Vì sao Đức Gioan-Phaolô II không đến được Irak như ngài mong muốn
Chuyến đi Irak của Đức Phanxicô từ ngày 5 đến 8 tháng 3 đến đất nước mà Đức Gioan-Phaolô II từng mong muốn được đặt chân đến trước thềm Năm Thánh 2000 mà không được, lúc đó chuyến đi này xem như gần chắc chắn, nhưng cuối cùng ngài không bước chân đến được quê hương của Tổ phụ Áp-ra-ham.
la-croix.com, Xavier Le Normand, 2021-02-26
Các công nhân Irak chuẩn bị cho chuyến thăm có thể có của Đức Gioan-Phaolô II đến thành phố Ur vào ngày 26 tháng 10 năm 1999. KARIM SAHIB / AFP
Năm 1999, trước Năm Thánh 2000, Đức Gioan-Phaolô II đã có ước nguyện đến thăm vùng đất ngày nay là Irak, nhưng ước nguyện không bao giờ được thực hiện: “Nếu Chúa muốn, tôi mong đến được thành phố Ur, quê hương Tổ phụ Áp-ra-ham”. Trong số tất cả các quốc gia theo Kinh thánh, Irak là quốc gia duy nhất chưa giáo hoàng nào đặt chân đến. Lần này với chuyến tông du của Đức Phanxicô lần này, nguyện ước này sẽ được thực hiện và ngài sẽ hoàn thành tâm nguyện của người tiền nhiệm.
Vào giữa năm 1999, chuyến đi của Đức Gioan- Phaolô II đến Irak được nhiều người xem như đương nhiên. Dĩ nhiên các giám mục đã mời ngài và cả chính phủ của Saddam Hussein cũng mời. Về phía Vatican, vài tháng trước đó, hồng y người Pháp Roger Etchegaray đã kín đáo đến thăm thành phố này, nghiên cứu tính khả thi của chuyến đi.
Liên Hợp Quốc thậm chí còn ngầm hứa sẽ ra lệnh cấm bay trên vùng trời Irak trong thời gian có chuyến bay của giáo hoàng. Tháng 8 năm 1999, thượng phụ Giáo hội can-đê Raphael I Bidawid vui mừng loan báo: “Chuyến tông du của Đức Gioan-Phaolô II sẽ diễn ra từ ngày 2 đến ngày 5 tháng 12-1999.”
Sự phản đối của Hoa Kỳ
Như thế vì sao chuyến tông du lại không thực hiện được? Trong một bài báo đăng trên nhật báo của Tòa Thánh Osservatore Romano tháng 2 năm 2017, hồng y Giovanni Battista Re, lúc đó là Thứ trưởng Ngoại giao tiết lộ, chuyến đi đã vấp phải sự phản đối kiên quyết từ một quốc gia: đó là Hoa Kỳ.
Vào đầu tháng 6 năm 1999, ba nhà ngoại giao Mỹ đã được cử đến Rôma để “thông báo cho Tòa thánh về tình hình ở Irak và đưa ra các khó khăn mà Hoa Kỳ và Anh thấy trong chuyến tông du của giáo hoàng”.
Vào thời điểm đó, Vatican đã trấn an và giải thích đây chỉ là “chuyến đi thuần túy tôn giáo”, nhưng lý do này không thuyết phục được Washington. Lần này đến lượt thứ trưởng Ngoại giao Hoa Ky vượt Đại Tây Dương đi Rôma, nhưng các quan điểm không thay đổi. Vào cuối tháng 8, Hoa Kỳ đã công khai tuyên bố “lo ngại” vì có thể có “khả năng chế độ Irak sẽ thao túng chuyến thăm vì lý do chính trị”. Theo hồng y Giovanni Battista Re, “Đức Gioan-Phaolô II đã thấy trước sự phản đối này của Hoa Kỳ, nhưng ngài quyết tâm tiến hành trước.”
Các nghi ngờ của Saddam Hussein
Nếu Rôma muốn duy trì chuyến đi thì Baghdad có vẻ như ngày càng cự lại. Chuyến đi thăm tại chỗ của những người tổ chức liên tục bị trì hoãn. Cuối tháng 10-1999, Thượng phụ Raphael I Bidawid lấy làm tiếc: “Thời hạn kỹ thuật không còn đủ để Đức Giáo hoàng đi vào tháng 12.”
Ngày 9 tháng 12, Thứ trưởng Ngoại giao Re tiếp đại sứ Irak tại Tòa Thánh. Nhà ngoại giao giải thích, “đứng trước tình hình bất thường của đất nước, chuyến đi của giáo hoàng sẽ được hoãn lại cho đến khi hoàn cảnh cho phép”. Đằng sau ngôn ngữ ngoại giao, Vatican hiểu rằng “cánh cửa để thực hiện chuyến đi đã dứt khoát đóng lại”.
Đối diện với việc giáo hoàng không thể đi Irak, hai linh mục người Pháp trong tình tương trợ cương quyết của mình, đã quyết định thực hiện chuyến hành hương: linh mục Dominique Lebrun và linh mục Pascal Gollnisch – linh mục Lebrun bây giờ là Tổng Giám mục giáo phận Rouen và linh mục Pascal Gollnisch là Tổng Giám đốc Chương trình Phương Đông.
Đầu năm 2000 tại Baghdad, sứ thần Tòa thánh ở Irak tiếp hai linh mục, giải thích cho họ hiểu sự bạo ngược của chế độ độc tài Irak. Tổng giám mục Lebrun giáo phận Rouen nhớ lại: “Saddam Hussein không tin vào lòng chân thành của giáo hoàng, ông lên án các hoạt động quốc tế chống lại đất nước ông.”
Ba lọ đất ở Ur
Tại Irak, trên chiếc xe không có máy điều hòa dù trời nóng gió như thiêu đốt, linh mục Lebrun và Gollnisch đến thành phố cổ Ur. Linh mục Lebrun kể: “Chúng tôi nghe tiếng bom Mỹ dội trong sa mạc. Chúng tôi rất ấn tượng nhưng chúng tôi không nản lòng.” Ở đó, hai linh mục thấy một bãi đáp trực thăng đã được chuẩn bị, như thế cho biết dù sao Irak cũng đã chuẩn bị về mặt cơ sở.
Sau khi cầu nguyện, hai linh mục nhặt một ít đất. Giám mục Lebrun nói: “Tôi đặt làm ba chậu đất nung trong đó chúng tôi chia ra số đất này, một cho tôi, một cho bạn tôi và một cho giáo hoàng”.
Khi đó giám mục Lebrun đang làm việc ở Rôma, nhân buổi tiếp kiến chung của giáo hoàng, giám mục đã trao cho Đức Gioan-Phaolô II lọ đất nung: “Ngài cám ơn tôi, trong một cứ chỉ tương tự như mỗi khi ngài đến đất nước ngài viếng thăm, ngài hôn đất này.”
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Bài đọc thêm: Năm điểm cần biết về chuyến đi Irak của Đức Phanxicô
Tòa thánh và các Giáo hội Irak, vai trò khai phá của Đức Phanxicô