Thư Đức Phanxicô gởi hồng y Marx là một trong những văn bản quan trọng nhất triều giáo hoàng của ngài

205

Thư Đức Phanxicô gởi hồng y Marx là một trong những văn bản quan trọng nhất triều giáo hoàng của ngài

Đức Phanxicô và hồng y Marx trong một buổi tiếp kiến riêng tháng 2 năm 2020.

Theo ông Andrea Monda, thư của Đức Phanxicô gởi hồng y Marx là một trong những văn bản quan trọng nhất triều giáo hoàng của ngài. Mang một tầm mức “cao cả và lâu dài.”

fr.zenit.org, Anne Kurian-Montabone, 2021-06-11

Theo ông Andrea Monda, giám đốc nhật báo L’Osservatore Romano, thư của Đức Phanxicô gởi hồng y Marx là một trong những văn bản quan trọng nhất của triều giáo hoàng của ngài, mang một ý nghĩa “cao cả và lâu dài.”

Bức thư viết ngày thứ năm 10 thường 6 để trả lời cho hồng y Marx về việc hồng y xin từ chức và nhận trách nhiệm của mình trong việc quản lý lạm dụng tình dục.

Trong bài xã luận ngày hôm sau trên L’Osservatore Romano, ông viết, “bức thư này dành cho mọi người công giáo sống trên quả đất này ngày hôm nay và ngày mai. Đây là một bản văn sẽ làm tăng thêm di sản phong phú của Đức Phanxicô.”

Theo ông Andrea Monda, đoạn “mãnh liệt và cảm động nhất” là lời kêu gọi khiêm nhường: “Đó là con đường của Thần Khí mà chúng ta phải đi theo, và điểm khởi đầu là khiêm nhường thú nhận: chúng ta đã phạm sai lầm, chúng ta đã phạm tội. Các cuộc thăm dò ý kiến và quyền lực của các thể chế không cứu được chúng ta. Uy tín của Giáo hội có khuynh hướng che giấu tội lỗi của mình cũng sẽ không cứu được chúng ta; sức mạnh của đồng tiền và ý kiến của giới truyền thông cũng không cứu được chúng ta (thường thường chúng ta quá lệ thuộc vào).” Chúng ta chỉ được cứu bằng cách mở cánh cửa cho Đấng có thể làm điều đó và bằng cách thú nhận sự trần trụi của mình: “Con đã phạm tội”, “chúng con đã phạm tội”  … và khóc lóc,  và lắp bắp nhiều nhất có thể câu “xin Chúa tránh xa con, vì con là kẻ có tội”, một di sản mà Giáo hoàng đầu tiên đã để lại cho các Giáo hoàng và các Giám mục của Giáo hội. Và khi chúng ta cảm nhận sự xấu hổ chữa lành, mở cánh cửa cho lòng lân tuất và cho lòng dịu dàng của Chúa, Đấng luôn ở gần chúng ta.

Giám đốc của nhật báo Vatican viết tiếp: “Khóc lóc và lắp bắp lòng bất xứng của mình, đó là di sản của thánh Phêrô mà Đức Phanxicô nhận làm của mình và ngài mong giáo dân công giáo chú ý đến chuyện này.”

Ngài cũng nhấn mạnh đến ý nghĩa của “cải cách đích thực”, cải cách “bắt đầu nơi chính mình”. Những người “không hiểu và những người tranh luận là những nhà ý thức hệ… họ quên cải cách đích thực, cải cách duy nhất có khả thể đó là Chúa Giêsu, người đã cải cách bằng chính đời sống của mình, bằng lịch sử của chính mình, bằng da thịt mình trên thánh giá.”

Ông viết tiếp: “Và đó là của Giáo hội, thập giá là nơi duy nhất mà Chúa Giêsu được công nhận là vua và là con Thiên Chúa. Đây là di sản của chúng ta trong cương vị con của Chúa, được dẫn dắt bằng tình yêu thương bởi người mục tử kế vị Thánh Phêrô.”

Hồng y Marx, 63 tuổi, đã đệ đơn từ chức lên giáo hoàng, nhận các “sai lầm của cá nhân” và “các thất bại trong quản trị” nhưng cũng là một “thất bại về thể chế và hệ thống”

Hồng y Marx là nhân vật quan trọng trong Giáo hội – hồng y là thành viên của Hội đồng các Hồng y do Đức Phanxicô thành lập năm 2013 để giúp ngài trong việc cải cách Giáo triều Rôma và là điều phối viên của Hội đồng Kinh tế của Tòa thánh, đơn xin từ chức của hồng y đã có một tiếng vang mạnh trong giới truyền thông.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Bài đọc thêm: Năm điều cần biết để hiểu việc từ chức (và bị giáo hoàng từ chối) của hồng y Marx