“Vết sẹo vẫn còn, nhưng có thể chữa lành”: làm thế nào để chữa lành vết thương thời thơ ấu?

191

“Vết sẹo vẫn còn, nhưng có thể chữa lành”: làm thế nào để chữa lành vết thương thời thơ ấu?

famillechretienne.fr, Olivia de Fournas, 2023-10-18

Ngược với tổn thương của người lớn, tổn thương của tuổi thơ có tác động đến tâm lý con người. ANDREA CHRISTOFI – PLAINPICTURE

Trong quyển sách Những vết thương thời thơ ấu. Biết chúng, vượt lên chúng (Les Blessures d’enfance. Les connaître, s’en remettre (nxb. Mame), nhà tâm lý học Bénédicte Sillon dò tìm các phương cách để chữa lành, kể cả phương cách đức tin. Ngược với tổn thương của người lớn, tổn thương của tuổi thơ có tác động đến tâm lý con người. Trong 23 năm, bà hành nghề tâm lý học lâm sàng. Bà là giáo sư trường PsychoPrat, tại IPC và tại Phân khoa Notre-Dame (Viện Bernardins).

Trong quyển sách của bà, bà nói về “tổn thương thời thơ ấu”. Những tổn thương này có gì đặc biệt so với những tổn thương của người lớn?

Bà Bénédicte Sillon: Mọi tổn thương đặt trên một mức độ ngang nhau là sai. Không giống như người lớn, trẻ em dễ bị tổn thương và không có sức lực bên trong cũng như bên ngoài để đối phó, các em lại càng không có khả năng nghĩ về tổn thương của mình. Nếu một người trưởng thành trải qua một tình bạn độc hại, họ có thể đi tìm người để nghe mình, tìm nhà tâm lý học, tìm bạn bè, những người sẽ giúp họ có cái nhìn khác về tình trạng. Nhưng với một em bé, làm sao em có thể hiểu được bạn mình đang quấy rối mình? Với trẻ em, mọi thứ đều thông qua tình yêu. Nếu mối quan hệ không được điều chỉnh, em bị tổn thương, và tổn thương này sẽ thành viên sỏi trong chiếc giày của em. Ban đầu cũng chẳng có gì là lớn chuyện, đứa bé thích ứng để sống cho được với hoàn cảnh, nhưng sau đó viên sỏi tạo ra những tư thế xấu ảnh hưởng hoàn toàn đến em bé. Sau đó em bé phát triển một cái nhìn méo mó về thế giới. Em kết luận, trong cuộc sống phải đấu tranh, em cô đơn hoặc nghĩ mình không xứng đáng để được yêu thương. Chấn thương thời thơ ấu có tác động tới tổ chức tâm lý của con người chứ không nhất thiết là tổn thương khi trưởng thành. Chính xác tôi muốn nói bộ não chỉ trưởng thành ở tuổi 24!

Làm thế nào để chúng ta nhận ra hành vi của mình xuất phát từ một tổn thương thời thơ ấu?

Không có bệnh nhân nào đến văn phòng tôi và nói: “Tôi đang phải chịu một tổn thương thời thơ ấu mà tôi không thể chữa lành được”. Họ biết họ bị tổn thương nhưng họ không hiểu các ứng xử của họ phát triển như thế nào. Họ đặt mình trong những tình huống bất khả thi, và họ lặp lại các ứng xử này mà họ không muốn. Họ không thể ngồi yên, họ la mắng con cái, họ không thể bày tỏ cảm xúc. Cứ như thể họ không có tay lái, họ không ở trong tình thế mà họ mong muốn.  Những tình huống này là điển hình của tổn thương thời thơ ấu. Tổn thương được cảm nhận như một khiếm khuyết, một cứng nhắc hoặc một phản ứng thái quá, làm chậm lại tự do nội tâm. Đó là những biện pháp bảo vệ giúp đứa trẻ phát triển. Một số câu cũng có thể cho biết đó là những tổn thương của thời thơ ấu: “Ai cũng nói tôi độc tài nhưng tôi không thấy tôi độc tài” hoặc “Tôi là như vậy, tôi không thể làm khác được”. Sau đó khi nhìn lại quá khứ của mình, họ phát hiện đó là tổn thương thời thơ ấu và đó luôn là vì quan hệ yêu thương bị tổn thương. 

Mối quan hệ này bị tổn thương như thế nào?

Tổn thương thời thơ ấu không chỉ do thiếu thốn, dù một số tâm lý gia nghĩ như vậy, nhưng trước hết đó là thất bại trong tình yêu. Tôi tiếp một cô gái trẻ trong văn phòng của tôi, mẹ của cô nghiện rượu. Cô biết và sống trong hoàn cảnh này từ nhỏ. Điều đau đớn cho cô là cô phải học cách suy nghĩ và hàn gắn lại tất cả những khoảnh khắc mẹ cô thiếu tình thương cho cô, bỏ quên cô ở trường hay sỉ nhục cô khi bà say rượu. Vết thương thời thơ ấu liên quan đến tất cả mọi tình huống thiếu tình thương. Vì thế, lúc 4 tuổi, tổn thương này không có cùng mức độ nghiêm trọng như lúc 11 tuổi, khi đứa bé đã có thể bắt đầu tìm các nguồn lực khác để vượt qua.

Những nhân vật kiên cường trong Kinh thánh

Bà Bénédicte Sillon xác định ít nhất có ba nhân vật kiên cường trong Kinh thánh. Trước hết là ông Giuse trong sách Sáng Thế. Bị anh em bán đi, ông lại còn bị người cha vô tâm không lo lắng gì khi con mất tích. Tuy nhiên, dù cuộc sống khó khăn nhưng ông vẫn tha thứ và còn cứu các anh mình. Và hai nhân vật khác trong Tân Ước là người phụ nữ Samari và bà Maria Mađalêna, phẩm giá của họ bị xúc phạm sâu đậm. Những phụ nữ này có thể bị tổn thương trong tuổi thơ của họ, Nhưng bà Samari mang lại sự sống cho ngôi làng của bà ở Samaria, và Maria Mađalêna là nhân chứng đầu tiên loan báo Phục Sinh, bà vội vàng chia sẻ: “Maria Mađalêna nói với tôi về vết thương, và còn hơn thế, đó là chữa lành, qua quả tim mở rộng đáng kinh ngạc.”

Có phải tất cả chúng ta đều ít nhiều bị tổn thương trong thời thơ ấu không?

Tất cả chúng ta đều là con cái của một nhân loại bị tổn thương, vì một vết xước hoặc một vết rách sâu. Nhưng nếu có ai đó nói với cô bé nhỏ này: “Tôi nghĩ cách cư xử của mẹ con thật khó cho con”, nếu em bé có thể khóc và nói với người lớn, em sợ những phản ứng kỳ lạ của mẹ, nếu có ai giúp em diễn tả những gì em cần thì hậu quả có thể sẽ ít hơn. Người lớn chúng ta, hiểu những tổn thương của mình, chúng ta có thể giúp những người nhỏ hơn và sẵn sàng giúp đỡ trẻ em hoặc học sinh của chúng ta. Khi còn nhỏ, tôi nhớ cô dạy giáo lý  một hôm kéo tôi sang một bên và nói: “Những gì con đang trải qua thật khó khăn, nhưng cô biết con sẽ vượt lên được.” Cô nói với tôi như một người, chứ không phải như một đứa trẻ. Vì thế, một câu nói  có thể xây dựng hoặc phá hủy. Tôi luôn ngạc nhiên với những gì bệnh nhân nhớ từ các buổi trị liệu với chúng tôi; đó luôn là lời nhận xét dành cho một người trong sự độc đáo của họ. Bằng cách nhìn và yêu thương người anh em, chúng ta có thể giúp hàn gắn vết thương tình yêu. Hơn cả những “trụ chống kiên cường”, chúng ta là anh em trong nhân loại. Mọi hành động yêu thương nhỏ bé sẽ hàn gắn vết thương thời thơ ấu, giống như người tái tạo một tác phẩm nghệ thuật. Trong bức tranh của trường phái ấn tượng, mỗi chút màu sắc phù hợp người họa sĩ đặt vào đúng chỗ sẽ giúp toàn bộ bức tranh lấy lại vẻ rực rỡ của nó. 

Những tổn thương nghiêm trọng nhất là gì?

Những người gần gũi nhất về mặt tình cảm sẽ gây tác hại nặng hơn. Loạn luân, lạm dụng tình dục, lạm dụng thể chất, bạo lực phải chịu, phải sống hoặc là nhân chứng của những vụ nghiêm trọng nhất. Tang tóc là một thử thách nặng nề nhưng không nhất thiết dẫn đến tổn thương tình yêu. Đứa bé không bị tác động trong mối quan hệ yêu thương khi người thân qua đời vì tai nạn hoặc sau một cơn bệnh. Ngược lại, tổn thương tình yêu sẽ xảy ra, khi đứa bé bị đưa vào một trung tâm, bị xa anh chị em hoặc gia đình bị tan vỡ.

Có nên nói chuyện với con cái về tổn thương của mình không?

Phải phân định cái gì có thể nói tùy theo độ tuổi của trẻ và tập trung lời nói vào những điểm yếu và nhu cầu của chúng chứ không phải vào tổn thương của mình. Vì vậy, một bà mẹ không chịu được tiếng ồn vì mẹ ruột của bà đã la hét rất nhiều khi còn nhỏ, bà có thể nói với con: “Mẹ khó chịu với tiếng ồn, mẹ cần yên tĩnh.” Thay vì: “Lúc mẹ còn nhỏ, bà ngoại la hét nên bây giờ mẹ không chịu được tiếng ồn.” Ngoài ra, đứa bé còn cảm thấy một tổn thương và cảm nhận được những điều không được nói ra. Ai thân thiết với bà ngoại đều có thể nhận thấy cách cư xử của cha mẹ với bà ngoại rất phức tạp. Ở tuổi lên 7, điều này không nhất thiết làm nó buồn. Sự mỏng manh của cha mẹ dần dần đứa bé mới hiểu được. Sau này nó sẽ có thể hiểu được vết thương của họ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu đột nhiên, ở tuổi 15, người ta nói cho em biết bà ngoại đã bạo hành mẹ mình?

Mọi thứ đều phụ thuộc vào tình hình. Đôi khi chúng ta không có lựa chọn. Tuy nhiên, tốt nhất nên nói vào thời điểm đứa bé có thể nghe được. Ở tuổi 15, bà mẹ có thể kể tình trạng nghiện rượu của mẹ mình. Sẽ tế nhị hơn trong các trường hợp hãm hiếp hoặc loạn luân, đặc biệt nếu cha hay mẹ bị bỏ lại một mình với vết thương của họ. Để biết cách nói chuyện với con cái về những chuyện này bằng những từ ngữ tế nhị phù hợp, chúng ta cần xử lý vết thương của mình, cũng như tác động của nó đối với bản thân mình. Nó dẫn tới điều gì? Trạng thái hoảng loạn, rối loạn ám ảnh không đừng được, thái độ quá khích hoặc quá thận trọng? Nạn nhân phải biết đặt chúng liên hệ với vết thương ban đầu. 

Làm thế nào để giúp đỡ một đứa bị đau khổ? Nhờ nhà tâm lý học?

Không nhất thiết phải cần. Nếu tổn thương xảy ra khi một phần của đứa trẻ đã được hình thành và nếu dần dần đứa trẻ tìm được sự an toàn thông qua những cuộc gặp gỡ hoặc tình huống, thì không nhất thiết phải cần đến tâm lý gia. Nếu môi trường chung quanh đứa trẻ càng có nhiều người lớn quan tâm, chăm sóc cho đứa trẻ để nó thấy cuộc sống với những khó khăn và vẻ đẹp thì đứa bé càng có khả năng sống lại. Chúng ta cũng là cha mẹ của con cái người khác. Giúp các em, mang lại cho các em mối quan hệ nhân bản tốt đẹp, chỉ đơn giản lắng nghe, có thể là khởi đầu cho con đường hồi sinh của các em.

Chúng ta có thể chữa lành vết thương thời thơ ấu không?

Dù bị tổn thương, chúng ta có thể nói đến việc “chữa lành” khi đứa trẻ bị tổn thương đã sống sót và trở thành người lớn tự do. Đứa bé tìm thấy nguồn lực, nắm bắt cơ hội để sống sót. Vết sẹo vẫn còn, nhưng vết thương thời thơ ấu có thể lành lại, với điều kiện là lắng nghe nhu cầu của nó chứ không chỉ bộ não. Hãy lắng nghe nhu cầu được ở một mình, được thừa nhận và được giải mã. Ai đang nói trong tôi? Cái đầu của tôi hay “đứa trẻ bên trong” của tôi? Tại sao tôi luôn cần được bao quanh? Đây có phải là nhu cầu thực sự hay tôi bị ép buộc phải làm vậy vì lo lắng? Khi vết thương làm chúng ta quay lại với chính mình và rút lui khỏi thế giới, thì công việc chữa lành đã mở ra cho chúng ta. Vết thương thời thơ ấu thậm chí có thể tích cực khi vết sẹo sống động, nhạy cảm đưa chúng ta đến gần hơn với những vết thương của thế giới. 

Sự tha thứ có đóng vai trò trong việc chữa lành không?

Sự oán giận hoặc tức giận dính với kẻ tấn công, khi đó họ có quyền lực. Việc chữa lành nhất thiết phải bao gồm một quá trình tha thứ. Đó không phải là một “đoạn đường bắt buộc”, nhưng chính quá trình chữa lành sẽ dẫn họ đến đó. Khi một người lấy lại tình yêu dành cho chính mình và với người đã làm tổn thương, họ dần dần xem kẻ tấn công mình như một con người, dù thực tế đôi khi phải giữ khoảng cách. Họ sẽ nhìn thấy người kia với những giới hạn, những vết thương, những hành vi tội phạm của người kia. Nếu họ chấp nhận con người thật của người kia, họ không những được giải phóng mà tình yêu còn có thể đi trở lại. Sự tha thứ cũng thể hiện với những người trong quá trình chữa lành.

Đức tin có thể giúp chữa lành vết thương như thế nào?

Đức tin không ngăn ngừa được những tổn thương, nhưng những ai có đức tin có thể có thêm nguồn trợ sức. Đức tin giải trọng tâm, giúp họ đi ra khỏi chính mình. Đức tin nâng cao, cho họ có một cái nhìn lớn hơn, cao hơn chính họ. Đức tin đưa chúng ta về lại dòng phát triển, vì ý nghĩa của con người là thực tại nhân học như một thụ tạo hướng về Đấng Tạo Hóa. Cuối cùng, đức tin mời gọi một hướng nội, một tính xác thực, vì khi chúng ta cầu nguyện, những giả vờ giả tạo sẽ được dỡ bỏ. Cuối cùng, đức tin là liên kết với người khác. Trên thực tế, đối thoại nhân từ, không khống chế với các tín hữu khác hoặc với linh mục trong cùng một tìm kiếm, sẽ giúp chữa lành. Với điều kiện đức tin không còn là đức tin tinh thần mà một đức tin xuất phát từ trái tim. Trong trường hợp này, đức tin có mối liên hệ thực sự với tổn thương vì nó liên quan đến thứ trật tình yêu.

Marta An Nguyễn dịch

Roger-Pol Droit: “Tinh thần tuổi thơ ấu cùng đi với sự tồn tại của chúng ta”