Lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 13-2-2015
Đa số 20 tân hồng y được Đức Phanxicô phong hôm nay là những mục tử ở trên luống cày.
Lần phong hồng y thứ nhì này khẳng định ý muốn của Đức Phanxicô là giảm ảnh hưởng của Âu châu trên cơ cấu quyền lực cao nhất của Giáo hội nhưng cũng chứng tỏ cho thấy hướng chọn của Đức Phanxicô là nhằm để có tính công giáo trong tinh thần phục vụ xã hội và mục vụ, gần với những hoàn cảnh đau khổ.
Tất cả các tân hồng y Đức Phanxicô chọn là những mục tử trên cánh đồng, bám rễ sâu vào các thực tế xã hội. Ngoại trừ một người trong danh sách là tân hồng y Dominique Mamberti người Pháp, người duy nhất trong giáo triều được tấn phong, người đã hoàn thiện một sự nghiệp cao quý trong ngành ngoại giao, là cựu bộ trưởng Ngoại giao của Tòa Thánh, bây giờ là giám quản Tối cao pháp viện, tương đương với Tòa phá án của Giáo hội Công giáo.
Tân hồng y Soane Patita Paini Mafi, giám mục địa phận Tonga. Vị mục tử này dẫn dắt một cộng đoàn Công giáo chỉ có 15 000 tín hữu ở rải rác trên 176 đảo ở Tonga, thuộc Thái Bình Dương. Mới 53 tuổi, tân hồng y là người nhỏ tuổi nhất trong đợt phong hồng y, đối với ngài, “hình ảnh của Chúa là nơi những người nghèo, nơi của chiến đấu, những đau khổ trong đời sống cụ thể của họ”.
“Một Giáo hội nghèo cho người nghèo”
Tân hồng y Arlindo Gomes Furtado, giám mục địa phận Santiago của Cap-Vert hàng ngày phải đối diện với một dân số mà một phần tư sống dưới thềm của sự nghèo khó. Theo ngài, Giáo hội phải đối diện với những thách thức “vừa ‘giáo huấn’ nhưng cũng vừa là ‘mẹ’” và cũng phải giữ tinh thần lạc quan đối với những người sống với những “rạn nứt trong đời sống vợ chồng và gia đình”, có những “hành vi cụ thể và sáng tạo để đón mừng những người cảm thấy mình bị gạt ra ngoài vào được nhà”.
Cũng một cách tiếp cận mục vụ như vậy đối với tân hồng y José Luis Lacunza Maestrojuán, giám mục địa phận David của Panamá. Ngài giải thích các giám mục Châu Mỹ La Tinh đã “gần với giáo dân mình” biết bao. Chẳng hạn chính ngài, ngài tự đi chợ mỗi tuần và không bỏ sót một trận đá banh nào của các đội địa phương. Ngài cho rằng Vatican cho cảm tưởng mình là một “cửa hàng đóng kín”. Vì thế, “với Đức giáo hoàng Phanxicô” là đi về với một “Giáo hội gần gũi, cởi mở, đi ra ngoài, một Giáo hội nghèo cho người nghèo”. Tân hồng y John Dew, tổng giám mục địa phận Wellington của Tân Tây Lan cũng phân tích như vậy. Ngài nhấn mạnh, Giáo hội phải “gần” và mang đến một “thông điệp hy vọng” cho “tất cả những ai đấu tranh vì một lý do này hay lý do khác”. Những người không ở bên phía những người được “ưu đãi”, những người đấu trah để có “công chính cho xã hội”.
“Gần với những người đau khổ”
Tân hồng y Alberto Suárez Inda không hình dung được vì sao Giáo hội lại không “gần với những người đau khổ”, những người ở “bên lề”, ngài là tổng giám mục Michoacán, một vùng cực kỳ có nhiều bạo lực ở Mễ Tây Cơ, nơi có 70.000 chết từ năm 2006 đến nay do nạn thanh toán trong giới buôn ma túy. Thượng phụ địa phận Lisbonne ở Portugal, tân hồng y Manuel José Macário do Nascimento Clemente bỏ “hào nhoáng của một Giáo hội thượng lưu” để mang “phong cách mục vụ đơn giản, trực tiếp, gần với giáo dân, gần với Phúc Âm hơn” của Đức Phanxicô.
Tân hồng y Berhaneyesus Demerew Souraphiel, tổng giám mục địa phận Addis-Abeba ở Etiopia tóm tắt lại triết lý nổi trội và nguyên tắc hành động của thế hệ tân hồng y làm việc trực tiếp trên cánh đồng này là: “Vatican phải là tiếng nói của những người không có tiếng nói.”
Theo hình ảnh của tân hồng y kín đáo Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, tổng giám mục địa phận Hà Nội, Việt Nam. Ngài vui mừng vì sự “tri ân” cho một Giáo hội đã sống qua những “thời gian khó khăn”.
Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch