Ông Erick Schwam, người Áo gốc Do thái để lại tài sản cho ngôi làng đã cứu ông trong thời chiến tranh

109

Ông Erick Schwam, người Áo gốc Do thái để lại tài sản cho ngôi làng đã cứu ông trong thời chiến tranh

lemonde.fr, Richard Schittly, 2021-02-09

Qua đời ngày 25 tháng 12 năm 2020, ông Erick Schwam để lại hai triệu âu kim cho ngôi làng Chambon-sur-Lignon, nơi ông đã sống, có lẽ ông đã được nhiều gia đình ở đây giúp trong Thế chiến Thứ hai.

Một món quà từ thiên đàng. Ngôi làng Le Chambon-sur-Lignon ở Haute-Loire có 2.500 người dân đã nhận được di chúc của ông Erick Schwam gần 2 triệu âu kim, ông qua đời thọ 90 tuổi ngày 25 tháng 12 năm 2020, gần Lyon. Kể từ khi tin này được thông báo, thị trấn xem lại ký ức, tìm trong kho lưu trữ hồ sơ để tìm tông tích vị ân nhân chưa được biết đến này.

Bà Denise Vallat, phó thị trưởng đặc trách văn hóa cho biết: “Chuyện này giống như trò chơi ráp hình, chúng tôi tìm từng mảnh rải rác đây đó và chúng tôi cố gắng ghép chúng lại với nhau, chúng tôi phải tìm hiểu chuyện này”. Chắc chắn ông Erick Schwam muốn nói lên lòng biết ơn và kính trọng đối với nơi ông đã sống những năm tháng quan trọng nhất đời mình. Là người Áo, gốc Do thái, khi nhỏ có lẽ ông đã sống với một số gia đình ở làng Chambon, sau đó ông đi học ở trường cao đẳng Cévenol nổi tiếng. Những năm, từ 1943 đến 1949, là những năm õ quyết định số phận của ông, đặc biệt lúc Đức Quốc xã và những người hợp tác với Đức Quốc xã truy lùng các gia đình Do thái trên khắp châu Âu.

Bà Vallat giải thích: “Cả đời ông rất kín đáo, ông không để lại bao nhiêu dấu tích. Có lẽ ông không muốn là đối tượng của truyền thông, điều này không thích hợp với tính cách của ông. Nhưng chúng tôi muốn vinh danh ký ức của ông”.

Câu chuyện của ông Erick Schwam gắn liền với lịch sử của ngôi làng. Làng Chambon là biểu tượng của tinh thần kiên cường, năm 1990, làng Le Chambon-sur-Lignon được đài tưởng niệm Do thái Yad Vashem tôn vinh là “Công chính giữa các quốc gia”. Một vinh danh hiếm có với một nơi và người dân của làng, Làng chia sẻ cùng ví dụ này với một ngôi làng ở Hà Lan, để tôn vinh cuộc giải cứu 2.500 người Do thái trong Thế chiến Thứ hai. Các gia đình và trẻ em đã được ẩn náu trên vùng đất cao nguyên Vivarais-Lignon, trong số này có Erick đã theo cha mẹ từ nước Áo bị xâm lược đến đây.

Được chưởng khế báo tin, tháng 1 vừa qua, ông Jean-Michel Eyraud, thị trưởng làng Chambon, và bà Vallat phó thị trưởng đặc trách văn hóa đến căn biệt thự khiêm tốn của ông Erick Schwam ở La Tour-de-Salvagny, phía tây khu vực Lyon. Họ thấy phong bì để trên bàn bếp, với dòng chữ viết tay: “Nước Áo, các giấy tờ cũ”. Như thể người quá cố để lại cho họ một chỉ dẫn di cảo. Bên trong: ảnh và một gói giấy tờ hành chính, những con dấu giúp họ lần theo biên niên sử.

“Đứa trẻ buồn bã, ủ rũ”

Ngay sau trận Anschluss năm 1938, cha mẹ của Erick phải chạy trốn khỏi nước Áo. Sau khi đi qua Bỉ, họ đến các trại ở miền nam nước Pháp, đến Gurs (Pyrénées-Atlantiques), rồi Rivesaltes (Pyrénées-Orientals).

Bà phó thị trưởng Vallat là cựu giáo sư lịch sử, bà tìm được bốn tài liệu liên quan đến sự có mặt của ông bà Oskar và Malcie, cha mẹ của Erick trong Nhật ký Rivesaltes, do ông Friedel Bohny-Reiter, một cựu y tá tại Tổ chức Cứu trợ Thụy Sĩ viết. Người đầu tiên được nhắc đến là một bác sĩ, làm việc trong nhà trẻ ở Elne, thuộc Pyrénées-Orientales. Người thứ hai là quản thủ thư viện của trại.

Trong phong bì, một biên lai đã ố vàng cho biết em bé Erick đến Chambon-sur-Lignon chính xác ngày 7 tháng 2 năm 1943, ở ngôi nhà Fạdoli, được đặt theo tên một nơi ẩn náu của Tổ chức Cứu trợ Thụy Sĩ, nơi có khoảng 40 em bé ở.

Erick có ở với mẹ không? Có phải cha của em đã trốn ở một nơi khác, vì có một người chỉ điểm nguy hiểm không? Đến đây thì thiếu chi tiết. Nhà sử học địa phương, Gérard Bollon,  tìm thấy dấu vết của họ trong hồ sơ cảnh sát thời đó. Từng mảnh ký ức hiện về từ quá khứ xa xôi. Một người dân liên lạc với tòa thị chính, báo cho biết mẹ ông đã kể cho ông nghe về một bác sĩ người Áo, ẩn náu trong nhiều xóm khác nhau, ở Freycenet, rồi ở Bourghea, vùng ngoại ô làng.

Ký ức địa phương cho biết, bác sĩ này có một lô (phòng nhỏ) ở Nhà hát Opera Vienna trước khi châu Âu rơi vào cơn điên loạn diệt chủng. Một người dân ở Puy-en-Velay, con trai của một vợ chồng giáo viên ở Chambon, nhớ lại Erick là “đứa bé luôn buồn bã, ủ rũ” đến trường rất sớm. Cha mẹ Erick xin người này chơi với em. Được kể bằng những dòng chấm phá, câu chuyện của Erick Schwam gợi lại nỗi kinh hoàng của người Do thái bị bứng gốc và bị săn đuổi. Và sự đoàn kết khiêm tốn của những người theo đạo tin lành ở vùng đất này, nơi văn hào Albert Camus và triết gia Paul Ricoeur thường lui tới.

Một nếp sống khiêm tốn

Theo các bằng tốt nghiệp được tìm thấy trong phong bì, Erick có chứng chỉ sơ cấp năm 1945, vào đại học Cévenol và có bằng cử nhân năm 1949 ở đây.

Có lẽ cha mẹ của Erick về Áo, Erick ở lại học, chuyện rất hiếm vào thời đó. Bà Denise Vallat cho biết: “Sau khi chiến tranh kết thúc, thường thường người tị nạn rời đi rất sớm”. Các giấy tờ ố vàng cho thấy Erick Schwam học ngành dược ở Lyon.

Năm 1956, ông kết hôn với bà Colette, người công giáo ở thành phố Lyon, sau đó nhập quốc tịch Pháp. Vì thế ông phục vụ trong quân đội Pháp trong thời chiến tranh Algeria, theo hồ sơ quân sự của ông, ông trở về với cấp bậc trung úy. Người dân gốc Vienna này thành người dân Pháp, lặng lẽ làm việc trong ngành công nghiệp dược, một ngành đang phát triển mạnh, cái nôi của những loại vắc-xin quy mô lớn đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Charles Mérieux.

Một tài liệu cho thấy ông Erick Schwam đã làm việc tại phòng thí nghiệm Lipha, nơi ông trở thành phó tổng giám đốc năm 1987. Ông đóng góp vào sự phát triển thuốc Glucophage, thuốc chống bệnh tiểu đường. Ông sống khiêm tốn, tiết kiệm số thu nhập của mình. Sau khi vợ ông qua đời tháng 1 năm 2020, họ không có con, ông Erick Schwam đã viết một bản di chúc ngắn. Ba khoản di sản tặng cho các hiệp hội, và số dư gần hai triệu âu kim dành tặng cho làng Chambon-sur-Lignon, như một đền đáp công bằng cho những gì ông đã nhận.

Marta An Nguyễn dịch