“Một chuyến đi của Đức Phanxicô đến Kyiv là không thể. Chúng tôi xin nước Nga bảo vệ trẻ em”
Sứ thần Tòa thánh tại Ukraine, tổng giám mục Visvaldas Kulbokas: “Không có sự ngưng bắn tối thiểu sẽ rất rủi ro cho giáo hoàng và giáo dân. Một chuyến đi bí mật hoặc lén lút là chuyện không thể hình dung được. Thông qua các kênh ngoại giao, tôi yêu cầu Mátxcơva bảo vệ những người mong manh nhất.”
famigliacristiana.it, Antonio Sanfrancesco, 2022-03-28
Sứ thần nói: “Chuyến đi của giáo hoàng đến Kyiv là chuyện rất tốt đẹp nhưng không thể, vì các điều kiện an ninh tối thiểu còn thiếu.” Ngài kể đời sống người dân dưới bom đạn và không kích từ hơn một tháng nay: “Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, chúng tôi không còn dùng các tầng trên của Tòa khâm sứ nữa. Chúng tôi ngủ và cử hành thánh lễ hàng ngày ở tầng trệt. Khi chúng tôi nghe tiếng nổ rất gần, hoặc tiếng còi báo động vang lên, chúng tôi xuống tầng hầm nhưng chúng tôi không thể sống ở đó cả ngày cả đêm.”
Giám mục Visvaldas Kulbokas, người Litva, 47 tuổi, nói tiếng Ý, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha. Ngày 7 tháng 9 năm vừa qua, ngài nhậm chức sứ thần Tòa thánh tại Ukraine, sau khi đảm nhiệm chức vụ Thư ký Tòa Khâm sứ tại Mátxcơva từ năm 2009 đến năm 2012.
Cha có nghĩ sẽ có cuộc tấn công này?
Tổng giám mục Visvaldas Kulbokas: không. Trong những tuần đầu tiên năm nay, chúng tôi thấy quân đội Nga đến gần biên giới Ukraine, khi đó chúng tôi hiểu phải chuẩn bị những diễn tiến xấu nhất. Trước đây tôi không thể ngờ một xung đột lớn như thế này lại có thể xảy ra.
Kyiv đã sống trong đau khổ nhiều ngày, xin cha cho biết bây giờ tình hình như thế nào?
Tình hình bây giờ tốt hơn nếu so sánh với các thành phố khác như Kharkiv hay Mariupol, thành phố Mariupol là thành phố tử đạo, vì cho đến nay thành phố này trả giá cao nhất. Mariupol là thành phố có ba trăm ngàn dân, lớn thứ nhì sau Kyiv, bây giờ thành phố này không còn gì. Không điện, không nước, không khí đốt. Ở Kyiv, chúng tôi có điện, có sưởi, một số cửa hàng còn mở và mọi người có thể ra ngoài mua cái gì đó để ăn. Hàng viện trợ nhân đạo cũng đến từ các khu vực khác và từ nước ngoài. Dù mỗi ngày chúng tôi phải đối diện với nỗi sợ hãi: tên lửa lướt trên đầu, còi báo động liên tục, nhưng những người ở lại đã quen dù càng ngày họ càng bị căng thẳng và càng đau khổ.
Cha có thể nói chuyện với chính quyền của các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đông Nam Bộ không?
Tôi có nói chuyện với giám mục phụ tá ở Kharkiv, thuộc giáo phận Mariupol, ngài cho biết chỉ còn giữ được quyển sách lễ của nhà nguyện. Tất cả đều bị phá hủy hoặc mất cắp, giống như rất nhiều nhà thờ và nhà nguyện khác. Từ 14 ngày nay, người dân Mariupol không còn liên lạc với gia đình, họ không biết người thân của mình có còn sống hay không. Nhìn người dân đau khổ là đã đau đớn trong lòng, nhưng khi nhìn hình ảnh những người được cứu vì họ phải di tản, tôi bật lên tiếng kêu tự đáy lòng, tôi tự hỏi: vì sao lại đau đớn thế này? Ai có thể gây ra điều này? Tôi không hiểu mục tiêu của ai đó lại cao hơn cuộc sống của các trẻ em, bà mẹ mang thai, người bệnh, người già.
Ban đầu xem như ảo tưởng, sau đó là thương thuyết dù rất khó khăn nhưng vẫn tiếp tục. Bây giờ có vẻ như chúng tôi đang ở trong một bế tắc mới. Cha còn tin tưởng không?
Theo tôi, nếu cuộc chiến này đã bắt đầu thì cũng phi lý nó kết thúc như thế này. Mặt khác, điều hợp lý hơn là một trong các bên nhận thấy chiến tranh không thể đạt các mục tiêu của nó và có những khó khăn nghiêm trọng trên thực tế, vì thế có thể đẩy nhanh các cuộc thương thuyết do những khó khăn này. Đó là lý do vì sao khía cạnh thiêng liêng rất quan trọng.
Đức Phanxicô và sứ thần Tòa thánh Visvaldas Kulbokas ngày 2 tháng 9 tại Vatican (Ansa)
Đức Phanxicô xem chiến tranh là “vô nhân đạo và phạm sự thánh”, ngài liên tục xin chúng ta cầu nguyện cho hòa bình.
Lời xin của ngài rất quan trọng vì một trong các mục đích của lời cầu nguyện là tâm hồn được trở lại. Nếu không có sự thay đổi từ bên trong này, các chính trị gia tham gia vào cuộc xung đột vẫn giữ nguyên con đường chiến tranh và không thể nào thoát khỏi vòng xoáy bạo lực và chết chóc. Cầu nguyện là vũ khí thiêng liêng cơ bản. Khi dâng thánh lễ tại đây, tôi cũng cầu nguyện cho những người sống dưới làn bom đạn, những người sống ẩn nấp dưới hầm, các trẻ em chết đói chết khát. Chiến tranh gây ra đau khổ, chết chóc và tàn phá. Giáo dân Ukraine đồng lòng tố cáo điều kinh dị này.
Những lời của thượng phụ Kyrill Mátxcơva cho rằng đây là “cuộc chiến siêu hình” để chống lại tội lỗi của phương Tây, bắt đầu bằng tố cáo những người đồng tính Gay Pride đã tạo chấn động.
Tôi không muốn bình luận về những tuyên bố này nhưng tôi nhớ Ủy ban các Giáo hội và các tổ chức tôn giáo Ukraine, nơi tất cả các tôn giáo được quy tụ, người hồi giáo, người do thái giáo rất đoàn kết. Tôi không thể nói rằng tất cả các giám mục và linh mục Ukraine hoàn toàn đoàn kết và hoàn toàn thống nhất trong việc lên án cuộc chiến này, nhưng các đại diện cao nhất của mọi tôn giáo đã nói lên tiếng nói chống cuộc xung đột.
Đức Phanxicô xin dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, ngài xin tất cả các giám mục trên thế giới cùng hiệp ý với ngài. Ý nghĩa của cử chỉ này là gì?
Đó là vũ khí thiêng liêng rất mạnh và tôi hiểu ngài. Tôi ngạc nhiên trước lời xin từ khắp nơi trên thế giới xin ngài thực hiện việc dâng hiến này. Hội đồng Giám mục Ukraine cũng xin. Tôi biết nhiều lời xin tương tự cũng đã đến thẳng Vatican. Khi nhìn các trẻ em đau khổ, tôi không hiểu vì sao ở thế kỷ 21 lại có người phát động cuộc chiến tranh như vậy. Chúa cho phép ma quỷ hành động vì chính chiến tranh là việc của ma quỷ. Và vũ khí duy nhất để chống Satan kẻ gây chia rẽ là Đức Mẹ, Mẹ là đấng thiêng liêng, là trạng sư bảo vệ chúng ta, Mẹ của tất cả và cách riêng của các trẻ em bị giết, bị thương và các bà mẹ phải chạy trốn. Giao phó cho Mẹ với tấm lòng tin tưởng trọn vẹn là lựa chọn đúng đắn vì chính Mẹ đã đạp đầu con rắn.
Khi bắt đầu xung đột, các hành lang nhân đạo không thể được tổ chức. Sau đó có một cái gì đã được mở ra.
Ngay từ đầu Tòa Thánh đã can thiệp cho một số vấn đề cụ thể liên quan đến trẻ em, bảo vệ các cô nhi viện, đưa các em đi sơ tán. Trong những trường hợp này, Tòa Thánh dùng con đường ngoại giao.
Cha đã nhận được phản hồi nào?
Một quan tâm đến các yêu cầu của chúng tôi và chúng tôi biết ơn vì điều này.
Giáo hội Ukraine đã làm gì để giúp đỡ những người tị nạn?
Có một huy động rất lớn. Ở Kiev, tại nhà thờ Thánh Nicholas, giáo xứ tổ chức trung tâm gom và gởi đồ cứu trợ nhân đạo, các linh mục và giáo dân cùng làm. Hai cơ quan Caritas cũng làm việc đắc lực. Du không thể di chuyển tự do ban ngày, nhưng nhiều tình nguyện viên làm hết sức mình để gom và phát đồ viện trợ. Thật không may là có nhiều người giúp người dân sơ tán, đặc biệt là trẻ em, các em không đến được chỗ sơ tán đã chết dưới bom đạn.
Ông Vitaliy Klitschko, thị trưởng thành phố Kyiv đã mời Đức Phanxicô đến thành phố. Một chuyến đi như thế có thể thực hiện được không?
Tôi đã gởi lời mời của thị trưởng đến phủ Quốc vụ khanh. Dĩ nhiên sẽ thật ý nghĩa to lớn nếu giáo hoàng ở giữa chúng tôi, nhưng tôi đã cùng với các giám mục suy nghĩ nhiều về vấn đề này, thật không may, không dễ dàng chút nào để tổ chức một chuyến đi như vậy trong hoàn cảnh này. Phải đến Kyiv với các biện pháp phòng thủ và phương tiện an toàn, như một số nhà lãnh đạo châu Âu đã làm để có các cuộc họp bí mật và duy trì các thương thuyết. Một chuyến đi bí mật và lén lút là không thể. Một thỏa hiệp đình chiến tối thiểu là điều không thể thiếu với giáo hoàng và với giáo dân đến cầu nguyện với ngài. Nếu không có những điều kiện tối thiểu như vậy thì không thể được, an toàn của mọi người sẽ bị đe dọa.
Từ đầu cuộc chiến cha đã ở lại Kyiv. Cha có sợ không?
Tôi cùng các nhân viên cố gắng dùng tất cả các biện pháp để phòng ngừa. Kể từ khi chiến tranh bùng nổ, chúng tôi không còn dùng các tầng trên, cũng như các phòng có cửa sổ bên ngoài vì đó là nơi nguy hiểm nhất khi có tấn công. Chúng tôi ngủ và cử hành thánh lễ hàng ngày ở tầng trệt. Khi chúng tôi nghe tiếng nổ gần và còi báo động vang lên, chúng tôi xuống tầng hầm ẩn náu nhưng chúng tôi không thể sống đêm ngày ở đó. Chiến tranh thách thức tất cả mọi người, người tin cũng như người không tin. Cách đây vài ngày, các nữ tu cộng tác ở toà sứ thần kể cho tôi nghe giấc mơ của một người vô thần, một giấc mơ rất quan trọng.
Xin cha kể.
Một người đàn ông mơ, ông đi trong đêm tối qua những con đường đã bị phá hủy một nửa để tìm gia đình. Đến một lúc ông thấy lính Nga bắn vào Chúa Giêsu bị đóng đinh. Trong thâm tâm, ông lên án những người lính đó và xin Chúa Giêsu che chở ông và cho ông tìm được người nhà. Chúa Giêsu nói với ông: “Con quyết định xem, con muốn bắn Ta hay con muốn Ta che chở cho con”. Ông thức dậy và hiểu ý nghĩa lời nói kỳ lạ này. Trong thâm tâm, ông nghĩ ông tốt hơn người lính Nga, nhưng Chúa làm cho ông hiểu, không phải như vậy, ông phải lựa chọn nếu ông muốn như mọi người hãy trở lại và thay đổi tâm hồn.
Người này nói giấc mơ đã làm thay đổi ông. Tôi thấy chứng từ này là mẫu mực, vì đó là cách làm cho tôi nhận thức khía cạnh tâm linh của cuộc chiến này đang thách thức tất cả mọi người, cả người tin và người không tin, và thúc giục chúng ta tự hỏi: “Tôi đang làm gì, tôi theo ai?”. Chúa Giêsu nói với chúng ta, chúng ta chỉ có một Người Cha trên trời và vì thế tất cả chúng ta là anh em. Nếu là anh em thì không những phải tránh xung đột, mà còn phải tránh gièm pha, tránh phán xét người khác. Không chỉ những người gây ra chiến tranh phải trên con đường trở lại lâu dài, mà cả chúng ta đôi khi cũng bị cám dỗ để xem mình tốt hơn và công chính hơn người khác. Qua những gì đang xảy ra, Tin Mừng đặt chúng ta ở ngã ba đường và hỏi chúng ta: “Anh em có nghĩ rằng mình là anh em với người khác không? Mình có tin Chúa là cha của tất cả mọi người không?”
Marta An Nguyễn dịch
Bài đọc thêm: Sứ thần Kulbokas ở Ukraine, “cuộc chiến tranh này có một cái gì đó của Sự dữ”