Khi các giám mục tấn công: Cách Đức Phanxicô đối phó với những người chỉ trích ngài

336

Khi các giám mục tấn công: Cách Đức Phanxicô đối phó với những người chỉ trích ngài

americamagazine.org, Colleen Dulle, 2023-05-05

Đức Phanxicô chào giám mục Joseph E. Strickland giáo phận Tyler, Texas trong cuộc gặp các giám mục Hoa Kỳ từ Arkansas, Oklahoma và Texas trong chuyến thăm “ad limina” các giám mục đến Vatican ngày 20 tháng 1 năm 2020. (Ảnh CNS/Vatican Media)

Trong câu tweet đăng ngày 12 tháng 5-2023, giám mục Strickland của giáo phận Tyler, Texas đã công khai bác bỏ “chương trình” của Đức Phanxicô: “Tôi tin Đức Phanxicô là giáo hoàng, nhưng đến lúc tôi phải nói tôi bác bỏ chương trình làm cho Kho tàng Đức tin suy yếu. Anh chị em hãy theo Chúa Giêsu.”

Đây không phải là lần đầu tiên giám mục Strickland công khai chỉ trích giáo hoàng. Mới năm ngoái, giám mục là người ký đầu tiên vào thư cáo buộc Đức Phanxicô mâu thuẫn với giáo huấn công giáo về việc lãnh nhận Bí tích Thánh Thể cách xứng đáng. Giám mục Strickland cũng tán thành bức thư bùng nổ của tổng giám mục Maria Carlo Viganò năm 2018 kêu gọi Đức Phanxicô từ chức.

Câu tweet ngày 12 tháng 5 của giám mục Strickland, cáo buộc giáo hoàng “phá hoại Kho tàng Đức tin,” khi ông và một số người công giáo nổi tiếng khác tìm cách tránh ông Patrick Coffin, một podcaster đã gọi Đức Phanxicô là kẻ phản giáo hoàng. Giám mục đã phát biểu trong một sự kiện do ông Coffin tổ chức vào tháng ba, và tên của giám mục đã bị xóa khỏi trang web sau khi hội nghị trực tuyến gây tranh cãi “Hy vọng là nhiên liệu” của ông Coffin bắt đầu bị chỉ trích. Một số diễn giả của hội nghị đã quyết định không tham gia trong những ngày gần đây và trang web đã được cập nhật ngày 12 tháng 5 tuyên bố từ chối trách nhiệm cho rằng những người trình bày tại hội nghị không nhất thiết phải “đồng ý hoặc tán thành giả thuyết của ông Patrick Coffin cho rằng giáo hoàng Phanxicô là một phản giáo hoàng.”

Giám mục Strickland đã công khai từ chối “chương trình” của Đức Phanxicô khi nói: “Tôi tin Đức Phanxicô là giáo hoàng, nhưng đến lúc tôi phải nói tôi bác bỏ chương trình làm cho Kho tàng Đức tin suy yếu.”

Ngày 13 tháng 5, giám mục Strickland viết câu tweet: “Trong thời điểm khó khăn này với quá nhiều bối rối ngay cả ở Rôma, điều quan trọng là phải ở lại TRONG GIÁO HỘI. Các phong trào ly giáo…dù có mục đích tốt đến đâu cũng tạo thương tích cho nhiệm thể Chúa Kitô.” Nhưng lời chỉ trích của giám mục đã đặt ra câu hỏi liệu cuối cùng Rôma có hành động chống lại điều mà một số người gọi là ly giáo đang âm ỉ trong Giáo hội Hoa Kỳ hay không.

Năm 2019, khi được hỏi trực tiếp về tình trạng ly giáo trong Giáo hội Hoa Kỳ, Đức Phanxicô nói: “Tôi không sợ ly giáo. Tôi cầu nguyện để chuyện này không xảy ra.”

Một báo cáo từ hãng tin RNS (Religion News Service) tuần này đã xác nhận tổng giám mục sứ thần Christophe Pierre, đã trừng phạt riêng giám mục Texas năm 2021. Ông Terry Barber, người dẫn chương trình Terry và Jesse Show thường xuyên mời giám mục Strickland lên nói chuyện, cho biết sứ thần đã nói với giám mục Strickland “hãy ngừng nói về kho tàng đức tin.” Một nguồn tin khác cho biết sứ thần đã đối chất với giám mục Strickland về nguồn cấp dữ liệu Twitter của ông.

Vẫn chưa biết liệu Đức Phanxicô có trả lời công khai hành vi khiêu khích mới nhất của giám mục Strickland hay không, nhưng các trường hợp trong quá khứ có thể cho thấy các chỉ dẫn về cách thức ngài sẽ đối xử với thách thức này.

Lá thư Viganò: Trả lời bằng im lặng

Buổi sáng sau khi một số phương tiện truyền thông Công giáo công bố hồ sơ dài 11 trang của tổng giám mục Viganò cáo buộc Đức Phanxicô che đậy hành vi lạm dụng của cựu hồng y Theodore McCarrick năm 2018, Đức Phanxicô đã đối diện với báo chí. Việc phát hành bức thư vào thời điểm trùng với chuyến đi đầy thử thách của ngài đến Ai-len, đất nước có hơn 130.000 người công giáo đã rời bỏ Giáo hội từ năm 2011 đến 2016 khi họ chứng kiến một số báo cáo quan trọng về lạm dụng tình dục của giáo sĩ được công bố.

Trước cuộc họp báo trên máy bay của Đức Phanxicô trở về Rôma, ngài đã đến thăm đền thờ Knock, nơi được cho là Đức Mẹ đã hiện ra với 15 giáo dân năm 1879. Không giống như những lần hiện ra nổi tiếng khác, Đức Mẹ không nói tiếng Knock nhưng âm thầm cầu nguyện. Đức Phanxicô cũng làm như vậy trong hơn một giờ khi ngài đến đó và sau đó kéo dài im lặng này khi ngài trả lời câu hỏi của các phóng viên về các cáo buộc của tổng giám mục Viganò, ngài nói: “Tôi sẽ không nói một lời nào về việc này.”

Năm 2019, khi được hỏi trực tiếp về tình trạng ly giáo trong Giáo hội Hoa Kỳ, Đức Phanxicô nói: “Tôi không sợ ly giáo. Tôi cầu nguyện để chuyện này không xảy ra.” 

Các phóng viên đã nhanh chóng đánh thẳng vào lập luận của tổng giám mục Viganò, và cuối cùng hai năm sau Vatican đã trả lời bằng bản báo cáo dài 445 trang về việc cựu hồng y McCarrick để thanh minh cho Đức Phanxicô về bất kỳ hành vi sai trái nào. Tổng giám mục Viganò đã không phải đối diện với bất kỳ hậu quả công khai nào từ Vatican và tiếp tục đưa ra các tuyên bố công khai, dù ông tuyên bố đang sống “ẩn náu” vì lo sợ cho tính mạng của mình. (Giám mục Strickland là một trong số các giám mục Hoa Kỳ công khai ủng hộ tổng giám mục Viganò trong lời kêu gọi giáo hoàng từ chức.)

Giáo hoàng Phanxicô gọi các tấn công của hãng tin EWTN là ‘công việc của ma quỷ’

Dĩ nhiên, không phải lúc nào ngài cũng trả lời bằng im lặng  trước những công kích nhắm vào ngài. Khi một tu sĩ Dòng Tên ở Slovakia hỏi ngài đã đối xử với những người “nghi ngờ ngài“ như thế nào, ngài ám chỉ mạng truyền thông công giáo EWTN có trụ sở tại Hoa Kỳ: “Ví dụ có một kênh truyền hình công giáo lớn không ngần ngại liên tục nói xấu giáo hoàng. Cá nhân tôi đáng bị tấn công và lăng mạ vì tôi là kẻ có tội, nhưng Giáo hội không đáng bị như vậy. Đó là công việc của ma quỷ. Tôi cũng đã nói điều này với một số người trong số họ.”

Nhà báo Gerard O’Connell của trang America xác nhận một cách độc lập rằng Đức Phanxicô đã nói với một số nhân viên của EWTN rằng mạng lưới “hãy ngừng nói xấu về tôi”.

Dĩ nhiên, không phải lúc nào ngài cũng trả lời bằng im lặng  trước những công kích nhắm vào ngài.

Trong trường hợp này, Đức Phanxicô đã phản ứng với nhiều năm đưa tin tiêu cực trên kênh này – chủ yếu trên chương trình “The World Over” của người dẫn chương trình người Mỹ Raymond Arroyo – đầu tiên bằng cách ngài nói chuyện cá nhân với một số nhân viên, sau đó bằng cách công khai kêu gọi kênh này, mặc dù không phải bằng tên. Đáng chú ý, ngài đã không hạn chế việc công nhận các nhà báo EWTN trong đoàn báo chí của Tòa thánh.

Đức Phanxicô xin lỗi về phản ứng của ngài với các nạn nhân bị lạm dụng ở Chi-lê

Việc Đức Phanxicô thay đổi thái độ khi đối diện với cuộc khủng hoảng lạm dụng ở Chi-lê trước những lời chỉ trích nặng nề là một trường hợp khác đáng được xem xét. Trong chuyến thăm Chi-lê năm 2018, chủ yếu nhằm mục đích chữa lành vết thương của cuộc khủng hoảng lạm dụng ở đây, ngài đã bác bỏ các cáo buộc cho rằng giám mục Juan Barros đã thấy và bao che cho linh mục Fernando Karadima, người lạm dụng tình dục khét tiếng và bị loại hàng ngũ linh mục. Giáo hoàng cáo buộc ba nạn nhân của linh mục Karadima về tội vu khống chống lại giám mục, mặc dù thực tế là ba nạn nhân đã được Vatican xem là đáng tin cậy để đảm bảo việc loại ông Karadima ra khỏi chức vụ năm 2011.

Việc ngài bênh vực giám mục và chỉ trích các nạn nhân đã gây náo động ở Chi-lê, và để tìm hiểu, ngài đã cử một điều tra viên đến nói chuyện với từng nạn nhân. Khi cuộc điều tra phát hiện giám mục Barros thực sự đã bao che cho ông Karadima, giáo hoàng thừa nhận sai lầm của mình và xin lỗi. Một trong ba nạn nhân, ông Juan Carlos Cruz hiện là cố vấn cho giáo hoàng về lạm dụng tình dục, và hai người duy trì mối quan hệ thân thiết với nhau.

Giáo hoàng sẵn sàng thừa nhận khi những người chỉ trích ngài đúng và sau đó thực hiện các bước để bù đắp những sai lầm của mình.

Ở đây, ngài cho thấy ngài sẵn sàng lên tiếng công khai chống lại những lời chỉ trích – trong trường hợp này là của một giám mục khác – hơn là giữ im lặng. Nhưng cũng cho thấy ngài sẵn sàng thừa nhận khi những người chỉ trích ngài đúng và sau đó thực hiện các bước để bù đắp những sai lầm của mình.

‘Cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng: Đức Phanxicô cai trị bằng nắm đấm sắt?

Một ví dụ cuối cùng về cách giáo hoàng phản ứng lại những lời chỉ trích và thậm chí cả những bất đồng chính kiến là việc hạn chế cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng vào tháng 7 năm 2021. Trong tự sắc “Traditionis Custodes”, ngài viết “đây là cơ hội để cử hành nghi thức cũ do Thánh Gioan Phaolô II và Đức Bênêđictô XVI đề nghị, với một tầm mức cao hơn, nhằm phục hồi sự thống nhất của một cơ thể giáo hội với những nhạy cảm phụng vụ đa dạng, đã bị lợi dụng để mở rộng khoảng cách, củng cố sự khác biệt và khuyến khích những bất đồng làm tổn thương Giáo hội, cản trở con đường của Giáo hội và đẩy Giáo hội vào nguy cơ chia rẽ”.

Những người ủng hộ nghi thức phụng vụ cũ nằm trong số những người chỉ trích mạnh mẽ nhất của ngài và nhiều người trong số này giải thích quyết định của giáo hoàng nhằm hạn chế nghi thức trước Công đồng Vatican II, ngài cai trị bằng bàn tay sắt và hạn chế đối thoại mà ngài thường kêu gọi. Tuy nhiên, giáo hoàng đã không ngả theo lời chỉ trích này và tái khẳng định quyết định hạn chế nghi thức cũ trong tông huấn Thầy những khát khao Desiderio desideravi vào mùa hè năm sau.

Điều gì thúc đẩy giáo hoàng hành động

Vậy chúng ta có thể rút ra kết luận nào từ cách ngài đã phản ứng trước những lời chỉ trích trong quá khứ?

Phản ứng đầu tiên trước các cuộc tấn công hoặc chỉ trích, đặc biệt là với cá nhân ngài, là ngài giữ im lặng. Nếu có thể đối thoại, ngài sẽ cố gắng; nếu không, bước tiếp theo là phân định.

Phản ứng đầu tiên trước các cuộc tấn công hoặc chỉ trích, đặc biệt là với cá nhân ngài, là ngài giữ im lặng. Nếu có thể đối thoại, ngài sẽ cố gắng; nếu không, bước tiếp theo là phân định.

Câu hỏi quan trọng là điều gì thúc đẩy giáo hoàng hành động. Một đường lối xuyên suốt trong các trường hợp được liệt kê ở trên – ủy thác báo cáo McCarrick, gửi một điều tra viên đến Chi-lê, hạn chế cử hành thánh lễ trước Công đồng Vatican II -dường như là mong muốn loại bỏ tận gốc lạm dụng và thúc đẩy  hiệp nhất.

Ngài nói, bảo vệ sự hiệp nhất của giáo hội là động lực đằng sau quyết định hạn chế thánh lễ trước Công đồng Vatican II, và ngài ám chỉ đó cũng là một ưu tiên khi nói về các cuộc tấn công của EWTN: “Cá nhân tôi đáng bị tấn công và lăng mạ vì tôi là kẻ có tội, nhưng Giáo hội không đáng bị như vậy.”

Có nhiều tranh luận dĩ nhiên, nhưng liệu những lời nói và hành động của ngài có hiệu quả trong việc thúc đẩy sự đoàn kết hay lại tiếp tục gây chia rẽ.

Các trường hợp mà ngài quyết định không hành động – trường hợp không trừng phạt tổng giám mục Viganò hoặc hạn chế công nhận các nhà báo của hãng tin EWTN – dường như cho thấy, với ngài, việc chỉ trích giáo hoàng thậm chí ở mức độ cực đoan, không đáng bị trả đũa. Chỉ khi những lời nói đó chạm đến mức chia rẽ giáo hội, như việc lạm dụng thánh lễ trước Công đồng Vatican II, thì Đức Phanxicô mới thấy cần phải hành động.

Có thể là, trước đây đã trừng phạt riêng giám mục Strickland thông qua sứ thần, Đức Phanxicô có thể nhận ra bước tiếp theo là hành động. Nếu ngài làm như vậy, lý do chính là để bảo vệ sự thống nhất của Giáo hội – dù hành động này cuối cùng chỉ đốt cháy than hồng ly giáo trong Giáo hội Hoa Kỳ.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch