Roger-Pol Droit: “Tinh thần tuổi thơ ấu cùng đi với sự tồn tại của chúng ta”
Theo triết gia Roger-Pol Droit, không ngây thơ cũng không màu mè, tinh thần tuổi thơ ấu – được hình thành từ sự ngạc nhiên, khám phá, lần đầu tiên, trò chơi, trí tưởng tượng và cảm xúc – có thể được nuôi dưỡng trong suốt cuộc đời.
lavie.fr, Anne-Laure Filhol, 2023-08-09
Hình ảnh Baudoin / La Vie
Tốt nghiệp trường ENS, École Normale Supérieure, một trong các trường uy tín của Pháp, giáo sư triết, nguyên nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia CNRS và giám đốc hội thảo tại Science Po, giáo sư Roger-Pol Droit, 74 tuổi, là tác giả của nhiều tác phẩm viết cho đại chúng như Tôn giáo giải thích cho con gái tôi (nxb. Seuil, 2000 ), 101 kinh nghiệm triết học hàng ngày (nxb. Odile Jacob, 2001) hay Tinh thần tuổi thơ ấu (nxb. Odile Jacob, 2017).
Năm 2017 ông đã xuất bản quyển Tinh thần tuổi thơ ấu. Vì sao ông chọn chủ đề này?
Giáo sư Roger-Pol Droit. Vì nó là một bí ẩn! Tôi không nghĩ mình có thể trả lời được, tôi muốn đào sâu. Qua hành trình cá nhân, tôi đặt câu hỏi về sự đối lập giữa triết gia và đứa trẻ, điều dường như chúng ta thường mắc phải: giữa đứa trẻ, “người không biết gì” và triết gia, “người có lý trí và hiểu biết”, sự tương phản dường như hoàn toàn. Đúng hơn tôi nghĩ, triết gia là người không khi nào rời những câu hỏi thời thơ ấu của mình, họ theo đuổi chúng với sự trưởng thành của người lớn và kiến thức họ có được. Một số câu hỏi có được câu trả lời, một số câu khác, không. Ví dụ, với câu hỏi vì sao chúng ta tồn tại, chúng ta không thể trả lời, cho dù chúng ta là người lớn hay trẻ em. Dù với các văn hóa khác nhau, về cơ bản, chúng ta vẫn lúng túng trước câu hỏi này. Vì vậy, tôi muốn đưa ra những nghịch lý hoặc những yếu tố của cái mà chúng ta có thể gọi là “tinh thần tuổi thơ ấu” này…
Ông thấy những nghịch lý nào?
Đầu tiên, nghiên cứu định lượng cho thấy cụm từ “tinh thần tuổi thơ ấu” được tìm thấy nhiều hơn trong các văn bản kitô giáo, và đặc biệt là các văn bản công giáo, hơn là ở những nơi khác. Chúng ta có thể trích dẫn Thánh Têrêsa Lisiơ và dĩ nhiên là chính Chúa Kitô: “Hãy để trẻ em đến với Ta”; cũng đừng quên những văn bản gần đây của giáo hoàng. Khi đó thách thức của vấn đề ngây thơ là cái nhìn về một thế giới không ích kỷ, không hiếu chiến, đồng thời có được sự ngạc nhiên, kinh ngạc, nhân từ, tình yêu… Những đặc điểm này ưu thế ở trẻ em hơn ở người lớn. Theo tôi, dường như nó không đơn giản như vậy!
Liệu chúng ta có lý tưởng hóa “tâm hồn trẻ thơ” không?
Nếu mệnh lệnh “hãy giữ gìn tâm hồn trẻ thơ của bạn” có nghĩa là “hãy vị tha thay vì ích kỷ, hãy tử tế thay vì độc ác”, thì điều này thực sự là một sự lý tưởng hóa về trẻ em mà tôi không chắc là đúng. Chúng ta dựng lên một huyền thoại về sự ngây thơ và sau đó, chống lại huyền thoại này, xây dựng lý thuyết về tội nguyên tổ: trẻ em, như Thánh Âugutinô đã có thể nói, đã “bị ô uế”. Về phần triết gia Rousseau, ông đã biến tuổi thơ thành nơi của sự thẳng thắn tự nhiên, của sự đoàn kết ngay lập tức. Tâm lý gia Freud thì nghĩ hoàn toàn ngược lại, xem trẻ em là “những kẻ đồi trụy đa hình”, nhắc chúng ta nhớ, trẻ em có thể là những kẻ hành quyết tàn nhẫn, độc ác và thống trị.
Cuối cùng, theo tôi, dường như không nên lý tưởng hóa hay ác quỷ hóa đứa trẻ, mà cần hiểu nơi trẻ con có một uyển chuyển, một cường độ xung động và những tác động mạnh mẽ hơn nhiều so với người lớn. Chúng ta thấy ở trẻ em sự chuyển đổi rất nhanh từ tiếng cười sang nước mắt, từ tử tế sang hung hăng, từ dịu dàng sang tàn ác. Và những giai đoạn đi từ thế giới này sang thế giới khác, trẻ em sống bằng những cách thật triệt để: nỗi buồn của chúng là vô tận; niềm vui của chúng là hoàn hảo. Người lớn, có lý trí, hiếm khi trọn vẹn trong những gì họ làm, gần như không bao giờ bị cuốn đi, bị nhận chìm, bị chìm đắm trong cảm xúc. Vậy mà tinh thần trẻ thơ vẫn luôn ở trong họ.
Có phải con đường thứ hai là con đường mà chúng ta nên hướng tới không?
Nếu lý trí trưởng thành quên cười quên khóc, bị héo úa, bị nghèo nàn và khô héo. Và nếu ngược lại, nếu lý trí chỉ cười và khóc, lý trí sẽ mất tất cả. Vì thế cần phải nuôi dưỡng cảm xúc mà không chìm đắm trong cảm xúc, đón nhận mà không coi thường chúng, không liên tục lên kế hoạch kiểm soát chúng. Điều quan trọng không phải là biết làm người lớn hay làm trẻ con tốt hay xấu, thích hay không, mà là kết hợp cả hai, thay vì tách rời và xếp hạng chúng. Chúng ta phải học cách kết hợp tuổi trưởng thành và tinh thần trẻ thơ, lý trí xa vời và tình cảm gần gũi, nước mắt và suy tư, tiếng cười và suy nghĩ và giao thoa có lợi cho những mâu thuẫn này.
Đó là phải phân biệt tuổi thơ với tinh thần tuổi thơ ấu…
Tuổi thơ qua đi, tinh thần tuổi thơ ấu không qua đi. Nó là nguồn tài nguyên vĩnh viễn, có sẵn và ở trong chúng ta. Trong khi tuổi thơ là một khoảnh khắc trong cuộc sống, tinh thần tuổi thơ ấu cùng đi với sự tồn tại của chúng ta, từ tuổi niên thiếu đến tuổi già. Một tuổi thơ bất hạnh không khép lại, với người lớn, đó là tinh thần tuổi thơ ấu. Tinh thần này được tạo thành từ tất cả các yếu tố của các trò chơi, sự ngạc nhiên, khám phá, lần đầu tiên, trí tưởng tượng, cảm xúc mà chúng ta mang trong mình. Cách định nghĩa đơn giản nhất là bắt đầu từ sự đối lập giữa người lớn và trẻ em. Người lớn được xác định qua việc họ nói. Đứa trẻ, về mặt từ nguyên, là “người không biết nói”: trong tiếng la tinh, trẻ sơ sinh có nghĩa là “không biết nói”. Tuy nhiên, ngay cả ở một người trưởng thành đã trở thành một sinh vật biết nói, thông thạo từ vựng một cách hoàn hảo, biết cách diễn tả rõ ràng, vẫn còn một yếu tố của tinh thần trẻ thơ tiếp tục, không biết cách gọi tên sự vật, cũng như cách sử dụng từ ngữ.
Ý của ông là gì?
Các triết gia như Bergson hay Nietzsche đã cho thấy, giữa ngôn từ của ngôn ngữ và các sắc thái vô tận của thực tại, có một khoảng cách. Khi bạn nói bầu trời “xanh”, bạn đã không mô tả một phần tư sắc thái chính xác của bầu trời lúc đó. Và ngay cả khi thêm vào một số lượng tính từ đủ điều kiện, bạn sẽ không thể nói chính xác màu xanh lam. Hoặc chúng ta thất vọng về khoảng cách này và chỉ còn cách dứt khoát im lặng, hoặc chúng ta tự nhủ, có động cơ của suy nghĩ, của biểu đạt, của ngôn ngữ, của thơ ca, của văn bản: chúng ta không bao giờ ngừng nói để tiếp cận một cách tiệm cận sự hiện diện chính xác của thế giới.
Từ việc không thể nói này, vượt qua các thời đại, từ đó nảy sinh mong muốn sáng tạo. Đó là nghịch lý: chính sự im lặng khiến người ta nói. Theo cách tương tự, sự phi lý làm cho bạn trở nên logic và trò chơi làm cho bạn trở nên nghiêm túc. Ngoài ra còn có cả một kho trí tưởng tượng và sự vui tươi phi thường trong tinh thần tuổi thơ ấu. Bắt tay vào thực hiện mà không phân biệt nó với thực tế một cách cứng nhắc cho phép chúng ta nhìn thực tế của mình với một con mắt khác.
Người lớn đôi khi cho rằng trò chơi là vô ích và lãng phí thời gian. Rằng sẽ thú vị hơn nhiều khi suy luận, suy nghĩ về thế giới…
Thật sai lầm khi phản đối trò chơi một cách nghiêm túc. Trò chơi, bị xem là trẻ con, sẽ đứng về phía vô dụng, thừa thãi và không cần thiết. Cái nghiêm túc, được cho là trưởng thành, sẽ hiện thân cho cái thực, cái đúng, cái hiệu quả. Tuy nhiên, trò chơi là hoạt động nền tảng của con người, là cái nôi của tất cả những hoạt động khác (đặc biệt là bắt chước, nhận dạng, phóng chiếu) và trên hết là hiện thân của tinh thần tuổi thơ ấu. Không hề lãng phí thời gian, đó là việc tạo ra một số hành vi được mã hóa nhất định. Bạn tham gia trò chơi trong một vũ trụ chính thức có các quy tắc, giới hạn, cấu trúc của nó. Chúng xác định nó và làm cho nó tồn tại, quy định những gì chúng ta chơi, những gì được phép và những gì không đối với phép, gian lận có nghĩa là gì. Trò chơi nằm giữa tính tùy tiện và luật lệ, tính tự phát và tính ràng buộc, trí tưởng tượng và quy tắc. Ngoài ra, trò chơi đồng nghĩa với nhưng không, tự do, tự chủ và niềm vui không vụ lợi. Trong khi làm việc mệt mỏi, trò chơi làm “thích thú”, như triết gia Montaigne đã nói. Vui chơi làm chúng ta rung cảm, theo mọi nghĩa của từ này. Trò chơi dẫn chúng ta tới những hình thức cuộc sống sâu đậm mãnh liệt hơn, tột bậc và sung mãn hơn.
Nhưng tinh thần tuổi thơ ấu bị cho là kinh ngạc quá độ, có thể bị cho là ngây ngô…
Nguyên nhân của sự ngạc nhiên tự nhiên nơi trẻ em, vì chúng là những người mới bắt đầu trong mọi thứ: chúng khám phá mọi thứ lần đầu tiên. Trong khi người lớn nhanh chán, thì trẻ em lại thích lặp lại: khi bạn làm cái gì đó làm trẻ con cười, nếu bạn làm lại, nó sẽ cười lại. Và nó sẽ vui vẻ cười lại ở lần thứ 52, lại còn bắt chước, còn nhăn mặt! Có điều gì đó rõ ràng là dành riêng cho trẻ con, nhưng với tôi, chúng ta có thể giữ tinh thần của ‘người mới bắt đầu’ này, cố gắng nhìn vào chuyện chúng ta đã thấy 1.000 lần hoặc đã làm trong nhiều năm, như thể đó là lần đầu tiên, như thể chúng ta chưa biết. Hãy nếm thử loại rượu yêu thích của bạn như thể đó là lần đầu tiên. Tìm lại người thương như thể lần đầu.
Và “như thể” này là một phần của tinh thần tuổi thơ ấu: đây là những trò chơi của trí tưởng tượng, thay đổi trong cái nhìn. Tất cả những bước ngoặt hoặc sự thay đổi góc độ này cho phép chúng ta nhìn thế giới khác đi một chút hoặc nhìn thấy, trong những thứ mà chúng ta dường như đã thuộc lòng, những điểm kỳ diệu mới. Có một nguyên tắc sống còn của sự đổi mới là chống lại thói quen, sự nhàm chán, sự lặp lại, sự thờ ơ, không quan tâm.
Đối với một số người, tuổi thơ gợi lên thiên đường đã mất. Nó sẽ cho chúng ta một khuôn mặt hạnh phúc nào đó?
Nếu thiên đường mất đi có nghĩa là một nơi tuyệt vời mà chúng ta sẽ không còn ở đó nữa, thì tôi hơi nghi ngờ. Đây là hội chứng Peter Pan: người lớn chọn tiếp tục cư xử như một đứa trẻ, vì hối tiếc, vì hoài niệm. Người lớn không muốn lớn lên. Khác xa với ý tưởng tìm về một nơi ẩn náu, tinh thần tuổi thơ ấu khuyến khích chúng ta nhìn thế giới khác đi để tiếp tục sống ở đó tốt hơn. Luôn muốn đi ra ngoài, để mở ra những chân trời khác.
Những kỷ niệm êm đềm khi còn nhỏ, một đồ vật, một mùa hè, một con số… – thường nhuốm một hương vị rất ngọt ngào và hoài niệm cùng một lúc?
Với một số người, có thể đây là những ký ức kinh hoàng, sợ hãi, chấn thương. Tôi nghĩ tầm quan trọng của những ký ức này cũng có liên quan đến chứng mất trí nhớ ở trẻ em: chúng ta chỉ còn những mảnh vụn của những cảm giác, tình huống, cảm xúc trong suốt nhiều năm chúng ta đã trải qua. Sự ngọt ngào có liên quan nhiều hơn đến thực tế là khi còn nhỏ, bản chất chúng ta bất lực và do đó phụ thuộc vào tình yêu thương và sự chăm sóc của người khác; những khám phá về thế giới hay về thị hiếu, về tình huống, do đó, được in dấu một cách mãnh liệt và tình cảm hơn.
Đồ vật thời thơ ấu của tôi
“Có một cái chặn giấy pha lê trên bàn của tôi. (…) Nó là đồ vật quen thuộc với tôi từ rất lâu. Tôi không biết bất cứ điều gì trong số những điều thông thường mà với tôi là quá xa xưa, nguyên thủy, bắt nguồn từ sâu thẳm ký ức. Bên trong là một bông hoa sáu cánh. (…) Đó là hoa pensée, dù sao người ta gọi hoa này là hoa “pensée”. Gần đây tôi vừa mới biết, loại hoa này thường ở trong các đồ vật như thế này, mang ý nghĩa “Tôi nghĩ đến bạn”. (…) Cái chặn giấy này của mẹ tôi, nhưng tôi không biết mẹ lấy nó từ đâu, ai cho mẹ. Tôi chỉ nhớ mẹ đã giữ nó. (…) Khi còn nhỏ (…) Tôi đã chơi hàng giờ, hàng năm trời, quay quả bóng này trên đĩa kim loại. Nó có các vết còn giữ lại, một loại lớp gỉ. (…) Điều này giống hệt như thời thơ ấu: câm mà vẫn nói theo cách riêng của nó; bị xói mòn về hình thức nhưng không thể thay đổi. Với một suy nghĩ bên trong, đến từ đâu ai biết, vượt thời gian và bất chấp mọi thứ vượt thời gian. Một trò chơi cũ, không lời, nhưng lại nói lên lời.”
Trích từ Tinh thần tuổi thơ ấu (Esprit d’enfance, de Roger-Pol Droit).
Marta An Nguyễn dịch
“Vết sẹo vẫn còn, nhưng có thể chữa lành”: làm thế nào để chữa lành vết thương thời thơ ấu?