Không, thưa cha Bờnoa, cha không xứng đáng được xá tội…

602

slate.fr, Henri Tincq, 2015-11-25

Henri Tincq, ký giả, nhà Vatican học, trả lời cho linh mục Hervé Benoît ở Lyon nước Pháp, tác giả của một trang diễn đàn trên mạng “Đánh trả lại công giáo” (Riposte catholique), cha đã đánh đồng các tên khủng bố với khán giả ở Bataclan, điều đã làm cho Đức Hồng y Barbarin “rụng rời”. Tác giả bài viết đã nêu bật lên sự “khăng khăng” giữ giáo điều của những mục tử cứng ngắt và “lòng thương xót” của người cha nhân hậu.

Không, thưa cha Bờnoa, cha không xứng đáng được xá tộiThưa cha Hervé Benoît

Thưa cha, tôi xin gọi cha là cha xứ (Monsieur l’abbé) vì theo truyền thống, giáo dân thường hay gọi các linh mục trông xứ là cha xứ, có khi là ông cha xứ, gợi nhớ một thời huy hoàng ngày xưa với các nghi lễ long trọng, áo lễ xúng xính, mùi hương sực nức, hoa đèn tôn kính đến việc quỳ gối thờ lạy.

Tôi phải rất kiên trì mới đọc đến cùng các lời lên án mạnh mẽ của cha. Cha dám làm điều không ai dám nghĩ: đánh đồng các tên khủng bố với các khán giả ở Bataclan, các nạn nhân, những người thoát nạn, những người mê nhạc rock! Cha gọi họ là “anh em dính chùm”, cả hai anh em đều bị thôi miên bởi “ma quỷ và thần chết”. Với “phụ kiện” mà theo cha thì đó là “bạo lực, tình dục, mê sảng vì dùng ma túy, hưởng lạc, ồn ào inh ỏi.” Và cha muốn mửa vì loại “văn hóa đám đông này”.

Cha dám nói các nạn nhân và các tên đao phủ của họ là những người “chết mà còn sống”. Cha viết, bị giết cùng bởi một chứng “mất gốc, một chứng lú lẫn, một chứng ấu trĩ, một chứng vô văn hóa”. Cuối cùng cha còn dám thô bỉ đánh đồng chính sách khủng bố và nạn phá thai: “Một trăm người chết” trong một ngày, nhưng hàng ngày có “sáu trăm người chết” vì phá thai!

Cha không thích thế giới hiện đại

Có nên xem cha là nghiêm túc không? Nếu chuyện kỳ quái đã làm chết người thì cha có thể trở thành nạn nhân cuối cùng của vụ tấn công ngày 13 tháng 11. Cha đã thành trò cười cho cư dân mạng, cha tạo nơi núp thoải mái cho những “tên thích ăn tươi nuốt sống” các cha xứ. Phần tôi, tôi không phải là người mê “Twittos”, cũng không phải là người “không có đạo”. Tôi là người công giáo, tôi siêng năng đi lễ, tôi là thành viên của một Giáo hội mà tôi đã đi một đường dài, vì nghề nghiệp, trên các hang cùng ngõ hẻm, quen với những người có tội cũng như các bậc thánh, các bạo chúa ngang ngược cũng như các ngôn sứ, các chiến sĩ và các nhà thông thái.

Thưa cha xứ, cha không phải là người vô danh tiểu tốt, “Linh mục phụ trách” đền thờ Fourvière, trên danh thiếp cha ghi như vậy. Đền thờ Fourvière nhìn xuống trọn thành phố Lyon, thành phố nuôi dưỡng bao nhiêu là chiến binh, những người công giáo hoạt động cho xã hội, bao nhiêu là nhà thần học thông thái, bao nhiêu là nhà truyền giáo được gởi đi truyền giáo khắp nơi trên thế giới. Từ đền thờ này, Đức Hồng y Decourtray đã lên tiếng kêu gọi lòng bao dung, tình bằng hữu với người do thái, người hồi giáo, với người không tín ngưỡng, cự lại với các “tiền đề” của Mặt Trận Quốc gia, mà theo ngài là “xa lạ với Phúc Âm”.

Thưa linh mục phụ trách đền thờ, diễn đàn của cha cho thấy cha thật tài tình và hăng say, nhưng không phải cùng một tài tình và hăng say mà văn hào Léon Bloy muốn! Tôi không ghét một loại hung bạo miệng nào đó. Chính Chúa Giêsu cũng không phải là người lè nhè chủ hòa. Cũng như cha, Chúa Giêsu cũng nguyền rủa những người đương thời của ngài là “miệng lưỡi rắn độc” (Mt 10,34). Ngài đuổi bọn con buôn ra khỏi đền thờ (Lc 19, 46). Nhưng cũng chính Ngài, khi bị quân dữ bắt đã ra lệnh cho Phêrô cất kiếm và trên thập giá, Ngài đã là nạn nhân của sự hung bạo cực kỳ hung bạo nhất. Để lên tiếng chống hung bạo hữu hiệu nhất.

Hervé Benoît, cha không thích thế giới hiện đại, thế hệ con nít chưa đau đã la, thế hệ của những người trẻ tứ xứ thích “hội hè, phóng khoáng”, những người trả bằng máu cho vé xem hát nhạc rock của mình, cho buổi cà phê cà pháo với bạn bè ở vĩa hè bên ngoài tiệm cà phê. Cha không thích loại “uể oải trí tuệ và đạo đức” của họ. Cha không thích niềm vui sống, cha không thích cách họ ăn mặc, cách họ nói chuyện, cách họ chơi nhạc, cách họ yêu thương. Cha không thích lối sống của họ, văn hóa của họ, một văn hóa mà cha không biết nhưng cha không tìm cách để hiểu, cha lại tóm gọn chúng, cha lên án họ theo kiểu vẹt gót cũ mèm: ma túy, tình dục, hung bạo.

Cha sống ở hành tinh nào vậy?

Từ hàng chục năm nay, người ta đã nghe các điệp khúc này quá nhiều trong các bài diễn văn hôi khét của phái cực hữu phản động. Cả trong Giáo hội cũng vậy, khi nào cũng nhanh chóng ngắn gọn tố cáo “chủ thuyết tương đối”, “chủ nghĩa hưởng lạc”, “phóng đãng” tình dục.

Thưa cha xứ, cha đang hoài niệm một thời mà cha xứ là trọng tâm, tiếng la-tinh là tiếng thiêng liêng, sách giáo lý cũ xưa dạy đức tin kitô phải xây dựng trên sự phục tùng và trên đạo đức mới là thành trì chống lại thế giới tội lỗi. Cha hoài niệm một đạo công giáo hồi xưa, có vòm chống cho các xác tín, truyền thống, kỷ luật, giáo huấn la mã của mình, một loại áp đặt lương tâm người khác.

Nhưng cha đang ở trên hành tinh nào vậy? Đúng, các điểm chuẩn trong giáo dục, trong công việc, trong gia đình, trong tính dục đã biến mất. Đúng, sự hiện đại gây phiền hà và sự trống rỗng về mặt thiêng liêng có thể là nguồn cho các chủ thuyết tận căn. Cha trích Philippe Muray nhưng cha cũng có thể trích các bài của một tín hữu có niềm hy vọng lớn lao như Péguy hay như Clavel. Sự co mình một cách không lành mạnh vào căn tính công giáo kiểu “khăng khăng” vào giáo điều, vào luân lý chỉ dẫn đến ngõ cụt (thái độ của các giáo hoàng chống-hiện đại của thế kỷ 19).

Trong lần trả lời phỏng vấn cho báo Civilta cattolica vào tháng 9- 2013, Đức Phanxicô cũng không nói gì khác hơn: “Có một cám dỗ là đi tìm Chúa trong quá khứ, nhưng những lời than van rên rỉ sẽ không bao giờ giúp chúng ta tìm thấy Chúa. Những than van rên rỉ để tố cáo một thế giới man rợ hiện đại cuối cùng sẽ làm nảy sinh ước muốn đưa vào trật tự, được xem như đó là cách thuần khiết giữ gìn hay như một phản ứng tự vệ.” Thưa cha xứ, tôi có đòi hỏi cha quá khi xin cha yêu thương giáo hoàng của cha, người mà ngày 8 tháng 12 sắp tới sẽ khai mạc “Năm Thánh”, năm được gọi là… “thương xót” không?

Giám mục của cha, Đức Hồng y Barbarin cho biết ngài quá “rụng rời” với diễn đàn của cha. Tôi không biết thái độ của ngài như thế nào, nhưng nếu tôi ở địa vị của ngài, tôi sẽ không xá tội cho cha!

Henri Tincq

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch