Đức Phanxicô, giáo hoàng đa cực đầu tiên
lenouvelliste.ca, André Gendron, 2024-02-03
Đức Phanxicô tiếp tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 13 tháng 5 năm 2023 tại Vatican (Vatican Media).
Theo tác giả của bức thư này, Đức Phanxicô là trọng tâm của một tiến trình hòa bình và hy vọng trong cuộc chiến Ukraine. Theo ông, sự can thiệp của ngài là dũng cảm, mang lại hy vọng, theo nghĩa này, ngài đang đưa mọi thứ đi tới đàng trước.
Tôi chăm chú theo dõi cuộc phỏng vấn của ông Emmanuel Goût trên Youtube, ông là nhà tư vấn về chiến lược và truyền thông, đồng thời là nhà phân tích về quan hệ Nga-châu Âu. Ông sống giữa Pháp, Nga và Ý. Diễn đàn Libre Media mời ông đến nói chuyện về vai trò của Đức Phanxicô trong một giải pháp khả thi cho cuộc xung đột Nga-Ukraina.
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga tháng 2 năm 2022, ngài nỗ lực không ngừng để chống lại mọi khó khăn nhằm có được đối thoại giữa hai quốc gia này. Vì mục đích này, ngày 27 tháng 10 năm 2023 là Ngày Hòa bình ở Ukraine. Có lẽ chúng ta không biết, nhưng trong số 45 triệu người dân ở Ukraine, khoảng 2/3 người Ukraine nói họ theo một trong những nhánh kitô giáo chính thống. Đức Phanxicô là lãnh đạo của 1,3 tỷ người công giáo trên toàn thế giới. Cuộc gặp của ngài với Tổng thống Zelensky cho chúng ta thấy, ưu tiên của ngài là cố gắng chấm dứt xung đột qua các cuộc thương thuyết.
Nhưng, điều gì đã thúc đẩy ngài? Chúng ta có một giáo hoàng sống một đức tin kiên cố hàng ngày, ngài lặp đi lặp lại xin chúng ta cầu nguyện cho ngài, nhưng nỗi đau triền miên của ngài là các vụ xung đột. Ngài đã gởi hồng y Matteo Zuppi sứ giả Hòa bình của Vatican đến Nga, nhưng không làm tổn thương đến bộ máy Vatican vẫn đang hoạt động.
Đức Phanxicô Dòng Tên, mang sứ mệnh quốc tế và vì thế chúng ta có một giáo hoàng có cá tính đại diện cho tất cả các châu lục. Ngài là giáo hoàng đầu tiên đại diện cho thế giới đa cực. Bị hiểu lầm, bị chỉ trích, được ái mộ, ngài làm xáo trộn, nhưng chúng ta rất khâm phục một nhân cách như vậy. Ngài là người mang sứ mạng hoàn toàn thiêng liêng. Những quan điểm của ngài đã gây khó chịu và khó hiểu, tuy nhiên, bảo vệ sự sống con người lại là thông điệp của Tin Mừng. Thật vậy, chúng ta phải quay trở lại với Tin Mừng và khám phá cách Chúa Kitô đã gắn kết mọi người lại với nhau, mang theo thông điệp hòa bình, tình yêu và tha thứ.
Tôn giáo có thể không là nguồn gốc của xung đột nhưng có thể là một giải pháp. Chúng ta có thể nghĩ trong hai năm qua, ngài đã đi tới trong cuộc xung đột Nga-Ukraina không? Ông Emmanuel Goût giải thích chúng ta không tìm ai sai và ai đúng trong cuộc xung đột này, nhưng trên hết, cách tiếp cận của Đức Phanxicô là can đảm, mang lại hy vọng và theo nghĩa này, ngài đưa mọi thứ đi tới đàng trước.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch