Trên toàn cầu, bách hại tôn giáo là bách hại Kitô giáo

739

Crux  | John L. Allen Jr. | 13-12-2015

 Đan viện Abraam bị người Hồi giáo đốt phá và cướp bóc

Dân làng Kitô hữu ở Ai Cập, đang dọn dẹp nhà nguyện cổ trong đan viện Abraam bị người Hồi giáo đốt phá và cướp bóc, ở Dalga, tỉnh Minya, Ai Cập năm 2013. Đây chỉ là một phần trong hàng loạt vụ tấn công ở tỉnh Minya miền Nam này nhắm vào nhà cửa, việc làm ăn và cả tính mạng các Kitô hữu. (AP Photo/El Shorouk Newspaper, Roger Anis)

Bài đầu tiên trong loạt bài về nạn bách hại Kitô hữu trên khắp thế giới.

CAIRO – Nếu có giải Nobel cho chịu đựng khốn cảnh, thì Nabil Soliman hẳn sẽ là một ứng viên cạnh tranh lớn.

Hai năm trước, Kitô hữu người Ai Cập 54 tuổi này, là một bảo vệ ở ngôi làng Nazlet El Badraman vùng Thượng Ai Cập, nơi gia đình anh đã sống qua nhiều thế hệ. Dù không giàu, nhưng anh và Sabah vợ mình, cùng 6 người con và 5 đứa cháu, đủ sung túc và đầy tự hào vì Nabil là Kitô hữu duy nhất trong làng được giao phó nhiệm vụ đầy tin tưởng này.

Rồi bầu trời sụp đổ.

Tháng 11 năm 2013, những người Hồi giáo cực đoan trong làng đã dấy lên bạo động, trút cơn giận của họ đối với việc lãnh đạo Mohammed Morsi của đảng Anh em Hồi giáo bị bãi chức tổng thống. Các Kitô hữu, vốn chỉ chiếm chưa đầy 10% dân số Ai Cập, là những mục tiêu dễ dàng nhất cho cơn giận này.

Nhà của Soliman là ngôi nhà đầu tiên bị đốt. Thay vì ngăn chặn những kẻ cướp này, cảnh sát lại bắt Soliman, lôi ông ra khỏi đồn và mời những kẻ đó đến đánh ông.

Ông và gia đình bị buộc phải bỏ làng hoặc bị giết. Soliman mất công việc, mất trợ cấp, và mất nhà. Gia đình ông đang sống trong một căn hộ ngột ngạt ở Cairo, nhờ vào thu nhập ít ỏi của hai người con trai bán áo quần cũ trên đường phố. Ông không thể trả nổi tiền nhà, chưa nói đến chuyện mua thuốc men cần thiết để trị bệnh viêm gan C, một căn bệnh chết người phổ biến ở Ai Cập.

Hoàn toàn có thể hiểu được, khi Soliman đầy những câu hỏi về số phận và tương lai của mình. Nhưng trong đó không có câu hỏi ‘tại sao.’

Ông cho biết, ‘Tất cả những chuyện này là bởi chúng tôi là Kitô hữu. Không có lý do nào khác.’

Những câu chuyện như thế này, và thậm chí còn tệ hơn, đáng buồn thay rất dễ thấy khắp Ai Cập, khắp Trung Đông, và bất cứ nơi nào trên thế giới. Bách hại tôn giáo đang ngày càng là bách hại Kitô giáo, trên khắp toàn cầu. Tháng 7, 2014, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nói rằng, ‘Ngày nay Giáo hội còn có nhiều tử đạo hơn những thế kỷ đầu tiên,’ và các chứng cứ hiển nhiên đang chứng minh là ngài đúng.

Năm 2013, Kitô hữu bị quấy rối bởi tay chính phủ hay các nhóm xã, ở 102 trong số 198 nước theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ nhóm tôn giáo nào. Một nghiên cứu mới đây cho thấy sự nhảy vọt lên đến 309% con số các vụ tấn công ở châu Phi, châu Á, và Trung Đông.

Những sự tàn ác như Soliman đã chịu là còn là nhẹ, bởi con số người chết trong các vụ bách hại ước tính lên đến hàng ngàn người mỗi năm. Một học giả Tin Lành, Todd Johnson thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kitô giáo Toàn cầu thuộc Chủng viện Thần học Gordon-Conwell, tin rằng con số còn vượt xa thế, theo ông ít nhất là 100.000 người thiệt mạng mỗi năm, trong suốt thập kỷ qua.

Và động cơ dẫn đến bách hại thì rất nhiều. Ở Trung Đông và nhiều phần của châu Phi, thì đó là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan; ở Ấn Độ thì là Ấn giáo chính thống cực đoan; ở Trung Quốc và Bắc Hàn thì là công an đàn áp để bảo vệ quyền độc tôn của đảng, và ở châu Mỹ La tinh, thường là do những kẻ muốn bảo vệ lợi ích tội lỗi của mình trước các Kitô hữu lên tiếng vì hòa bình và công lý. Tờ The Globe, trong một bài báo ra ngày 13-12, nói về đủ mọi mặt trận trong cuộc chiến bất chính này.

Ở Ai Cập, nơi từ lâu là nhà của một trong những cộng đồng Kitô giáo lớn nhất và lâu đời nhất vùng, thì gốc rễ nạn bách hại là sự bắt tay tội lỗi giữa Hồi giáo cực đoan và chính trị cấp tiến, nơi những kẻ cướp nắm quyền. Và như thế, nơi đâu cũng thấy các nạn nhân.

Nadi Mohani Makar, 59 tuổi, là thương gia giàu có ở thành phố Dalga, nhưng vào năm 2014, một đám đông xông vào nhà ông, bắn vợ ông vào chân, châm lửa đốt nhà, và lôi ông ra mà đánh. Ông bị cảnh sát giam 15 ngày, và rồi bảo với ông là ông không còn được chào đón ở thành phố này nữa.

Makar chưa bao giờ nhận được bồi thường cho việc kinh doanh trị giá 260.000$ mà ông đã mất, và không một ai bị kết tội vì đã bắn vợ ông.

Cũng từ Dalga, có Saqer Iskander Toos, 35 tuổi, cha của ông bị giết cũng vào khoảng thời gian này. Sau khi chờ 10 ngày để có giấy chứng tử hầu có thể chôn cất cha mình, Toss cuối cùng cũng có thể tổ chức tang lễ, để rồi cuối cùng phải đứng xem những kẻ cực đoan đã giết cha của mình xông đến phá tung nghĩa trang, đào xác cha của ông lên và lôi đi trên đường phố.

Khi Toss và em trai mình đưa video cảnh tượng man rợ này cho cảnh sát, thì những gì họ nhận được là phải đi trốn để giữ mạng sống. Bây giờ họ sống tay làm hàm nhai ở Cairo, và vẫn tìm kiếm công lý trong vô vọng, mở video kinh hoàng đó cho những ai muốn xem.

Những chuyện này phản ánh thực tế mà nhiều Kitô hữu ở Trung Đông ngày nay phải đối diện, khi họ là nhóm thiểu số khốn khổ và thường không được bảo vệ ở vùng này.

Mọi người thường tập trung chú ý đến Irắc và Syria, nơi chế độ caliph tự xưng của ISIS đang thực hiện ‘cuộc diệt chủng từ từ’ theo lời của phát ngôn viên một cộng đồng Công giáo ở đây hồi tháng 9, 2014.

Nhưng tình hình các Kitô hữu khắp vùng đều rất thảm thương, với những động cơ khác nhau.

Ở Iran, dù cho chính phủ Hassan Rouhani từ năm 2013 được xem là ôn hòa, nhưng các mục sư Kitô giáo vẫn phải đối mặt với án tử hình theo một điều luật hình sự mới kết tội họ ‘lan truyền thối nát trên địa cầu.’ Ở Israel, nơi tự nhận mình là nền dân chủ duy nhất trong vùng, thì các Kitô hữu người Ả Rập phải kêu cứu vì bị xem là công dân hạng hai và thường bị các lực lượng bảo an quấy nhiễu. Thậm chí ở Li Băng, nơi Kitô hữu chiếm 40% tổng dân số, thì tổng giám mục Georges Bou-Jaoude của Tripoli cho biết, các Kitô hữu trẻ tuổi ngày nay đang ‘phải sống trong lo lắng và sợ hãi.’

Nhiều nhà quan sát tin rằng làn sóng kỳ thị bài Kitô giáo hiện nay, có thể chỉ là mở đầu cho cuộc thanh trừng tiệm tiến ở vùng này.

George J. Marlin, tác giả quyển ‘Bách hại Kitô giáo ở Trung Đông’ xuất bản năm nay, cho biết, ‘Chúng ta có thể đang chứng kiến những dấu vết cuối cùng của Kitô giáo ngay trên chính mảnh đất đã sinh ra.’

Trong khi bạo lực bài Kitô giáo đã trở nên chuyện thường khắp toàn cầu, nhưng không một nơi nào mà mối đe dọa này lan tràn nghiêm trọng như ở mảnh đất mà chính Chúa Giêsu đã sống và rao giảng.

Tỷ lệ dân số tôn giáo

Một mối nguy độc nhất vô nhị

Tất nhiên, các Kitô hữu không phải là cộng đồng duy nhất phải đối mặt với đàn áp dã man.

Dù cho khó có được con số chính xác, nhưng phần đông đều tin rằng nạn nhân của Hồi giáo cực đoan cũng chính là những người Hồi giáo đồng đạo với họ. Trong vài trường hợp, họ là những thành viên của nhóm Hồi giáo thiểu số chẳng hạn như người Shiite, Alawite, hay Ahmadiyya. Có khi đó là những thành phần ôn hòa của phái đa số Sunni, khi họ cố gắng ngăn cản dòng tư tưởng chính thống cực đoan này.

Tháng 10, 2014, Liên hiệp quốc đã phát hành báo cáo chỉ ra rằng gần 10.000 thường dân chết do tay ISIS trong 8 tháng đầu năm, phần lớn là người Hồi giáo. Những người bị giết bao gồm 3 phụ nữ người Sunni ở Mosul bị hành hình vì không chấp thuận cung cấp thuốc men cho các tay súng ISIS, một nữ bác sỹ bị giết vì không chịu mang mạng che mặt khi chăm sóc bệnh nhân, và một số đàn ông người Sunni bị chặt đầu vì không chịu tuyên thệ trung thành với ISIS.

Các nhóm tôn giáo khác cũng đang trên lò lửa. Ở Irắc, các Kitô hữu thường sát cánh với người Yazidi, những người theo một đức tin cổ xưa gần giống với Bái hỏa giáo, và cũng đang chạy trốn ISIS. Ở các nước khác, người Do Thái, Bái hỏa giáo, đạo Bahai, đạo Druze, và các cộng đồng khác cũng phải chịu những khốn cảnh tương tự.

Và một sự thật nữa là, việc các nạn nhân là Kitô hữu, không nhất thiết nghĩa là động cơ bách lại, trước hết hay hoàn toàn, là do tôn giáo. Có đủ mọi động cơ về sắc tộc và chủ nghĩa dân tộc gây nên chuyện này.

Cho đến nay, Kitô hữu ở Trung Đông thường trong tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng, phần nào là bởi bị bị xem là đồng hóa với phương Tây.

Mina Thabet, một nhà nghiên cứu trong Ủy ban Quyền và Tự do của Ai Cập, một tổ chức nhân quyền phi chính phủ ở Cairo, cho biết đây không phải là chuyện mới.

‘Từ kỷ nguyên người Hồi giáo đi chinh phạt, các Kitô hữu ở Trung Đông đã bị xem là ngoại bang, cho dù gốc rễ của họ ở vùng này thực sự rất sâu và lâu đời.

Khi nào người Hồi giáo nổi điên với phương Tây, thì cơn điên đó khó mà nhắm thẳng đến Mỹ hay Âu châu. Nhưng dễ hơn nhiều khi họ đến đốt một nhà thờ Kitô giáo.’

Ai Cập là một bài toán thử

Ai Cập có lẽ là bài toán thử tốt nhất cho tiền đồ của Kitô giáo ở Trung Đông, một nước mà người ta nghĩ là các Kitô hữu sẽ có được mức độ ổn định và an ninh tối thiểu.

Ai Cập là quốc gia Trung Đông có đậm nét Kitô giáo nhất. Ở đây có hơn 8 triệu Kitô hữu, và họ là ‘người Ai Cập chính gốc’ thừa kế di sản và ngôn ngữ của đất nước này.

Ai Cập là một trong các quốc gia Trung Đông nhạy cảm nhất với quan điểm của phương Tây. Từ hòa ước 1979 với Israel, Ai Cập là nước nhận viện trợ lớn thứ hai từ Hoa Kỳ, và chính phủ Obama mới đây đã dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển thiết bị quân sự áp đặt từ khi quân đội chiếm chính quyền.

Chính thể mới của Ai Cập dưới quyền tổng thống Abdel-Fattah el-Sisi lên nắm quyền từ năm 2014, đã thề sẽ bảo vệ quyền của các nhóm thiểu số, và từ đó ông Sisi đã có một vài động thái quan trọng thể hiện tình đoàn kết với Kitô hữu, bao gồm lần bất ngờ tham dự thánh lễ Giáng Sinh ở nhà thờ chính tòa thánh Máccô của cộng đoàn Coptic ở Cairo hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, không việc nào của ông khiến cho Wadie Ramses, một bác sỹ 63 tuổi và là Kitô hữu Coptic, tin tưởng đủ.

Ông Ramses đã bị giam giữ trong hoang mạc suốt 92 ngày vào mùa hè năm 2014, bị bị mắt và còng tay suốt thời gian đó, và những lúc ông kinh hoàng nhất là khi nghe được những kẻ bắt cóc Hồi giáo cực đoan bàn bạc nhau xem nên chặt đầu ông hay để ông sống mà đòi tiền chuộc.

Ông Ramses nhớ lại lời một trong những kẻ bắt cóc, ‘Chúng ta không thể chặt đầu hắn. Có nhiều Kitô hữu. Chúng ta cần tiền, và các gia đình sẽ chỉ trả tiền chuộc nếu như biết chúng ta sẽ trả người thân của họ trở về.’

Một kẻ bắt cóc khác lại muốn hành hình ông Ramses để đưa ra tuyên bố ầm ĩ rằng các Kitô hữu không được chào đón. Nhưng cuối cùng, động cơ kiếm lợi đã thắng.

Ông bị giam giữ suốt 3 tháng cực hình. Ông bị gãy 2 xương sườn, và một cánh tay gãy, do bị đánh, và những kẻ đánh ông chửi mắng ông là ‘kẻ vô thần, con lợn.’

Ông cho biết, theo định kỳ, ông được đưa lên xe và lái đi suốt nhiều tiếng đến một địa điểm khác để gọi điện cho trai mình, người đang cố thương lượng để giải thoát cho ông.

Trong thời gian này những kẻ giam giữ ông đọc to những đoạn trong kinh Koran và đánh ông vì ông không chịu tin vào những giới lệnh Hồi giáo.

‘Họ bảo rằng, làm sao mà tôi, một người có học lại có thể tin Thiên Chúa có một người con được chứ. Rồi họ hỏi tôi có tin vào kinh Koran không, và khi tôi nói là không, bởi như thế thì tôi theo Hồi giáo rồi, thì họ đánh tôi bằng roi nhựa.’

Và tổng tiền chuộc lên đến gần 200.000$. Đây không phải là mất mát duy nhất, bởi những lời dọa giết khiến ông phải bỏ phòng khám và trường học. Bác sỹ Ramses cũng nói rằng cảnh sát địa phương đồng lõa trong chuyện này.

‘Tôi biết một vài người đánh tôi, nằm trong lực lượng an ninh. Nếu họ muốn giải cứu tôi, thì vô số cơ hội để làm.’

Những lời bảo đảm ninh chỉ là rỗng tuếch đối với nhiều Zabbaleen, ‘dân rác’ ở Cairo, một cộng đồng Kitô giáo bị xem là giai cấp thấp, với 50 đến 70 ngàn người, đi nhặt rác và tái chế lại để kiếm sống.

Những Zabbaleen phải đối mặt với đủ loại kỳ thị, một số là do đẳng cấp và vị trí kinh tế xã hội, nhưng phần nhiều là do tôn giáo của họ. Họ nói rằng, những bạo lực kỳ thị này không chỉ do tay những người cực đoan kích động, mà còn do tay cảnh sát và các lực lượng an ninh có quan điểm cực đoan.

Trong một vụ việc hồi cuối tháng 7, một phụ tá dược sỹ 33 tuổi tiên là Ayman Samwel, bị dựng dậy lúc 3h sáng khi cảnh sát xông vào nhà ông.

Khi vợ của Samwel la lên phản đối, thì cảnh sát đánh bà để bắt bà im. Họ bắt đầu lôi ông ra đường, đến một đồn trong vùng, và suốt dọc đường đánh ông bằng nắm đấm và gậy, đồng thời không ngớt chửi rủa đạo Kitô của ông.

Samwel cho các phóng viên của tờ Globe xem những vết thương của mình, cả nơi ngón tay, cánh tay, lưng và bàn chân. Ông cho biết ông bị bắt đứng trần truồng và bị bịt mắt trong đồn hơn 4 tiếng, để các cảnh sát tiếp tục đấm đá ông tùy thích. Họ cũng giựt huy hiệu thánh mà ông đeo nơi cổ.

Vụ bắt giữ ông Samwel cũng giống một vụ xảy ra trước đó một tháng, khi cảnh sát Cairo được lệnh đến vùng phụ cận để xử lý chuyện tranh chấp giữa hai gia đình. Nhân chứng nói rằng vụ tranh chấp đã được giải quyết, nhưng viên cảnh sát vô cớ bắn mấy phát súng để giải tán đám đông nhỏ quanh đó, và một viên đạn đã giết chết một phụ nữ Kitô hữu đang mang thai và là mẹ của hai đứa con.

Theo các nhân chứng, đám đông bắt đầu đánh viên cảnh sát cho đến khi một linh mục Coptic đến giải cứu cho ông. Về sau, viên cảnh sát này cáo buộc 8 người có tham gia vào đám đông đánh mình, việc này có lẽ không phải bởi họ có tội, nhưng là bởi họ xuất thân trong các gia đình Zabbaleen.

Cha Botros Roshdy, vị linh mục Coptic mục vụ cho người Botros Roshdy, nói thẳng về sự trùng hợp không ngẫu nhiên này: ‘Tất cả là bởi chúng tôi là Kitô hữu.’

Sau khi chính phủ của Anh em Hồi giáo sụp đổ, mọi chuyện chẳng những không cải thiện mà còn ‘tệ hơn chục lần.’

Cha Botros cho biết, ‘Chúng tôi nghĩ là cảnh sát sẽ bắt đầu một kỷ nguyên tốt đẹp mới với người dân, nhưng chuyện đó đã không xảy ra.’

Và ông Ramses cũng đồng ý như thế. Khi được hỏi xem ông dự báo gì về tương lai của Kitô hữu ở Ai Cập, ông Ramses nói thẳng: ‘Rất tồi tệ.’

Cảnh sát sẽ không bắt những ai tấn công các Kitô hữu, quan tòa sẽ không khởi tố những kẻ tấn công, trường học không chịu nhân con cái gia đình Kitô hữu, và chính phủ xem Kitô hữu là công dân hạng hai.

Chỉ vào hình xăm một thánh giá nhỏ nơi cổ tay mà người Coptic xem là biểu tượng của đặc tính Kitô hữu, ông Ramses nói rằng ông sẽ không đi đâu cả. Nhưng ông cho biết, ‘Tôi cũng có hiểu được tại sao các Kitô hữu muốn ra khỏi địa ngục này.’

Bản đồ bách hại Kitô giáo

Những lý do nhỏ để hi vọng

Dù cho nhiều vụ việc kinh hoàng và ngày càng tàn bạo hơn này, những người lạc quan vẫn tìm được căn cứ để hi vọng Kitô giáo sẽ có cơ hội tồn tại và thậm chí lớn mạnh trở lại ở Trung Đông.

Ví dụ như, năm 2008, Quatar mở một nhà thờ Công giáo đầu tiên kể từ thế kỷ VII, nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi. Tháng 6, 2014, vua Hamad bin Isa Al Khalifa của Bahrain đồng ý tặng đất để xây dựng một nhà thờ Công giáo khác, đặt tên là nhà thờ Đức Bà Ả-rập.

Hiện nay ở bán đảo Ả-rập, sự hiện diện của Kitô giáo đang đâm chồi. Và giáo hội mở rộng, không phải nhờ người Ả Rập trở lại, nhưng là nhờ làn sóng chuyên gia nước ngoài ngày càng cần đến nhân lực lao động tay chân. Nhiều người Phi Luật Tân, Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, Hàn Quốc và các quốc gia khác nữa đang trở thành lực lượng lao động nghèo ở một trong những xã hội giàu có nhất thế giới.

Tính trong Giáo hội Công giáo mà thôi, con số tín hữu ở bán đảo này đã khoảng 2 triệu rưỡi người. Kwait và Qatar có khoảng 350 đến 400 ngàn người Công giáo, Bahrain có khảng 140 ngàn, và Ả-rập Saudi có khoảng 1 triệu rưỡi.

Một vài nhà phân tích tin rằng để có thể dung nạp các nhóm người nước ngoài này, thì các xã hội Hồi giáo giàu có này buộc phải mở rộng thêm tự do tôn giáo.

Có rất nhiều lãnh đạo Hồi giáo ôn hòa như Giáo chủ Mohammed Rashid Qabbani, lãnh đạo tinh thần của cộng đồng Sunni ở Li Băng, người đã nói rằng họ không muốn các Kitô hữu rời đi, một phần là bởi nếu như thế thì các trường học, bệnh viện và trung tâm dịch vụ xã hội tốt nhất của nước này cũng sẽ nối gót đi theo.

Khi Đức Bênêđictô XVI đến thăm Jordan vào năm 2009, ngài đã làm phép tảng đá góc cho 2 nhà thờ Công giáo cũng như một đại học Công giáo thuộc tòa thượng phụ Jerusalem, tất cả là dấu chỉ cho một cộng đoàn Kitô hữu quyết tâm bám trụ với mảnh đất này. Các dự án này được vua Abdullah II ủng hộ, và bản thân ông cũng từng theo học ở Georgetown, một trong những trường Công giáo hàng đầu ở Hoa Kỳ.

Có thể nói, Jordan đang cho thấy một con đường khác cho Kitô hữu Trung Đông là khả dĩ.

Ở đây, Kitô hữu chỉ chiếm chưa đến 3% dân số, nhưng theo luật, họ nắm gần 10% ghế nghị viện. Kitô hữu cũng giữ nhiều vị trí cốt cán trong các lĩnh vực công và kinh doanh tư, và luật của Jordan nhìn nhận quyền cho họ nghỉ việc ngày chúa nhật để thờ phượng.

Dù có những điều này, nhưng vẫn không thể bỏ qua tâm thức tuyệt vọng đang ngày càng lớn kìm kẹp cộng đồng Kitô giáo.

Trong một hội nghị ở Roma, tháng 12, 2013, Thượng phụ Louis Sako của Irắc cho biết, ‘Chúng tôi cảm thấy mình bị bỏ quên và cô lập.

Đôi khi chúng tôi tự hỏi, nếu họ giết hết chúng tôi, thì Kitô hữu ở phương Tây có phản ứng gì không nữa? Họ có làm gì không đây?’

Và từ lúc ngài nói câu đó đến bây giờ, vẫn chưa có gì làm giảm bớt vấn nạn nhức nhối này.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch