Fabrice Midal: “Chúa Kitô là người siêu nhạy cảm vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại”
Người siêu nhạy cảm sống trên chiếc tàu lượn siêu tốc đầy cảm xúc và có thiên tài sáng tạo. Triết gia Fabrice Midal giải thích làm cách nào để biến đặc tính này thành một sức mạnh. Trong một video gởi cho báo La Vie, ông nói về sự siêu nhạy cảm của những gì thuộc về đời sống tâm linh và Kinh Thánh nói về những chuyện này.
lavie.fr, Stéphanie Combe, 2021-03-15
Theo triết gia Fabrice Midal, điều quan trọng là phải trau dồi khả năng siêu nhạy cảm của bạn.
Trong quyển sách do nhà xuất bản Flammarion phát hành, Tôi có siêu nhạy cảm (Suis-je hypersensible), triết gia nhà văn Fabrice Midal đưa ra các bài tập để chúng ta chấp nhận tính siêu nhạy cảm của mình và phát huy hết tiềm năng của nó.
Ngày nay người ta nói rất nhiều về siêu nhạy cảm, nhưng trên thực tế chuyện này không phải là mới, như ông đã viết trong quyển sách…
Triết gia Fabrice Midal: Chỉ có khoảng 15% đến 20% cá nhân có đặc điểm “phản ứng nhanh” với các tình huống mới hoặc với các căng thẳng. Họ cảm nhận tất cả với một cường độ rất mãnh liệt. Vào thời tiền sử, họ làm công việc “canh gác”, nhận ra nguy hiểm trước người khác nhờ “ăn-ten” của họ. Là những người sáng tạo, họ phát minh: họ có những sáng kiến trong nông nghiệp, trong chăn nuôi, phát minh ra các công cụ đầu tiên, v.v.
Triết gia Aristotle bị mê hoặc bởi những thứ ông gọi là “sầu cảm” mà trong y học Hy Lạp cổ đại gọi là tính khí. Nhưng phân tích đào sâu là do triết gia người Pháp Bergson nghiên cứu, ông mô tả “thần kinh”, mà theo ông, là một thành tựu đáng kể của con người.
Đâu là đặc điểm của tính chất siêu nhạy cảm?
Đó là nhận thức về màu sắc, khứu giác, vị giác, xúc giác, những cảm xúc tràn ngập, sự đồng cảm sâu sắc nhưng cũng từ quan điểm nhận thức, tư duy trực giác, với những tia chớp nhanh như cắt: mọi thứ đều trầm trọng hơn nơi người siêu nhạy cảm! Nghiên cứu khoa học thần kinh giúp hiểu rõ hơn về sự nhạy cảm thần kinh này. Bộ não được bảo vệ bởi một lớp lưới nhiều ít mịn hơn, tạo thành nhiều bộ lọc.
Bộ não của người siêu nhạy cảm không lọc, nó nhận thức được nhiều thứ hơn.
Nơi người siêu nhạy cảm, lưới này lỏng hơn mức trung bình. Bộ não của họ không lọc, vì thế họ nhận thức được nhiều thứ hơn, thông tin và tín hiệu hơn…
Liệu có khả năng phải xây dựng một lớp vỏ để ngăn bản thân khỏi những kích thích xâm nhập và những cảm xúc quá mãnh liệt…
Khi một người siêu nhạy cảm muốn cắt đứt sự siêu nhạy cảm của mình, thì đó là cả một thảm họa! Họ đấu tranh chống chính con người của họ, không những họ không đấu tranh được mà còn làm cho họ đau khổ rất nhiều. Họ áp dụng cái mà bác sĩ nhi khoa và nhà phân tâm học Donald Winnicott gọi là “cái tôi giả tạo”: cái tôi được tạo ra để đáp ứng với nhu cầu của người khác. Đôi khi với cái giá phải trả là đánh mất con người sâu thẳm của mình, và đó là nguồn của sự đau khổ sâu đậm…
Chính vì thế tôi đã đề xuất trong quyển sách này một tập hợp các bài tập để có một cách tiếp cận khác, bắt đầu bằng việc chấp nhận điểm đặc biệt của chúng ta: nhận ra nỗi sợ hãi, nước mắt và tính nhạy cảm của mình…
Chính xác làm thế nào để tính siêu nhạy cảm của mình là một sức mạnh?
Chúng ta phải hiểu cách mình hành động. Một người quá nhạy cảm cần bản đồ địa lý để biết định hướng. Để có được điều này, tôi đã thực hiện một cuộc khảo sát lớn và gặp nhiều nhà thần kinh học. Tôi đang phát triển những con đường khác nhau: tạo một môi trường an toàn về cảm xúc xã hội. Chẳng hạn về phần tôi, tôi cần được sách vở bao quanh, nuôi dưỡng và an ủi tôi. Với người khác, đó sẽ là thiên nhiên, tĩnh lặng, âm nhạc…
Với những người không có hay ít nhạy cảm, liệu có thể vun trồng nó được không?
Dĩ nhiên là phải làm việc: chúng ta tất cả đều có khả năng nhạy cảm hơn! Bằng cách rèn luyện, học để có khứu giác, vị giác và thị giác tinh luyện hơn. Chúng ta hãy nhìn người trồng nho, người đầu bếp, nhạc công… Trau dồi sự nhạy cảm giúp cuộc sống chúng ta phong phú hơn.
Từ từ khi tiến trình này được phát triển, các khớp thần kinh mới, các kết nối mới sẽ được tạo ra. Sự ít nhạy cảm hạn chế khả năng của chúng ta. Trau dồi nhạy cảm làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú hơn. Một cuộc sống nhạy cảm sẽ hạnh phúc hơn, tinh tế hơn… sống động hơn.
Triết gia nêu lên kitô giáo là tôn giáo siêu nhạy cảm, vì sao?
Chúa Kitô là người siêu nhạy cảm vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Ngài đồng cảm với những người chung quanh Ngài, Ngài lập tức vượt ra ngoài những gì người đối diện nói, giúp họ diễn tả ước muốn sâu xa của họ. Ngài làm xáo trộn các quy ước và chuẩn mực đã bị khóa chặt, Ngài mang lại sự sống cho nó, khơi gợi tinh thần, làm thổi bùng tình yêu. Chung chung người siêu nhạy cảm ít bám dính vào quyền lực và tiền bạc, họ khao khát sự hòa hợp. Họ sẽ không bao giờ từ bỏ chuyện này.
Marta An Nguyễn dịch