Thực sự Đức Phanxicô nghĩ gì về đồng tính
lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2022-09-23
Đức Phanxicô nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc chăm sóc mục vụ phải được đón nhận hơn, đặc biệt là với người đồng tính, nhưng nhiều người đặt câu hỏi về suy nghĩ sâu sắc của ngài trong vấn đề này là gì. Kể từ khi bắt đầu triều giáo hoàng, Đức Phanxicô xem việc đón nhận là một trong những cánh cửa để mở ra cho việc truyền bá Phúc âm trong Giáo hội công giáo. Xuất phát từ nguyên tắc không thu hút người ngoại đạo hoặc đám đông đang đi tìm con đường thiêng liêng bằng các bài học thuyết, ngài cho rằng đạo đức gia đình và tình dục đã độc chiếm tiếng nói của thể chế quá nhiều trong vài năm qua, ngài thúc giục phải thay đổi giọng điệu và thái độ.
Và điều này, trước hết là với những người theo truyền thống bị cho là ở trong tình trạng “bất bình thường” với học thuyết – các cặp đã ly dị tái hôn, các cặp chung sống, người đồng tính và các cặp đồng tính. Để làm cho lòng thương xót Chúa được cảm nhận bằng cách đón nhận nhiều hơn và ít nói về học thuyết: chính trên nguyên tắc này, Thượng hội đồng đầu tiên về gia đình đã được tổ chức.
Thượng hội đồng với sự hiện diện của các giám mục từ khắp nơi trên thế giới về Vatican họp, một số tiếng nói lúc đó đã cảnh báo, dù thế nào, mục vụ và giáo lý phải song hành với nhau, nếu không, ở một số điểm, sự méo mó giữa thực chất (học thuyết) và hình thức (mục vụ) sẽ dẫn đến thất vọng cho tất cả các bên.
Một thái độ mơ hồ về đồng tính?
Mục vụ đón nhận và thương xót này được Đức Phanxicô truyền sức thổi đã tạo một luồng gió mới cho Giáo hội công giáo, khơi dậy một thiện cảm mới trong công luận và giới truyền thông, nhưng đồng thời lại tạo ra các cuộc tranh luận sôi nổi và phân cực nội bộ. Nếu cuộc tranh luận về việc tiếp nhận những người đã ly hôn tái hôn đã giảm, thì có vẻ như vấn đề đồng tính còn lâu mới kết thúc.
Sở dĩ tất cả những tranh luận ngày càng trở nên sôi nổi là vì khó nắm bắt được tư tưởng của giáo hoàng về chủ đề này. Đức Phanxicô là người của câu “tôi là ai mà phán xét?” – thực ra câu này dài và phức tạp hơn: “Nếu một người đồng tính, họ đi tìm Chúa và có thiện chí, thì tôi là ai để đánh giá họ?”. Ngài đã viết một thư cho linh mục Dòng Tên Mỹ James Martin, người dấn thân lo cho những người LGBT để khen “lòng nhiệt thành mục vụ” của linh mục với những người này.
Đức Phanxicô khuyến khích linh mục Dòng Tên James Martin trong việc mục vụ với người đồng tính
Trong bộ phim tài liệu có tên Phanxicô, được chiếu lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2021, khi được hỏi ngài đã thẳng thắn phản đối hôn nhân đồng giới khi còn là tổng giám mục Buenos Aires, ngài đã không trở lại quan điểm của ngài vào thời điểm đó, ngài bảo vệ “kết hợp dân sự” như một phương tiện cung cấp cho các cặp đồng tính một “vỏ bọc hợp pháp.”
Nhiều lần ngài khuyến khích các cha mẹ có con đồng tính đừng ruồng bỏ con mà phải đồng hành cùng con – kể cả tham vấn tâm lý nếu họ thấy xu hướng này xuất hiện sớm, ngài gợi ý trong một câu trả lời ngắn trên máy bay từ Dublin, Ireland về Rôma ngày 26 tháng 8 năm 2018, điều này đã tạo nhiều phản ứng trên khắp thế giới.
Không thay đổi giáo lý
Chỉ thị của Rôma năm 2005 yêu cầu không phong chức cho các ứng viên có khuynh hướng đồng tính sâu đậm làm linh mục đã được bản Ratio fundamentalis, xác nhận (bộ Giáo sĩ), về chủ đề này cũng như những chủ đề khác, giáo hoàng chưa bao giờ thể hiện mong muốn thay đổi học thuyết.
Sau khi Đức Phanxicô ủng hộ các kết hiệp dân sự trong bộ phim tài liệu nói trên, Phủ Quốc vụ khanh đã gởi một thông báo nội bộ đến các sứ thần trên toàn thế giới – và không thể nghĩ rằng điều này được thực hiện mà không có sự đồng ý của Đức Phanxicô – trong đó nêu rõ Đức Phanxicô không đụng đến giáo lý, nhưng chỉ đề cập đến một số quy định của nhà nước.
Sáu tháng sau, Đức Phanxicô cũng “đồng ý” – và không “chấp thuận” uyển chuyển quan trọng – việc công bố một tài liệu của Bộ Tín Lý (CDF), một responsum, câu trả lời, nhắc lại việc cấm ban phép cho các kết hiệp đồng tính.
