Các hồng y thuộc “thế hệ Phanxicô”, trong tư thế bầu giáo hoàng
Lần đầu tiên, kể từ ngày 2 tháng 6, các hồng y được Đức Phanxicô phong từ khi bắt đầu triều giáo hoàng của ngài, sẽ chiếm hai phần ba Hồng y đoàn, tỷ lệ cần thiết để bầu chọn một giáo hoàng. Nhưng liệu họ có thực sự tạo một thế hệ nhất quán không?
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville, Rôma, 2023-06-01
Thánh lễ tại Đền thờ Thánh Phêrô ngày 30 tháng 8 -2022 vinh danh các tân hồng y, hồng y Robert Walter McElroy (giữa), cựu giám mục San Diego được phong hồng y tháng 5 năm 2022. ANDREW MEDICHINI/ PA
Với chiếc áo chùng nổi bật, ren trắng và chiếc mũ đỏ trên đầu, trông ngài như bước ra từ một cuốn phim của đạo diễn Paolo Sorrentino. Từ hai mươi năm nay, nhà làm phim người Ý đã quay phim các hồng y. Nhưng sáng chúa nhật này, có một hồng y bước qua cánh cửa trung tâm của một nhà thờ ở ngoại ô La Mã, San Giuda Taddeo Apostolo hình như đã thoát ra khỏi câu chuyện hư cấu, đó là do ngài còn quá trẻ. Hồng y người Ý, Giorgio Marengo là người trẻ nhất trong Hồng y đoàn, ngài 48 tuổi và nếu ngài sống đến 80, ngài có thể vào ra mật nghị cũng 32 năm! Ngài là giám quản Tông tòa Ulaanbaatar, Mông Cổ.
Trong bài giảng của hồng y Marengo ngày 21 tháng 5, cũng như Đức Phanxicô, ngài nói về một Giáo hội phát triển là “do thu hút chứ không do chiêu dụ”, ngài cho biết ngài thuộc thành phần “ít thấy nhất của Giáo hội công giáo”. Ngài nói một vài lời bằng tiếng Mông Cổ với những giáo dân ở xa đang theo dõi buổi lễ trực tiếp trên Internet. Ngài về Rôma nhận tước vị tượng trưng của một giáo xứ Rôma, ngài là một trong các hồng y được Đức Phanxicô phong.
Tân hồng y Marengo: một sứ vụ tôi sẽ sống trong niềm vui, khiêm tốn và trong đối thoại
Những người mặc phẩm phục đỏ này được Đức Phanxicô phong kể từ đầu triều giáo hoàng của ngài và kể từ 2 tháng 6, các hồng y này là hai phần ba Hồng y đoàn, nghĩa là tỷ lệ cần thiết để bầu chọn một giáo hoàng.
Trong số 81 người được Đức Phanxicô bổ nhiệm, và hiện đang giữ vị trí bầu chọn giáo hoàng tương lai, trong số 121 người mang trách nhiệm nặng nề này, nhiều người ở Rôma nói họ có phong cách rất ‘Bergolian’ mà không chính xác định nghĩa đó là gì. Một số người nhìn thấy trong sự thay đổi toán học này, bằng chứng cho thấy giáo hoàng tương lai sẽ có cùng một đường lối với giáo hoàng Argentina.
Các hồng y của “vùng ngoại vi”
Trên thực tế, các hồng y thuộc “thế hệ Bergoglio” được báo La Croix phỏng vấn, đều nhắc đến hai từ: “các vùng ngoại vi” và kinh nghiệm trên địa bàn – một khái niệm thiết thân của Đức Phanxicô. Vì ngay từ đầu triều, Đức Phanxicô đã không tự động phong các tổng giám mục của các thành phố lớn làm hồng y như truyền thống: Milan, Los Angeles, Paris, Venice, họ không còn là “các ông hoàng của Giáo hội” đứng đầu. Ngược lại, các quốc gia như Lesotho, Albania, Đông Timor và Quần đảo Tonga đã có hồng y đầu tiên trong lịch sử của họ trong hơn mười năm qua của họ.
Một hồng y đến từ miền Nam bán cầu thẳng thắn nói: “Tôi tự nhận tôi là thành viên của trường phái Phanxicô. Khi ngài nói về các vùng ngoại vi, về việc Giáo hội phải ra ngoài, về người nghèo, về việc không cần phải ở trong bốn bức tường, đây là những chủ đề tạo ấn tượng trong tôi và tôi thấy tôi ở trong đó.”
Với những người khẳng định Đức Phanxicô ưu tiên cho những mục tử hoạt động trên địa bàn, trong khi các giáo hoàng tiền nhiệm của ngài hướng về các thần học gia thì hồng y này thẳng thắn phản đối. Ngài nói: “Chúng ta vượt lên các biếm họa. Đằng sau các mục tử trên địa bàn là có thần học.”
“Chúng tôi cảm thấy có một mối quan hệ thân thiết giữa chúng tôi”
“Điều gắn kết chúng tôi lại với nhau, đó chỉ là vấn đề niên đại,” một hồng y khác được Đức Phanxicô bổ nhiệm nói. Hồng y này nói tiếp: “Hãy nhìn xem, giữa hồng y Müller, người chống lại giáo hoàng, và hồng y Marengo, ở Ulaanbaatar, có điểm gì chung? Khi tôi gặp một hồng y, tôi không tự hỏi xem hồng y này được Đức Bênêđictô XVI, Đức Gioan-Phaolô II hay Đức Phanxicô phong. Thành thật mà nói, không có nhóm Bergoglian.”
Nhưng họ có nói chuyện giữa nhau không? Một hồng y Âu châu trả lời: “Có, chúng tôi cảm thấy có một mối quan hệ thân thiết giữa chúng tôi, hơn cả với những người lớn tuổi”, ngài còn gợi lên “một quan hệ của tình cha con”. Ngài nói thêm: “Chúng tôi tất cả là những người trên địa bàn.” Tuy nhiên, ngài nhấn mạnh, giống như nhiều người, điều cần thiết là không nên thấy nơi các hồng y được Đức Phanxicô phong là những bản sao hoàn toàn giống hệt nhau.
Các cử tri tương lai tất cả đều ở dưới tuổi 80, họ cũng có đặc điểm là phần lớn ở xa Rôma và các tin đồn của Rôma. Vì 66 trong số 81 hồng y cử tri của Đức Phanxicô sống ở bốn phương tám hướng trên thế giới. Chỉ có 15 hồng y sống ở Rôma.
Một hồng y được Đức Phanxicô bổ nhiệm tóm tắt: “Ở xa Rôma có nhiều thuận lợi và một số bất lợi, một hồng y cũng được Đức Phanxicô bổ nhiệm tóm tắt. Một mặt, chúng tôi thoát khỏi những âm mưu của người Rôma và chắc chắn chúng tôi ý thức rõ hơn về sự đa dạng thực sự của Giáo hội. Nhưng mặt khác, chúng tôi không biết nhau, hoặc chỉ biết nhau qua các phương tiện truyền thông. Với nguy cơ biếm họa đi cùng với vấn đề này.”
Hồng y này đến từ một quốc gia mà người công giáo chỉ là một thiểu số rất nhỏ, ngài nói tiếp: “Sẽ rất khó khăn khi chúng tôi phải bầu chọn một giáo hoàng mới. Chúng tôi ở khắp nơi trên thế giới và chúng tôi không biết nhau.”
Sự cần thiết phải biết nhau
Việc tất cả họ đều được Đức Phanxicô bổ nhiệm mang lại cho các hồng y này một đặc điểm khác: không ai trong số họ, mới được phong, có kinh nghiệm mật nghị. Nên một số người có thể thấy e ngại.
Một hồng y nói: “Tôi đã có một nhận thức bất chợt vào đầu tháng 1 trong tang lễ của Đức Bênêđictô XVI. Khi tất cả chúng tôi xếp hàng danh dự quanh quan tài trước khi đưa quan tài ra Quảng trường Thánh Phêrô, tôi nhìn lên và lần đầu tiên thấy mình thuộc về một thành phần riêng biệt. Chúng tôi ở trong Hồng y đoàn và có trách nhiệm lớn lao nhưng đồng thời, chúng tôi lại rất ít. Hàng rào danh dự của chúng tôi còn chưa đi hết tận vương cung thánh đường…”
Vì thế, thế hệ hồng y của Đức Phanxicô thành lập làm cho phần còn lại của hồng y đoàn nhìn một cách tò mò. Một hồng y có kinh nghiệm qua nhiều mật nghị cho biết: “Đương nhiên các hồng y cảm thấy mình “không rôma-hóa,” nhưng ngài đánh giá cao “tính công giáo” và sự trẻ trung của nhóm hồng y từ khắp nơi trên thế giới này.
Cũng hồng y này nói: “Có nhiều loại suy nghĩ, thái độ mục vụ và nguồn gốc địa lý khác nhau. Nhưng về cơ bản, chúng tôi không biết nhiều về họ. Khi hồng y Angelo Scola được Đức Gioan Phaolô II bổ nhiệm, chúng tôi biết ngài là một nhân vật quan trọng tại Đại học Lateran, nhưng ngày nay, không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu vì sao họ được chọn. Hôm nay, tôi biết gì về họ? Tôi không biết gì về hành trình thần học của họ hoặc tầm nhìn của họ về những chủ đề phổ quát lớn lao.”
Chính vì sự ít biết này mà hồng y châu Âu này nói, ngài thường nói “với những người lớn tuổi”, nhưng ít nói “với những người trẻ tuổi”. Giống như những người khác, ngài tìm tòi, nhất là đọc các ấn phẩm của những bạn đồng hành trong mật nghị tương lai của mình: “Bạn phải lắng nghe những gì họ nói. Để khi đến lúc, chúng ta có thể sẵn sàng và đưa ra lựa chọn của mình.”
Hồng y đoàn qua các con số
Tính đến ngày 2 tháng 6, Hồng y đoàn có 222 hồng y, trong đó có 121 vị dưới 80 tuổi, là cử tri trong trường hợp có mật nghị.
Trong số các cử tri, 81 hồng y được Đức Phanxicô phong, 31 hồng y được Đức Bênêđictô XVI phong và 9 người được Đức Gioan Phaolô II phong. Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô chọn những các hồng y ở độ tuổi trung bình là 67 lúc họ được phong hồng y.
Họ là 46 cử tri châu Âu, trong đó 15 người Ý. Có 21 người từ Châu Á, 16 người từ Châu Phi, 16 người từ Bắc Mỹ và 14 người từ Trung Mỹ. Năm hồng y làm việc ở Trung Mỹ và ba hồng y làm việc ở một quốc gia ở Châu Đại Dương. Tổng cộng, 25 người là thành viên của Giáo triều hoặc là cựu lãnh đạo.
Hiện nay có bốn cử tri Pháp: các hồng y Dominique Mamberti, Philippe Barbarin, Jean-Pierre Ricard và Jean-Marc Aveline.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch