Tham nhũng ở Vatican: “Hồ sơ Pandora” tiết lộ điều gì?
Vụ tai tiếng về việc tiết lộ “Hồ sơ Pandora” cũng tác động đến Vatican | © Bernard Litzler
cath.ch, I. Media, 2021-10-10
Đã gần một tuần trôi qua kể từ khi cuộc điều tra “Hồ sơ Pandora” (Pandora Papers) được báo chí quốc tế đăng ngày 3 tháng 10 năm 2021. Một số tài liệu đã nêu lên các hành vi gian lận tài chính của các cá nhân hoặc các tổ chức ít nhiều có liên hệ với Vatican.
“Hồ sơ Pandora” là vụ rò rỉ gần 12 triệu tài liệu từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, những người đã thành lập và điều hành các công ty sàng lọc và quỹ tín dụng trong các thiên đàng trốn thuế trên khắp thế giới. Những hồ sơ kéo dài 5 thập kỷ này tiết lộ các giao dịch tài chính và tài sản ẩn giấu của hơn 330 chính trị gia và các nhân vật quần chúng khác.
Một đội ngũ nhà báo
Những tài liệu này do Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra (ICIJ), tổ chức đã điều phối 150 đối tác truyền thông gồm 600 nhà báo trên khắp thế giới để phân tích và điều tra những tài liệu này trong gần hai năm.
Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra giải thích trên trang web của mình “Hồ sơ Pandora” dựa trên di sản của “Hồ sơ Panama” năm 2016 và “Hồ sơ Paradise” năm 2017. Tuy nhiên, “Hồ sơ Pandora” vượt xa hai rò rỉ trước đó về số lượng vật liệu và số người bao gồm.
Ông Enrico Crasso, cựu giám đốc đầu tư của Vatican, người quản lý tài sản của Bộ Ngoại giao từ năm 1993 đến năm 2020, cũng bị dính líu đến “Hồ sơ Pandora”. Ông hiện bị cáo buộc tham ô, tham nhũng, tống tiền, rửa tiền, gian lận, lạm dụng quyền lực và giả mạo liên quan đến phiên tòa xét xử tòa nhà ở London được tòa án Vatican mở ra vào tháng 7 vừa qua.
Căn hộ sang trọng
Cuộc điều tra “Hồ sơ Pandora” về ông Enrico Crasso, do ICIJ hợp tác với L’Espresso tiết lộ, ông đã sử dụng các công ty ngoại biên để mua hai căn hộ cao cấp ở Miami. Ông bị cáo buộc đã mua một trong những bất động sản với công ty HP Finances của Mỹ, một công ty cũng bị Tòa thánh Vatican kiện vì gian lận trong vụ kiện đang chờ xử lý.
Cấu trúc giống như cấu trúc đã được dùng để thúc đẩy Tòa thánh đầu tư bảy triệu âu kim trái phiếu trong một đề xuất hư cấu để tài trợ cho một đường cao tốc ở Bắc Carolina, nhưng thực tế được dùng để tài trợ cổ phần trong ba công ty Ý. Thêm nữa, khoản đầu tư này đã được cựu hồng y Angelo Becciu thông qua.
Năm 2020, ông Enrico Crasso đã nói với các công tố viên Vatican, “ông chưa bao giờ nghe nói đến Bắc Carolina.” Ông cũng nói với tờ Miami Herald, trong một bài báo đăng ngày 6 tháng 10 năm 2021, rằng các căn hộ ở Miami được ông mua bằng tiền riêng của ông. Bất động sản mua với HP Finances đã bán vào tháng 2 năm 2020.
Bất động sản thứ hai, bán vào năm 2018, được cho là mua với một công ty mẹ có tên là Dexie Miami, đã đăng ký tại thiên đường thuế British Virgin Islands (BVI). L’Espresso cũng nói ông Crasso đã có hai công ty khác đăng ký tại thiên đường thuế Caribe này.
Các khoản đầu tư của Binh đoàn Chúa Kitô
Với “Hồ sơ Pandora”, Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra, ICIJ, hợp tác với El Pais tuyên bố đã phát hiện nhà dòng công giáo Binh đoàn Chúa Kitô giấu gần 300 triệu đôla trong các quỹ tín thác ở nước ngoài.
Các sự kiện này ngược về năm 2010, khi Vatican chuẩn bị nắm quyền kiểm soát Binh đoàn sau thời gian dòng bị rắc rối về các tiết lộ hành vi lạm dụng tình dục của người sáng lập phong trào, linh mục người Mexicô Marcial Maciel, qua đời năm 2008. Cũng thời gian này, ngày 6 tháng 7, Binh đoàn Chúa Kitô đã thành lập một quỹ ủy thác ở New Zealand có tên là “Quỹ từ thiện Hưu trí và Y tế” (RMCT) để nhận tiền quyên góp giúp các linh mục về hưu.
Quỹ AlfaOmega và Quỹ Salus
Tháng 11 năm 2011, hai quỹ tín thác khác AlfaOmega và Saluc được linh mục người Mexicô Luis Garza Medina, thành viên cao cấp của Binh đoàn, và hai anh của ông mở ra để đầu tư vào các dự án khác nhau, chủ yếu ở Bắc Mỹ, trong một công ty thăm dò dầu khí của Mexicô hoặc vào các bất động sản ở Hoa Kỳ. Cuộc điều tra của ICIJ cho thấy số tiền thu được từ các khoản đầu tư này cuối cùng đã được trả vào quỹ ủy thác đầu tiên, Quỹ từ thiện Hưu trí và Y tế RMCT.
Phát ngôn viên của linh mục Luis Garza Medina nói với ICIJ rằng, cả linh mục cũng như gia đình của linh mục không đều không có quyền kiểm soát các quỹ ủy thác và các quỹ này chỉ được dùng cho các mục đích từ thiện.
Trong một tuyên bố do Binh đoàn đưa ra ngày 4 tháng 10 năm 2021, họ tuyên bố Quỹ AlfaOmega và Salus đều độc lập với Dòng và họ chỉ có quyền kiểm soát trên Quỹ từ thiện Hưu trí và Y tế RMCT mà họ quản lý, “phù với tất cả các luật hiện hành, cả dân sự và giáo luật ở mỗi quốc gia mà họ có mặt.”
Tuy nhiên, nhà dòng thừa nhận, trong quá khứ, Quỹ Từ thiện Hưu trí và Y tế RMCT đã yêu cầu đóng góp cho hai quỹ tín thác được linh mục và gia đình thành lập và bây giờ nhà dòng đã hoàn lại. Nhà dòng cũng đã làm trang web “Hỏi Đáp” phủ nhận các tuyên bố của Hồ sơ Pandora điều tra đưa ra.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của ICIJ tuyên bố ba quỹ ủy thác này có “mối quan hệ sâu đậm với Binh đoàn” vì cả ba được quản lý bởi cùng những người quản trị và có cùng địa chỉ ở New Zealand.
Pandora là tên của một vị thần trong huyền thoại Hy Lạp
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch