Marie-Caroline Schürr: “Không, thưa ngài Tổng thống, trợ tử không phải là một cái chết tốt đẹp”

88

Marie-Caroline Schürr: “Không, thưa ngài Tổng thống, trợ tử không phải là một cái chết tốt đẹp”

och.fr, Marie-Caroline Schürr.

Ngày 9 tháng 4 năm 2018, Marie-Caroline Schürr gặp Emmanuel Macron tại Học viện Bernardins, ở Paris. © Corinne SIMon.

Ngày chúa nhật 19 tháng 2, Hội nghị Công dân về việc kết thúc đời sống chủ yếu nói lên việc thay đổi luật theo hướng hỗ trợ tích cực cho người sắp chết. Trong một bức thư ngỏ, bà Marie-Caroline Schürr lên tiếng thách thức mạnh mẽ Tổng thống Pháp. Bị khuyết tật vận động bẩm sinh nặng, bà Marie-Caroline Schürr, doanh nhân 37 tuổi khẳng định mạnh mẽ và rõ ràng, cái chết “sẽ không bao giờ là giải pháp”.

Thưa ngài Tổng thống,

Tôi là Marie-Caroline. Phụ nữ khuyết tật vận động, tôi viết những dòng này cho Ngài với tất cả lòng kính trọng, nhưng tôi không thể im lặng được nữa. Tôi hy vọng ngài sẽ đồng ý nghe tôi. Tôi không thể im lặng được nữa, vì trong nước Cộng hòa của ngài, vấn đề tôn trọng con người đang gặp nguy hiểm.

Tôi sinh ra với một khuyết tật vận động rất nặng và đau đớn, làm cho tôi phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác. Tôi dùng xe lăn điện. Tôi đã phải mổ và nhập viện hàng chục lần. Tôi luôn cần người khác để tồn tại trong những khoảnh khắc nhỏ nhất của cuộc sống hàng ngày. Nhưng tôi theo học hệ giáo dục bình thường và học lên đại học. Sau khi dạy tiếng Anh mười năm ở các trường công lập, tôi hiện đang tự làm chủ. Tôi đam mê phiêu lưu và du lịch, tôi đã đến thăm nhiều quốc gia và có những cuộc gặp phi thường.

Cuộc chiến mỗi ngày của tôi là cuộc chiến của lệ thuộc, không phải lệ thuộc cuộc sống. Tình trạng khuyết tật của tôi chưa bao giờ ngăn cản tôi vượt qua những trở ngại, hay thực hiện các ước mơ của tôi, nhưng ngược lại: đó là bàn đạp mời gọi tôi hàng ngày để chọn sống, vì tôi yêu cuộc sống! Khuyết tật là một hạn chế, cuộc sống thì không.

Chúng ta đã gặp nhau ngày 9 tháng 4 năm 2018 tại Học viện Bernardins: chúng ta đã trao đổi vài lời và tôi đã tặng Ngài quyển sách chứng từ của tôi và Ngài tỏ ra quan tâm đến. Để nói chuyện với tôi, Ngài đã ngồi thấp xuống cho bằng tôi: sự quan tâm của ngài, tôi không quên (1).

Hôm nay, tôi xin chia sẻ với Ngài mối quan tâm lớn của tôi và sự bực mình của tôi khi đứng trước vấn đề an tử.

An tử trước tiên nhắm đến những người dễ bị tổn thương, kể cả tôi: những người bệnh tật, những người ở giai đoạn cuối đời, người già, người tàn tật… Tóm lại, những người làm phiền và là gốc rễ của những ràng buộc. Người ta có chủ ý giết tôi để tôi được thoải mái không? Cái chết êm dịu là gì, nếu không muốn nói đó là hủy hoại sự sống của một con người một cách có ý thức? Cần phải loại bỏ chúng tôi, với lý do làm đơn giản cho cuộc sống chúng tôi. Nhưng cuộc sống nào ? Cuộc sống của tôi, người dễ bị tổn thương? Cuộc sống của người xung quanh tôi? Của bệnh viện? Của xã hội? Loại bỏ những gì làm phiền, bề ngoài dường như rất đơn giản. Lương tâm của tôi nói gì? Lương tâm của Ngài thực sự nói gì?

Không, thưa ngài Tổng thống, cái chết êm dịu không phải là một “cái chết tốt đẹp”. Sẽ là nói dối khi nghĩ rằng tôi có thể kiểm soát cuộc sống và cái chết của tôi. Chính Ngài đã nói với giáo hoàng Phanxicô những lời này: “Cái chết của tôi có thuộc về tôi không? Tôi không chắc tôi có câu trả lời.” Không, thưa Ngài, cái chết của ngài và của tôi đều không thuộc về chúng ta.

Tôi là diễn viên chính cho chính cuộc sống của tôi, nhưng tôi không toàn năng. Quyết định ngày chết của tôi không phù hợp với mong muốn sâu xa của tôi, đó là sống cho đến cuối đời.

Không, thưa Tổng thống, trợ tử không phải là một giải thoát. Chính ý tưởng này đã làm cho tôi có nhiều mặc cảm: tôi là quá. Tôi là gánh nặng cho người khác. Tôi làm cho công việc của bệnh viện tràn ngập. Tôi làm tốn tiền. Có lẽ tốt hơn nên loại tôi đi… Cuộc sống của tôi trở thành một món hàng, chọn hoặc bỏ.

Không, thưa Tổng thống, dự luật hiện tại, được cho là khẳng định quyền tự do lựa chọn cho đến cuối đời, không phải là sự thật. Luật pháp chỉ là phản ánh của một tâm lý làm gây tê cho tâm trí tôi: vì lợi ích xã hội, gánh nặng cuộc đời tôi nên được giảm bớt. Nhân danh tình yêu và hạnh phúc được cho là có lợi cho tôi, tôi có thể bị rơi vào văn hóa chết chóc này. Một văn hóa của hoàn hảo, không có một hạt cát nào dù nhỏ nhất, một bất tiện hay một khó chịu nào. Như thể những gì là khác biệt, là mong manh, nghèo nàn, bệnh tật, già nua, tật nguyền phải bị cấm.

Không, thưa Tổng thống, cái chết êm dịu không thể thực hiện được khi một hạt cát làm tắc nghẽn hệ thống. Để giải hình sự, là đã làm cho nó tự động. Xã hội chúng ta sau đó sẽ trở nên cằn cỗi, bị rô-bốt hóa, có những người hoàn hảo giả tạo cư trú – vì sự hoàn hảo không tồn tại.

Mức độ phụ thuộc nào sẽ làm cho tôi ở về phía những người phải bị giết “vì lợi ích của họ”? Bao giờ mới có thẻ đỏ để ngăn nguy hiểm, ngăn cản bác sĩ cho tôi chết êm ái, nếu họ nghĩ rằng tôi không còn đáng sống nữa?

Tôi xin hỏi ngài, thưa ngài Tổng thống: ngài có nghĩ rằng cuộc sống của tôi là xứng đáng không? Tôi có phải là gánh nặng cho chính tôi và cho xã hội, một lỗi lầm sinh học, một gánh nặng phải mang từ khi tôi còn sống và không còn lựa chọn nào khác không?

Phẩm giá của ngài, thưa Tổng thống, cũng ngang với phẩm giá của tôi. Không ai xứng đáng hơn người khác. Tôi không kém phần đáng sống hơn Ngài. Ngài không đáng sống hơn tôi.

Khi tôi đau khổ và muốn chết, tôi nói tôi cần được bao bọc chung quanh. Nỗi đau thể xác và đau khổ tinh thần không ngăn cản được hạnh phúc. Tôi, người thường xuyên đau khổ trong cơ thể, rõ ràng hơn ai hết, tôi đã tự hỏi mình một cách chính đáng về cái chết. Khi đau quá thì bực mình là chuyện bình thường. Nhưng tôi chưa bao giờ muốn chết. Đúng, đau khổ thật khủng khiếp. Đúng, nỗi đau, cô đơn, mất mát có lý do chính đáng để chất vấn tôi: tại sao tất cả có những điều này? Cuộc sống của tôi để làm gì?

Chính lúc đó, đau khổ của tôi, cùng với âm thầm và khiêm tốn, phục hồi phẩm giá và cuộc sống của tôi. Cái chết đến không phải để dập tắt đau khổ mà là để dập tắt sự sống. Cái chết không phải là giải pháp. Nó sẽ không bao giờ là giải pháp. Giải pháp là mối quan hệ.

Thưa ngài Tổng thống, hôm nay tôi xin ngài bảo vệ phẩm giá của mọi người, bằng cách có lập trường rõ ràng chống lại hành vi trợ tử. Xin ngài dũng cảm lắng nghe những điều không ai muốn nghe. Chúng ta hãy là sức mạnh của cuộc sống. Hãy là sức mạnh của mối quan hệ. Khi đó chúng ta sẽ xứng đáng khi nhìn mình trong gương mỗi buổi sáng.

Marie-Caroline Schürr

  1. Ngoài chiếc hộp, niềm vui xe lăn! (Out of the box! la joie à roulettes, nxb. Jubilé, 2016).

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Marie-Caroline Schürr, sống say mê trên đường hành hương đến Compostela

Ngày Thế giới Người bệnh: “Tôi mang trong mình một sức sống làm tôi ngạc nhiên”