ilmessaggero.it, Franca Giansoldati, 2022-12-11
Hồng y Kasper: “Chúng tôi hy vọng giữ Đức Phanxicô thêm vài năm nữa, những người kế vị ngài sẽ hoàn tất các cải cách của ngài.”
“Sự thành công của triều giáo hoàng hiện tại sẽ được những người kế vị của triều giáo hoàng này quyết định. Tôi chỉ hy vọng triều giáo hoàng hiện tại không phải là một tình cờ nhưng là mở đầu cho một kỷ nguyên mới và chúng tôi hy vọng có thể duy trì triều giáo hoàng này thêm vài năm nữa”. Thần học gia người Đức Walter Kasper, một trong những hồng y đã đóng góp nhiều nhất trong việc bầu chọn Bergoglio tại mật nghị năm 2013, ngài nói về cải cách Đức Phanxicô đã khởi xướng trong mười năm qua, qua đó nhằm mục đích thay đổi mối quan hệ giữa Giáo hội và Huấn quyền. Dự đoán của hồng y Kasper dựa trên một phân tích sâu rộng.
Theo ngài, sự thúc đẩy khai phá có thể thay đổi học thuyết về đồng tính, giai đoạn cuối cuộc đời, phá thai, độc thân linh mục và tính đại diện trong Giáo hội, chắc chắn những điều này sẽ không được Đức Phanxicô thực hiện. “Quá trình biến đổi như vậy không thể một sớm một chiều mà cần có thời gian và một hơi thở thật dài. Không thể trong một triều giáo hoàng mà phải hai hoặc ba triều.” Thật vậy, con đường cải cách đầy trắc trở và phải mất một thời gian dài để mang lại một thay đổi văn hóa lâu dài. Theo hồng y Kasper, đó là khái niệm về tính cách phi-đồng nghị, “có nghĩa là sự kết thúc của chủ nghĩa giáo sĩ thứ bậc cũ”. Phân tích của nhà thần học người Đức được thực hiện ở Lateran trong một cuộc họp do Ordine dei Giornalisti del Lazio tổ chức để nói về triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. “Phanxicô là giáo hoàng phúc âm, không phải theo nghĩa tuyên xưng nhưng theo đúng nghĩa đầu tiên của thuật ngữ này. Với ngài, ưu tiên tuyệt đối không phải là học thuyết nhưng là Tin Mừng, sứ điệp sống của Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót, Đấng đã cứu chuộc chúng ta qua Con của Người và Đấng luôn hiện diện trong Giáo hội trong Chúa Thánh Thần. Trong tông hiến Anh em hãy rao giảng Tin Mừng Praedicate Evangelium, bộ loan báo Tin Mừng được ưu tiên hơn Bộ Tín Lý. Ngài không còn rao giảng một Thiên Chúa đe dọa, lên án và trừng phạt nhưng rao giảng một Thiên Chúa đón nhận, chấp nhận, tha thứ và hòa giải mọi người trong tình yêu. Đó là tông giọng mới, tốt cho Giáo hội, nhưng không làm mọi người hài lòng, đôi khi còn bị hiểu lầm như một “loại tương đối hóa”.
Hồng y Kasper không che giấu những khó khăn của triều giáo hoàng và cả những sai lầm đã mắc phải cho đến nay. Ngài hy vọng triều giáo hoàng này sẽ kéo dài thêm vài năm: “Vì thế mỗi giáo hoàng đều có những điểm mạnh của mình, nhưng cũng có những khía cạnh mà ngài phải để lại cho người kế vị. Tôi muốn nói về những điểm mạnh của triều giáo hoàng; tôi để cho các nhà báo nói về những thiếu hụt còn tồn tại và sẽ trở nên hiển nhiên khi triều giáo hoàng kéo dài. Tuy nhiên, tôi hy vọng, nếu Chúa muốn, chúng ta có thể giữ giáo hoàng này thêm vài năm nữa.”
Những người cấp tiến
Tình hình phức tạp này là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, kể cả hố sâu đã phát triển giữa những người cải cách và những người bảo thủ trong Giáo hội. “Đức Phanxicô thấy mình ở trong một tình huống khó khăn. Một bên là những người bảo thủ theo trào lưu chính thống, một bên là những người tiến bộ về ý thức hệ, họ cũng đã trở thành những kẻ gièm pha ngài trong thời gian này. Giữa hai bên có một khoảng trung gian rộng lớn, hài lòng và hạnh phúc hoặc thường xuyên dửng dưng. Những người bảo thủ theo chủ nghĩa cơ bản đã là những người chỉ trích giáo hoàng ngay từ đầu. Họ chưa bao giờ thích giáo hoàng này. Ngài không cư xử và nói năng như một giáo hoàng nên làm.” Nhưng phong cách chỉ trích chỉ là hình thức bên ngoài.” Nó sâu sắc hơn: họ hỏi: Liệu ngài có thực sự còn là người công giáo không? Đồng thời, là người công giáo, họ phần nào mang các hình thức căn tính đồng nhất, họ kiên quyết về vấn đề phá thai, chống lại các cuộc diễn hành và người đồng tính như thượng phụ Kyrill đã làm”.
Còn ở phía “cánh tả”, có những người tiến bộ chỉ trích. “Họ nói: giáo hoàng này không muốn cải cách. Trên thực tế, ngài làm rất nhiều cải cách, thậm chí theo cánh hữu là quá nhiều, nhưng ngài không muốn tất cả các cải cách tự do như trong đường lối công nghị của Đức. Ngài không phải là nhà cải cách tự do, nhưng là nhà cải cách triệt để, muốn cải cách Giáo hội từ gốc rễ, tức là từ Tin Mừng”.
Theo hồng y Kasper, Giáo hội đang đối diện với cuộc khủng hoảng về căn tính: “Thay đổi đồng nghĩa với mất trật tự và kéo theo khủng hoảng, và sẽ là thiếu trung thực nếu không công khai nói rằng: Giáo hội đang khủng hoảng sâu sắc. Chúng ta có thể nói về một khủng hoảng căn tính, cái gì còn nguyên giá trị trong quá trình biến đổi mà chúng ta thấy mình trong đó, cái gì có giá trị phải ở lại và cái gì cần cải cách phải được cải cách khẩn cấp?”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Đức Phanxicô trả lời phỏng vấn về phân cực, về phong chức phụ nữ, các giám mục Hoa Kỳ và về nhiều chủ đề khác