Đức Phanxicô nói với các nhà văn và nhà thơ: “Giáo hội cần thiên tài của quý vị”
vaticannews.va, 2023-05-27
Sáng thứ bảy 27 tháng 5, Đức Phanxicô tiếp các thành viên tham dự Hội nghị do tạp chí Văn minh Công giáo, La Civiltà Cattolica cùng tổ chức với Đại học Georgetown. Trong bài phát biểu dài, ngài mời các nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch bản “tưởng tượng ra những ngôn từ, những tầm nhìn để giúp chúng ta đọc được bí ẩn của cuộc sống con người và hướng xã hội đến cái đẹp và tình huynh đệ phổ quát.”
Trước hết ngài tâm sự: “Những lời của các tác giả đã giúp tôi hiểu chính tôi, hiểu thế giới, hiểu dân tộc tôi, nhưng cũng giúp tôi đào sâu trái tim con người, đào sâu đời sống đức tin cá nhân tôi và cả nhiệm vụ mục vụ của tôi, và cả hôm nay trong sứ vụ giáo hoàng”, sau đó ngài giải thích các chữ trong văn chương như “cái gai đâm vào tim thúc đẩy bạn chiêm niệm và đưa bạn lên đường. Thơ ca rộng mở, phóng chiếu chúng ta đến những chân trời khác, Đức Phanxicô chào đón các nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch và nhà làm phim từ các nơi khác nhau trên thế giới về họp hôm nay tại Vatican.
“Những cặp măt nhìn và mơ”
Đức Phanxicô nêu lên, nghệ sĩ là người, qua đôi mắt của họ đã nhìn, đã mơ, họ nhìn xa hơn, họ tiên tri, họ đưa ra một cách nhìn khác và hiểu sự vật trong mắt chúng ta. Thực tế, nhà thơ không nói về thực tại từ những nguyên tắc trừu tượng, mà bằng cách lắng nghe chính thực tại: công việc, tình yêu, cái chết và tất cả những điều lớn nhỏ lấp đầy cuộc sống. Theo nghĩa này, họ giúp chúng ta bắt được tiếng nói của Thiên Chúa ngay cả từ tiếng nói của thời gian.
“Thiên tài” hữu ích cho Giáo hội
Đức Phanxicô xem nghệ thuật là “liều thuốc giải độc chống lại tâm lý tính toán và tính đồng nhất” vốn luôn là “thách thức với trí tưởng tượng, cách nhìn và hiểu mọi thứ của chúng ta”. Ngài nói, theo tinh thần này, chính Tin Mừng là một “thử thách nghệ thuật, với nhiệm vụ ‘cách mạng’ mà chúng ta được kêu gọi để diễn tả qua tài năng của mình, bằng lời phản đối, lời kêu gọi, lời hét lên”. Ngày nay Giáo hội cần thiên tài của quý vị vì Giáo hội cần phản đối, cần kêu gọi, cần hét lên!”
Tiếng nói của mối quan tâm của con người
Đức Phanxicô đánh giá, vũ trụ nghệ thuật cũng là mảnh đất màu mỡ nơi thể hiện những “đối cực” của hiện thực, vốn luôn đòi hỏi một ngôn ngữ sáng tạo và không cứng nhắc, có khả năng truyền tải những thông điệp và tầm nhìn mạnh mẽ.
Các câu thơ tụ lại những khát khao khắc khoải trong trái tim con người, để chúng không nguội lạnh và không bị dập tắt. Ngài nói, công việc này giúp cho Thần Khí hành động, tạo hài hòa trong căng thẳng, trong mâu thuẫn của cuộc sống, để giữ ngọn lửa của những đam mê tốt được tồn tại và góp phần vào sự phát triển của vẻ đẹp dưới mọi hình thức, một vẻ đẹp được thể hiện chính xác qua sự phong phú của nghệ thuật.
Chúa là nhà thơ vĩ đại của nhân loại
Đức Phanxicô kêu gọi các nhà thơ, các người kể chuyện, các đạo diễn, nghệ sĩ trao cuộc sống, trao lời cho tất cả những gì con người đang sống, cảm nhận, mơ ước, đau khổ, tạo ra sự hài hòa và vẻ đẹp. Đó là tác phẩm mang tính phúc âm, giúp chúng ta hiểu Chúa hơn, Đấng là nhà thơ vĩ đại của nhân loại. Đề cập đến “những căng thẳng của tâm hồn, sự phức tạp của các quyết định, bản chất mâu thuẫn của sự tồn tại, Đức Phanxicô giải thích có những điều trong cuộc sống mà đôi khi chúng ta không thể hiểu hoặc chúng ta không tìm được từ thích hợp: đó là mảnh đất của màu mỡ, lãnh vực hành động của quý vị. Và cũng chính ở đó chúng ta thường cảm nghiệm được Thiên Chúa. Một trải nghiệm luôn “tuôn trào”. Ngài nói tiếp: “Chúng ta không thể nắm lấy, chúng ta chỉ cảm nhận và nó vượt ra ngoài; nó luôn tràn đầy, một kinh nghiệm về Thiên Chúa giống như bể bơi, nước rơi xuống không ngừng và đến một lúc, nước sẽ trào ra.”
Học hỏi từ những chỉ trích
Về những lời chỉ trích có thể xảy đến, ngài khuyên chúng ta chịu đựng sức nặng của lời chỉ trích, đồng thời cố gắng học hỏi từ những lời chỉ trích. Một lời khuyên khác của ngài: “Xin quý vị đừng ngừng sáng tạo. Đừng đánh mất sự kỳ diệu của việc được sống. Vì thế xin quý vị nhìn vào giấc mơ này, giấc mơ tiếng nói thao thức của con người; từ đó chúng ta nhận một trách nhiệm lớn lao.”
“Những người định hình trí tưởng tượng của chúng ta”
Đức Phanxicô lưu ý, trong tác phẩm của các nghệ sĩ luôn có hệ quả trên trí tưởng tượng thiêng liêng của con người ở thời buổi chúng ta, đặc biệt là với hình ảnh Chúa Kitô, nhu cầu ngày nay là phải có “thiên tài của một ngôn ngữ mới, của những câu chuyện và những hình ảnh mạnh của các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ có khả năng rao truyền sứ điệp Tin Mừng cho thế giới, làm cho chúng ta thấy Chúa Giêsu”. Nhiệm vụ này giúp “chúng ta thấy Chúa Giêsu, chữa lành trí tưởng tượng của chúng ta khỏi bất cứ điều gì che khuất khuôn mặt của Ngài hoặc tệ hơn là tất cả những ai muốn đóng khung Ngài theo ý của họ”.
Giữ gìn hình ảnh Chúa Kitô
Ngài cũng nhấn mạnh đến việc đóng khung hình ảnh của Chúa Kitô,đó là cố gắng xác định và khóa hình ảnh này theo các khuôn mẫu, đó là phá hủy hình ảnh của Ngài: “Chúa luôn làm chúng ta ngạc nhiên, Chúa Kitô luôn vĩ đại, Ngài luôn là mầu nhiệm, mà một cách nào đó chúng ta không làm sao hiểu được. Rất khó để đặt Chúa Kitô lên khung và treo lên tường. Ngài luôn làm chúng ta ngạc nhiên, và khi chúng ta không còn cảm nhận Chúa làm chúng ta ngạc nhiên, thì có điều gì đó đã không ổn: trái tim của chúng ta đã khép kín và đã chết.”
Và theo Đức Phanxicô, đó là “thách thức cho trí tưởng tượng của người công giáo ở thời buổi này, thách thức dành cho quý vị: không ‘giải thích’ mầu nhiệm của Chúa Kitô, vì đó là vô tận, không dò tìm được” nhưng làm cho chúng ta “khi được chạm vào, chúng ta cảm thấy Ngài rất gần gũi với mình, mang một thực tế sống động đến cho chúng ta và làm cho chúng ta nắm được vẻ đẹp lời hứa của Ngài. Vì lời hứa của Ngài giúp cho trí tưởng tượng chúng ta: giúp chúng ta hình dung cuộc sống, lịch sử của chúng ta và tương lai của nhân loại theo một cách mới!”
Đón nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa
Kết thúc bài phát biểu, Đức Phanxicô mời gọi các thành viên tham dự hội nghị do tạp chí Văn minh Công giáo và Đại học Georgetown tổ chức, hãy tiếp tục mơ, tưởng tượng ra những ngôn từ và tầm nhìn giúp chúng ta đọc được mầu nhiệm của cuộc sống con người và hướng xã hội của chúng ta đến cái đẹp và tình huynh đệ phổ quát. Xin quý vị giúp chúng tôi mở rộng trí tưởng tượng chúng tôi để nó vượt ra khỏi những giới hạn hẹp hòi của bản ngã và mở ra cho mầu nhiệm thánh thiện của Thiên Chúa. Xin quý vị hãy tiến lên không mệt mỏi, với sức sáng tạo và lòng dũng cảm!”
Marta An Nguyễn dịch