Chiến tranh Nga-Ukraine. Một cuộc chiến khác … và cũng là một thế giới mới?
Cuộc xâm lược Ukraine đã diễn ra 11 ngày, có một số yếu tố cho phép chúng ta đưa ra các kịch bản về một thế giới sẽ trở nên bất ổn, nguy hiểm và khó lường hơn.
lanacion.com.ar, Ines Capdevila, 2022-03-06
Một phụ nữ được binh sĩ Ukraine chữa trị sau khi băng qua sông Irpin để trốn thoát ở ngoại ô Kievap – AP
Ngày 28 tháng 7 năm 1914. Ngày 1 tháng 9 năm 1939. Ngày 11 tháng 9 năm 2001. Ngày 24 tháng 2 năm 2022?
Cổ điển và liên quốc gia; gây rối rắm và giữa những kẻ thù lớn rộng hơn; của thế kỷ 20 hoặc thế kỷ 21. Các cuộc chiến tranh lớn trong 100 năm qua đã định hình thế giới ngày nay. Thế chiến thứ nhất đã dập tắt các đế chế và khai sinh các quốc gia. Thế chiến thứ hai đã tạo ra một hệ thống đồng thuận giữa các quốc gia, các quyền và quy định mới để giải quyết các vấn đề trên thế giới, củng cố vai trò lãnh đạo của sức mạnh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, dẫn đến cuộc Chiến tranh Lạnh, một lần nữa chia cắt thế giới, như thể thế giới chưa được biết đến từ những vụ đụng độ trước đây.
Cuộc tấn công vào Tòa tháp đôi đã cảnh báo thế giới về một cuộc khủng bố toàn cầu mới, đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan để có an ninh hơn hoặc tự do hơn, bắt đầu cuộc chiến nhằm xoa dịu mối đe dọa, nhưng đồng thời, làm cho những rạn nứt và nghi ngờ sâu đậm hơn.
Ngày 24 tháng 2, Nga tấn công Ukraine với tất cả lực lượng của mình, bắt đầu một cuộc chiến khác, – giống như những cuộc chiến khác – ngày này đã đưa ra những dấu hiệu cho thấy thế giới sẽ không còn như trước nữa. Sự ngạc nhiên của hành động đầu tiên cuộc chiến, chú tâm của các nhân vật chính, khía cạnh đạo đức, văn hóa và lịch sử của những lời tuyên bố của kẻ xâm lược và kẻ bị tấn công, sức mạnh của lửa và sự hủy diệt của bên này bên kia và đồng minh của họ, sự kinh hoàng của công dân toàn cầu, sự liên kết của các nước thứ ba, cú sốc của nền kinh tế toàn cầu, tất cả mọi thứ đều kết hợp lại để thế giới nhận ra, đây là ngày của thay đổi.
Người dân băng qua cây cầu bị phá hủy giữa Irpin và Kiev (Ảnh của Aris Messinis / AFP) Cơ quan AFP – AFP
Một số cuộc chiến tranh đó, đặc biệt là Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai đã thay đổi cục diện thế giới hoàn toàn, thay đổi mối quan hệ giữa các quốc gia, cuộc sống của người dân. Các cuộc chiến tranh khác như cuộc chiến chống khủng bố, các giá trị bị ảnh hưởng, bộc lộ những mối đe dọa mới, làm suy giảm sức mạnh, nhưng ít biến đổi hơn.
Tuy nhiên, tất cả đều gieo mầm cho những cuộc đối đầu mới: phương pháp chống lại bạo lực và giải pháp cho chiến tranh – luôn không hoàn hảo – bao gồm mầm mống âm thầm của các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Hiệp ước Versailles năm 1919; Hội nghị Yalta năm 1945; những bước tiến liên tiếp của phương Tây nhằm chấm dứt chủ nghĩa cực đoan hồi giáo. Liệu điều tương tự có xảy ra với cuộc xâm lược Ukraine không? Nó sẽ luôn biến đổi hay làn sóng xung kích của nó sẽ ngắn? Như năm 1939, có phải chúng ta đang đối diện với một thế giới mới? Khi phương Tây, Ukraine và Nga đi đến một giải pháp, liệu điều này có ẩn chứa mầm mống cho một cuộc xung đột khác không?
Cuộc chiến đã kéo dài 11 ngày; cố gắng vẽ ra một tương lai sẽ là cố gắng đưa ra một bối cảnh huyễn hoặc. Tuy nhiên, có một số yếu tố cho phép chúng ta mở ra một thời kỳ mới và mặt khác, lịch sử – gần đây cũng không quá nhiều – giúp chúng ta phác thảo một số kịch bản có thể xảy ra. Đó là kịch bản của một thế giới ngày càng bất ổn, nguy hiểm và khó lường trước. Thậm chí một số yếu tố có thể ảnh hưởng trực tiếp đến Argentina.
1- Một loại chiến tranh mới
Cuộc xâm lược Ukraine ngược với chiến lược chiến tranh cổ điển, đây là một chiến lược sáng tạo và nếu chiến thắng sẽ ít tốn kém về nhân mạng hơn. Cuộc chiến của Putin là cuộc chiến của thế kỷ 20: việc điều động quân đội đến một quốc gia khác để tiêu diệt chính phủ của họ, chiếm một phần lãnh thổ của họ. Cuộc chiến của phương Tây và Ukraine là cuộc chiến của thế kỷ 21: một cơn bão bất ngờ và đầy các lệnh trừng phạt tài chính, thương mại, tẩy chay nước Nga toàn cầu về chính trị, thể thao, văn hóa để đồng hành với cuộc kháng chiến của người Ukraine. Nếu chiến thắng, dù ngắn hạn hay dài hạn, chiến lược đó không phải là không có cái chết và hủy diệt, nhưng nạn nhân và thiệt hại chắc chắn sẽ ít hơn nếu phương Tây quyết định can dự với chiến lược tương tự như Putin.
Các biện pháp trừng phạt đã được đưa ra và phương Tây hy vọng người Nga và chính phủ của họ sẽ thấy họ đủ sức làm tê liệt và tổn thương để chận cuộc tấn công của Putin. Nhưng những biện pháp này có một số giới hạn. Đầu tiên là làm thế nào để các biện pháp này hiệu quả, làm thế nào để các biện pháp này thành động cơ để từ bỏ xâm lược hơn là một hình phạt.
Ông Andrea Oelsn, tiến sĩ Quan hệ Quốc tế và học thuật tại Đại học San Andrés, Buenos Aires giải thích: “Bản thân các biện pháp trừng phạt, chỉ với tư cách là công cụ, không bao giờ là đủ. Lệnh cấm vận Cuba đã không thành công trong việc thay đổi thái độ của Castros. Chúng không có tác dụng vì chúng trả một giá rất cao cho người xử phạt và làm cho các nhà lãnh đạo bị trừng phạt dùng để làm điêu đứng cho người áp dụng chúng. Chúng chỉ hoạt động khi mọi người tuân theo chúng”.
Các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Cuba không tỏ ra hữu hiệu trong việc làm suy yếu quyền lực của Castros
Như một vài trường hợp khác trong lịch sử gần đây cho thấy, phương Tây đã đồng ý áp dụng các biện pháp trừng phạt đồng loạt về dự trữ, các chuyến bay thương mại, các vụ buôn bán hàng ra thế giới, các triệu phú và các quan chức thiết yếu của Nga. Dầu mỏ được miễn trừ, đó là con bài cuối cùng mà các nhân vật chính của Liên minh Đại Tây Dương giữ. Sức mạnh của các lệnh trừng phạt được duy trì và kích thích bằng phản ứng mạnh mẽ của dư luận toàn cầu, của các công ty và ngân hàng, của các chính phủ bên thứ ba. Câu trả lời mang lại hy vọng cho phương Tây nếu cuối cùng cuộc chiến trừng phạt có tác động.
Tác động này sẽ được thử thách bởi hai giới hạn tiềm năng. Putin dường như đang đặt cược vào một cuộc chiến dài hơi, thời gian để làm suy yếu sự thống nhất đáng ngạc nhiên của phương Tây trong các lệnh trừng phạt. Mặt khác, các biện pháp gặp phải một thách thức nguy hiểm khác.
Trong cuộc đối thoại với báo La Nacion, giáo sư Vladimir Rouvinski, chuyên ngành về quan hệ quốc tế tại Đại học Icesi, Colombia giải thích: “Chúng ta phải nhớ một vài chuyện. Trong những năm gần đây, đã có một thay đổi trong giới tinh hoa Nga. Những người nắm quyền hiện nay là những người xung quanh Putin, là quốc phòng và an ninh. Các lệnh trừng phạt không ảnh hưởng nhiều đến họ (vì tài sản của họ không phơi bày như các nhà tài phiệt).
2- Trật tự toàn cầu và mối đe dọa của nó
Hiệu quả và sức mạnh của các biện pháp trừng phạt sẽ quyết định cách người Nga đối phó với cuộc chiến, Putin và những người chung quanh ông phải trả giá như thế nào, và cuối cùng, ai là người chiến thắng. Chính xác thì kết quả của cuộc chiến này – và cả thời gian của nó – sẽ quyết định sức nặng của các nhân vật chính cho một trật tự toàn cầu khác.
Một Putin thành công, với một chiến thắng không bị tiêu hao cho phép ông vô hiệu hóa và thống trị Ukraine, sẽ củng cố uy lực của ông trong nội bộ nước Nga và sẽ là một mối đe dọa công khai, nóng bỏng và thường trực chống lại an ninh châu Âu và phần còn lại của phương Tây. Nhưng nhất là, kho vũ khí hạt nhân và ý chí muốn NATO xa biên giới của mình càng xa càng tốt của ông, sẽ là lời nhắc nhở thường xuyên về khả năng xảy ra chiến tranh.
Chiến thắng của ông cũng sẽ là chiến thắng cho những kẻ chuyên quyền trên thế giới và cho những người học việc của chúng, từ Hoa Kỳ và Châu Mỹ La-tinh đến châu Á, những người sẽ tin chắc bạo lực, đàn áp, dối trá và kiểm soát là công thức hoàn hảo để cai trị thế giới lâu dài. Đó cũng sẽ là một thành công nữa cho kỷ nguyên không bị trừng phạt: vi phạm luật pháp quốc tế và phá vỡ sự toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia khác sẽ không tốn kém gì. Liên minh với Trung Quốc sẽ được củng cố, và nước Nga là một đối tác mạnh mẽ.
Nước Nga và Trung Quốc vẫn là những đồng minh mạnh mẽ
Phương Tây với các giá trị tự do và niềm tin vào dân chủ, sẽ phải hứng chịu một trong những thất bại lớn nhất, một trong những thất bại có thể đẩy nhanh việc chấm dứt ảnh hưởng toàn cầu của nó.
Nếu trường hợp ngược lại xảy ra – sự thất bại của Putin – những người chuyên quyền sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi hành động, việc trừng phạt sẽ đạt đến giới hạn và Ukraine sẽ có thể duy trì chủ quyền, quyền tự do quyết định của họ cho hiện tại và tương lai của mình. Nhà lãnh đạo Nga sẽ phải đối diện với thất bại xấu nhất đời ông, thay vì kết hợp bình đẳng với Trung quốc, Nga sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào quốc gia châu Á này.
Tuy nhiên, mối quan hệ với phương Tây sẽ có cùng dấu hiệu thù hận đặc trưng trong trường hợp Putin thành công. Học giả Gonzalo Paz người Argentina, giáo sư tại Đại học Georgetown nói: “Về lâu dài, các lệnh trừng phạt và chiến tranh sẽ đẩy Nga ra khỏi phương Tây. Và điều này có hại về lâu dài. Niềm tin bị phá vỡ vĩnh viễn. Tương lai sẽ đến và sẽ là vấn đề.”
Đối với ông Ian Bremmer, người sáng lập công ty tư vấn Eurasia, tương lai đó sẽ diễn ra dưới hình thức một cuộc chiến tranh lạnh mới, ít đáng sợ hơn so với lần trước, vì Nga là một quốc gia yếu hơn Liên Xô cũ, nhưng đồng thời cũng nguy hiểm hơn, vì Matxcơva có kho vũ khí hạt nhân mạnh mẽ, ít tin tưởng và các thỏa thuận tơi tả, như thế sẽ thành mối đe dọa lớn hơn.
Trong thế giới gồm các khối đã được xác định, những hoài nghi mới và các mối đe dọa hạt nhân thường trực, liệu nước Argentina và phần còn lại của khu vực có chỗ cho “sự không-liên kết tích cực” mà họ đề xuất như một cách để tiếp cận với thế giới ngày nay không? Có lẽ có rất ít thế để thành đồng minh của phương Tây và của Nga-Trung cùng một lúc.
Giáo sư Gonzalo Paz dự đoán: “Cửa sổ chính sách đối ngoại đang bị thu hẹp. Chi phí cho sự độc lập đang tăng vọt.”
3- Sự bùng nổ xã hội lớn hơn, từ Nam Mỹ đến Trung Đông
Chính sách đối ngoại sẽ không phải là mặt trận duy nhất mà các nước trong khu vực phải gánh chịu hậu quả của cuộc chiến tranh mới này và của thế giới để lại đàng sau nó. Khi các cường quốc xung đột, các quốc gia dễ bị tổn thương nhất phải run sợ. Tác động trực tiếp đầu tiên của cuộc chiến này là giá hàng hóa, năng lượng và ngũ cốc tăng vọt do tầm quan trọng của Nga và Ukraine trên cả hai thị trường.
Năm 2010, giá lúa mì bị tăng đột biến do hạn hán đã quét sạch một phần ba vụ thu hoạch hàng năm ở Nga, nhà sản xuất lớn thứ tư trên thế giới và là một trong những nước cung cấp chính cho Trung Đông, châu Phi và châu Á. Giá thực phẩm tăng chóng mặt, kéo theo là tình trạng bất ổn xã hội. Cuối năm đó tại Tunisia, một vụ việc liên quan đến một người bán hàng rong đã khơi mào cho “Mùa xuân Ả Rập”, lật đổ chính phủ này đến chính phủ khác và thay đổi vĩnh viễn sắc diện khu vực.
Tổng thống Argentina Alberto Fernández và Vladimir Putin
Nam Mỹ sản xuất mạnh, không phải chịu sự bất ổn của giá ngũ cốc. Nhưng bị tác động bởi giá cả năng lượng. Từ năm 2013 đến nay, các cuộc nổi dậy xã hội và huy động quần chúng thường xuyên đánh dấu tất cả các quốc gia. Các cuộc biểu tình đã làm thay đổi cuộc sống và đường lối chính trị ở Brazil, Bolivia, Chi-lê, Peru, Ecuador, Colombia, gây rắc rối cho việc cai trị, kèm theo là niềm tin vào dân chủ bị lung lay. Đằng sau tất cả, dĩ nhiên là giá nhiên liệu và chi phí giao thông công cộng gia tăng.
Trong 11 ngày qua, giá ngũ cốc tăng tới 40%; giá dầu tăng 15%. Các đường phố Châu Mỹ La-tinh, Trung Đông và châu Phi, vốn đã khó khăn và nghèo nàn vì đại dịch, bây giờ chúng bắt đầu lung lay.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Nga, Ukraine và phương Tây
Tổng thống Pháp Macron gọi cho Tổng thống Putin 1 giờ 45 phút: họ đã nói gì với nhau