Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kouleba: “Không quốc gia nào mong muốn hòa bình hơn chúng tôi”
la-croix.com, Loup Besmond de Senneville (gởi từ Kyiv, Ukraine), 2022-12-09
Ngoại trưởng Dmytro Kouleba trong cuộc phỏng vấn ngày thứ sáu 9 tháng 12 với một nhóm truyền thông quốc tế trong đó có báo La Croix, ông trả lời Đức Phanxicô và chỉ trích sự trung lập của Tòa Thánh.
La Croix: Ngày thứ năm 8 tháng 12, tại Rôma, Đức Phanxicô đã rất xúc động khi nói về Ukraine. Ngài đã khóc khi cầu nguyện với Đức Mẹ trong ngày lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội tại quảng trường Tây Ban Nha. Cử chỉ này có ý nghĩa gì với Ukraine?
Ngoại trưởng Dmytro Kouleba: Lòng trắc ẩn này có ý nghĩa rất lớn với chúng tôi, nó đi thẳng vào trái tim người Ukraine khi phản ứng của ngài là chân thành. Nhưng, trên hết, chúng tôi chờ ngài đến thăm Ukraine. Ngài có nhiều giáo dân trong nước, nhất là trong xã hội Ukraine, ngài là biểu tượng của cảm thông, trắc ẩn và nâng đỡ tinh thần. Chúng tôi sẽ rất vui được chào đón ngài khi ngài đến.
Đức Phanxicô khóc khi cầu nguyện với Đức Mẹ cho Ukraine
Ukraine đang làm việc với Tòa thánh về những vấn đề gì?
Tôi đã gặp giám mục Paul Gallagher, đặc trách quan hệ ngoại giao Tòa Thánh bên lề cuộc họp gần đây của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, OSCE ở Ba Lan, chúng tôi có nhiều chủ đề thảo luận. Dĩ nhiên tất cả những gì liên quan đến chiến tranh đều ưu tiên tuyệt đối. Về phía chúng tôi, đề xuất của chúng tôi luôn giống nhau: Vatican có thể chọn chủ đề nào Vatican có khả năng thúc đẩy tốt nhất. Chúng tôi luôn chào đón mọi nỗ lực của Vatican như thương thuyết để giúp cho hàng trăm trẻ em, cho các tù nhân bị bắt ở Nga được trở về, giúp cung cấp lương thực cho Ukraine hoặc tham dự vào đề xuất hòa bình do tổng thống Zelensky đưa ra.
Đó là bước đầu tiên. Nhưng điều này là không đủ. Bước tiếp theo làm sao thực hiện. Trong giai đoạn này, cần tránh một số sai sót cũng như nhầm lẫn và hiểu lầm.
Chiến tranh ở Ukraine: Chiến dịch Reinhardt được Đức Phanxicô đề cập đến là gì?
Đầu tiên, chúng ta không thể nói, một mặt muốn xúc tiến công việc, mặt khác lại nói về tình anh em giữa người Ukraine và người Nga. Chúng ta phải ngừng nói chúng tôi sẽ làm hòa vì chúng tôi là các quốc gia anh em. Trường hợp ở đây không phải vậy. Và nếu chúng ta nói về tình huynh đệ mà nước Nga dựa lên, thì đó là huynh đệ giữa Cain và Abel. Người Nga đến Ukraine để giết và hãm hiếp.
Chiến tranh, đó là chọn “Ca-in”
Thứ nhì, dấn thân vào vấn đề thì không thể vin vào cớ để có trung lập trong cuộc xung đột và không gọi đúng sự việc, con mèo là con mèo với lý do không muốn làm Nga sợ hãi. Chúng tôi không chấp nhận. Đừng bao giờ quên Nga là kẻ xâm lược và Ukraine là nạn nhân của cuộc xâm lược này. Chúng tôi không bao giờ được đặt ngang hàng với Nga, như những người kêu gọi phân chia trách nhiệm giữa hai nước đang làm.
Ngoại trưởng Dmytro Kouleba
Ông có nghĩ Vatican có thể đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc xung đột không?
Tổng thống Putin không muốn chấm dứt cuộc xung đột này. Điều đó có nghĩa một hòa giải rộng lớn ở giai đoạn này sẽ không thành công. Thật không may, kể từ năm 2014 khi Nga xâm chiếm Crimea và Donbass, 90% đề xuất hòa giải đến từ các quốc gia đã dùng đề xuất này như làn khói để họ khỏi chọn lựa đứng về phía nào, không tham gia với Ukraine để chống lại Nga. Trong những điều kiện này, hòa giải là không thể.
Đây có phải là trường hợp của Tòa Thánh không?
Không. Tòa thánh đã làm nhiều hơn, Vatican đã đưa ra các đề xuất nhưng Nga không bao giờ trả lời. Họ sẽ không bao giờ làm. Vì vậy, tất cả những gì Vatican có thể làm là chọn những vấn đề cụ thể và xúc tiến chúng.
Tháng 10 vừa qua, giáo hoàng kêu gọi tổng thống Putin ngừng chiến tranh và xin tổng thống Zelensky chấp nhận các đề xuất hòa bình nghiêm túc. Ông thấy lời kêu gọi này như thế nào?
Thành thật mà nói, nó không giúp được gì. Kêu gọi tổng thống Putin chấm dứt chiến tranh là điều hoàn toàn hợp lý, vì ông khơi đầu. Nhưng khi, trong câu tiếp theo, kêu gọi tổng thống Zelensky cởi mở với những đề xuất hòa bình nghiêm túc thì hàm ý ông không cởi mở với những đề xuất như vậy. Như thế là hoàn toàn sai. Không có quốc gia nào trên thế giới mong muốn hòa bình hơn Ukraine. Điều này tạo ấn tượng cả hai quốc gia đều có tội, một vì họ tấn công và nước kia vì họ từ chối hòa bình.
Chiến tranh ở Ukraine: Đức Phanxicô có thể làm gì để ngăn chặn Putin?
Theo ông, một đề xuất hòa bình nghiêm túc là gì?
Với Ukraine, bất kỳ đề xuất hòa bình nghiêm túc nào đều phải dựa trên nguyên tắc cơ bản: sự toàn vẹn lãnh thổ ở Ukraine phải được khôi phục hoàn toàn. Chúng ta có thể đề cập đến các vấn đề khác, nhưng vấn đề này là không thể nhân nhượng.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể đóng vai trò gì trong việc giải quyết xung đột này?
Cuộc xâm lược Ukraine đã tạo ra những rạn nứt sâu sắc trong thế giới tôn giáo, và không chỉ giữa các kitô hữu mà còn với tín hữu hồi giáo và do thái giáo. Trước hết, điều chúng tôi mong đợi nơi các tôn giáo là họ an ủi và giúp đỡ người dân về mặt tinh thần. Hơn nữa, tôi xin nhắc, Giáo hội và Nhà nước là riêng biệt, có nghĩa không tôn giáo nào có thể hỗ trợ cho Nga hoặc hành động của nước này. Chúng tôi không thể dung thứ cho một linh mục ở Ukraine ban phép lành cho người lính Nga tham chiến. Vai trò của các Giáo hội ở Ukraine là giúp đất nước này vực lên.
Chiến tranh ở Ukraine: Đức Phanxicô cố gắng hòa giải để giải thoát 300 tù nhân
Mỗi Giáo hội đều mang trách nhiệm cụ thể với lời nói và hành động của mình. Theo nghĩa này, tuyên truyền của Nga giữa các giáo sĩ của Tòa Thượng phụ Matxcova ở Ukraine là không thể chấp nhận được. Bất kỳ hoạt động nào của Giáo hội tạo điều kiện hoặc hỗ trợ cho kẻ xâm lược đều phải bị dập tắt bằng mọi biện pháp hợp pháp của chúng tôi. Giáo hội không thể là thiên đàng che giấu cho nước Nga.
Ông đã chỉ trích quan điểm của Đức Phanxicô về cuộc xung đột này. Nhưng ông có nghĩ quan điểm này đã phát triển kể từ khi bắt đầu chiến tranh?
Đúng, nó đã phát triển đúng hướng. Sự thật cuộc chiến này đã phá vỡ nhiều nền tảng của trật tự chính trị thế giới, một số trong đó đã được xây dựng từ nhiều thập kỷ. Sự thất vọng lớn nhất của chúng tôi là khi ngài nói về NATO, và việc Nga bị khiêu khích bằng cách nào đó khi NATO “sủa” trước cổng nhà họ. Tôi hiểu rất rõ lập luận này đến từ đâu, đó là tiếng Nga, và tôi kết luận, ai đó đã chia sẻ với giáo hoàng như lời giải thích cho chiến tranh. Nhưng điều đó hoàn toàn không hợp pháp hóa lập luận này.
Đức Phanxicô so sánh chiến tranh ở Ukraine với nạn đói do Stalin gây ra
Thật đau lòng khi nghe giáo hoàng nói như thế, nhưng tôi phải khen ngài về quan điểm gần đây của ngài. Ngài không dính vào các khái niệm không còn phù hợp, không tương ứng với thực tế, ngài luôn quyết tâm đi tìm sự thật và hòa bình. Nhưng sự thật đáng buồn là thời điểm hòa giải rộng rãi vẫn chưa đến, lý do là vì tổng thống Putin.
Đức Phanxicô so sánh cuộc chiến ở Ukraine với chiến dịch quốc xã của Đức
Vì khi chúng ta khao khát hòa bình, chúng ta không bắn hàng trăm tên lửa mỗi tuần để phá hủy cơ sở hạ tầng năng lượng để người dân không có điện nước. Chúng tôi cũng không gởi hàng
trăm binh sĩ đến đánh chiếm các thị trấn ở Donbass hoặc các vùng lãnh thổ lân cận. Ngày hòa giải sẽ đến, và Tòa thánh chắc chắn sẽ đóng một vai trò. Nhưng thật đáng tiếc, chúng ta vẫn chưa đến giai đoạn này.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Chiến tranh Ukraine, vì sao Đức Phanxicô lo lắng cho một nguy cơ leo thang