Đức Phanxicô sẽ đánh dấu lịch sử triều của ngài bằng sự gắn bó đặc biệt với các vùng lãnh thổ ngài đi thăm”

66

Đức Phanxicô sẽ đánh dấu lịch sử triều của ngài bằng sự gắn bó đặc biệt với các vùng lãnh thổ ngài đi thăm”

la-croix.com, Stéphane Dubois Phó Giáo sư địa lý Lycée Blaise Pascal, Clermont-Ferrand

Đối với nhà địa lý học Stéphane Dubois, mối quan hệ của Đức Phanxicô với các vùng lãnh thổ rất có ý nghĩa vì nó mang một biểu tượng sâu sắc và mạch lạc. Theo ông, ngài là giáo hoàng của những nơi nói lên các thực tế ngoại vi và địa phương.

Đức Phanxicô chạm vào bức tượng gỗ của Đức Mẹ trong cuộc gặp gỡ với các giáo sĩ địa phương tại Nhà thờ công giáo Thánh Phêrô và Phaolô ở Oulan-Bator, Mông Cổ ngày thứ bảy 2 tháng 9 năm 2023. VATICAN MEDIA/AP

Không thể phủ nhận Đức Phanxicô sẽ đánh dấu lịch sử triều của ngài  qua sự gắn bó đặc biệt với các lãnh thổ ngài đi thăm, được ngài chọn vì sự đa dạng cũng như tính cách đại diện những gì họ đã thực hiện và khơi dậy. Cũng như các vị tiền nhiệm, tính chất phổ quát của Giáo hội đòi hỏi giáo hoàng phải có sứ mệnh trên quy mô toàn cầu.

Về vấn đề này, không thể phủ nhận Đức Gioan Phaolô II là giáo hoàng đã đưa Giáo hội vào tiến trình toàn cầu hóa. Qua nhiều chuyến đi mục vụ bên ngoài nước Ý (tổng cộng 104 chuyến đi), qua khả năng biết nhiều ngôn ngữ, qua khả năng đáng kinh ngạc của ngài khi ngài  nói chuyện một cách chính xác với các tín hữu công giáo về sự đa dạng trong bản sắc của họ, Đức Gioan-Phaolô II đã kiên quyết nêu bật sứ vụ của ngài trong một lãnh thổ toàn cầu. 

Thế giới cũng là Trái đất

Trong 10 năm triều Đức Phanxicô, ngài đi 44 chuyến tông du vòng quanh thế giới. Con số này nhiều hơn con số 25 chuyến đi nước ngoài của Đức Bênêđictô XVI. Vì thế Đức Phanxicô thực sự là giáo hoàng của một Giáo hội thế giới. Nhưng có một nét rất sáng tạo trong lịch sử Giáo hội, vì theo Đức Phanxicô, thế giới cũng là Trái đất.

Với thông điệp Laudato si’, ngài nhắc thế giới trước hết là một hành tinh mà nhân loại phải quan tâm trong khía cạnh sinh thái xã hội kép. Vì nếu với người tín hữu kitô, tàn phá sinh thái là một xúc phạm đến Đấng Tạo hóa, đó cũng là nguồn gốc của bất công không thể chấp nhận về mặt xã hội, tác động đến những người dân mong manh nhất ở những nơi dễ bị tổn thương nhất, nghèo nhất.

Về mặt này, cách tiếp cận lãnh thổ của Đức Phanxicô rất cụ thể. Ngài kêu gọi giải tập trung các logic không gian của Giáo hội, ngài là giáo hoàng của các vùng ngoại vi về mặt lãnh thổ (và cũng về mặt xã hội) – hơn cả các trung tâm quyền lực điều khiển – và thêm nữa, ngài là giáo hoàng của quy mô lớn: của nơi chốn và của cơ sở.

Hướng tới vùng ngoại vi

Vì vậy, trong mối quan tâm vươn tới các vùng ngoại vi, Đức Phanxicô thường xuyên mời gọi các tín hữu quan tâm nhiều hơn đến các vùng lãnh thổ xa xôi và chính ngài đã làm gương. Chuyến tông du đầu tiên của ngài đi châu Âu là đến Albania, gặp một cộng đồng công giáo thiểu số, bị đàn áp trong lịch sử và đang sống ở một đất nước có đa số người hồi giáo.

Ngài chứng minh, thông qua những lựa chọn về lãnh thổ, các vùng ngoại vi không chỉ đơn giản là những không gian bên lề mà là những vùng lãnh thổ thường bị bỏ quên, thậm chí bị phớt lờ và phụ thuộc vào các quyền lực thống trị. Do đó, việc đến thăm các nước này đồng nghĩa với việc vừa gởi thông điệp đến vùng ngoại vi, vừa gởi đến các trung tâm họ bị tuần phục.

Để hỗ trợ cho cộng đồng công giáo thiểu số Mông Cổ, Đức Phanxicô  tận dụng chuyến đi Oulan-Bator tháng 9 năm 2023 để gián tiếp đề cập đến các cường quốc thống trị, cụ thể là Trung Quốc và Nga – ra lệnh cho các cường quốc phải tôn trọng quyền của các Quốc gia và nhắc nhở trước hết, Giáo hội không hề là mối đe dọa chính trị cho Bắc Kinh. 

Làm nơi không phải địa điểm thành nơi địa điểm

Sự gắn bó của ngài với các vùng ngoại vi cũng là cách nói lên về phương pháp nhằm thiết lập các phương thức hành động của Giáo hội dứt khoát qua lăng kính đa chiều. Hành động của công giáo bắt đầu từ cơ sở cũng như từ cách tiếp cận toàn cầu về mặt lý thuyết.

Sự gắn bó với địa phương, với các lãnh thổ ngoại vi lân cận, Đức Phanxicô đưa ra một ví dụ quan trọng khi, tháng 5 năm 2013, với tư cách là giám mục giáo phận Rôma, ngài đã cử hành thánh lễ tại giáo xứ Thánh Êlisabeth và Dacaria ở vùng ngoại ô khu vực Prima Porta, ngoại vi lãnh thổ và xã hội ở phía bắc thủ đô nước Ý. Sau đó trong  một bản tóm tắt nổi bật về tầm nhìn của mình về lãnh thổ, ngài nói: “Từ ngoại vi có nghĩa tiêu cực nhưng cũng có nghĩa tích cực. Vì sao? Vì thực tại được hiểu rõ nhất không phải từ trung tâm mà từ ngoại vi.”

Ngoài ra, ngài còn có năng khiếu tạo ra các vùng lãnh thổ mới, và đặc biệt là biến đổi một số “không phải địa điểm” (một khái niệm được các nhà địa lý Marc Augé và Michel Lussault đưa ra) – những địa điểm phi nhân tính này ở trung tâm của toàn cầu hóa – thành “những nơi cao” (được Bernard Debarbieux đặc biệt phân tích), mang ý nghĩa và giàu biểu tượng Tin Mừng. Đến thăm Hy Lạp vào năm 2016, ngài đến đảo Lesbos để gặp những người di cư trong trại tị nạn ở biên giới Liên minh châu Âu đang mòn mỏi chờ đi định cư.

Từ Lesbos đến Marseille

Thêm nữa Lesbos liên quan đến một hình thức không gian mà theo ngài có tầm quan trọng đặc biệt: các giao diện – và luôn ở quy mô lớn (hơn quy mô địa phương). Vì những không gian tiếp xúc này phải thể hiện lời hứa, vừa tính phổ quát của đức tin công giáo, vừa khả năng của Giáo hội trong việc mang thông điệp hòa bình và cởi mở này vào cuộc sống.

Tại Marseille, tháng 9 năm 2023, Đức Phanxicô nhắc lại ngài không đến Pháp, nhưng đến một thành phố quốc tế ở Địa Trung Hải được xem là ngã tư văn hóa và di cư. Vì thế nơi này ít mang tính chiêu dụ đạo, nhưng là nơi của một đức tin được sống thể hiện qua việc người công giáo hành động, khi họ ưu tiên trong việc đối thoại và đồng cảm.

Theo Đức Phanxicô, cuối cùng các lãnh thổ địa phương là cơ hội để sống sứ điệp Tin Mừng “bằng việc làm và sự thật” (1 Gioan 3, 18-24). Vì chính ở đó, hơn cả sự trừu tượng của một không gian có quy mô toàn cầu, người công giáo phải đối diện với đức tin của mình trước những thực tế của địa bàn. Vào lúc Giáo hội đang họp Thượng hội đồng về tính đồng nghị trong các hoạt động nội bộ của mình, dường như Đức Phanxicô cho thấy, qua mối quan hệ của chính ngài với các vùng lãnh thổ, tham vọng này cũng phải được triển khai trong chiều hướng địa phương của mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch