Những người theo chủ nghĩa truyền thống: Vì sao Đức Phanxicô lại giảm nhẹ quan điểm của ngài

195

Những người theo chủ nghĩa truyền thống: Vì sao Đức Phanxicô lại giảm nhẹ quan điểm của ngài

lefigaro.fr, Jean-Marie Guénois, 2022-02-20

Rôma có nhượng bộ trước áp lực của những người theo chủ nghĩa truyền thống không? Tin tức mang lại ấn tượng này, dù thế giới Vatican luôn phức tạp hơn chúng ta nghĩ.

Đó là gì? Ngày 16 tháng 7 năm 2021, Đức Phanxicô công bố một tự sắc có tên Cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng, Traditionis custodes, một loại sắc lệnh nhằm đóng khung nghiêm ngặt việc cử hành thánh lễ bằng tiếng la-tinh – theo sách lễ năm 1962 có hiệu lực trước cuộc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II –, ngày 11 tháng 2 năm 2022 ngài ký một sắc lệnh để xác nhận Huynh đoàn Thánh Phêrô trong sự trọn vẹn “đặc sủng” truyền thống phụng vụ trong sự hợp nhất với giáo hoàng và Giáo hội công giáo. Huynh đoàn Thánh Phêrô được thành lập ngày 18 tháng 7 năm 1988, khi họ từ chối theo Tổng giám mục Marcel Lefebvre (1905-1991), người đã cắt đứt với Rôma ngày 30 tháng 6 năm 1988 khi phong các giám mục ở Ecône (Thụy Sĩ) bất chấp sự cấm đoán chính thức của Tòa thánh.

Ngắn gọn, tháng 2 năm 2021, giáo hoàng đã làm dịu điều mà ngài đã cứng rắn tám tháng trước đó. Đặc biệt là kể từ ngày 18 tháng 12 năm 2021, khi Vatican công bố một văn thư hành chính giới hạn các thánh lễ cử hành theo nghi thức la-tinh trong các giáo phận, thậm chí còn hạn chế hơn so với tự sắc tháng 7.

Sự đổi ngược lại hay sắp xếp cho phù hợp của giáo hoàng? Làm thế nào lại đi đến mức này? Bằng thư của Huynh đoàn Thánh Phêrô – gồm 340 linh mục và 185 chủng sinh – gởi giáo hoàng ngày 28 tháng 12 năm 2021, họ xin làm rõ việc áp dụng tự sắc về hai điểm quan trọng đối với họ: khả năng tiếp tục phong chức linh mục cho nhiều chủng sinh; nghĩa vụ mà một số giám mục áp đặt cho các linh mục của huynh đoàn là phải đồng tế các thánh lễ theo nghi thức hiện tại, như một điều kiện để tiếp tục cử hành thánh lễ theo nghi thức cũ.

Khi nhận được thư, Đức Phanxicô đã trả lời bằng thư viết tay, sau đó ngài điện thoại trực tiếp cho cha Benoit Paul-Joseph, bề trên địa hạt Pháp của Huynh đoàn Thánh Phêrô đề nghị một cuộc gặp với ngài ngày 4 tháng 2 tại Rôma. Sau cuộc họp này, ngài đã soạn sắc lệnh ngày 11 tháng 2 và vừa được công bố rộng rãi.

Bằng văn bản pháp lý không thể chối cãi này, ngài “nhượng” cho tất cả thành viên của Huynh đoàn Thánh Phêrô “khả năng cử hành” thánh lễ và tất cả các bí tích, các nghi thức thiêng liêng khác – bao gồm cả việc truyền chức linh mục – “theo các sách phụng vụ có hiệu lực năm 1962” trong “các nhà thờ và nhà nguyện của riêng họ” hoặc với sự đồng ý “của giám mục địa phương cho những nơi khác.” Giáo hoàng nói thêm, ngài đề nghị, “trong chừng mực có thể, các điều khoản của tự sắc Cử hành thánh lễ theo phụng vụ tiền Công đồng cũng phải được tính đến”. Cụ thể là các linh mục này thỉnh thoảng có thể đồng tế, theo nghi thức mới, với các linh mục khác của giáo phận, nhưng không theo chức vị phải được công nhận. Điều dường như là một bước lùi của Đức Phanxicô, đúng hơn đây là một phản hồi gởi đến Huynh đoàn Thánh Phêrô, nhưng cũng gởi đến cho các dịch vụ của ngài tại Vatican và các giám mục theo chủ nghĩa bảo hoàng hơn vua về tự sắc tháng 7.

Hai yếu tố: tự sắc hoàn toàn không đặt vấn đề về tình trạng riêng của Huynh đoàn Thánh Phêrô hoặc các hội dòng cùng thể loại này, nhưng chỉ định (điều 6 và 7) những người đối thoại mới của họ ở Vatican. Sắc lệnh mới của giáo hoàng xác nhận rằng các viện này không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp hạn chế của tự sắc và phải được tôn trọng trong các giáo luật riêng của họ. Nhận xét thứ hai: khi làm như vậy, giáo hoàng gởi một thông điệp tới các giám mục khắt khe nhất và Bộ Phụng tự, cơ quan chịu trách nhiệm về hồ sơ này ở Rôma, để áp dụng tự sắc này cách khôn ngoan và không bạo lực.

Nhưng nếu ngài có ý định tôn trọng những người sống theo “đặc sủng” truyền thống này, như ngài vừa chứng minh, thì mục tiêu của ngài là ngăn một Giáo hội giáo phận “song song” theo chủ nghĩa truyền thống, ở bên cạnh một Giáo hội công đồng theo nghĩa của Vatican II. Về điểm này, đừng nhầm lẫn, Đức Phanxicô công khai chống lại “những người truyền thống” và rõ ràng ngài yêu cầu các giám mục theo dõi.

Một phản hồi gởi đến Huynh đoàn Thánh Phêrô, nhưng cũng gởi đến cho các dịch vụ của ngài tại Vatican và các giám mục theo chủ nghĩa bảo hoàng hơn vua.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Cách Đức Phanxicô nhìn những người “truyền thống” như thế nào