Sơ Glenda, gương mặt truyền giáo của Tây Ban Nha

86

Sơ Glenda, gương mặt truyền giáo của Tây Ban Nha

Glenda Hernández thường được gọi là “Sơ Glenda”, là một trong những gương mặt hàng đầu của phong trào công giáo ở Tây Ban Nha. Trang Zenit phỏng vấn sơ Glenda về các sinh hoạt của sơ: âm nhạc, tâm lý, truyền giáo. © PABLO HERTFELDER GARCIA-CONDE

fr.zenit.org, Ban biên tập, 2024-01-25

Ở Tây Ban Nha, 45,5% người trẻ từ 18 đến 28 tuổi không còn đức tin vì họ xem Giáo hội công giáo đã lỗi thời hoặc quá chán. Để chống lại sự xa cách này, Giáo hội tìm cách thu hút họ qua các nhóm, các sáng kiến, dựa vào âm nhạc, phim ảnh và các hoạt động văn hóa: việc tân phúc âm hóa là một trong những dự án đẹp nhất của Giáo hội công giáo.

Nữ tu Glenda Hernandez thường được biết đến với tên “Sơ Glenda” là một trong những gương mặt chính của phong trào này, một trong những người đã tạo được sự quan tâm và hưởng ứng của quần chúng nhờ tài năng âm nhạc và việc truyền giáo của sơ. Sơ là một hình ảnh quốc tế. Từ năm 1998, sơ đã tận hiến đời mình cho việc giảng dạy, sáng tác, làm tông đồ với một mục tiêu: truyền giáo.

Sơ Glenda thuộc dòng Nữ tu An ủi, sơ đi từ Chi-lê, Argentina đến Tây Ban Nha, năm 2008 sơ vào dòng Ordo Virginum, trực thuộc tòa giám mục Terrassa (Barcelona). Là nữ tu thánh hiến, sơ kết hợp âm nhạc và cầu nguyện ở bất cứ nơi nào sơ được mời và giám mục cử đến.

Trang Zenit phỏng vấn sơ Glenda Hernández để tìm hiểu cuộc đời của người phụ nữ thánh hiến, chuyên gia về tâm lý học và thần học.

Xin sơ cho biết công việc hiện nay của sơ.

Sơ Glenda Hernández: Tôi thánh hiến hơn 34 năm, 19 năm trong cộng đoàn Nữ tu An ủi, cống hiến hết mình cho việc giảng dạy. Cộng đoàn yêu quý của tôi được thành lập ở Catalonia, vì thế tôi có mặt ở đây, tôi muốn gần gũi dòng. Tôi ở Salamanca, nơi tôi học tâm lý học, năm 2008, tôi quyết định rời Dòng này để thành trinh nữ thánh hiến trong giáo phận Terrassa, nơi tôi sống cho đến ngày nay. Công việc bây giờ của tôi tập trung vào hỗ trợ tâm lý, tâm linh và đức tin và dĩ nhiên là cả âm nhạc. Chúng ta phải truyền bá Tin Mừng với những lời lẽ của thời buổi này! 

Thời đại mới thích ứng với việc truyền giáo hay việc truyền giáo thích ứng với thời đại mới?

Câu trả lời là rõ ràng. Khi việc truyền tải tin tức đã thay đổi thì cách thức truyền tải thông điệp của Chúa Kitô cho thế giới cũng phải thay đổi. Theo tôi, điều quan trọng là người tín hữu kitô phải thích nghi bằng cách có thể loan báo Tin Mừng trong văn hóa và ngôn ngữ của mỗi người và mỗi quốc gia. 

Chúng ta đang chìm trong một xã hội không muốn Thiên Chúa, và vì sao chúng ta lại thiếu điểm này?

Đó là một xã hội không muốn nói về Thiên Chúa. Trong tâm lý học, chúng tôi dùng khái niệm được dịch là “sự liên kết cá nhân”. Ví dụ, một người có thể nói với chúng ta họ cảm thấy dễ chịu và sau khi mô tả những gì họ cảm thấy trong cơ thể, họ sẽ chuyển lên đầu. Những gì tôi thấy ở người dân Catalonia, họ đi tìm bình an, họ cần Chúa, nhưng họ gọi Ngài bằng một tên khác.

Thánh Gioan Thánh Giá nói, Thiên Chúa này nhập thể nên phải  thích ứng với thể xác. Đó là lý do vì sao Thiên Chúa tiếp tục đi vào cuộc sống chúng ta, vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Thế giới muốn có Thiên Chúa, dù họ chưa biết Chúa.

Chúng ta đang chứng kiến thời kỳ hỗn loạn của Giáo hội, những thay đổi mới đã đặt ra câu hỏi về tương lai của Giáo hội truyền thống. Có phải vậy không?

Tôi may mắn được nghiên cứu lịch sử Giáo hội, tôi có thể trả lời câu hỏi này: sau hai ngàn năm, chúng ta biết tội duy nhất còn tồn tại là tội bội giáo. Chúng ta phải xưng tội công khai hoặc bị gởi đi hành hương Santiago de Compostela hoặc Giêrusalem. Thử tưởng tượng cú sốc khi nói việc xưng tội tốt nhất nên được thực hiện “diện đối diện”, và vì thế các tu viện ra đời, gắn liền việc xưng tội này với việc linh hướng. Quý vị hình dung, khi tôi học thần học ở Giáo hoàng Học viện Gregorian, các nữ tu đã rất thích thú khi thấy phụ nữ chúng tôi có thể học và tham dự vào việc cho rước lễ.

Tôi cho rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ có nhiều thay đổi, tôi thích có những thay đổi, chúng tốt và cần thiết. Vì vậy, trước đây, chúng ta bảo vệ Sự thật trên hết, điều này đã khai sinh ra Tòa Dị giáo. Bây giờ chúng ta tiến bộ nhờ việc bảo vệ Bác Ái, bằng cách trung thành với truyền thống chân chính, không gì khác hơn là “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: anh em có lòng yêu thương nhau.”

Sơ có một chương trình dày đặc các buổi hòa nhạc, hội thảo và hội nghị: số tiền sơ quyên góp được sẽ đi đâu?

Đây là một câu hỏi rất hay, đặc biệt vì tôi nghĩ sự minh bạch là cần thiết trong lãnh vực này: chúng tôi có đủ nguồn lực để cung cấp nguồn lực cho các giáo xứ, đặc biệt là các giáo xứ quảng bá các sự kiện tôi tham gia ở Hoa Kỳ, Giáo hội không được hỗ trợ như ở Tây Ban Nha, họ đánh dấu X vào ô thuế thu nhập. Giáo hội ở Mỹ phải tự xoay xở, các linh mục tổ chức nhiều sự kiện. Một nửa số tiền chúng tôi thu được phân phối cho giáo xứ và nửa còn lại chuyển đến quỹ “Consuelen”, từ đó tôi tổ chức công việc, trang trải chi phí cho chuyến đi của tôi và của nhóm, tiền ăn, tiền khách sạn, tiền máy bay. Dĩ nhiên số còn lại dành cho việc truyền giáo. Những năm trước đây chúng tôi cấp học bổng cho sinh viên và giúp bếp nấu súp cho đến khi xảy ra đại dịch thì ngưng, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục lại.

Sơ sẽ tiếp tục làm việc và chúng tôi sẽ thấy sơ trên sân khấu, trên các chuyến lưu diễn quốc tế?

Cho đến khi đại dịch, tôi dành rất nhiều thì giờ để đi ngoài Tây Ban Nha. Trong và sau đại dịch, tôi phải về với công việc tâm lý học nhiều hơn. Phòng tư vấn của tôi liên tục chật kín và tôi phải đồng hành, hỗ trợ nhiều người gặp khó khăn liên quan đến đại dịch. Ngoài ra, gần đây tôi lấy bằng thạc sĩ về huấn luyện tại Đại học Barcelona.

Bây giờ tôi đã 53 tuổi, tôi đang cân nhắc việc trở lại sân khấu, nhưng có lẽ không nhiều như trước. Hiện nay tôi kết hợp giữa tâm lý học và âm nhạc, tôi luôn hỗ trợ mọi người với tư cách là nhà tâm lý học.

Làm thế nào một giáo dân trẻ có thể thánh hóa trong thời đại ngày nay, và sơ có thông điệp nào cho những người đang cân nhắc ơn gọi đi tu hoặc lập gia đình không?

Tôi là người kính mến Thánh Augutinô, tôi nghĩ như ngài nói, chúng ta phải lắng nghe trái tim nhiều hơn.

Tôi nhớ trong thời của chế độ độc tài Pinochet, tôi đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa cuộc sống. Trong một hội thảo, một linh mục đã nói một câu ghi dấu mãi trong cuộc đời tôi: “Những ước muốn của trái tim là điềm Chúa dành cho tâm hồn, Chúa sẽ làm cho chúng ta khao khát những gì Ngài muốn ban cho chúng ta”, điều quan trọng là phải lắng nghe ước muốn của trái tim, và phân định như Thánh Phaolô đã nói.

Đây là một ví dụ. Tôi thuộc về dòng “Ordo Virginum”, một trong những dòng lâu đời nhất, dòng không bắt phải mặc áo dòng. Cách đây vài tháng, tôi dự một cuộc gặp của nhiều nữ tu thánh hiến của dòng; một số người mặc áo dòng, một số khác không. Dòng này là duy nhất, nhưng mỗi người thánh hiến đều quyết định mình muốn sống thừa tác vụ của mình như thế nào.

Cần thiết để lắng nghe ơn gọi là lắng nghe trái tim và làm theo ước muốn của mình, điều này sẽ làm cho đời sống chúng ta trở nên tốt đẹp và triển nở.

Người công giáo ngày càng bị bách hại và các nỗ lực được thực hiện nhằm hạn chế quyền tự do tôn giáo ở nơi công cộng: nhưng có một số người trẻ và lớn tuổi lần hạt Mân Côi trước các phòng khám phá thai ở Tây Ban Nha và những nơi công cộng khác; sơ có ủng hộ những công việc này không và sơ muốn gởi thông điệp gì cho họ?

Thật không may, lòng khoan dung đang bị mất đi. Xã hội đã trở nên không khoan dung với bất cứ điều gì liên quan đến kitô giáo. Sẽ dễ dàng hơn khi nói về yoga hoặc các phương pháp trị liệu bằng trống của Trung Quốc. Tôi đã có cơ hội tham gia lần hạt Mân Côi ở Salamanca trước một phòng khám phá thai, nơi tôi chia sẻ phần âm nhạc. Tôi tôn trọng những hành động này nhưng tôi nghĩ mình phải tôn trọng những ai không thích các việc này. Chúng ta thường phải dung thứ những điều chúng ta ghét.

Chúng ta cần quay trở lại tuổi trưởng thành của kitô giáo, có nghĩa là nhận thức rõ khi nào chúng ta thấy cần yêu thương là tốt hơn và làm thế nào để thực hiện điều này, đối xử với mọi người như người lớn và đặc biệt là xem xét hành động của mình.

Xin cám ơn sơ Glenda rất nhiều vì tình yêu, công việc và sự cống hiến của sơ. Tôi đặc biệt cám ơn sơ đã quan tâm và làm sáng tỏ các  nghi ngờ.

Marta An Nguyễn dịch