Anh Daniel Oukeguale kể cuộc phiêu lưu không thể tưởng tượng của anh từ Nigeria đến Malta cho Đức Phanxicô nghe

171

Anh Daniel Oukeguale kể cuộc phiêu lưu không thể tưởng tượng của anh từ Nigeria đến Malta cho Đức Phanxicô nghe

Phòng Thử nghiệm Hòa bình Gioan XXIII ngày 3 tháng 4-2022 . Vatican Media

“Con đã viết: ‘Đừng bỏ cuộc’ bằng kem đánh răng”

fr.zenit.org, Anita Bourdin, 2022-04-03

Trong buổi Đức Phanxicô đến Phòng thử nghiệm Hòa bình Gioan XXIII (Hal Far) ở Malta, chiều chúa nhật 3 tháng 4 năm 2022, ngài đã chăm chú nghe chứng từ của anh Daniel Jude Oukeguale, anh kể cho ngài nghe hành trình không thể tưởng tượng, vừa đau đớn, vừa kiên trì và bước đường đến với nghệ thuật của anh, trong một tâm trạng đau khổ, anh đi từ quê hương Nigeria đến Malta. Sau khi nói chứng từ của mình, anh ở trong vòng tay của Đức Phanxicô.

Cuộc gặp giữa hai người khó có thể xảy ra! Hai hành trình, một hành trình không ai biết và gần như không bao giờ kết thúc, hành trình kia rất ngắn, dưới ống kính của cả thế giới.

“Phòng thử nghiệm Hòa bình Gioan XXIII”, ngày 3 tháng 4 năm 2022 © Vatican Media

Chứng từ của anh Daniel Jude Oukeguale

Trọng kính Đức Thánh Cha, con là Daniel và con đến từ Nigeria.

Con rời quê hương cách đây 5 năm. Sau 13 ngày di chuyển, chúng con đến sa mạc.

Trong hành trình này, chúng con đã băng qua xác người và động vật, xe hơi bị cháy và nhiều thùng nước rỗng. Sau 8 ngày khốn khổ trong sa mạc, chúng con đến Libya.

Những người vẫn còn nợ tiền của những kẻ buôn người, họ bị nhốt và bị tra tấn cho đến khi họ trả đủ tiền lệ phí. Một số mất mạng, những người sống sót bị mất trí. Con may mắn không nằm trong số đó. Vào thời điểm đó, có cuộc chiến du kích ở Libya; chúng con không để ý đến tên bay đạn lạc, chúng con đã quen sống với bạo lực. Để di chuyển từ nơi này đến nơi khác, chúng con bị dồn lên xe như những con cá mòi để trốn cảnh sát.

Lúc nào chúng con cũng có nguy cơ bị cướp. Con đã trả gấp đôi cho những kẻ đưa người hứa đưa con lên thuyền để đi châu Âu. Tuy nhiên, các chuyến đi bị hủy và chúng con không lấy được tiền lại. Điều kiện sống thật khủng khiếp. Con đã xoay sở để tìm việc ở Libya, con làm thợ trét vôi để trang trải cho một chuyến vượt biển khác. Cuối cùng con lên được chiếc ca nô dài 2x10mét trên đó có hơn 100 người.

Chúng con đi thuyền hơn 17 giờ thì được một tàu Ý đến cứu, con rất mừng và tràn đầy hy vọng. Mọi người quỳ gối tạ ơn Chúa, nhưng rồi chúng con phát hiện chiếc tàu đang quay trở lại Libya. Chúng con bị giao cho cảnh sát biển Libya và bị nhốt trong trại giam Ain Zara. Nơi đối xử tệ bạc nhất dù chỉ là một ngày sống ở đó.

Sau một tháng, con bắt đầu làm thợ trét vôi với một cảnh sát. Ông cho chúng con thức ăn và chỗ ở. Ông rất tử tế và thả chúng con ra với điều kiện chúng con phải làm việc cho anh trai của ông, nhưng sau đó chúng con phải trốn vì ông này không trả tiền lương cho chúng con.

Chín tháng sau, con lại lên thuyền. Đêm đầu tiên, chúng con gặp sóng cao. Bốn người bị rớt xuống biển, chúng con chỉ cứu được hai. Tất cả chúng con đều hãi sợ! Con gần như mất hết hy vọng và lúc đó con ngủ, con chỉ muốn chết.

Ngày hôm sau thức dậy, tâm trạng con đã thay đổi. Những người bên cạnh con mỉm cười và một tia hy vọng mới tràn ngập lòng chúng con. Chúng con tiếp tục chèo thuyền cho đến khi gặp ngư dân Tunisia, họ cho chúng con bánh mì, sữa và nước và gọi cơ quan cứu trợ.

Cuối cùng một chiếc tàu cũng đến, nhưng chúng con phát hiện ra đó là cảnh sát biển Tunisia. Tốt hơn là phải ở thêm một đêm trên biển Địa Trung Hải.

Tàu cập cảng và chúng con được đưa đến Zarzis, Tunisia. Các tổ chức Phi chính phủ cho chúng con thức ăn, quần áo và chỗ ở.

Con nhớ con đã lấy kem đánh răng viết trên tường phòng ngủ của con: “Đừng bỏ cuộc!” Một nhân viên đến nói con phải chùi, nhưng con không chịu chùi cho đến một ngày họ đem đến một nùi giẻ và nói nếu con không chùi, con sẽ không được đi. Và con đã chùi.

Ngày hôm sau anh nhân viên đó lại đến và thấy con vẽ một  bức tranh trên tường. Sau đó, con lấy giấy bút, con bắt đầu vẽ và con yêu nghệ thuật. Con cũng đã làm việc một thời gian với một nghệ sĩ địa phương trước khi trở lại Libya cùng với hai người bạn đồng hành khác. Libya tuy kinh khủng nhưng nơi đó là nơi vượt biển dễ dàng hơn.

Con trở lại làm việc cho đến khi con kiếm đủ tiền để đi một chuyến vượt biển khác. Đây là cố gắng không biết là lần thứ mấy và con rất hy vọng ở chuyến này. Lần này, sau 3 ngày lênh đênh trên biển, con đến Malta, đó là lần thứ sáu con trả tiền cho những người đưa đường.

Khi nhân viên bảo vệ bờ biển Malta đến giải cứu chúng con, con gần như không thể tin được. Con nhớ con đã khóc vì mừng, con đã tìm lại nụ cười, cuối cùng chúng con được an toàn và giấc mơ của chúng con đã thành sự thật.

Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu vì chúng con bị giam vào trại tạm giam khoảng 6 tháng. Con mất tinh thần, mỗi đêm con đều hỏi Chúa “tại sao, Chúa ơi!”

Đôi khi con khóc, đôi khi con nghĩ ước gì mình chết. Con tự hỏi liệu chuyến đi này có phải là một sai lầm không. Tại sao những người như chúng con bị cho là kẻ thù, là tội phạm chứ không phải là người anh em?

Sau một thời gian chúng con được đưa đến trung tâm Thử nghiệm Hòa bình, trung tâm ở ngay sau lưng cha, con phải mất một thời gian để thích ứng với đời sống ở đây, việc giam giữ đã lấy đi khát vọng mơ ước của con. Nhưng trong vài tuần, bầu khí thay đổi, con bắt đầu đối diện với đời sống hàng ngày với một hy vọng mới và bây giờ con có thể nói, cuộc sống của con đã được cải thiện rất nhiều nhờ sự hỗ trợ của những người giúp đỡ con.

Nhưng suy nghĩ của con đối với các anh chị em của con vẫn bị khóa chặt và con tự hỏi khi nào họ mới được tự do.

Con xin cám ơn cha đã lắng nghe con. Thật không may, ngày hôm nay vẫn còn nhiều người chạy trốn chiến tranh, chạy trốn nạn đói, họ có câu chuyện cũng như câu chuyện của con.

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Bốn nơi quan trọng trong chuyến đi của Đức Phanxicô đến Malta

Buổi thắp nến cầu nguyện ở trung tâm Thử nghiệm Hòa bình ngày chúa nhật 3 tháng 4 ở Malta.