Thượng hội đồng, không thể tránh khỏi người Đức
Sự hiện diện của các giám mục Đức tại Thượng hội đồng đã tạo nhiều cuộc thảo luận. Từ Rôma, các phóng viên đặc biệt của báo La Croix theo dõi và kể cho quý độc giả sinh hoạt hàng ngày của Thượng hội đồng trong chuyên mục Trong con mắt của thượng hội đồng.
Đức Phanxicô trong bàn làm việc Thượng hội đồng ngày thứ sáu 6 tháng 10 ở Hội trường Phaolô VI
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-10-06
Tại Hội trường Phaolô VI, không ai có thể phớt lờ họ. Kể từ những giờ đầu của Thượng hội đồng ngày 4 tháng 10, các đại diện của Giáo hội Đức đã đưa ra một số nhận xét, giữa những mong chờ và lo ngại. Lý do: con đường đồng nghị được họ đưa ra năm 2019 trên khắp đất nước dọc sông Rhin đã phản ứng trong một báo cáo về tội phạm ấu dâm trong Giáo hội. Kể từ đó, tiến trình này là chủ đề ngày càng bị Rôma chỉ trích, từ giáo hoàng đến các giám chức cao nhất của Giáo triều, họ xem đó là nguy cơ gây ly giáo ngày càng gia tăng với Rôma. Nhưng dưới con mắt của Vatican, chúng cũng thể hiện điều mà các thành viên Thượng hội đồng về tương lai của Giáo hội phải tuyệt đối tránh: chính trị hóa các cuộc tranh luận và thiết lập một logic nghị viện, điều mà Đức Phanxicô khi nào cũng cảnh báo.
Phải nói, trong số sáu giám mục Đức tham dự có tổng giám mục chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức Georg Bätzing, người bảo vệ nhiệt thành nhất cho hành trình khởi xướng của Giáo hội công giáo Đức. Để thể hiện mong muốn tiếng nói của mình được lắng nghe, ngài đã gặp các nhà báo Đức có mặt tại Rôma trước khi Thượng hội đồng khai mạc, và đang chuẩn bị họp báo một lần nữa vào giữa tháng 10. Cùng với nhân viên truyền thông của ngài, cũng có mặt tại Rôma trong suốt thời gian diễn ra Thượng hội đồng, tổng giám Bätzing cho biết tất cả các cuộc tranh luận có thể được dịch sang tiếng Đức. Theo thông tin của chúng tôi, trên thực tế, giám mục đã trả tiền để thuê thông dịch viên tiếng Đức trong suốt tháng 10.
“Một mong muốn làm giảm bớt tiếng nói của chúng tôi”
Cuối tháng 9, thông báo của ban tổ chức Thượng hội đồng về việc không có một nhóm làm việc nói tiếng Đức, lần đầu tiên trong lịch sử các thượng hội đồng, đã tạo bất bình trên khắp nước Đức. Một nguồn tin người Đức trong Giáo triều Rôma giải thích: “Đó là mong muốn làm giảm bớt tiếng nói của người Đức.” Một trong các người Đức có mặt ở Rôma cho biết: “Từ cuối triều giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI, ảnh hưởng của Đức đã giảm dần nhưng rõ ràng”. Về phần ban tổ chức, họ giải thích quyết định này là do số lượng ít người tham gia đến từ Đức.
Nhưng kết quả của sự vắng mặt của một nhóm nói tiếng Đức cũng có thể có lợi cho những người bảo vệ tiến trình đồng nghị của Đức. Một nguồn tin Rôma cho biết: “Các giám mục Đức ở rải rác trong các nhóm khác nhau. Người Đức chấp nhận ý tưởng có thể có những thay đổi trong Giáo hội. Trong thâm tâm, một số giám mục lo ngại người Đức sẽ phá hủy bong bóng giữa họ với nhau.”
Trong Hội trường Phaolô VI, các nhà lãnh đạo công giáo nước Đức dự định sẽ bảo vệ nền dân chủ lớn hơn trong Giáo hội, như họ đã làm ở đất nước của họ. Một chuyên gia khác giải thích: “Mục tiêu thực sự của họ là giúp giáo dân được hội nhập tốt hơn và có thể tham gia vào quá trình đưa ra quyết định, chứ không hẳn là các chủ đề khác như truyền chức cho phụ nữ hay chúc phúc cho các cặp đồng tính.”
Một nghị phụ đồng ý: “Chúng ta không được giảm thiểu người Đức, cũng như không đánh giá quá cao họ, cảnh báo của giáo hoàng chống chủ nghĩa nghị viện đã được trực tiếp gởi đến những người thúc đẩy “Con đường Thượng hội đồng”. Tuy nhiên, không phải tất cả người Đức đều có chung quan điểm, bằng chứng là trong hội trường có sự hiện diện của hồng y Gerhard Müller, nguyên bộ trưởng bộ Giáo lý Đức tin, người chỉ trích gay gắt Đức Phanxicô, ngài ở trong nhóm nói tiếng Pháp.
Việc ngài tham gia chương trình truyền hình trên mạng bảo thủ EWTN ngày thứ năm 5 tháng 10, đã làm dấy lên sự phẫn nộ của một số thành viên Thượng hội đồng, họ nhắc lại những chỉ thị về “sự thận trọng” mà Đức Phanxicô đưa ra cho các thành viên tham dự Thượng hội đồng. Một cách để nhắc nhở, trong tháng tranh luận này, chúng ta sẽ phải xem xét tiếng nói của người Đức, dù họ đứng về phía nào.
Marta An Nguyễn dịch