng người Mỹ – họ gọi là los gringos – đã phóng những chất nổ chết người… Việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là một tội ác chống lại con người, chống lại phẩm giá con người, chống lại bất kỳ ai mong có được một tương lai để ở trong ngôi nhà chung của chúng ta. Đây là một điều gì đó vô đạo đức! Làm sao chúng ta có thể đứng vững trong vai trò là người đấu tranh cho hòa bình và công lý, cùng lúc chúng ta lại đi chế tạo những loại vũ khí chiến tranh mới?” Và Jorge Mario Bergoglio tiết lộ, khi trả lời cho Giáo triều: “Khi lớn lên và khi tôi là tu sĩ Dòng Tên, tôi muốn là nhà truyền giáo ở Nhật, nhưng tôi không được phép đi vì vấn đề sức khỏe, lúc đó sức khỏe tôi hơi bấp bênh. Nhưng ai biết trước được? Nếu tôi được phái đến vùng đất truyền giáo này, cuộc đời tôi sẽ đi theo một con đường khác; và có lẽ ai đó ở Vatican sẽ khá hơn tôi bây giờ.”
Giáo sư Esther đã đánh dấu sự nghiệp sinh viên của chàng trai trẻ Bergoglio, Đức Phanxicô vẫn nhớ đến cô giáo như “người phụ nữ tuyệt vời mà tôi mang ơn rất nhiều. Bà là người cộng sản chân chính, vô thần nhưng đầy tôn trọng: dù có quan điểm riêng nhưng bà không bao giờ công kích đức tin. Bà đã dạy tôi rất nhiều về chính trị: bà đưa cho tôi sách để đọc, những tác phẩm của đảng cộng sản, Nuestra Palabra… Sau khi tôi được bầu chọn, có người nói tôi thường nói về người nghèo vì tôi cũng là người nghèo, là người cộng sản, người mác-xít. Một người bạn hồng y kể cho tôi nghe, có một bà người công giáo nói với hồng y, bà nghĩ giáo hoàng Phanxicô là giáo hoàng giả. Vì sao? Vì tôi không đi giày đỏ! Nhưng nói về người nghèo không có nghĩa là người cộng sản: người nghèo là ngọn cờ của Tin Mừng, người nghèo ở trong trái tim Chúa Giêsu! Trong các cộng đồng kitô giáo đầu tiên, giáo dân chia sẻ tài sản: đó không phải là cộng sản, đó là kitô giáo thuần túy!”
Bạn gái và tình yêu
“Trong thời gian tôi lo chủng viện, tôi cũng có một chút sơ suất: đó là chuyện bình thường, nếu không thì chúng ta không phải là con người. Tôi đã có bạn gái, một cô rất dễ thương làm việc trong ngành điện ảnh, sau đó cô lập gia đình và có con. Lần đó tôi dự đám cưới của một trong những người chú của tôi, và tôi bị một cô gái làm choáng mắt. Cô làm tôi phải ngoái đầu nhìn lại vì cô đẹp và thông minh. Trong một tuần, tôi cứ nghĩ đến hình ảnh của cô và không tập trung cầu nguyện được! May mắn mọi chuyện trôi qua và tôi cống hiến tâm hồn thể xác tôi cho ơn gọi.”
Cuộc đảo chính ở Argentina
José Mario Bergoglio đã che giấu và bảo vệ ba chủng sinh có liên hệ với giám mục Angelelli, người sau đó bị chế độ độc tài ám sát. “Ba chủng sinh này đã giúp tôi đón nhận các người trẻ khác đang gặp nguy hiểm như họ, ít nhất là hai mươi người trong hai năm. Họ cho tôi biết trường hợp của một anh phải trốn khỏi Argentina: Tôi thấy anh giống tôi và tôi giúp anh trốn bằng cách cho anh mặc áo linh mục và mang theo chứng minh nhân dân của tôi. “Lần đó tôi đã vô cùng mạo hiểm: nếu họ phát hiện, có lẽ họ sẽ giết anh ấy, và họ sẽ đi tìm tôi.” Về hai tu sĩ Dòng Tên bị ra khỏi Dòng và bị chế độ bắt cóc, cha Yorio và cha Jalics, Đức Phanxicô nói ngài đã đấu tranh để họ được thả: ngài đến gặp đô đốc Massera hai lần; tìm cách nói chuyện với tướng Videla, ngài xin cha tuyên úy quân đội lấy lý do bệnh để nghỉ, ngài thay cha làm lễ. Cuối cùng, hai linh mục được thả và ngài tổ chức cho họ trốn khỏi Argentina.
Ngài cũng giúp bà Esther, giáo viên cộng sản của ngài, bằng cách giấu sách cho bà, nhưng không thể cứu bà. Bà Esther bị bắt cóc, bị tra tấn và ném ra khỏi máy bay. Ngài viết: “Đây là cuộc diệt chủng kéo dài nhiều thế hệ. Cho đến gần đây, những cáo buộc chống tôi vẫn còn. Đó là sự trả thù của một số người cánh tả, những người biết tôi phản đối những hành động tàn bạo này đến mức nào… Ngày 8 tháng 11 năm 2010, tôi bị thẩm vấn với tư cách là người được thông báo sự thật cho phiên tòa xét xử những tội ác đã gây ra trong chế độ. Cuộc thẩm vấn kéo dài bốn giờ mười phút: một loạt câu hỏi… Sau đó, một số người cho tôi biết, thời đó chính phủ Argentina tìm mọi cách để thắt thòng lọng vào cổ tôi, nhưng cuối cùng họ không tìm ra bằng chứng vì tôi trong sạch. Người đứng đầu chính phủ vào thời đó là bà Cristina Kirchner, từ đó mối quan hệ giữa họ trở nên lạnh nhạt. Hiện nay, tân tổng thống Javier Milei đã mời ngài về Argentina, nhưng ngài cho biết, ngài vẫn chưa quyết định liệu có thực hiện chuyến đi này hay không.
Lưu đày như một hình phạt
José Mario Bergoglio, bề trên trẻ tuổi Dòng Tên bị thất sủng và bị đưa về tỉnh Cordoba như một hình phạt. Ngài thức dậy lúc 4 giờ rưỡi, cầu nguyện trong phòng giam nhỏ, số 5, có phòng tắm chung. Ngài chăm sóc những người anh em bệnh tật của mình, tắm rửa cho họ, ngủ bên cạnh họ, giúp họ giặt giũ: “Phục vụ những người mong manh nhất, nghèo nhất, cuối cùng, đó là điều mà mọi người của Chúa phải làm, đặc biệt nếu họ là người ở đỉnh cao của Giáo hội: một mục tử có mùi chiên.” Một ngày nọ, ngài đề nghị nấu ăn cho đám cưới cháu gái của ông Ricardo, người giúp việc của tu viện: ngài luộc thịt trong hai chiếc nồi lớn, gọt vỏ khoai tây, nấu cơm. Một số tu sĩ Dòng Tên thì thầm: “Bergoglio thật điên rồ”. Thật ra, ngài suy nghĩ về những lỗi lầm “tôi đã mắc phải vì thái độ độc đoán của tôi, đến mức bị cho là cực kỳ bảo thủ. Đó là thời kỳ thanh tẩy. Tôi đã rất khép kín, có chút chán nản.”
Sau thời gian bị phạt, sự thăng chức bắt đầu: giám mục phụ tá của Buenos Aires, rồi tổng giám mục, rồi hồng y. khi Đức Bênêđictô XVI từ nhiệm, cùng với các hồng y khác, hồng y Bergoglio về Rôma. Joseph Ratzinger gặp các hồng y và hứa “tôn kính và vâng phục không điều kiện tân giáo hoàng, người sẽ được bầu ở mật nghị và là người ở giữa chúng ta”. Mặt khác, Đức Phanxicô cho biết, “trong nhiều năm qua, tôi rất buồn khi thấy hình ảnh giáo hoàng danh dự đã bị lợi dụng cho các mục đích ý thức hệ và chính trị của những người không còn biết e dè, không chấp nhận sự từ nhiệm của ngài mà chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của họ, đến khu vườn nhỏ của riêng họ trồng trọt, đánh giá thấp có một khả năng rạn nứt nghiêm trọng trong Giáo hội”.
Để tránh sự lệch lạc này, Đức Phanxicô đã ngay lập tức đến gặp Đức Bênêđíctô XVI tại Castel Gandolfo. “Chúng tôi cùng nhau quyết định, tốt hơn là ngài không nên sống ẩn náu như ngài nghĩ lúc đầu, nhưng nên gặp mọi người và tham gia vào đời sống Giáo hội. Thật không may, cũng chẳng giúp được gì nhiều vì trong mười năm này đã không thiếu những tranh cãi và điều đó làm cho cả hai chúng tôi đều bị tổn thương”.
Mật nghị
Sau một vài câu khó hiểu – “bạn đã chuẩn bị bài phát biểu chưa?” – hồng y Bergoglio cảm thấy mọi người đang nghĩ về mình như một giáo hoàng. Nhưng sự xác nhận thực sự đến khi hồng y Santos Abril y Castellò hỏi ngài: “Thưa ngài, xin lỗi vì đã hỏi ngài, nhưng có đúng là ngài bị thiếu một lá phổi không?” ngài trả lời không, ngài chỉ bị mất thùy trên của lá phổi bên phải, bị cắt bỏ năm 21 tuổi. Hồng y trở nên nghiêm túc và khó chịu nói: “Những chuyện vào phút chót này…”. Đó là lúc José Mario Bergoglio nhận ra mình sắp đến lượt.
Trong quyển tiểu sử, ngài cho biết ngài đã nhận rất nhiều phiếu bầu ngay từ đầu mật nghị. “Trong lần bỏ phiếu đầu tiên, tôi gần như đắc cử, ngay lúc đó hồng y Brazil Claudio Hummes đến gặp tôi và nói: “Đừng sợ! Đây là điều Chúa Thánh Thần làm!” Sau đó, ở vòng bỏ phiếu thứ ba vào buổi chiều, khi phiếu thứ bảy mươi bảy xướng lên, tên tôi đạt 2/3 số phiếu, mọi người vỗ tay rất lâu. Khi cuộc bỏ phiếu tiếp tục, hồng y Hummes lại đến gần tôi, hôn tôi và nói: “Anh đừng quên người nghèo…”. Và đó là khi tôi chọn danh hiệu khi tôi sẽ là giáo hoàng: “Phanxicô”.
Đại dịch
“Khi liều vắc-xin đầu tiên đến Vatican, tôi ghi tên ngay và tôi tiếp tục chích các mũi sau, tạ ơn Chúa, tôi chưa bao giờ bị nhiễm.” Giáo hoàng chưa bao giờ bị Covid. Nhưng ngài đã phải nhập viện nhiều lần vì những lý do khác, và ngài nhận thấy, “một số người quan tâm nhiều hơn đến chính trị, đến vận động tranh cử, gần như họ đã nghĩ đến mật nghị. Nhưng quý vị yên tâm, đó là con người, không có chuyện gì phải rối lên! Khi Giáo hoàng ở bệnh viện, có rất nhiều suy nghĩ, và cũng có những người suy đoán để có lợi cho mình. May mắn, dù khó khăn nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc từ chức”.
Châu Âu và Orbán
Ở Liên minh châu Âu, “mỗi dân tộc đều có những phong phú, văn hóa, triết lý riêng của mình, và có khả năng bảo tồn chúng, dung hòa những khác biệt của mình. Tôi đã nói về nó ở Budapest vì tôi hy vọng những lời này sẽ được cả Thủ tướng Hungary Viktor Orbán nghe để ông hiểu vẫn cần sự thống nhất và Brussels – nơi dường như muốn tiêu chuẩn hóa mọi thứ – để họ tôn trọng những điểm đặc biệt của Hungary.
Cứu lấy hành tinh
Trong quyển sách, Đức Phanxicô nhiều lần lên tiếng bảo vệ hòa bình, việc làm, chống lại những kẻ buôn bán vũ khí và những thái quá tài chính. Ngài đưa ra lời kêu gọi bảo vệ tạo vật – “thời gian không còn nhiều, chúng ta không còn nhiều thời gian để cứu hành tinh” -, ngài xin giới trẻ “làm ồn ào” nhưng không dùng đến bạo lực và không “làm xuống cấp các công trình nghệ thuật”.
Đồng tính
“Tôi hình dung một Giáo hội mẹ ôm lấy và chào đón tất cả mọi người, ngay cả những người cảm thấy mình xấu, những người đã bị chúng ta phán xét trong quá khứ. Tôi nghĩ đến những người đồng tính hoặc chuyển giới đang đi tìm Chúa nhưng lại bị từ chối hoặc bị gạt ra ngoài lề.” Ngài xác nhận “chúc phúc cho các cặp bất hợp lệ: Tôi chỉ muốn nói, Thiên Chúa yêu thương mọi người, đặc biệt là những người tội lỗi. Và nếu một số anh em giám mục quyết định không đi theo con đường này, điều này không có nghĩa đây là phòng chờ của một ly giáo, vì giáo lý của Giáo hội không bị đặt thành vấn đề.” Hôn nhân đồng giới là không thể, nhưng các kết hợp dân sự thì: “Đúng là những người trải nghiệm món quà tình yêu này có thể được hưởng lợi từ sự bảo vệ pháp lý như mọi người khác. Chúa Giêsu thường ra ngoài để gặp những người sống bên lề, và đây là điều ngày nay Giáo hội nên làm với những người thuộc cộng đồng LGBTQ+, trong Giáo hội, họ thường bị gạt ra bên lề: làm sao để họ cảm nhận họ đang ở trong nhà họ, đặc biệt là những người đã lãnh nhận bí tích rửa tội, về mọi mặt, họ đều là một phần của dân Chúa. Và bất cứ ai chưa lãnh nhận phép rửa và mong muốn lãnh nhận, hoặc bất cứ ai muốn trở thành cha đỡ đầu hoặc mẹ đỡ đầu, họ đều được chào đón.”
Các cuộc tấn công
Ngài viết, nếu ngài để tâm đến những gì người khác nói và viết về ngài, ngài sẽ phải đi tâm lý gia mỗi tuần. Nhưng ngài bị tổn thương bởi những người viết, “Đức Phanxicô đang phá hủy ngôi vị giáo hoàng”. “Tôi có thể nói gì? Rằng ơn gọi của tôi là linh mục: trước hết tôi là linh mục, tôi là mục tử, và mục tử phải ở giữa con người… Đúng là Vatican là chế độ quân chủ tuyệt đối cuối cùng ở châu Âu, và thường có những lý lẽ và những tháo túng ở đây, nhưng những hình thức này phải dứt khoát bỏ. Trong mật nghị năm 2013, “có một mong muốn lớn lao là thay đổi mọi thứ, từ bỏ một số thái độ mà đáng tiếc là ngày nay vẫn còn khó để bỏ. Luôn có những người muốn làm chậm lại các cuộc cải cách, có những người muốn ở lại thời Giáo hoàng-Vua.”
Từ nhiệm
“Tôi nghĩ chức vụ của Thánh Phêrô là suốt đời, ad vitam, tôi không thấy có lý do gì để từ nhiệm. Mọi việc sẽ thay đổi nếu xảy ra một trở ngại nghiêm trọng về thể chất, và trong trường hợp này, từ đầu triều, tôi đã ký một thư từ nhiệm được giữ ở Phủ Quốc vụ khanh. Nếu điều này xảy ra, tôi sẽ không tự cho mình là “giáo hoàng danh dự” mà chỉ đơn giản là ‘giám mục danh dự của Rôma’ và tôi sẽ ở Santa Maria Maggiore để tiếp tục công việc với tư cách là cha giải tội và cho bệnh nhân rước lễ. Nhưng đây là giả thuyết xa vời, vì thực sự tôi không có lý do nào nghiêm trọng để nghĩ đến việc từ nhiệm. Trong nhiều năm, có thể có người đã hy vọng sớm hay muộn, có lẽ sau khi nhập viện, tôi sẽ đưa ra thông báo như vậy, nhưng nguy cơ này không tồn tại: nhờ Chúa, tôi có sức khỏe tốt, và nếu Chúa muốn, tôi vẫn còn nhiều dự án cần hoàn thành.”
Marta An Nguyễn dịch