Tổng giám mục Aupetit: Tính trung thực trong việc đi tìm thông tin
Tổng giám mục Michel Aupetit Zakaria ABDELKAFI / AFP
fr.aleteia.org, Linh mục Pierre Vivarès, 2021-11-28
Mỗi tuần, cha Pierre Vivarès, linh mục giáo xứ Thánh Phaolô ở Marais, Paris bình luận tin tức thời sự với cái nhìn của người mục tử. Cha thường được các nhà báo hỏi để có thông tin, cha có những lời khuyên về sự trung thực và thận trọng: “Tôi có định nói điều gì đó về ai mà tôi không thể nói trước mặt họ không?”
Linh mục giáo xứ Thánh Phaolô ở Marais
Cách đây hai tuần, tôi nhận “tin nhắn” của một nữ ký giả, cô muốn viết một bài về tổng giám mục Michel Aupetit, giáo phận Paris. Cô nói tôi cứ tự do nói, “dĩ nhiên là off”, hứa sẽ không nêu tên tôi, vì cô viết, “quyền tự do ngôn luận dường như rất hạn chế” nên việc “tắt” là điều cần thiết. Cô thực sự cho tôi toàn quyền để nói. Tôi đã không trả lời và, trước sự khăng khăng của cô sáng hôm sau, tôi viết thư cho cô, tôi thực sự không thích, vì những lời chứng ẩn danh cũng như các bức thư ẩn danh: người ta vứt các bức thư này, chẳng buồn để ý đến.
Sau đó một bài báo được đăng trên Le Point, hoàn toàn chỉnh sửa, có những sai lầm và những quan điểm rõ ràng. Rõ ràng cô đã không thiếu những người đưa tin ẩn danh, chắc chắn là các linh mục đã kể lại các sự kiện và đưa ra kết luận vội vàng. Một nhà báo khác, lần này là báo Le Parisien, ông gọi cho tôi sau khi bài báo trên được đăng để tôi xác nhận hoặc phủ nhận các sự kiện được trích dẫn và tiết lộ ai – theo ý tôi – đã tiết lộ công chuyện. Tôi nói rất lâu với ông trên điện thoại, chúng tôi nói về phương pháp và mục đích của loại bài gây xì-căng-đan nhưng không đi sâu vào những sự việc mà qua đó ông muốn biết ý kiến của tôi, mà theo ông là sáng suốt.
Một nghĩa vụ trung thực
Công việc của báo chí là quá quan trọng trong một xã hội thông tin bị coi nhẹ. Cần có nghĩa vụ trung thực, nghiêm túc làm việc tận gốc, chất lượng bài viết, xác minh nguồn tin, cân bằng tư tưởng và đặt lại bối cảnh nếu cần, để bài viết thực sự có chất lượng. Đối với những người được các nhà báo tìm đến hỏi tin, điều cần thiết là phải có cùng một nghĩa vụ trung thực, và điều này là điều phải được mong chờ ở các tín hữu kitô, các linh mục và đặc biệt các linh mục giáo phận khi nói về giám mục của họ. Tôi sẽ nói điều gì đó về ai mà tôi không thể nói trước mặt họ không? Nếu tôi không nói được trước mặt họ, có phải vì tôi sợ, vì sợ ảnh hưởng đến nghề nghiệp, vì ghen tị hay vì không có một cơ sở đối thoại nào đã từng có? Khi nữ nhà báo viết cho tôi, “quyền tự do ngôn luận dường như rất hạn chế”, cô muốn nói về điều này?
Bài đọc thêm: Giám mục Aupetit đệ đơn từ chức, giáo phận Paris choáng váng
Trong hai mươi lăm năm làm việc với ba tổng giám mục, tôi chưa bao giờ gặp vấn đề khi nói với họ những gì tôi phải nói, và chúng tôi không nhất thiết phải đồng ý. Tôi không bao giờ xin hẹn gặp mà không được gặp và lắng nghe. Sau đó, mỗi người làm công việc của mình với khả năng tốt nhất, và để những người khác làm nhiệm vụ họ đã được giao phó. Các diễn đàn đối thoại vẫn có đó, những người mà quyền phán xét sẽ đảm nhận trách nhiệm của họ và không thể tránh khỏi trong mô hình thu nhỏ của các ông già sống độc thân và có học, những lời nói văn hoa, vặn vẹo, độc hại: bản chất con người luôn có đó. Tuy nhiên, nếu tất cả những ai có điều gì đó muốn nói, họ nói với người có thẩm quyền, một cách có ý thức, và để lớn lên, thì đây có phải là cơ hội để đi tới một cách rõ ràng, thanh thản và hiệu quả hơn, và rồi có thể mang thêm một chút tinh thần phúc âm không?
Hãy trung thực với chính mình trong nghiêm túc
Tôi đã đề nghị với nhà báo của tờ Le Parisien, anh có thể viết một bài báo về sự quản lý của Giáo hội Paris từ năm 1981 – hoặc thậm chí là năm 1968 – cho đến ngày nay, để ghi nhận những tiến triển đã được làm, những liên tục và những cắt đứt, sự thích nghi với thế giới đã thực sự thay đổi từ năm mươi năm nay. Nếu tôi cảm thấy công việc sẽ nghiêm túc, tôi sẽ không bận tâm đến việc đứng ra làm chứng. Nếu anh muốn tạo ngạc nhiên, anh cho một vài cú dao, nhấn mạnh đến những hiểu lầm hoặc ngạc nhiên về các cá tính khác biệt của những nhân vật tại vị, anh sẽ không thiếu chất liệu, vì không một thể chế xã hội nào là hoàn hảo, cách quản trị của nó lại càng ít hoàn hảo hơn. Nhưng đó sẽ là một công việc thông minh, một nguồn thông tin thực và anh có thể chất vấn, không phải ở chế độ “tắt” nhưng có thể đưa tên các nhân vật của giáo phận mà không phải hứa giấu tên, một nguồn của những bạo lực.
Việc buộc tội nhà báo luôn dễ dàng: họ chỉ kể lại những gì chúng ta nói với họ, và nếu chúng ta muốn công việc này có chất lượng, chúng ta phải nghiêm túc với chính mình trong lời nói. Nếu tôi có các trao đổi với các nhà báo, đó không phải là để bênh vực giám mục Aupetit, người không cần tôi bênh vực chút nào: ngài sẽ hành động khi ngài thấy phù hợp và một mình Đức Thánh Cha là người duy nhất có các quyết định cho tòa giám mục Paris. Quyền tự do phát biểu của tôi chỉ bị giới hạn bởi lương tâm của tôi. Nhưng trước khi đi sâu vào những tiết lộ và những quy nạp dễ dàng, chúng ta đừng bao giờ quên để lên rây sự phân định của mình, những gì chúng ta được trao cho, vì sao chúng ta được trao cho và ai cho. Và khi được kêu gọi để làm chứng, chúng ta hãy tự hỏi vì sao chúng ta chấp nhận làm chứng, nói, tiết lộ hay im lặng.
Marta An Nguyễn dịch