Radio Vatican, 2016-03-22
Thứ Năm Tuần Thánh 24 tháng 3-2016 sắp đến, Đức Phanxicô sẽ cử hành nghi thức rửa chân ở Trung tâm tiếp cư người tị nạn Castelnuovo di Porto, một thành phố nhỏ có 9000 dân cư ở cách Rôma 30 cây số về phía Bắc. Trung tâm này tiếp đón gần 900 người tị nạn Phi Châu, gần như hầu hết là nam dưới 30 tuổi. Các em đến Ý bất hợp pháp và muốn có quy chế tị nạn.
Đức Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ lúc 17 giờ.
Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng Tân Phúc Âm hóa và là người tổ chức Năm Thánh Lòng Thương Xót, đã loan báo tin trên trong báo Osservatore Romano.
“Một hành vi đơn giản nhưng rất mạnh”. Đức Phanxicô sẽ rửa chân cho 12 người tị nạn, đa số là người trẻ và không công giáo, “một cách chứng tỏ con đường tôn trọng là con đường chính của hòa bình”, Đức Tổng Giám mục Fisichella cho biết.
Từ khi được bầu chọn năm 2013, Đức Phanxicô cử hành thánh lễ Thứ Năm Tuần Thánh ở những nơi biểu tượng cho các vùng ngoại vi của nhân loại như ỏ nhà tù các năm 2013 và năm 2015, ở bệnh viện năm 2014.
Cuộc viếng thăm Trung tâm tị nạn lần này nằm trong đường hướng của nhiều lần Đức Phanxicô kêu gọi phải chú tâm hơn đến số phận của người tị nạn. Trong Kinh Truyền Tin ngày 6 tháng 9-2015, ngài đã xin mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn tu sĩ đón nhận một gia đình tị nạn.
“Hàng triệu người tị nạn đang chứng tỏ cho thế giới thấy, nạn ra đi hàng loạt của những người phải bỏ nhà bỏ cửa, bỏ công ăn việc làm, bỏ đất nước để ra đi, Đức Tổng Giám mục Fisichella nhắc lại. Họ buộc phải đi trốn dưới một áp lực phi lý, một cuộc chiến vô ích, vì bị nạn đói, họ đi đến những nơi mà thường là kết quả của một sự tưởng tượng hơn là thực tế.”
Sự vỡ mộng thường rất khủng khiếp nơi những người tị nạn này, họ đối diện với sự đối xử hung bạo của cảnh sát, với sự khinh thường của người dân bản xứ và với sự vô cảm của các cơ quan chính quyền.
Chiến tranh ở Syria đã làm cho 5 triệu người phải ra đi, chủ yếu họ đến Liban, Thổ Nhĩ Kỳ và Giócđania. Âu Châu thì rất chia rẽ: nước Đức mở rộng cửa nhưng phải trả giá cho các căng thẳng chính trị trong nước. Nước Ý và Hy Lạp phải đối diện với một làn sóng tị nạn đông đảo, họ nỗ lực tổ chức cứu vớt người tị nạn ở biển Địa Trung Hải với sự trợ giúp của các cơ quan Phi Chính Phủ, nhưng vẫn còn những vụ chết đuối ngoài biển khơi và nạn di dân lại biến thành một cơn khủng hoảng dịch bệnh.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch