Giáo hoàng Phanxicô nói với các tân hồng y – việc lãnh đạo phát xuất từ đức mến

384

Giáo hoàng Phanxicô đã chủ trì nghi thức sáng ngày thứ bảy, tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, để tấn phong 20 thành viên mới của Hội đồng Hồng y, nhưng người thân cận nhất của Giáo hoàng trong sứ vụ. Trong bài nói với các thành viên của Hội đồng Hồng y quy tụ về Roma lần này, Giáo hoàng Phanxicô nói về bản chất của việc phục vụ của giáo hội, giải thích tinh thần của mục tử, bằng đoạn ‘bài ca đức mến’ trích trong thư thánh Phaolô.

Giáo hoàng Phanxicô nói với các tân hồng y - việc lãnh đạo phát xuất từ đức mếnSau đây là toàn văn bài nói của Đức Thánh Cha

*************************************

Các anh em hồng y thân mến

Chức hồng y chắc chắn là một vinh dự, nhưng không phải là một sự trọng vọng.  Chúng ta đều biết ý nghĩa của từ hồng y [cardinal] xuất phát từ từ ‘cardo’, nghĩa là bản lề.  Do đó, đây không phải là một phụ kiện, trang điểm, hay một chức vị danh dự.  Nhưng chức hồng y là một điểm then chốt, là một điểm nâng đỡ và vận động thiết yếu cho đời sống của cộng đoàn.  Các cha là những ‘bản lề’ và ‘được gắn’ vào Giáo hội Roma, ‘chủ trì toàn thể cộng đoàn đức mến’ (Lumen Gentium, 13; cf. IGN. ANT., Ad Rom., Prologue).

Trong Giáo hội, tất cả ‘việc chủ trì’ đều phát xuất từ đức ái, phải được thực hiện trong đức mến, và hướng về đức mến.  Giáo hội Roma cũng phải đóng vai trò gương mẫu trong việc này.  Khi Roma chủ trì trong đức mến, thì mỗi một Giáo hội khác, cũng được kêu gọi, trong phạm vi của mình, hãy chủ trì trong đức mến.

Vì lẽ này, tôi tin rằng ‘bài ca đức mến’ trong thư thứ nhất của thánh Phaolô gởi tín hữu Corintho, có thể là chủ đề hướng dẫn cho dịp mừng này, và cho cả sứ vụ của các anh em, đặc biệt là với những người hôm nay gia nhập hàng ngũ Hội đồng Hồng y.  Tất cả chúng ta, trước hết là bản thân tôi và rồi là mỗi người các bạn cùng với tôi, phải làm sao để mình được hướng theo những lời linh hứng của thánh tông đồ Phaolô, đặc biệt trong đoạn ngài kể ra các dấu của đức mến.  Nguyện xin Đức Mẹ giúp chúng ta biết lắng nghe.  Mẹ đã cho thế giới Chúa Giêsu, đức mến hiện thể, là ‘đường lối trổi vượt hơn cả’ (1Cr 12, 31), nguyện xin Mẹ giúp chúng ta đón nhận lời này và luôn luôn tiến lên theo con đường này.  Nguyện xin Mẹ giúp chúng ta bằng sự khiêm nhượng và sự trìu mến của người mẹ, bởi đức mến, ơn Chúa ban, lớn lên ở nơi nào có sự khiêm nhượng và trìu mến.

Thánh Phaolô cho chúng ta biết rằng, đức mến, trên hết là ‘nhẫn nại’ và ‘hiền hậu.’  Trách nhiệm phục vụ Giáo hội càng lớn, thì tâm hồn chúng ta phải mở rộng hơn nữa, theo tiêu chuẩn là trái tim Chúa Kitô.  ‘Nhẫn nại,’ ‘chịu đựng’ là một từ có thể nói đồng nghĩa với đạo công giáo.  Như thế nghĩa là có thể yêu không giới hạn, nhưng cũng trung tín trong các trường hợp cụ thể và với các hành động thực tiễn.  Đồng thời cũng là yêu mến những gì cao cả, mà không bỏ qua những sự nhỏ bé, yêu mến những sự nhỏ bé trong nhãn tượng của những sự cao cả, bởi “non coerceri a maximo, contineri tamen a minimo divinum est” nghĩa là ‘Đừng để những việc to tát nhất chiếm hết, nhưng hãy dấn mình vào những việc nhỏ nhất, đây chính là thiêng liêng.’  Phải biết yêu thương qua các hành động trìu mến.  ‘Trìu mến’ nhân từ, nghĩa là một ý định vững vàng và nhất quán luôn luôn mong muốn sự tốt đẹp cho người khác, kể cả những người không thân thiện với chúng ta.

Thánh tông đồ còn nói rằng, đức mến ‘không ghen tương vênh vang hay tự đắc.’  Đây chắc chắn là một phép lạ của tình yêu, bởi chúng ta là con người, tất cả chúng ta, ở mọi giai đoạn cuộc sống, đều có chiều hướng ghen tương và tự đắc, do bởi bản tính của chúng ta đã bị tội lỗi xâm phạm.  Giáo hội cũng không miễn nhiễm khỏi cám dỗ này.  Nhưng chính vì thế, mà các anh em thân mến, quyền năng thiêng liêng của tình yêu, có sức thay đổi tâm hồn, có thể trở nên rõ ràng hơn trong chúng ta, để các bạn không còn sống cho mình nữa, nhưng là Chúa Kitô sống trong các bạn.  Và Chúa Giêsu là tình yêu trọn hảo.

Thánh Phaolô còn bảo chúng ta rằng đức mến ‘không kiêu căng hay ngạo ngược, không khư khư giữ lề lối của mình.’  Hai đặc tính này cho thấy rằng những người ở trong đức mến không quy ngã, không tập trung vào bản thân mình.  Người quy ngã chắc chắn sẽ trở thành người thiếu tôn trọng, mà họ lại rất thường không để ý thấy được,bởi ‘tôn trọng’ chính là khả năng nhìn nhận người khác, nhìn nhận phẩm giá, hoàn cảnh, và nhu cầu của người khác.  Một người quy ngã chắc chắn sẽ tìm kiếm lợi lộc riêng cho mình, mà người đó lại nghĩ thế là bình thường, thậm chí là việc nhất thiết phải làm.  Các ‘lợi lộc’ này có thể trá hình trong những vẻ ngoài cao thượng, nhưng ẩn sau đó luôn luôn là một ‘tư lợi.’  Nhưng đức mến, cho chúng ta rút ra khỏi cái trung tâm bản thân đó để đưa mình hướng vào trung tâm thật sự, là Chúa Kitô, và chỉ mình Chúa Kitô mà thôi.  Rồi, và chỉ có từ đó, chúng ta mới có thể là những người biết tôn trọng và để ý đến lợi ích của tha nhân.

Thánh Phaolô nói rằng, đức mến ‘không bực bội, không oán giận.’  Các mục tử gần với dân, có rất nhiều cớ để bực bội, để thấy giận dữ.  Có lẽ chúng ta liều mình cáu kỉnh hơn với các đồng sự, là để chúng ta ít bị bắt lỗi hơn.  Nhưng ngay cả như thế, thì đức mến, chỉ một mình đức mến, có thể giải phóng chúng ta khỏi chuyện này.  Đức mến giải thoát chúng ta khỏi mối nguy phản ứng bốc đồng, hay nói hoặc làm những chuyện sai trái, và trên hết là giải phóng chúng ta khỏi mối nguy luân lý của kiểu ngậm đắng nuốt cay, một cơn giận âm ỉ khiến chúng ta cứ nghiền ngẫm những sự sai trái mà chúng ta đã phải chịu.  Không, Một con người của Giáo hội không được làm thế.  Một cơn giận bùng phát có thể tha thứ được, nhưng một hành động hiềm thù ác ý thì không.  Thiên Chúa giữ gìn chúng ta khỏi những việc này!

Thánh Phaolô còn nói rằng, “Đức mến không vui khi thấy sự sai trái, nhưng vui mừng vì sự ngay thật.’  Những người được kêu gọi phục vụ quản trị trong Giáo hội, cần phải có một tâm thức công bằng mạnh mẽ, để không chấp nhận cho bất kỳ dạng bất công nào, ngay cả khi nó có đem lại lợi ích cho bản thân hay cho Giáo hội.  Và người đó, còn phải biết ‘vui mừng trước sự ngay thật.’  Thật là một câu tuyệt vời!  Người của Chúa, là một người say mê lẽ phải, một lẽ phải được nên trọn trong lời và thân thể Chúa Giêsu Kitô, nguồn vô tận của vui mừng.  Nguyện xin dân Chúa luôn luôn thấy nơi chúng ta, sự kiên quyết lên án bất công, và vui mừng phục vụ cho lẽ phải.

Cuối cùng, ‘Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.’  Và đây, 4 từ này, chính là chương trình thiêng liêng và mục vụ cả đời của chúng ta.  Tình yêu của Chúa Kitô, đổ đầy vào lòng chúng ta bởi Thần Khí, cho chúng ta có thể sống như thế, trở nên như thế, là một người luôn luôn sẵn sàng tha thứ, luôn sẵn sàng tin tưởng bởi chúng ta đầy đức tin vào Chúa, luôn luôn sẵn sàng thắp lên hi vọng bởi chúng ta đầy cậy trông nơi Chúa, luôn luôn sẵn sàng nhẫn nại chịu đựng mọi hoàn cảnh và mang lấy các anh chị em của chúng ta, trong sự thông hiệp với Chúa Kitô, Đấng đã yêu thương mang lấy hết tội chúng ta.

Các anh em thân mến, tình yêu này không đến từ chúng ta, nhưng là từ Thiên Chúa.  Thiên Chúa là tình yêu, và Ngài cho chúng ta tất cả mọi sự này, chỉ khi chúng ta để mình ngoan ngoãn vâng thuận theo hành động của Thần Khí.  Và do đó, chúng ta phải ‘được gắn vào’ và ngoan ngoãn.  Chúng ta càng ‘được gắn’ vào Giáo hội La Mã, càng trở nên ngoan ngoãn với Thần Khí, thì đức mến có thể định hình và đem lại ý nghĩa cho bản thân chúng ta và những gì chúng ta làm. Hãy để mình được gắn vào một Giáo hội chủ trì trong đức mến, vâng thuận với Thần Khí đổ đầy lòng chúng ta tình yêu Thiên Chúa. (Rm 5, 5)

Amen.