Đức Piô XII, Đức Phanxicô và Ukraine

118

Đức Piô XII, Đức Phanxicô và Ukraine

blogs.letemps.ch. Dominica de la Barre, 2022-03-01

Theo ý kiến của Đường lối Rõ rệt, La Ligne Claire, khi đối diện với cuộc chiến ở Ukraine , Đức Phanxicô thấy mình bị cuốn vào một tình huống làm nhắc lại một vài khía cạnh mà Đức Piô XII cũng bị lôi cuốn như thế trong chiến tranh. Chắc chắn, Vatican, một quốc gia trung lập, ngày nay không thấy mình bị đe dọa bởi một đội quân chiếm đóng và giáo hoàng vẫn tự do đi lại, nhưng trên thực tế chiến tranh hạn chế khả năng giáo hoàng có thể nói trước công chúng.

Khi thực tế của vụ diệt chủng người do thái đã trở nên rõ ràng, Đức Piô XII bị áp lực từ mọi phía phải lên tiếng phản đối những gì xảy ra ngày càng rõ rệt: một cuộc tiêu diệt người do thái có hệ thống ở châu Âu. Năm 1942, nhân buổi phát thanh mừng lễ Giáng sinh, ngài tuyên bố: “Lời chúc này (chấm dứt chiến tranh), nhân loại mang ơn hàng trăm ngàn người, những người không có lỗi lầm, những người chỉ đơn thuần do quốc tịch hoặc chủng tộc của họ, họ có thể bị chết hoặc bị biến mất dần dần.”

Nếu Đức Piô XII, là nguyên thủ Quốc gia duy nhất đã nói về việc Diệt chủng người do thái, nghĩ rằng ngài nói lên với tất cả sự rõ ràng và chắc chắn mà hoàn cảnh đòi hỏi, thì ngày nay chúng ta chỉ có thể đánh giá được qua sự chênh lệch so với thực tế: ngoài con số được trích dẫn, hàng trăm ngàn chứ không phải hàng triệu, trên hết là ngài không đề cập đến người do thái hay người đức quốc xã.

Tám mươi năm sau, trong buổi tiếp kiến chung ngày 24 tháng 2, ngày  Nga tấn công Ukraine, Đức Phanxicô đưa ra “những viễn cảnh rất đáng báo động”; ngài xin “các bên liên quan tránh bất kỳ hành động nào gây đau khổ thêm cho người dân”. Ngày hôm sau, hồng y ngoại trưởng Parolin, trong một bài phát biểu ngắn gọn, đề cập đến “những diễn biến ở Ukraine”, “các hoạt động quân sự của Nga trên lãnh thổ Ukraine” và đề cập đến “các nguyện vọng chính đáng của mỗi người”.

Điều nổi bật trong hai tuyên bố này, tất nhiên trước hết là không nêu tên nước Nga là kẻ xâm lược và sau đó là không lên án hành động xâm lược này; nhưng nhất là, không như Đức Piô XII, Đức Phanxicô thậm chí không nêu lên các nạn nhân của cuộc xâm lược này, ở đây là  người Ukraine, những người mà ngài gom lại trong “các bên liên quan”.

Do đó, cả hai vị giáo hoàng đều phải đối diện với tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đức Piô XII có nên lên tiếng chống lại chủ nghĩa quốc xã trước nguy cơ gây thêm nguy hiểm cho người do thái bị đàn áp không? Còn với Đức Phanxicô, câu hỏi đặt ra là liệu ngài có nên giữ ý kiến của mình cho riêng mình hay ngược lại, công khai lên án hành động xâm lược của Nga có nguy cơ góp phần vào việc biện minh cho những lý do mà Tổng thống Putin viện dẫn. Nói hay không nói, to be or not to be.

Dominique de la Barre, người Bỉ nhập tịch Thụy Sĩ, ông yêu thích lịch sử và di sản văn hóa châu Âu, gắn bó với những vấn đề liên quan đến truyền tải.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Giải thích sự kín đáo của Vatican về cuộc chiến của Putin