Khiêm nhượng là con đường của thánh thiện. Đây là những lời của Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng thánh lễ ban sáng ngày thứ hai 01-02, tại Nguyện đường Nhà trọ Thánh Marta. Đức Giáo hoàng tập trung vào chuyện vua Đavid biết nhìn nhận tội lỗi của mình, chấp nhận chịu nhục trong tinh thần tín thác vào Thiên Chúa. Và một điều nữa là trong khi Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, nhưng các thương tích do sự hủ hóa rất khó để chữa cho lành.
Vua Đavid chỉ còn cách sự thối nát một bước nữa thôi, nhưng ngôn sứ Nathan đã được Chúa sai đến, làm cho vua hiểu được sự dữ mình đã phạm. Đức Phanxicô thêm rằng, ‘Đavid là một người có tội, nhưng thánh thiện.’
Các vết thương của thối nát thật khó để chữa cho lành
“Dù là một người có tội, nhưng Đavid không thối nát, bởi người thối nát không nhận ra mình thối.
Cần có một ơn đặc biệt để thay đổi được trái tim một người thối nát. Và vua Đavid có một tâm hồn cao thượng, vua biết nói rằng: ‘Ôi, thật là thế. Tôi đã phạm tội!’ Vua nhìn nhận tội lỗi của mình. Và ngôn sứ Nathan đã nói gì nào? ‘Đức Chúa tha cho các tội của vua, nhưng sự thối nát mà vua đã gieo, nó sẽ lớn lên. Vua đã giết một người vô tội để che giấu tội ngoại tình của mình. Binh đao sẽ đeo bám mãi trong nhà của vua.’ Thiên Chúa tha thứ tội lỗi, Đavid đã hoán cải, nhưng các thương tích do sự hủ hóa rất khó để chữa cho lành. Chúng ta thấy điều này ở khắp thế giới.
Vua Đavid chứng kiến con trai Absalom của mình trở nên hư mất, nó dấy chiến tranh chống lại vua. Nhưng vua quy tụ người của mình và quyết định rời thành, để Hòm bia trở lại. Vua không viện đến Thiên Chúa để che chắn cho mình. Vua rời đi để cứu dân của mình. Và đây là con đường thánh thiện mà vua Đavid, người từng có lúc thối nát, đã bắt đầu theo.
Vua Đavid phó thác cho Chúa và đi từ tội lỗi đến thánh thiện.
Vua Đavid, với đầu quấn băng khóc than, rời thành phố giữa tiếng chế nhạo của một số người. Trong đó có ông Shimei gọi vua là ‘quân giết người’ và nguyền rủa vua. Đavid chấp nhận, bởi nếu ông bị nguyền rủa, là chính Chúa đang nguyền rủa ông đó.
Vua Đavid nói với các hộ vệ. ‘Con trai của ta, kẻ do ta mà ra, lại tìm cách đoạt mạng ta.’ Absalom. Và Đavid cũng bảo, ‘cứ để tên Benjamin đó nguyền rủa, bởi chính Đức Chúa lệnh cho hắn làm vậy.’ Đavid biết nhìn ra các dấu chỉ, đây là giây phút khiêm hạ của vua, là thời khắc vua phải trả cho tội lỗi của mình. ‘Có lẽ Chúa sẽ nhìn xuống lòng của tôi, và cho tôi ơn ích từ những lời nguyền rủa này.’ Và vua để mình trong tay Đức Chúa. Đây là con đường của vua Đavid, từ thời khắc thối nát đến phó thác vào tay Chúa. Và đây là sự thánh thiện. Đây là khiêm nhượng.’
Tôi nghĩ tất cả chúng ta, nếu như có ai nói gì xấu với mình, hẳn sẽ biện bạch ngay. Mà cũng có thể chúng ta là một ông Shimei: Chúng ta đáp lại một cách còn ngu ngốc hơn nữa.
Nguyện xin cho các Kitô hữu có ơn khiêm nhượng
Khiêm nhượng chỉ có thể đi vào trong lòng qua sự hạ mình. Không có khiêm nhượng nếu không có hạ mình, và nếu bạn không thể hạ mình trong đời, thì bạn không có lòng khiêm nhượng. Đây đơn thuần là một công thức.
Cách duy nhất để khiêm nhượng là qua sự hạ mình. Vua Đavid thánh thiện là nhờ hạ mình. Thiên Chúa tiền định cho con cái mình, cho Hội thánh được thánh thiện, nhờ sự hạ mình của Con Ngài, Đấng đã để mình bị sỉ nhục, để mình bị treo trên thập giá, bị hành hình bất công … Và Con Thiên Chúa tự hạ, là con đường thánh thiện. Và Đavid, qua cư xử của mình, là hình ảnh báo trước sự hạ mình của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy nguyện xin Chúa ơn khiêm nhượng cho mỗi một chúng ta, cho Giáo hội. Và cũng xin ơn hiểu được rằng sự khiêm nhượng không thể có được nếu không có hạ mình.”
J.B. Thái Hòa chuyển dịch từ Vatican Radio Eng