Kết hiệp cùng những người đi tìm Chúa “bằng những cử chỉ yêu thương”
Công bố này đã dấy lên nhiều chỉ trích, trong đó có chỉ trích của tổng giám mục giáo phận Vienna, Christoph Schưnborn – chính ngài là người xuất bản sách Giáo lý Giáo hội công giáo, cũng chính sách giáo lý này nói kết hiệp đồng tính là “rối loạn về bản chất”! – hoặc hồng y giáo phận Chicago, Blase Cupich, cho rằng công bố này đang làm tổn thương mọi người một cách không cần thiết. Vào thời điểm đó, các nhà vatican học gần gũi nhất với giáo hoàng nói rằng tông điệu trong công bố của bộ Tín Lý có thể đã làm chính Đức Phanxicô không hài lòng.
Trong giờ Kinh Truyền Tin sau vụ tranh cãi, ngài kêu gọi mọi người đi tìm Chúa không qua “những lời lên án về mặt lý thuyết” nhưng “với cử chỉ yêu thương”. Và giám mục Giacomo Morandi thư ký bộ Tín Lý, người trình bản văn lên giáo hoàng, không đầy một năm sau (tháng 1 năm 2022) đã được bổ nhiệm làm giám mục một giáo phận ở miền bắc nước Ý trong bối cảnh nặng nề, điều này được một số người giải thích là “thanh trừ” dù việc bổ nhiệm này và responsum chưa bao giờ thiết lập.
Điều rõ ràng là với cải tổ Giáo triều, với hiến pháp mới được công bố vào tháng 3 năm 2022, bộ Truyền giáo Phúc âm hóa đã được đặt ở vị trí cao nhất trong tổ chức, vị trí mà trước đây bộ Tín Lý chiếm giữ, bây giờ là bộ học thuyết đức tin. Một tín hiệu rõ ràng được Đức Phanxicô đưa ra, ưu tiên truyền giáo trước ưu tiên giáo lý, điều này làm sáng tỏ quan điểm tế nhị của ngài liên quan đến vấn đề đồng tính.
Một “vá víu” của đạo đức công giáo”
Nhưng chúng ta cũng thấy phương pháp “mục vụ trên hết” trong việc truyền giáo đã không làm hài lòng cả hai bên, có vẻ như cho những người bi quan với thượng hội đồng về gia đình có lý. Còn những người ủng hộ học thuyết giải thích sự cởi mở mục vụ như hình thức của một chủ nghĩa tương đối hoặc như một kẻ hở cho sự thay đổi học thuyết.
Mặt khác, một số lượng lớn người công giáo đồng tính sống như một cặp vợ chồng hoặc mong muốn thành một cặp vợ chồng, họ cảm thấy ngày càng lo khi một mặt nói họ được đón nhận hơn bao giờ hết trong tư cách “cá nhân”, nhưng “hành vi đồng tính” vẫn bị cho là “tối loạn về bản chất”.
Vì thế một số người lấy làm tiếc cho hình thức “vá víu đạo đức công giáo qua ‘chú thích cuối trang’” – một ám chỉ về cách thức Đức Phanxicô mở cửa cho từng trường hợp một để những người ly hôn tái hôn được rước lễ, trong chú thích chỉ thêm vào khi cập nhật phần mềm của tông huấn Niềm vui Tình yêu, Amoris Laetitia, vào cuối Thượng hội đồng về gia đình.
Những phân chia văn hóa mạnh mẽ
Hơn nữa, vì đạo công giáo là phổ quát, nên giáo hoàng cũng phải tính đến các giám mục châu Phi, châu Á, các giám mục Đông Âu, những người xem việc mở ra với người đồng tính chủ yếu là ở phương Tây và họ hài lòng với tình trạng hiện tại của học thuyết.
Chúng ta thấy ở đây có sự chia rẽ về văn hóa và thần học đã xém làm bùng nổ Giáo hội anh giáo, giữa các Giáo hội anh giáo ở Mỹ và Anh, những người theo chủ nghĩa tự do về vấn đề LGBT và các Giáo hội châu Phi, miễn cưỡng chấp thuận luật nhắm vào người đồng tính ở Uganda và Nigeria. Một sự thái quá mà Rôma luôn đề phòng, chủ trương không phạt đồng tính từ nhiều năm nay.
Vì vậy, tranh luận về việc làm thế nào để giải thích “đúng sai” trong việc làm phép cho các cặp đôi đồng giới – phép lành hay lời cầu nguyện cộng đồng? -, được các giám mục Bỉ nói lên những điều chưa chắc chắn của vấn đề.
Flanders: nghi thức làm phép cho các cặp đồng giới
Khó khăn khi làm mục vụ mà không liên quan đến học thuyết. Vì đến một lúc nào đó, sự căng thẳng giữa hai bên phải được giải quyết, dù theo hướng này hay hướng kia. Trong bối cảnh này của Vatican, việc phản ứng – hoặc không phản ứng – sẽ được đặc biệt xem xét kỹ lưỡng vì khát khao để được rõ ràng là rất lớn. Và chuyến đi ad limina của các giám mục Bỉ được dự kiến vào tháng 11 là một trong những cuộc họp lớn của mùa đông.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Hồng y Müller quyết liệt lên án sáng kiến của các giám mục Flanders, Bỉ
Linh mục đồng tính: “Ngay cả ngày nay sự thật vẫn phải trả giá”