Chuyến tông du của Đức Phanxicô, ai đã xin người bản địa tha lỗi?

205

Chuyến tông du của Đức Phanxicô, ai đã xin người bản địa tha lỗi?

Từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 7, Đức Phanxicô đi Canada, ngài xin người bản địa tha thứ vì Giáo hội đã ngược đãi và đối xử không đúng để hàng ngàn trẻ em là nạn nhân từ năm 1831 đến năm 1996 trong các trường nội trú do các dòng tu điều hành. Từ Giáo hội hợp nhất của các giám mục Canada đến chính phủ liên bang, một số tổ chức đã nói lên lời xin lỗi của họ.

la-croix.com, Yasmine Guénard-Monin, 2022-07-20

Một nhà thờ ở Maskwacis, Canada. COLE BURSTON / AFP

Tháng 4 năm 2022, Đức Phanxicô đã nói với các phái đoàn người bản địa từ Canada đến Rôma: “Với các hành vi đáng trách của những thành viên trong Giáo hội công giáo, tôi xin Chúa tha thứ và từ tận đáy lòng tôi, tôi xin nói với anh chị em: Tôi thực sự xin lỗi.” Ngài hứa sẽ tiếp tục nói lời xin lỗi trên đất Canada, nơi từ năm 1831 đến năm 1996, có khoảng 150.000 trẻ em các sắc dân Inuit, Métis hoặc Quốc gia Thứ nhất đã bị cưỡng bức, đối xử không đúng và thường xuyên bị lạm dụng tình dục trong các trường nội trú.

Được chính phủ ủy thác cho các dòng tu, các trường này nhằm mục đích tách trẻ em ra khỏi gia đình, ngôn ngữ và văn hóa để “văn minh hóa” và bắt các em theo kitô giáo. Một số tổ chức đã nhận trách nhiệm của họ trong điều mà Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada (CVR) năm 2015 gọi là “diệt chủng văn hóa”.

Giáo hội anh giáo là Giáo hội đầu tiên xin lỗi

Trong số 139 trường nội trú được Ottawa chính thức công nhận, hai phần ba do Giáo hội công giáo điều hành, một phần tư do Giáo hội anh giáo và Giáo hội Thống nhất (theo phái calvin và mêthôđista), Giáo hội Trưởng lão (theo truyền thống Scotland) quản lý phần còn lại.

Năm 1990, ông Phil Fontaine, nhà hoạt động của Quốc gia Thứ nhất đã đặt vấn đề về các trường nội trú, ông công khai lên tiếng về các lạm dụng thể chất, tâm lý và tình dục mà ông đã phải chịu ở một trường nội trú công giáo, trong một chứng từ mang tính biểu tượng cho việc giải phóng lời nói của các cựu học sinh các trường nội trú. Năm 1993, Giáo hội anh giáo là Giáo hội đầu tiên đưa ra lời xin lỗi chính thức với người bản địa về những lạm dụng xảy ra trong các trường học do Giáo hội phụ trách. Tiếp theo là Giáo hội Trưởng lão và Giáo hội Thống nhất đã xin lỗi trong những năm 1990.

Chính phủ Canada: những bồi thường kỷ lục

Năm 2006, dưới áp lực của các nhà hoạt động Bản địa, chính phủ, các Giáo hội liên quan, Hội đồng các quốc gia thứ nhất và những người bảo vệ cho những người sống sót đã ký Thỏa thuận giải quyết liên quan đến các trường nội trú bản địa (CRRPI), trong đó công nhận đã có tác hại trên các trường này và đã để ra một quỹ trị giá 1,9 tỷ đô la Canada bồi thường cho các cựu học sinh nội trú, đưa đến việc thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải, từ năm 2008 đến năm 2015 ghi lại lịch sử của các trường dân cư.

Trong quá trình này, năm 2008, cựu Thủ tướng Stephen Harper đã thay mặt chính phủ Canada xin lỗi: “Giờ đây, chúng tôi nhận ra chúng tôi đã sai lầm khi tách trẻ em ra khỏi văn hóa và truyền thống phong phú của các em.”

Lời xin lỗi được mong chờ từ lâu của Giáo hội công giáo

Năm 1991, dòng Hiến sĩ Đức Mẹ là dòng quản lý hầu hết các trường nội trú công giáo, đã xin tha thứ vì họ khước từ “truyền thống tôn giáo phong phú của người bản địa” và “đã có các bạo lực tình dục và thể chất” đã làm trong trách nhiệm của họ. Bản báo cáo của Ủy ban Sự thật và Hòa giải cho biết, sau đó, các tổ chức công giáo khác đã rải rác xin lỗi, “một mớ hỗn độn của các tuyên bố mà nhiều người sống sót và các tu sĩ sẽ không bao giờ biết”.

Chúng ta phải chờ đến năm 2021, khi vụ tai tiếng được phát hiện, 1.300 hài cốt vô danh trên các địa điểm của các trường nội trú cũ, việc đốt cháy các nhà thờ trên lãnh thổ bản địa và áp lực của thủ tướng Justin Trudeau trên Hội đồng Giám mục công giáo Canada vào tháng 9 năm 2021. Cho đến lúc đó, Giáo hội đã khẳng định trách nhiệm với các trường nội trú thuộc về các giáo phận và các dòng tu quản lý các trường này.

Các giám mục cam kết bỏ ra 30 triệu đô la Canada để cải thiện điều kiện sống của những người sống sót và cộng đồng của họ, nơi tỷ lệ thất nghiệp và nạn nghiện rượu và ma túy bùng nổ. Việc đền bù đã được chờ đợi từ lâu, người bản địa trách Giáo hội đã không thực hiện lời hứa danh dự được đưa ra trong khuôn khổ của Thỏa thuận giải quyết các trường nội trú bản địa. Năm 2006, Giáo hội thực sự đã thất bại trong việc huy động 25 triệu đô la Canada như đã hứa.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Hấp hối kéo dài của Giáo hội Québec kể từ chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II năm 1984

Giám mục Poisson, chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada giải thích các thách thức của chuyến đi Canada của Đức Phanxicô