Đức Phanxicô và các nữ tu: Khi việc phục vụ trở thành nô dịch 

209

Đức Phanxicô và các nữ tu: Khi việc phục vụ trở thành nô dịch

Thời sự Vatican dưới con mắt của phóng viên báo La Vie ở Rôma. Giáo hoàng kêu gọi các nữ tu “đấu tranh” khi “bị đối xử bất công”. Nhưng liệu như thế có đủ không?

lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, 2022-02-02

Đức Phanxicô là chuyên gia có những câu ngắn nhưng tạo tiếng vang lớn. Video tháng 2 trên Mạng lưới Cầu nguyện Toàn cầu của ngài dành để vinh danh các nữ tu và các giáo dân thánh hiến.

Ngài nói: “Tôi xin họ chiến đấu những khi họ bị đối xử bất công, kể cả trong Giáo hội, khi sự phục vụ của họ dù rất cao quý đã bị giảm xuống thành nô dịch. Đôi khi ngay cả từ những người trong Giáo hội. Xin chị em đừng nản lòng.”

Đây không phải là lần đầu tiên ngài khuyến khích các nữ tu đừng biến công việc phục vụ của mình thành nô dịch. Năm 2019 ngài đã nói trước 800 bề trên tổng quyền ngài tiếp ở Rôma: “Xin quý chị em, phục vụ thì được, nhưng không phục dịch!”

Thiếu sự thừa nhận ơn gọi của họ

Khi nói điều này, ngài nhắm đến một thực tế mà phụ trang hàng tháng của nhật báo Vatican L’Osservatore Romano, Phụ nữ Giáo hội Thế giới (Donne Chiesa Mondo) điều tra năm 2018 (do tác giả của bài này viết), về gần như các việc làm của các nữ tu là không công.

Một số các nữ tu làm việc như phụ một tay cho các giám mục hoặc các cơ quan giáo hội (một thực tế đôi khi chúng ta thấy ở Rôma, nhưng không chỉ giới hạn ở Vatican mà còn thấy ở nhiều nước trên thế giới), thường là với đồng tình của các bề trên, họ đồng ý làm chứng nhưng xin ẩn danh về những gì họ đã trải qua như một hình thức chiếm đoạt và thiếu thừa nhận ơn gọi của họ. Thường rất đau đớn.

Kể từ đó, lời tiếp tục được giải phóng, có nhiều vụ bê bối lạm dụng thiêng liêng và tình dục đối với các nữ tu đã bùng ra trong làn sóng giải phóng lời.

Các bổ nhiệm biểu tượng

Tình trạng của phụ nữ nói chung và các nữ tu nói riêng có tiến triển ở Vatican dưới thời Đức Phanxicô không? Câu trả lời không hẳn là hiển nhiên. Chẳng hạn, nhiều nhà phân tích ghi nhận giáo hoàng đã bổ nhiệm một số phụ nữ vào các vị trí trách nhiệm trong Giáo triều như: Sơ Alexandra Smerilli, kinh tế gia dòng Salê người Ý là phó thư ký, sau đó là thư ký lâm thời của Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện; Sơ Raffaella Petrini, người Ý dòng Phan sinh Thánh Thể, tổng thư ký phủ Thống đốc thành Vatican, cơ quan điều hành quốc gia; Sơ Nathalie Becquart, hội dòng Xaviê người Pháp, phó tổng thư ký Thượng hội đồng Giám mục; và Sơ Núria Calduch, nhà truyền giáo Tây Ban Nha, thư ký của Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng năm 2021; luật sư Francesca Di Giovanni, giáo dân người Ý, thư ký dưới quyền của Bộ phận Quan hệ với các Quốc gia năm 2020 – cùng năm đó, Đức Phanxicô chọn sáu phụ nữ, trong đó có cựu bộ trưởng Anh Ruth Kelly, phục vụ trong Hội đồng kinh tế, cơ quan trách nhiệm quản lý tài chính của Vatican; bà  Gabriella Gambino và Linda Ghisoni, giáo dân người Ý, phó thư ký bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống năm 2017.

Những phụ nữ này có một số điểm chung: đa số là nữ tu, chủ yếu là người Ý hoặc Tây Ban Nha, họ có sơ yếu lý lịch làm các cơ quan Tuyển nhân viên phải sợ. Vì thế các bổ nhiệm này là biểu tượng để làm nổi bật thế giới của các nữ tu thường bị bỏ quên trong bóng tối.

Để bày tỏ lòng biết ơn đặc biệt các phụ nữ này, như video cho thấy qua những khuôn mặt đàng sau lời nói của Đức Phanxicô, họ đã kín đáo hỗ trợ thế giới ở mọi cấp độ: thần học, giáo lý viên, hướng dẫn tâm linh, giáo viên, nhà giáo, bác sĩ, y tá trong các phòng khám nhỏ, trên thục địa, như Đức Phanxicô nói, họ làm việc “để bênh vực người nghèo, người sống bên lề, tất cả những người bị nạn buôn người biến thành nô lệ”.

Đấu tranh chống lạm dụng với sự hỗ trợ của thể chế

Những phụ nữ, mà hàng năm bổ sung vào danh sách những người tử đạo, những người đôi khi là những người cuối cùng ở lại đất nước đang chiến tranh để không bỏ rơi người nghèo khổ, trẻ mồ côi, người bệnh mà họ đang chăm sóc. Các phụ nữ trí thức, nhà thám hiểm và chiến binh kháng chiến, những người mà cựu đại sứ Pháp tại Tòa thánh, bà Élisabeth Beton-Delègue, đã trao tặng danh hiệu cao quý của nước Pháp.

Bài đọc thêm: Tâm sự của bà cựu Đại sứ Pháp tại Tòa thánh: “Tôi nợ các nữ tu những cuộc gặp gỡ tuyệt vời”

Vì thế, nếu chúng ta vui vì các bổ nhiệm này, thì vẫn còn nhiều việc phải làm dù đã có một sự thay đổi văn hóa thực sự. Việc Đức Phanxicô đưa các nữ tu lên sơ đồ tổ chức Giáo hội là bước đầu tiên – và việc bổ nhiệm ông Paolo Ruffini năm 2018, giáo dân đầu tiên đứng đầu Bộ Truyền thông đã mở ra một triển vọng lớn cho sự tiến bộ đối với những người không phải là giáo sĩ.

Và bước thứ hai, Đức Phanxicô mời những người, trong số các nữ tu, những người thấy ơn gọi phục vụ của mình chuyển qua thành nô dịch phải “chiến đấu”, vì nó giúp làm sáng tỏ những gì đến nay vẫn vẫn còn là điều cấm kỵ. Nhưng chúng ta đừng quên, trên thực tế, “chiến đấu” còn lâu mới dễ dàng, nếu không thể chế tăng cường hỗ trợ. Bởi vì những nhân vật chính sợ bị phán xét và trả thù. Trong cuộc khảo sát năm 2018 của chúng tôi, tất cả đều xin ẩn danh.

 “Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nữ tu và giáo dân thánh hiến, cám ơn họ vì sứ mệnh của họ”

Điều này càng đúng hơn ở những quốc gia mà quyền của phụ nữ ít được nâng cao. Ở Ấn Độ, năm 2018, các nữ tu đã nâng đỡ một trong các nữ tu của họ tố cáo một giám mục cưỡng hiếp – giám mục sau đó được trắng án – họ phải được cảnh sát bảo vệ vì bị đe dọa.

Năm 2020, nhà báo Constance Vilanova điều tra chủ đề phụ nữ bị lạm dụng tinh thần và tình dục để viết quyển sách Những bức tường bị lạm dụng, một im lặng lớn lao (Religieuses abusées, le grand silence, nxb. Artège) đã ngạc nhiên về việc Bộ Đời sống Thánh hiến thiếu phương tiện khi đối diện với quy mô lớn lao của các vụ lạm dụng. Vì thế, công việc còn rất nhiều và còn lâu mới hoàn thành.

“Giáo hội sẽ ra sao nếu không có các nữ tu và các giáo dân thánh hiến? Không có họ, chúng ta không thể hiểu Giáo hội. Tôi khuyến khích tất cả phụ nữ thánh hiến hãy phân định và chọn sứ mệnh tốt nhất cho mình có thể, nhất là với thế giới chúng ta đang sống. Tôi mong họ tiếp tục làm việc để bảo vệ người nghèo, người sống bên lề, những người bị bắt làm nô lệ vì nạn buôn người. Tôi xin họ đặc biệt chiến đấu theo hướng này.

Chúng ta cùng cầu nguyện để họ thể hiện vẻ đẹp tình yêu và lòng trắc ẩn của Chúa trong các cương vị họ nắm giữ, là giáo lý viên, nhà thần học hay người hướng dẫn tâm linh. Tôi xin họ chiến đấu mỗi khi họ bị đối xử bất công, kể cả trong Giáo hội khi sự phục vụ của họ dù rất cao quý, bị giảm xuống thành nô lệ. Đôi khi do những người trong Giáo hội làm. Để họ không nản lòng. Xin cho họ biết lòng nhân từ của Chúa qua các công việc tông đồ của họ. Nhưng trên hết qua chứng từ về sự thánh hiến của họ. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nữ tu và giáo dân thánh hiến, cám ơn họ về sứ mệnh và lòng can đảm của họ, để họ tiếp tục tìm ra những câu trả lời mới cho những thách thức của thời đại chúng ta. Xin cám ơn anh chị em vì con người của anh chị em, vì những gì anh chị em làm và cách anh chị em làm.”

Marta An Nguyễn dịch

Bài đọc thêm: Đức Phanxicô: “Làm tổn thương phụ nữ là xúc phạm đến Chúa”