Cha Olivier Maire, môn đệ của Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort

116

Cha Olivier Maire, môn đệ của Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort

Cha Olivier Maire (1960-2021).

vaticannews.va, Cyprien Viet, Vatican, 2021-08-18

Cái chết của cha Olivier Maire, giám tỉnh dòng Montfort tuần trước đã làm cho cả nước Pháp xúc động. Cha François-Marie Léthel, dòng Cát Minh, giáo sư Đại học Teresianum, Rôma đã cùng làm việc với cha Olivier khi cha Olivier lấy bằng tiến sĩ về Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort. Linh mục Léthel bày tỏ lòng kính trọng cha Olivier, ngài xem lại linh đạo của cha dòng Montfort.

Vụ sát hại cha Olivier Maire ngày thứ hai 9 tháng 8 tại Saint-Laurent-sur-Sèvre đặt cộng đồng kín đáo của các cha dòng Montfort dưới ống kính của các phương tiện truyền thông. Từ Tổng thống Emmanuel Macron đến Giáo hội địa phương, rất nhiều tiếng nói cất lên để kính nhớ vị linh mục được biết đến với tấm lòng nhân hậu, trắc ẩn và bác ái.

Bối cảnh vụ sát hại do một người được cộng đồng của cha giúp đỡ, thêm nữa sau khi ra tù vì vụ hỏa hoạn ở nhà thờ chính tòa Nantes, nghi phạm được cộng đồng bảo trợ, điều này đã đặt ra nhiều câu hỏi. Nhưng trước hết, cái chết bi thảm này là dấu hiệu của một ý chí tận căn theo tinh thần Phúc âm của linh đạo dòng Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort (1673-1716), tông đồ của những người nghèo nhất ở vùng nông thôn nước Pháp vào cuối triều vua Lu-i XIV. Từ nhiều thập kỷ nay, tên của ngài được nhắc đến như  người có tiềm năng là“tiến sĩ Giáo hội” trong tương lai.

Nhà truyền bá nhiệt tình thần học về Đức Mẹ đã tỏa sáng ra ngoài biên giới nước Pháp, và đặc biệt được Đức Gioan-Phaolô II dựa lên trong suốt quá trình đào tạo thiêng liêng và triều giáo hoàng của ngài, Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort là nguồn của một gia đình thiêng liêng mang hoa trái đến cho nhiều nước trên thế giới.

Linh mục François-Marie Léthel, dòng Cát Minh, giáo sư tại Đại học Teresianum, Rôma, đã cùng làm việc với cha Olivier Maire về luận án tiến sĩ Thánh Louis-Marie Grignion de Montfor. Linh mục bày tỏ lòng kính trọng cha Olivier và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của linh đạo dòng Montfort hiện nay.

Linh mục François-Marie Léthel

Tôi rất xúc động về vụ ám sát cha Olivier Maire vì tôi biết cha từ nhiều năm nay. Chúng tôi cùng làm việc với nhau về luận án Thánh Montfort của cha Olivier. Cha là một trong những người am tường nhất về Thánh Louis-Marie de Montfort.

Và cũng là một linh mục thánh thiện! Cha là giám tỉnh dòng Montfort ở Pháp, vì vậy cha là một trong những nhân vật quan trọng nhất của gia đình Montfort trong việc phổ biến linh đạo này. Đáng lẽ tuần tới, cha diễn thuyết trong một hội thảo ở Lộ Đức về “Đức Maria an ủi người đau khổ theo linh đạo Thánh Monfort.”

Tôi xem cha như vị tử đạo của lòng bác ái, với tinh thần này, cha đã hy sinh mạng sống mình. Cái chết của cha đã làm cho cả thế giới xúc động, đặc biệt là ở Pháp. Cha bị ám sát ở Saint-Laurent-sur-Sèvre, nơi Thánh Louis-Marie de Montfort qua đời hơn 300 năm trước.

Và ngay lập tức, mọi người nhắc đến Thánh Louis-Marie de Montfort, đến các tu sĩ dòng Montfort. Vì thế, tôi nghĩ, bây giờ từ thiên đàng, cha Olivier Maire mời gọi nước Pháp nói rộng hơn là mời gọi dân Chúa tìm hiểu kho tàng, tầm quan trọng, tính thời sự của linh đạo Thánh Louis-Marie de Montfort. Tôi nghĩ chúng ta phải nhìn cái chết này dưới ánh sáng của Chúa. Đó là sự kiện đau đớn, choáng váng, nhưng ý nghĩa của nó chắc chắn, giờ đây cha Olivier Maire đang gặp Thánh Louis-Marie, cùng với Chúa và Đức Trinh Nữ Maria.

Cuộc đời Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort được đánh dấu qua việc rao giảng Tin Mừng ở các vùng quê miền Tây nước Pháp, đó là những vùng rất nghèo dưới thời vua Lu-i XIV. Một cách nào đó, ngài là gương mẫu cho ngày nay, đặc biệt trong bối cảnh rao giảng Tin Mừng ở vùng ngoại vi như Đức Phanxicô thường nói đến không?

Đây là câu hỏi rất quan trọng. Ngay từ đầu, kể từ ngày ngài chịu chức năm 1700, lựa chọn hàng đầu của Thánh Louis-Marie là phục vụ người nghèo. Ngài nhận được đào tạo thần học xuất sắc ở Paris, ở Thánh-Sulpice theo trường phái của hồng y Bérulle nước Pháp, nhưng ngài sẽ đặt tất cả kiến thức sâu sắc ngài có được về mầu nhiệm để phục vụ cho việc truyền bá phúc âm hóa, vì thế ngài là nhà truyền giáo sâu sắc.

Ngài đến Rôma năm 1706 để gặp Giáo hoàng. Vào thời điểm đó, có những cánh đồng truyền giáo rất rộng ở Pháp: vùng Viễn Đông, Việt Nam và Canada, vì thế ngài nghĩ mình sẽ là nhà truyền giáo “ở xa”.

Nhưng Giáo hoàng nói với ngài: “Không, cha  sẽ là nhà truyền giáo ở đất nước cha”. Vì thế, “nước Pháp, đất truyền giáo” không có gì mới vào thời điểm ngài đang sống, cuối triều vua Lu-i XIV là giai đoạn cực kỳ quan trọng. Đó là thời kỳ có thuyết Giăng-xen khắc khổ, có Cách mạng Pháp, có phi Thiên chúa giáo. Công việc của Thánh Louis-Marie sẽ là tái truyền bá phúc âm các vùng này, Vendée, Brittany, Poitou, vùng của những người nghèo nhất.

Thời đó, đôi khi những người đương thời với ngài, kể cả các nhà truyền giáo đều xem tín hữu kitô nào không biết đọc biết viết này là “những người thô thiển”, dạy cho họ một loại tôn giáo với những cấm đoán, thì Thánh Monfort lại dạy cho họ tôn giáo yêu thương, xem người nghèo, người thấp hèn là người được Chúa Giêsu yêu quý. Ngài hướng dẫn họ con đường nên thánh qua việc hiến mình cho Chúa Giêsu qua bàn tay Mẹ Maria. Con đường này hướng đến mọi nơi sống, nơi tù nhân, nơi tên trộm, người sẽ bị treo cổ. Ngài muốn làm cho Chúa Giêsu được mọi người yêu mến. “Giêsu  Maria, con yêu Hai Đấng” là câu liên tục trong các bài thánh ca của ngài.

Đâu là vai trò của Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort trong việc truyền bá lòng kính mến Đức Mẹ ở Pháp, và sau đó vượt ra ngoài biên giới nước Pháp?

Vai trò này rất đáng kể. Tất nhiên, kiệt tác của ngài là Khảo luận về lòng kính mến đích thực đối với Đức Trinh Nữ, ngài đã viết trong những năm cuối đời, sau tất cả kinh nghiệm cá nhân cũng như kinh nghiệm trên cương vị truyền giáo của ngài. Ngài sẽ có thể đưa ra một tổng hợp thần học về Đức Mẹ, nhưng văn bản chính này chỉ được khám phá vào năm 1842, hơn 100 năm sau khi ngài qua đời.

Vào thế kỷ 19, văn bản này được dịch ra tiếng Anh và tiếng Ý, và đã trở thành tác phẩm kinh điển về linh đạo Đức Mẹ, đã truyền cảm hứng cho nhiều vị thánh, trong đó có Thánh Gioan-Phaolô II. Đó là linh đạo rất mạnh về Đức Mẹ, không dựa trên những mặc khải nhưng dựa trên đức tin, trên Thánh Kinh, trên phép rửa tội, trên bí tích Thánh Thể, trên thực tại của đời sống kitô hữu, được trải nghiệm với Đức Maria.

Năm 1996, Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã đến Saint-Laurent-sur-Sèvre để cầu nguyện trước mộ Thánh Monfort. Mối liên hệ giữa giáo hoàng Ba Lan và Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort như thế nào?

Đây là mối liên hệ thiết yếu! Khi gặp Đức Gioan-Phaolô II, tôi đã nghe ngài kể năm 1940, khi ngài 20 tuổi và đang làm việc trong một công trường, người giáo dân công giáo Jan Tyranowski đã cho ngài các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh giáKhảo luận về lòng kính mến đích thực đối với Đức Trinh Nữ, bằng tiếng Ba Lan. Thánh Gioan Thánh giá đã đánh động đến cuộc đời ngài, nhưng Thánh Louis-Mariem còn đánh động hơn và từ lúc đó, Totus tuus (Con trọn vẹn thuộc về Mẹ) đã trở nên hơi thở của tâm hồn ngài, như tôi đã thấy khi tôi làm việc trong quá trình phong chân phước cho ngài. Ngay cả trong sổ tay của chủng sinh ‘chui’ Karol Wojtyla, ngài đã viết trên những trang đầu tiên công thức ngắn gọn của thánh hiến:

“Totus tuus ego sum, et omnia Mea tua sunt. […] Accipio te in Mea omnia, praebe mihi cor tuum, o Maria”: “Con trọn vẹn thuộc về Mẹ,  tất cả những gì của con là của Mẹ. Mẹ là gia sản đời con, xin cho con tâm hồn của Mẹ, Ôi Mẹ Maria.”

Ở đoạn cuối Khảo luận, Thánh Louis-Marie mời gọi tín hữu chuẩn bị tâm hồn để rước Chúa Giêsu trong sự hiệp thông thánh thiện. Totus tuus dâng lên Đức Mẹ, nhưng là để đón nhận Chúa Giêsu.

Khi tôi được Đức Bênêđictô XVI mời giảng tĩnh tâm Mùa Chay cho Giáo triều Rôma năm 2011, tôi đã dành ba bài giảng về mối quan hệ giữa Đức Gioan-Phaolô II và Thánh Louis-Marie Grignion de Montfort. Vào cuối triều giáo hoàng của mình, tháng 12 năm 2003, Đức Gioan-Phaolô II đã gởi một Bức thư tuyệt vời cho gia đình Montfort, nhấn mạnh đặc biệt đến sự nhất trí tuyệt đối giữa giáo lý của Thánh Louis-Marie với giáo huấn của Công đồng Vatican II về Đức Mẹ. Đức Gioan-Phaolô II là Giáo hoàng Đức Mẹ và là  Giáo hoàng Montfort!

Đâu là ý nghĩa của bằng tiến sĩ về Thánh Louis-Marie Montfort với Giáo hội của thế kỷ 21?

Tôi đã làm việc cùng lúc luận án tiến sĩ về Thánh Têrêxa Lisiơ, được kết thúc năm 1997, và luận án tiến sĩ Thánh Louis-Marie de Montfort, luận án này chưa hoàn tất. Đã có những hiểu lầm, những chuyện chưa thấu hiểu, nhưng câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ. Tôi nghĩ điều này mang một ý nghĩa rất quan trọng, nhất là trong thời điểm đau khổ lớn lao trong nội bộ Giáo hội, với các vụ tai tiếng và cả những đau khổ do đại dịch gây ra.

Đức Maria vẫn ở bên cạnh Thánh Giá, và do đó, dân Chúa cần một giáo lý mạnh mẽ về Đức Mẹ, không dựa trên những lần Đức Mẹ hiện ra, không bao giờ đó là những chắc chắn tuyệt đối, nhưng dựa trên đức tin, vào tín điều, vào Thánh Kinh, vào các bí tích.

Vì thế chúng ta có một cẩm nang quan trọng về sự thánh thiện, một cẩm nang chiến đấu thiêng liêng như với Thánh Têrêxa Lisiơ. Đó là giáo lý cho dân Chúa. Vì vậy, tôi nghĩ luận án tiến sĩ của ngài có một khởi đầu tốt đẹp, và trên hết, luận án liên quan đến Thánh John Eudes, ngài cũng là ứng viên tiến sĩ Giáo hội. Ngài cũng là một vị thánh lớn của Giáo hội Pháp, thuộc thế hệ trước, vào thế kỷ 17. Cả hai đều có liên quan đến trường phái Linh đạo Pháp.

Vì thế tôi nghi luận án tiến sĩ này sẽ được nối lại, và cha Olivier Maire, người đã làm luận án này, từ thiên đàng, cha sẽ đóng góp để luận án này sẽ được hoàn tất.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: “Làm thế nào ông ấy lại tấn công Giáo hội, một Giáo hội ông ấy yêu mến? Tôi thật khó hiểu.”

Người Rwanda, con dao rựa và cây thánh giá

Linh mục Olivier Maire bị ám sát ở Saint-Laurent-sur-Sèvre: một người đơn sơ, tốt lành và rất cởi mở”

Linh mục Léthel: “Bị nhiễm coronavirus, gương của Đức Hồng y Thuận đã giúp tôi rất nhiều”