Bất lực cũng phong phú

236

Bất lực cũng phong phú

Ronald Rolheiser, 2023-11-13

Đôi khi chúng ta là những người hữu ích và mang lại sự sống, nhất là những khi chúng ta bất lực nhất. Tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm. Chúng ta đang dự đám tang và không có lời nào để có thể xoa dịu nỗi đau của người mất người thân. Chúng ta cảm thấy lúng túng và bất lực. Chúng ta muốn nói hoặc làm điều gì đó, nhưng chẳng có gì để nói hay làm, ngoài việc chúng ta ở đó, ôm lấy người đang đau buồn và chia sẻ sự bất lực của chúng ta. Thật kỳ lạ, nhưng chính sự bất lực mới là điều giúp đỡ nhất, mạnh mẽ nhất trong hoàn cảnh này. Sự thụ động của chúng ta mang lại nhiều kết quả và sinh sôi hơn khi chúng ta làm điều gì đó.

Chúng ta thấy ví dụ này nơi Chúa Giêsu. Ngài đã hiến dâng cả sự sống và cả cái chết của Ngài cho chúng ta – nhưng trong những khoảnh khắc riêng biệt. Ngài đã hiến cuộc sống của Ngài cho chúng ta qua cuộc đời hoạt động của Ngài và cái chết của Ngài cho chúng ta qua sự thụ động của Ngài, trong những gì Ngài ngấm trong sự bất lực của Ngài. Thật vậy, chúng ta có thể chia Tin Mừng thành hai phần rõ rệt. Cho đến khi bị bắt tại Vườn Ghếtssêmani, Chúa Giêsu là người tích cực: Ngài dạy dỗ, chữa lành, làm phép lạ, Ngài cho dân chúng ăn. Sau đó, khi bị bắt, Ngài không còn làm gì: bị còng tay, bị dẫn đi, xét xử, đánh đòn và đóng đinh. Nhưng chính đây lại là điều huyền nhiệm, chúng ta tin chính lúc này Ngài cho chúng ta nhiều hơn, khi Ngài không thể làm gì so với suốt thời gian Ngài hoạt động. Chúng ta được cứu nhờ sự thụ động và bất lực của Ngài hơn là nhờ những hành động mạnh mẽ của Ngài trong chức vụ. Làm thế nào điều này lại hoạt động? Làm sao sự bất lực và thụ động lại có thể sinh sôi đến thế?

Một phần điều này là huyền nhiệm, dù chúng ta có thể nắm bắt được một phần nhờ kinh nghiệm. Chẳng hạn, một bà mẹ yêu thương chết trong nhà hưu dưỡng, bà hôn mê và không còn nói được, đôi khi trong tình trạng này bà lại làm thay đổi trái tim con cái mạnh mẽ hơn bao giờ hết, hơn suốt bao năm tháng bà đã làm rất nhiều cho con cái. Logic ở đây là gì? Siêu hình học tác dụng như thế nào ở đây?

Tôi xin bắt đầu một cách trừu tượng và khoanh câu hỏi này trước khi mạo hiểm đưa ra câu trả lời. Các nhà tư tưởng vô thần của thời kỳ Khai sáng (Nietzsche, Feuerbach, Marx và những người khác) đưa ra một phê phán rất mạnh về tôn giáo và kinh nghiệm tôn giáo. Theo quan điểm của họ, mọi trải nghiệm tôn giáo đơn thuần chỉ là phóng chiếu chủ quan, không hơn không kém. Với họ, trong đức tin và trong giữ đạo, chúng ta mãi mãi tạo cho mình hình ảnh một vị thần giống chúng ta, để phục vụ lợi ích riêng của chúng ta. (Phản đề chính xác với những gì người tín hữu kitô tin tưởng.) Ví dụ với triết gia Nietzsche. không có mặc khải thiêng liêng nào đến từ bên ngoài chúng ta, không có Chúa trên trời nào mạc khải sự thật thiêng liêng cho chúng ta. Mọi thứ đều là của chúng ta, phóng chiếu những nhu cầu của chúng ta và tạo một vị thần để phục vụ những nhu cầu đó. Mọi tôn giáo đều mang tính tư lợi, phóng chiếu của con người.

Điều này đúng đến mức nào? Linh mục Dòng Tên Michael Buckley, một trong những giáo sư có ảnh hưởng nhất của tôi, trước những lời chỉ trích này, ngài nói: Những nhà tư tưởng này đúng 90%. Nhưng họ sai 10% – và 10% này tạo nên khác biệt.

Linh mục Buckley đưa ra nhận xét này khi giảng dạy điều mà Thánh Gioan Thánh Giá gọi là đêm tối tâm hồn. Đêm tối tâm hồn là gì? Đó là trải nghiệm mà chúng ta không còn có thể cảm nhận được Chúa một cách tưởng tượng hay cảm nhận Chúa một cách đầy cảm xúc, khi chính ý thức về sự tồn tại của Chúa cạn kiệt bên trong chúng ta và chúng ta bị bỏ lại trong bóng tối bất khả tri, bất lực (trong đầu, trái tim và trong ruột) để gợi lên bất cứ điều gì cảm nhận về Chúa.

Tuy nhiên, và đây chính là vấn đề, chính vì chúng ta bất lực và không thể gợi lên bất kỳ khái niệm tưởng tượng hay cảm xúc tình cảm nào về Chúa, nên Chúa giờ đây có thể đi vào chúng ta một cách thuần khiết mà chúng ta không thể tô màu hay làm ô nhiễm trải nghiệm này. Khi mọi nỗ lực của chúng ta đều vô ích, cuối cùng ân sủng có thể chiếm lĩnh và tuôn vào chúng ta một cách thuần khiết. Quả thực, đó là cách mà tất cả mặc khải đích thực đi vào thế giới chúng ta. Khi sự bất lực của con người làm chúng ta không có khả năng bắt Thiên Chúa phục vụ lợi ích riêng của mình, thì Thiên Chúa có thể tràn vào cuộc sống của chúng ta mà không bị ô nhiễm.

Và điều này cũng đúng với tình yêu con người. Rất nhiều tình yêu chúng ta dành cho nhau, dù chúng ta chân thành nhưng đều mang màu sắc tư lợi cá nhân và đôi khi ích kỷ. Theo một cách nào đó, chúng ta chắc chắn sẽ biến những người chúng ta yêu thương thành hình ảnh và chân dung của chính chúng ta. Tuy nhiên, giống như linh mục Buckley phê phán các nhà tư tưởng vô thần thời Khai sáng, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Có một số tình huống nào đó khi chúng ta không thể giữ tình yêu và biến nó thành tư lợi. Những tình huống này là gì? Chính xác là những người mà chúng ta thấy mình hoàn toàn bất lực, câm lặng, trì trệ, không thể nói hoặc làm điều gì hữu ích. Trong những “đêm đen tối của tâm hồn” đặc biệt này, khi chúng ta hoàn toàn bất lực trong việc định hình trải nghiệm, tình yêu và ân sủng có thể tuôn chảy một cách thuần khiết và mạnh mẽ. Trong tác phẩm kinh điển Môi trường thần thánh, Pierre Teilhard de Chardin thách thức chúng ta giúp đỡ người khác thông qua hoạt động và sự thụ động của chúng ta. Ngài có lý. Chúng ta có thể có khả năng sáng tạo thông qua những gì chúng ta tích cực làm cho người khác, và chúng ta có thể đặc biệt có khả năng sáng tạo khi, trong bất lực, chúng ta thụ động đứng bên cạnh người đang đau khổ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch