Giải thích sự kín đáo của Vatican về cuộc chiến của Putin
angelusnews.com, John L. Allen Jr., 2022-02-28
Đức Phanxicô tiếp tổng thống Putin tại Vatican ngày 4 tháng 7 năm 2019. (Ảnh CNS / Paul Haring)
Bất chấp những nỗ lực tốt nhất của các quốc gia trên thế giới nhằm cô lập và trừng phạt Nga vì cuộc xâm lược Ukraine của họ, kể từ khi những dòng này được viết, cuộc chiến vẫn tiếp diễn, với việc xe tăng Nga bao vây thủ đô Kiev dù có sự kháng cự bất ngờ của quân đội và người dân Ukraine .
Động cơ thúc đẩy cuộc chiến của Putin phản ánh sự pha trộn độc hại giữa tham vọng địa chính trị trắng trợn và quan niệm về chủ nghĩa dân tộc của Nga, nhưng sẽ sai lầm nghiêm trọng khi phân tích nếu bỏ qua yếu tố tôn giáo của cuộc xung đột.
Putin tự xem mình là người bảo vệ vĩ đại của đức tin chính thống giáo trên toàn cầu, và cuộc xung đột ở Ukraine, ở một mức độ nào đó, là cuộc cạnh tranh xem loại chính thống nào sẽ chiếm ưu thế – tầm nhìn đại kết, mang tính đối thoại của Thượng phụ Bartholomew I của Constantinople, theo truyền thống là “người đầu tiên trong số những người của họ” trong thế giới chính thống – hay chính thống giáo chống phương Tây được Kremlin hậu thuẫn?
Nếu tôn giáo là một phần của vấn đề, thì điều hy vọng tự nhiên là tôn giáo cũng có thể là một phần của giải pháp. Điều này giải thích vì sao ngay từ đầu cuộc xung đột, mọi người đều tập trung vào những gì Đức Phanxicô và nhóm của ngài ở Vatican đang nói gì và làm gì – hoặc, trong một số trường hợp, những gì họ không nói và không làm.
Chắc chắn, Đức Phanxicô cho biết ngài rất quan tâm đến cuộc chiến. Bên cạnh những lời kêu gọi thường xuyên của ngài cho hòa bình, ngày thứ sáu 25 tháng 2, ngài đã có hành vi làm mọi người ngạc nhiên khi ngài rời Vatican, đi một đoạn ngắn xuống đường Via della Conciliazione để đến Đại sứ quán Nga tại Tòa thánh. Đó không phải là việc làm thường xuyên của các giáo hoàng, khi giáo hoàng muốn nói chuyện với một đại sứ, ngài mời đại sứ đến Vatican, ngài không đi gặp họ.
Mặc dù Vatican không tiết lộ chi tiết nào về chuyến thăm, chỉ mô tả đó là biểu hiện “mối quan tâm đến chiến tranh” của giáo hoàng, nhưng có thể nói đây không phải là cuộc nói chuyện xã giao. Các giáo hoàng không ra khỏi Vatican trong thời điểm khủng hoảng chỉ để nói lời chào.
Ngài cũng dành ngày thứ tư Lễ Tro 2 tháng 3 là ngày ăn chay cầu nguyện cho hòa bình của Ukraine. Ngài liên lạc thường xuyên với tổng giám mục trưởng Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo hội công giáo hy-lạp ở Ukraina, ngài nói với tổng giám mục, ngài sẽ làm hết sức có thể để ngăn chặn chiến tranh.
Giáo dân dự một buổi cầu nguyện ở nhà thờ chính tòa công giáo Ukraine ở London ngày 24 tháng 2 năm 2022. (Ảnh CNS / Henry Nicholls, Reuters)
Mặt khác, từ 4 ngày qua kể từ khi lực lượng Nga tràn vào biên giới Ukraine, bất chấp trước đó tổng thống Putin tuyên bố sẽ không có chiến tranh. Dù vậy cho đến nay, Đức Phanxicô đã không nêu tên Nước Nga là nước xâm lược trong bất cứ lời tuyên bố công khai nào của ngài và cũng không lên án đích danh ông Putin như nhiều nhà lãnh đạo toàn cầu khác làm.
Quyết định kín đáo này làm cho nhiều nhà quan sát lo lắng, lẽ tự nhiên là họ cảm thông với người Ukraine.
Nhà vatican học kỳ cựu, ký giả Robert Mickens viết trên báo La Croix, ông đặt vài câu hỏi sắc bén về lý do vì sao giáo hoàng dường như kiềm chế ngọn lửa của ngài: “Giáo hoàng và các phụ tá Vatican của ngài có thực sự tin rằng sự xoa dịu những người đầu sỏ chính trị và những người đứng đầu Nga là chiến lược tốt nhất trong việc thúc đẩy sự hiệp nhất kitô giáo không? Và trên bàn thờ nào họ sẵn sàng hy sinh người dân Ukraina để làm được điều này?
Việc Nga xâm lược Ukraina và cách Putin chơi khăm Đức Phanxicô
Làm thế nào để chúng ta giải thích sự thận trọng rõ ràng này?
Có điều, tránh nêu tên những kẻ gây hấn, và dự vào các cuộc tranh chấp công khai với họ, ít nhiều là quy trình hoạt động tiêu chuẩn của Vatican.
Năm 2003, Vatican dưới thời Đức Gioan-Phaolô II đã hết sức tránh chỉ đích danh Tổng thống Mỹ George Bush hoặc công khai lên án hành động của ông, chỉ để lại một khoảng trống đủ để các quan chức Mỹ có thể khẳng định Vatican không bao giờ “lên án” cuộc xâm lược Iraq của tổng thống Bush, dù thực tế rõ ràng dưới mắt mọi người là Rôma phản đối việc này.
Và dĩ nhiên, ví dụ nổi tiếng nhất là việc Đức Piô XII không bao giờ trực tiếp lên án (hoặc ra vạ tuyệt thông) Adolph Hitler, dù sự thật Vatican rất căm ghét chủ nghĩa xã hội quốc gia.
Lập luận cho quyết định này gồm hai phần. Thứ nhất, những tuyên bố hấp tấp từ giáo hoàng hoặc từ Vatican có thể làm cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với những người ở tại chỗ mà họ đang cố gắng bảo vệ, sẽ gây ra sự trả đũa của kẻ xâm lược. Thứ hai, nếu giáo hoàng hoặc Vatican muốn tham gia vào việc giải quyết xung đột ở hậu trường, thì đôi khi phải cắn răng không nói gì công khai, đó là cái giả phải trả cho công việc.
Khi nói đến Nga, Đức Phanxicô có một động cơ đặc biệt để kiềm chế.
Chính sách của mọi giáo hoàng kể từ thời Đức Gioan XXIII là theo con đường hòa hoãn với chính thống giáo, một nỗ lực được đẩy nhanh dưới thời Đức Gioan Phaolô II và tầm nhìn của ngài về một kitô giáo “thở bằng hai lá phổi”, cả Đông và Tây. Do đó, các giáo hoàng và các quan chức Vatican đặc biệt ngần ngại làm bất kỳ điều gì có thể dấy lên những nghi ngờ của Nga, rằng Rôma thù địch lâu năm với Mátxcơva.
Hiện tại, vẫn có khả năng Đức Phanxicô có thể đóng một vai trò nào đó trong việc xoa dịu chiến tranh. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cho biết ông hoan nghênh nỗ lực hòa giải của giáo hoàng, ngay cả ông cho rằng Vatican sẽ là nơi lý tưởng để ký một thỏa hiệp hòa bình.
Mặc dù cho đến nay Nga vẫn chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu quan tâm nào, nhưng nếu các lệnh trừng phạt tiếp tục leo thang trong khi cuộc tấn công sa lầy, Putin buộc phải tìm một chiến lược để cứu thể diện, thì việc nhận lời mời của giáo hoàng có thể là một tín hiệu tốt.
Nếu được như vậy, có lẽ việc kín đáo mang tầm mức lịch sử này của Vatican đã mang lại kết quả. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi, người ta có thể tha thứ cho sự thiếu kiên nhẫn ngày càng tăng của nhiều người Ukraine, những người tin rằng thời gian quyết định đã kết thúc khi xe tăng Nga đã lăn bánh qua biên giới của họ và bom của Nga đã rơi xuống các thành phố của họ.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Ukraina: Putin “chơi cờ vua, đi bốn nước trước”